Có nên xóa bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017?

0 484

Sau 28 năm khôi phục, phát triển và gìn giữ lễ hội chọi trâu truyền thống của Đồ Sơn, đến nay mới xảy ra một sự việc đáng tiếc của chủ trâu Đinh Xuân Hướng, chủ trâu số 18 đã bị thiệt mạng bởi chính “ông” trâu mà mình đã huấn luyện đào tạo để lên “võ đài” tỉ thí. Từ đây dư luận bắt đầu “nổ” ra quan điểm nên giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu.

Giống như hầu hết người Hải Phòng, tôi được bố cho đi xem chọi trâu từ thời còn lẫm chẫm. Ngày ấy để có thể xem được chọi trâu thì phải đi từ tờ mờ sáng, mọi người rủ nhau đi xe đạp, đường thì nhỏ, khó đi nhưng vẫn háo hức, nô nức như đi xem hội.

Ngày ấy khu vực đầm Vuông (nay là sân vận động Đồ Sơn) vào mùa hội là 1 bãi lầy với cỏ có nơi mọc tới ngang thắt lưng. Ngày ấy chuyện trâu phá rào lao ra khỏi xới khiến người xem chạy mất dép, mất giày là rất bình thường.

Sau này khi kinh tế khá hơn, ban tổ chức cũng thức thời cải tiến lễ hội có nhiều dịch vụ đi kèm với nhu cầu của xã hội, hội chọi trâu thu hút nhiều du khách hơn, mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho địa phương. Người ta sây sân vận động tại nơi đó rồi chuyển sới chọi vào trong sân vận động. Lễ chọi trâu trong sân vận động rõ ràng thuận tiện hơn cho du khách tới xem, họ được ngồi trên khán đài khô ráo với rào sắt quây sới chọi phía dưới để đảm bảo an toàn.

Một trong những kháp đấu hay và ấn tượng trong ngày khai mạc lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Ảnh: Nguyễn Hồng Phong

Ở màn khai mạc hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 1/7, lần đầu tiên trong lịch sử lễ hội, chủ trâu Đinh Xuân Hướng bị chính “ông” trâu của mình đào tạo húc chết và gần như ngay sau đó nhiều ý kiến chuyên gia cũng như cư dân mạng xã hội bày tỏ mong muốn xóa bỏ lễ hội này.

Trước khi bàn cụ thể vào vấn đề cảm xúc của nhân dân, hầu hết mọi người đều thương xót và chia sẻ với ông Đinh Xuân Hướng. Họ truyền tay nhau tấm ảnh ông bị hất văng lên cao và bị sừng của trâu số 18 xuyên thủng qua đùi. Tôi đã xem rất kỹ đoạn video ông Hướng đối đầu với “ông” trâu của mình. Trên sới chọi trâu, ông là chủ trâu tham gia lễ hội – “ông” trâu định mệnh mang số báo danh 18. Khi vào sới đấu, vài phút trước khi bị tấn công, ông Đinh Xuân Hướng đeo thẻ BTC, trực tiếp cầm 1 đoạn thừng đưa “ông” trâu của mình vào sới.

Có chi tiết lạ là ông Đinh Xuân Hướng không mặc áo màu đỏ như BTC yêu cầu đối với các chủ trâu. Hình ảnh video cho thấy, khi trâu số 18 có biểu hiện hung hãn, ông Hướng ra hiệu cho mọi người tản ra, bản thân không hề sợ hãi bỏ chạy khỏi sới mà cố gắng tìm cách “bắt” lại “ông” trâu đang nổi cơn bất kham để ngăn ngừa hậu hoạ.

Phải đến cú húc thứ 3, cả đầu “ông” trâu lao vào đầu ông chủ trâu, ông Đinh Xuân Hướng mới “chịu” nằm gục, trở thành người đầu tiên chết trên sới chọi trâu trong lịch sử hàng ngàn năm tồn tại của lễ hội này. Tinh thần đó của ông đúng với tinh thần ca ngợi tinh thần thượng võ, anh hùng quân tử, dũng cảm can trường, sẵn sàng đối đầu với mọi hiểm nguy, thử thách của những người đàn ông Đồ Sơn nói riêng, của người Hải Phòng và người dân Việt Nam nói chung. Và lịch sử lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lần thứ 28, năm 2017 sẽ mãi mãi gắn liền với tên Đinh Xuân Hướng.

Một màn rượt đuổi giữa hai “ông” trâu để lại ấn tượng với khán giả. Ảnh: Nguyễn Hồng Phong

Nhìn ra thế giới, ở Tây Ban Nha, mỗi mùa hội bò chuyện người chết và bị thương là rất bình thường bao đời nay những lễ hội vẫn được tiếp diễn. Cũng giống như người Tây Ban Nha đấu bò tót, người Đồ Sơn coi chọi trâu là một phần của văn hoá địa phương, lễ hội được sinh ra từ tín ngưỡng của những người đi biển. Chuyện xảy ra với ông Đinh Xuân Hướng nói riêng và lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 nói chung có rất nhiều lý do khách quan đem lại, mỗi cá nhân trong ban tổ chức cần nghiêm khắc nhìn nhận lại các vấn đề để khắc phục và chấm dứt việc đáng tiếc như trên không bao giờ xảy ra.

Ivan Fandino sinh ngày 29/09/1980 tại Urduna, Tây Ban Nha. Anh là một võ sĩ đấu bò nổi tiếng ở đất nước này, đấu sĩ lừng danh Ivan Fandino đã qua đời sau vết thương chí mạng trong trận chiến với bò tót ở vùng Mont-de-Marsan miền Tây Nam nước Pháp (giáp Tây Ban Nha)

Đấu sĩ bò tót lừng danh Ivan Fandino sinh ngày 29/9/1980 tại Urduna, Tây Ban Nha. Anh là võ sĩ đấu bò tót nổi tiếng ở đất nước này. Ảnh: internet

Fandino, 36 tuổi, đã bất ngờ gặp sự cố khi anh dẫm phải áo choàng và bị trượt ngã. Chính lúc này, con bò tót đã húc mạnh làm thủng lá phổi của anh. Ngay lập tức, trận đấu đã được dừng lại, Fandino được đưa vào khu vực sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện nhưng vết thương quá nặng đã khiến anh không thể qua khỏi. Trong quá khứ, Ivan Fandino đã mơ ước trở thành đấu sĩ bò tót từ khi 14 tuổi. Mặc dù vậy, mãi đến năm 2005, người đàn ông có tình yêu đặc biệt với bộ môn này mới có trận ra mắt đầu tiên. Đấu sĩ 36 tuổi từng chiến đấu với hàng trăm con bò tót trong sự nghiệp của mình. Hiện tại, Fandino là đấu sĩ bò tót người Tây Ban Nha thứ 2 thiệt mạng giữa lúc trình diễn trong vòng 12 tháng qua.

Đấu sĩ lừng danh Ivan Fandino đã qua dời sau vết thương chí mạng trong trận chiến với bò tót ở vùng Mont – de – Marsan miền Tây Nam nước Pháp (giáp Tây Ban Nha). Ảnh: internet

Trước đó, đấu sĩ Victor Barrio cũng bị bò tót húc chết trong lúc biểu diễn hồi tháng 7 tại Teruel, Tây Ban Nha. Tờ El Pais cho biết trong thế kỷ trước, 134 người, gồm 33 đấu sĩ, bị bò giết chết ở Tây Ban Nha. Năm 2015, cũng có một đấu sĩ hàng đầu tên Francisco Rivera Ordonez bị thương nặng khi tham gia cuộc đấu ở Đông Bắc thị trấn Huesca.

Lễ hội “chạy cùng bò tót” đầy nguy hiểm ở Tây Ban Nha vẫn được duy trì, thậm chí trở thành ngày hội quan trọng. Ảnh: internet

Trên facebook của nhà báo Thế Khoa có viết về những điều kỳ lạ bên lề của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: “Tôi xin kể ra một vài việc để mọi người có thể hiểu sâu hơn về lễ hội này. Cứ đến ngày chọi 9-8 âm lịch là trời nổi giông gió vần vũ, mưa như trút nước. Nhiều người tin rằng, đó là anh linh của những bậc tiên tổ người Đồ Sơn ra khai thiên lập ấp ngoài bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh) hiện về quê cũ dự hội chọi trâu. Đôi câu đối treo ở Đền Nghè có 4 chữ “kỳ ngưu đáo xứ” – nghĩa là trâu lạ ở nơi khác đến – thì mới chọi hay. Vì vậy, tuyệt đại đa số các “ông” trâu được dự sới chọi ở Đồ Sơn là các giống trâu ngoài Hải Phòng. Có “ông” đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, từ các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, có “ông” đến từ miền Đông Nam Bộ (hay như ông trâu 18 gây hoạ cho chủ đến từ miền Tây Nam bộ – nơi đặt bối cảnh bộ phim “Mùa len trâu” nổi tiếng). Thậm chí nhiều ông sang đây bằng… hộ chiếu Lào, Campuchia, Myanma…

Tiếp đến là cơ duyên chủ trâu gặp được “ông” trâu. Cứ tan hội chọi trâu năm trước, ăn tết xong, qua rằm tháng giêng năm sau là các phường giáp Đồ Sơn đã khăn gói quả mướp lên đường tìm trâu chọi mới. Khi gặp được “ông” trâu ưng ý, bao giờ người mua trâu cũng đưa thêm tiền, xin phép nhờ chủ nhà làm một mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng ấy có món này món khác tuỳ vùng miền nhưng nhất thiết trên mâm phải có 1 cuộn dây thừng mới. Chủ trâu mới thắp hương quỳ giữa sân nhà có trâu, khấn khứa đại khái rằng: Chúng con quê ở Đồ Sơn, không quản đường xá trèo đèo lội suối, muôn dặm quan san mới tìm được đến đây, có cơ duyên được gặp “ông”. Nay con xin phép thay thừng mới, rồi “ông con mình” cùng về quê Đồ Sơn để mong giữ nếp xưa dáng cũ, để cùng rạng danh ở chốn trời biển giao hoà”…đã có nơi nào và ở đâu, người và vật đối đãi với nhau cung kính như thế?

Cuối cùng là một chuyện… khó nói. Đó là tục lệ, gần đến ngày chọi, chủ trâu phải “ăn chay nằm mộng”, tuyệt đối không gần gũi vợ để giữ cho cả thể xác và tinh thần của mình được thanh tịnh, chuyên tâm vào việc luyện trâu. Thật ra về khoa học, việc này giúp chủ trâu bảo đảm sức khoẻ huấn luyện trâu, một công việc rất tốn sức, việc còn lại là tạo niềm tin vào sự may mắn của “ông” trâu trong mùa chọi mới.

Chưa ai hỏi các bà vợ của các ông chủ trâu có cảm nghĩ thế nào về sự “cấm vận” này, nhưng có lẽ các chị cũng không quan tâm lắm. Bởi vì, ông trâu chọi đại diện cho sức mạnh, tiềm lực và danh dự của cả gia đình, cả dòng họ, có khi là cả hàng giáp nữa. Có lẽ thế mà tất cả đều chuyên tâm vào nó, những chuyện khác không phải là vấn đề”.

Ít ai biết, việc khôi phục lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từng được đánh giá là một trong những nét đổi mới đáng kể về văn hoá của cả nước những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Cũng không phải ngẫu nhiên, chọi trâu Đồ Sơn được vinh danh là 1/15 lễ hội trọng điểm quốc gia, ở một đất nước có đến trên 8000 lễ hội lớn nhỏ. Có thể tự hào nói rằng, chọi trâu Đồ Sơn là một trong số rất ít lễ hội xuất xứ Hải Phòng gây được tiếng vang với bên ngoài. Vậy thì, người Hải Phòng có gì để tự hào, để phân biệt với những nơi khác, nếu không phải là lễ hội chọi trâu?

Bất chấp sự nguy hiểm hay các ý kiến phản đối, lễ hội chạy bò truyền thống ở Pamplona vẫn được duy trì thường niên. Ảnh: internet

Tôi mong muốn rằng mọi người hãy chia sẽ mất mát với cá nhân ông Hướng, tôi cũng tin rằng chính quyền địa phương cũng đau xót không kém gì người thân của gia đình ông. Nhưng văn hóa luôn là hồn cốt của một dân tộc, một địa phương. Văn hóa tạo nên sự khác biệt để nhận biết vùng miền. Sau sự việc đáng tiếc này, tôi rất mong muốn bạn bè bốn phương có cái nhìn thông cảm và chia sẻ với lễ hội của chúng tôi và sau cùng đóng góp những ý kiến để lãnh đạo địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm, tiếp thu để những mùa lễ hội sau sẽ không bao giờ có việc đáng tiếc khác xảy ra.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn:  enternews.vn, Lê Linh

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ