Thai nhi tuần 6
Đây là thời điểm khá đặc biệt – chỉ thêm 6 tuần nữa thôi là bạn đã trải qua hết giai đoạn 1. Lúc này, việc hạn chế tiếp xúc với độc tố, virus hoặc hóa chất vẫn thực sự quan trọng, vì chúng có khả năng gây hại cho thai nhi đang thành hình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải khóa mình ở một nơi nào đó, chỉ cần lưu ý và tập trung giữ gìn sức khỏe cho mình.
Mình trông như thế nào nhỉ?
Vào lúc này, bạn vẫn sẽ trông không giống như đang có bầu. Các hormone thai kỳ hoạt động liên tục để giúp thai bám chắc hơn vào thành tử cung, và giúp em bé phát triển. Bạn sẽ cảm thấy ngực mình to và nặng hơn một chút, còn vòng eo thì nhanh chóng biến mất. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, hoặc một chút mơ mơ hồ hồ. Tất cả đều có thể được xem như là các triệu chứng bình thường của giai đoạn đầu thai kỳ.
Bạn dị ứng với mùi thức ăn
Thời gian này bạn vẫn có thể còn cảm thấy sợ một vài món ăn đặc biệt nào đó. Các chuyên gia cho rằng đây là một cách tự nhiên để bảo vệ thai nhi khỏi các loại thực phẩm có khả năng gây hại.
Lúc này, bạn cũng có thể thấy mình không được khỏe như trước mỗi khi tập thể dục, thấy thở nặng nhọc hơn và dễ mệt hơn. Vì vậy, bạn nên chuyển qua các bài tập nhẹ nhàng hơn cho phù hợp. Bạn vẫn rất cần vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, và nên kết hợp thể dục vào các hoạt động hàng ngày của mình. Những chị em tăng cân quá mức khi mang thai có thể gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn vào lúc sinh.
Những thay đổi về mặt thể trạng
- Bụng của bạn sẽ lớn hơn một chút
- Chứng buồn nôn có thể vẫn còn. Người ta ước tính đến khoảng 70-80% phụ nữ bị buồn nôn ở một mức độ nào đó trong ba tháng đầu của thai kỳ. Cố gắng tránh bỏ lỡ các bữa ăn để phòng tình trạng hạ đường huyết, và nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa. Không cần thiết phải ép mình ăn món gì đó chỉ vì nghĩ là nó tốt.
- Lúc này, cảm giác nặng và đầy ở vùng chậu có thể trở nên rõ nét hơn. Nó thậm chí có thể tệ hơn mỗi khi bạn ăn no hoặc khi bạn mắc tiểu. Về mặt hình thức thì vẫn chưa thấy dấu hiệu bạn mang thai vì bụng của bạn nhìn gần như là bình thường.
- Bạn có thể cảm thấy khu vực vòng eo có vẻ dày lên hơn bình thường. Mặc dù vẫn chưa đến lúc để mặc áo bầu, nhưng bạn vẫn nên chọn những chiếc quần có thắt lưng co giãn, hoặc váy áo phù hợp.
- Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi nhiều hơn trong tuần này. Có ngày bạn còn có thể cảm thấy như chưa được ngủ chút nào, hoặc ngủ vẫn chưa đủ. Bạn chỉ ước ao cho nhanh tới ban đêm để lại được leo lên giường. Hãy cố gắng sắp xếp để nghỉ hoặc ngủ trưa, vì nó sẽ rất có ích cho bạn trong việc lấy lại sức.
- Từ tuần thứ 6 trở đi, bạn có thể cảm nhận chút đau ở dưới thắt lưng mà trước khi có thai bạn chưa từng bị. Khi này, đau lưng thường là do áp lực từ tử cung đang lớn dần của bạn tác động lên cột sống phía dưới. Những cơn đau lưng sẽ đến rồi đi trong suốt thai kỳ, do tác động của hàm lượng hormone đang không ngừng gia tăng trong cơ thể bạn.
Những thay đổi về cảm xúc
- Vào thời điểm này, có những lúc bạn cảm thấy nghi ngờ về việc có thai, cứ như tất cả là do mình tưởng tượng ra vậy. Có thể bạn vẫn chưa đi khám bác sĩ nên chủ yếu là vẫn dựa vào các triệu chứng để tự thuyết phục mình. Hãy kiên nhẫn. Tuần thứ 6 này cũng quan trọng như bất kỳ tuần nào khác, và thai nhi của bạn đã phát triển rất nhiều trong 6 tuần qua kể từ khi bạn thụ thai.
- Bạn có thể cảm thấy buồn rầu và dễ nổi cáu, tính khí trở nên thất thường và đôi khi không chịu được một số người hay một số tình huống nào đó.
- Bạn có thể bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về bé, về giới tính và thậm chí cả tên gọi của bé. Bạn nhận ra, những suy nghĩ về việc đứa bé sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình sẽ chiếm khá nhiều thời gian và tâm trí của bạn.
Những thay đổi của thai nhi trong tuần này
- Tuần này, bào thai của bạn đã có thể chính thức được gọi là thai nhi. Tên gọi này sẽ tiếp tục cho đến hết thai kỳ. Khi thai nhi đã lọt lòng mẹ thì sẽ được gọi là “em bé”, hoặc gọi bằng tên riêng. Vào thời gian này, một số cặp vợ chồng đã đặt tên gọi thân mật cho thai nhi.
- Thai nhi lúc này dài chưa tới 1 cm, và cái đuôi nhỏ xíu cuối cùng cũng đã mất đi, nhưng nhìn hình dáng thì vẫn giống như là chỉ có đầu thôi, trán rất to, còn thân mình thì bé xíu. Tuy vậy, bạn không phải lo lắng, trong vài tuần tới bé sẽ phát triển dài ra thêm, và những cái tay, cái chân tí hon bây giờ cũng sẽ phát triển và thành hình dần.
- Trong tuần này, em bé sẽ hình thành chóp mũi. Các ngón tay, ngón chân, môi, mí mắt, và chân đang ngày càng trở nên rõ nét hơn. Đôi mắt lúc này còn ở vị trí khá xa nhau, gần về phía hai bên thái dương hơn.
- Trong tuần thứ 6, các van tim của bé đã xuất hiện, những đường dẫn khí từ cổ họng đến phổi cũng được hình thành. Đã xuất hiện những đường nét nho nhỏ ở đầu các chi nơi mà các ngón chân và ngón tay sẽ thành hình.
- Tuần này, thai nhi sẽ có một vài cử động không chủ ý nhưng bạn sẽ không thể nhận ra được vì nó rất nhỏ. Thai nhi vẫn còn trong hình dạng chữ C, tương tự như hạt đậu, di chuyển thấp thoáng bên trong tử cung của bạn.
- Xương của bé bắt đầu hình thành trong tuần này, và thai nhi đã có thể gập cánh tay bé xíu của mình lại ở phần khuỷu tay và cổ tay
Lời khuyên cho tuần này
- Nên chọn áo ngực thoải mái hơn phù hợp với vòng một đang lớn lên của bạn. Tuy nhiên vẫn còn sớm để mặc áo ngực bà bầu hay loại áo cho con bú.
- Tránh những công việc phải chạy ngược chạy xuôi suốt ngày từ sáng đến tối. Không nên ôm đồm quá nhiều việc, và hãy nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi.
- Hãy cân nhắc việc mua một chiếc gối hỗ trợ dành cho bà bầu để sử dung luôn cho đến khi bạn sinh bé. Loại gối hình chữ nhật, dài, sẽ có thể hỗ trợ tuyệt vời cho chiếc bụng ngày càng to ra của bạn, và giúp giảm thiểu các cơn đau lưng.
- Hãy tìm hiểu kỹ để chọn bác sĩ để chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho bạn trong suốt thai kỳ. Bạn nên trao đổi thêm với những người thân, người bạn đã từng có con; đọc thêm những thông tin bạn cần tham khảo, và bàn bạc với chồng để anh ấy cùng đưa ra ý kiến quyết định.
Nguồn: Huggies