Bi kịch của giá dầu thô…

0 240

Từ ngày 11/2/2016 tới nay, giá dầu đã tăng khoảng 50%, nhưng gần đây, những yếu tố ủng hộ đà tăng của giá dầu đang mất dần. Ngay cả kỳ vọng vào quyết định đóng băng sản lượng của các nước sản xuất dầu mỏ cũng trở nên nhạt nhòa.

Gia dau 20130

LỖ HỔNG NGHIÊM TRỌNG CỦA MỘT THỎA THUẬN

Ngày 16/2/2016, Saudi Arabia, Venezuela, Qatar và Nga đồng ý đóng băng sản lượng dầu mỏ ở mức của ngày 11/1. Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi tuyên bố đóng băng sản lượng chỉ là bước đi đầu tiên, vài tháng tới còn phải đánh giá xem có cần phải áp dụng thêm các biện pháp khác hay không. Tin tức loan đi, giá dầu cùng ngày lập tức tăng hơn 6%, vượt mốc 35 USD/thùng. Những hôm sau đó, nhận thức chung của các nước sản xuất dầu lớn nêu trên tiếp tục trở thành động lực để giá dầu nối dài đà hồi phục.

Dự kiến vào ngày 17/4 tới, 15 nước sản xuất dầu trong, ngoài OPEC (chiếm 73% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu) sẽ nhóm họp tại Thủ đô Doha của Qatar để đưa ra quyết định cuối cùng về việc đóng băng sản lượng. Một số chuyên gia cho rằng riêng việc ngồi lại với nhau thảo luận vấn đề sản lượng, các nước sản xuất dầu đã thuyết phục thành công thị trường rằng từ nay chuyện quản lý nguồn cung ứng dầu sẽ không còn là chủ đề cấm kỵ nữa.

Bên cạnh đó, từ 4 nước ban đầu hiện đã có 15 nước tham gia thảo luận vấn đề đóng băng sản lượng, cho thấy ngày càng có thêm nhiều quốc gia sản xuất dầu cảm nhận được tính bức thiết phải phối hợp kích thích giá dầu đi lên. Thực tế này làm rõ hơn nhận định của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namadar Zanganeh rằng dù là về dài hạn hay ngắn hạn, giá dầu thấp đều không có lợi cho phát triển kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu bình tâm suy xét sẽ thấy con đường đi tới quyết định đóng băng sản lượng không hề suôn sẻ. Ban đầu, theo một quan chức cấp cao Nigeria, thời gian nhóm họp là vào ngày 20/3, nhưng sau đó lại bị đẩy lùi gần một tháng. Ngoài lịch trình khó sắp xếp, vấn đề thời gian đóng băng sản lượng cũng là cản trở lớn. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio del Pino mong muốn hành động đóng băng sản lượng chỉ nên kéo dài tới mùa hè này, nhưng sau đó Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak lại cho rằng cần phải đóng băng sản lượng trong một năm.

Quan trọng hơn, ông Novak tiết lộ với hãng tin Reuters (Anh) rằng cuộc đàm phán tới đây chỉ bàn về vấn đề đóng băng sản lượng chứ không đề cập tới việc xuất khẩu dầu mỏ. Trong khi đó, vào tháng sau, Nga sẽ xuất khẩu sang châu Âu 7 triệu tấn dầu, tăng 9% so với mức 6,41 tấn của tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2013. Một khi quyết định đóng băng chỉ liên quan tới lượng dầu sản xuất ra, không có tính ràng buộc với lượng dầu xuất khẩu, mức độ ảnh hưởng tới sự hồi phục của giá dầu chắc chắn sẽ không như kỳ vọng ban đầu.

Nếu đặt lỗ hổng này bên cạnh thời gian được chọn làm thời điểm đóng băng, tương lai giá dầu càng thêm ảm đạm. Tại sao vậy? Số liệu của Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu chung (JODI) cho thấy xuất khẩu dầu của Saudi Arabia tiếp tục tăng, từ mức 7,49 triệu thùng trong tháng 12/2015 lên mức 7,84 triệu thùng của tháng 1/2016, cao nhất kể từ tháng 3/2015. Ngoài Nga và Saudi Arabia, xuất khẩu dầu của các nước sản xuất dầu khác như Iraq, Iran, Kuwait… cũng đều tăng.

Có lẽ vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng nhận nhức chung về việc đóng băng sản lượng gần như không có ý nghĩa thực tế, thậm chí là “trò hề”. Mục đích của hành động này là nhằm kích thích giá dầu hồi phục, nhưng trên thực tế lại không đưa ra bất cứ hạn chế nào đối với nguồn cung. Rốt cuộc, tăng trưởng về xuất khẩu dầu có thể vẫn làm tổng cung dầu toàn cầu tăng lên. Đó là chưa nói đến việc sản lượng của các nước sản xuất dầu trong tháng 1/2016 gần như đã đạt đỉnh.

Khi giá dầu hồi phục, những dự báo lạc quan đã xuất hiện. PIMCO – quỹ đầu tư trái phiếu lớn thứ hai thế giới sau Vanguard – cho rằng giá dầu thấp kích thích nhu cầu tăng cao.

HIỆN THỰC ĐÈ NÁT MƠ HOANG

Trong một nhận định đưa ra vào trung tuần tháng 3/2016, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu cuối cùng đã thoát đáy và đang hồi phục rõ rệt. Thị trường thế giới cũng ghi nhận cú quay đầu tăng giá ngoạn mục của “vàng đen”. Từ mức 28,5 USD/thùng hồi giữa tháng 1/2016, giá dầu đã vượt trên 41 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều 22/3. Ngoài việc thỏa thuận đóng băng sản lượng làm dấy lên kỳ vọng, sản lượng dầu thô của Mỹ hiện nay đã giảm 5,5% so với mùa hè năm ngoái cũng là một động lực quan trọng giúp giá dầu đảo chiều đi lên.

Khi giá dầu hồi phục, những dự báo lạc quan đã xuất hiện. PIMCO – quỹ đầu tư trái phiếu lớn thứ hai thế giới sau Vanguard – cho rằng giá dầu thấp kích thích nhu cầu tăng cao. Quan trọng hơn, tiến trình tái cân bằng cung – cầu về dầu vẫn đang tiếp tục, cho nên, giá dầu có thể trở lại mức 50 USD/thùng. Thậm chí, theo Sanford C Bernstein & Co., giá dầu năm tới có thể lên đến 70 USD/thùng chứ không chỉ dừng ở mức 50 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 3, cũng là trước thềm cuộc gặp gỡ của 15 nước sản xuất dầu lớn trên thế giới ở Doha, giá dầu đã đảo chiều, rớt xuống dưới mức 40 USD/thùng. Sau nhiều phát biểu của các quan chức liên quan, kỳ vọng vào thỏa thuận đóng băng sản lượng đã biến thành hoài nghi về hiệu quả thỏa thuận. Bên cạnh đó, theo Goldman Sachs, ảnh hưởng tích cực từ sự giảm sút sản lượng dầu thô của Mỹ tới giá dầu đã bị triệt tiêu bởi lượng dự trữ dầu mỏ của nước này tăng lên mức kỉ lục mới. Đó là chưa nói tới thời điểm được lựa chọn làm mốc đóng băng sản lượng, nguồn cung dầu thế giới đang dư thừa 1 triệu thùng/ngày, như thông tin của nhà phân tích Dominic Haywood thuộc Công ty Tư vấn Năng lượng Energy Aspects.

Áp lực đối với giá dầu đến từ nguồn cung càng gia tăng khi ngày 29/3, “anh cả” của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Saudi Arabia và Kuwait đã đạt được đồng thuận khôi phục sản lượng dầu tại mỏ dầu Khafji mà hai nước khai thác chung. Trước thời điểm tạm ngừng hoạt động vào tháng 10/2014, mỏ dầu này có sản lượng hơn 300.000 thùng dầu/ngày. Đặc biệt, vào ngày 17/4 tới, tuy tham gia hội nghị, nhưng Iran vẫn cương quyết không cắt giảm sản lượng trước khi lượng sản xuất dầu của nước này đạt mức 4 triệu thùng/ngày. Hai nước OPEC khác là Lybia và Iraq cũng không tham gia vào đội ngũ các quốc gia đóng băng sản lượng.

Nói cách khác, nhận thức chung, sắp tới có thể là quyết định đóng băng sản lượng gần như chỉ tạo ra tác động tâm lý ngắn hạn. Vấn đề cốt lõi của thị trường dầu mỏ vẫn là nguồn cung tiếp tục dư thừa còn nhu cầu vẫn không đủ để hấp thụ sản lượng dư thừa. Vì kinh tế eo hẹp, các nước như Iraq, Venezuela hay Nigeria khó có thể cắt giảm sản lượng, ngược lại cố gắng bán ra càng nhiều càng tốt. Để lấy lại thị phần, Saudi Arabia và Iran cũng khó lòng có hành động thực chất.

Đó là chưa nói tới việc một khi giá dầu lên trên mức 40 USD/thùng (mức đã tạo ra lợi nhuận), các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác. Không gian tăng giá của dầu mỏ vốn đã hạn hẹn lại càng hạn hẹp thêm.

Có lẽ vì vậy, ngay khi giá dầu vượt mốc 40 USD/thùng vào hôm 21/3 vừa qua, chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ John Kilduff thuộc Again Capital LLC đã cảnh báo thực tế này sẽ không kéo dài.

Theo ông John Kilduff, viễn cảnh giá dầu trở về mức 25 USD/thùng đang chờ đợi ở phía trước.

Neil Atkinson, một quan chức cấp cao của IEA cũng cho rằng giá dầu khó có thể duy trì trên ngưỡng 40 USD/thùng, không gian dao động tương đối hợp lý của giá dầu là từ 35 – 40 USD/thùng. Trong khi đó, hãng tài chính Morgan Stanley nhận định giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp, trung bình là 30 USD/thùng cho tới đầu năm 2017.

Thegioibantin.com

Nguồn: nangluongvietnam online, HẠNH NGỌC/ TTXVN

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ