Chuyện đời Trịnh Đình Kính – “Ông tổ” thủy tinh Việt Nam: Xuất đi khắp xứ Đông Dương và thuộc địa
Từ một cậu bé giúp việc trong các lò sản xuất thủy tinh của người Hoa tại Việt Nam, Trịnh Đình Kính đã tự mình tạo nên một nhãn hiệu thủy tinh danh tiếng và đáng tự hào cho Việt Nam: thủy tinh Thanh Đức.
Sản phẩm thủy tinh do ông sản xuất không chỉ chiếm lĩnh thị trường Đông Dương mà còn được xuất qua Pháp và các nước thuộc địa khác. Ứng dụng thành công hàng loạt các công nghệ mới trong sản xuất, Trịnh Đình Kính được phong tặng chức danh: ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương.
Có thể nói, Trịnh Đình Kính chính là người đã lát viên gạch hồng đầu tiên, xây dựng nền móng cho ngành thủy tinh của Việt Nam.
Khát vọng làm chủ
Trịnh Đình Kính sinh năm 1886 tại làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ra đời trong cảnh nước mất nhà tan, Trịnh Đình Kính sớm trở thành cậu bé mồ côi cha. Trịnh Đình Thành – cha cậu, đã hy sinh khi tham gia trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương.
Để phụ giúp gia đình, Trịnh Đình Kính phải đi gánh thuê than xỉ cho các lò nấu thủy tinh của người Hoa ở Hàng Bồ khi mới 10 tuổi. Chăm chỉ, cần mẫn và bền bỉ trong công việc, cậu được một ông chủ người Hoa quý mến nên nhận vào làm người giúp việc. Không những siêng năng, Trịnh Đình Kính còn tỏ ra rất thông minh, khôn khéo và trung thực.
Người Hoa có nguyên tắc đối với người ngoài chỉ dạy họ ăn chứ không dạy làm. Đó cũng chính là lý do mà nhiều năm trước đó, ở Hà Nội chỉ có duy nhất người Hoa độc quyền làm nghề nấu thủy tinh. Phải là con cái trong gia tộc, mới truyền nghề. Thế nhưng, đối với cậu bé Kính là một trường hợp ngoại lệ.
Do rất yếu quý cậu bé, ông Tài Cống đã nhận cậu bé làm con nuôi, truyền bí kíp ngón nghề nấu thủy tinh cho cậu học. Ông bảo, ông truyền nghề không chỉ muốn cho cậu bé sau này có cơm ăn, áo mặc mà sẽ là một thương gia lớn.
Thời đó, Việt Nam chỉ có lò thủy tinh của người Hoa. Sản phẩm cũng chỉ có bóng đèn thuốc phiện, bóng đèn hai dây, chai lọ đựng kẹo, thông phong – bóng đèn dùng cho đèn hoa kỳ. Chính vì vậy, Trịnh Đình Kính nuôi ý tưởng mở một xưởng thủy tinh của riêng mình – một người Việt Nam.
Ông khát khao tạo ra nhiều sản phẩm thủy tinh với những mẫu mã đa dạng, đẹp và chất lượng cao. Ông muốn sản phẩm của mình sẽ được bán ra thị trường Đông Dương.
Sau 18 năm gắn bó với lĩnh vực thủy tinh, Trịnh Đình Kính đã tiếp thu tất cả kiến thức về thủy tinh, từ đắp lò nấu, làm khuôn hàng, kỹ thuật thổi thủy tinh đến cả bí quyết pha màu thổi thủy tinh màu xanh. Năm 1914, với số vốn không nhiều, ông hợp tác với một người bạn mở một xưởng sản thủy tinh.
Sau đó không lâu, người bạn của ông rút lui và ông trở thành ông chủ của xưởng sản xuất thủy tinh Thanh Đức, đặt tại 65 Hàng Bồ. Lúc này Trịnh Đình Kính 28 tuổi.
Thời gian đầu, Thanh Đức cũng chỉ sản xuất các mặt hàng cũ: lọ bánh kẹo, thông phong… Sản phẩm của Thanh Đức và của những người Hoa ở Hà Nội không được tầng lớp thượng lưu và người Pháp ở xứ Đông Dương ưa chuộng. Những người này chỉ quen dùng hàng thủy tinh của Pháp.
Từ khắc phục khiếm khuyết đến đột phá trong cải tiến sản phẩm
Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, sản phẩm thủy tinh của Pháp cũng không còn đường vào Đông Dương. Trịnh Đình Kính biết rằng đây là cơ hội để Thanh Đức vươn lên và chiếm lĩnh thị trường.
Ông đầu tư chiều sâu cho mẫu mã và chất lượng thủy tinh của mình. Sản phẩm thủy tinh Thanh Đức trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam có mặt và chiếm một vị trí quan trọng trong nhà Gô-đa ở Hà Nội – siêu thị đầu tiên của Việt Nam, do người Pháp quản lý.
Trước đó, chất lượng sản phẩm thủy tinh của Việt Nam rất kém, cứ gặp nước sôi là rạn nứt. Trịnh Đình Kính đã phải mất rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và thử nghiệm. Sản phẩm của ông không những đẹp mà còn không bị rạn nứt hoặc vỡ trong điều kiện nhiệt độ khác nhau.
Khi nấu thủy tinh, ông lấy phần thủy tinh có bọt để làm loại hàng thường, còn phần thủy tinh đọng phía dưới làm loại hàng cao cấp. Việc sản xuất phân cấp này giúp ông tận dụng được nguyên liệu, sản phẩm làm ra cũng có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng.
Vì vậy Gô-đa quyết định ký hợp đồng với Thanh Đức. Và sản phẩm thủy tinh của Thanh Đức bắt đầu xâm nhập Đông Dương thông qua nhà Gô-đa.
Thời đó, thổi thủy tinh màu xanh là bí quyết riêng của người Hoa, không được truyền ra ngoài. Nhưng Trịnh Đình Kính là một ngoại lệ. Tuy nhiên, ông không muốn chỉ có một màu xanh duy nhất này.
Vì vậy, ông tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo ra thủy tinh với nhiều màu khác nhau, cải tiến hoa văn ngày một đẹp hơn. Đa dạng về mẫu mã và sản phẩm, thủy tinh Thanh Đức ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.
Những người Pháp và những người giàu có tại Việt Nam bắt đầu quen với nhãn hiệu Thanh Đức. Các nước thuộc địa của Pháp cũng đặt hàng trực tiếp tại Thanh Đức.
Đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Mặt hàng cũng ngày càng phong phú và phức tạp hơn. Thanh Đức là xưởng đầu tiên cho ra đời các mặt hàng mà trước đó chưa hề có trên thị trường Việt Nam: những bóng đèn lớn với đường kính lên tới 45 cm, những sản phẩm thủy tinh màu trắng sứ, sản phẩm thủy tinh có khắc hoa văn.
Trịnh Đình Kính không ngừng cho cải tiến, nâng cấp máy móc và lò nấu. Mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, ông đã chế tạo thành công máy vẽ hoa văn trên thủy tinh. Tiếp đó, ông cũng thử nghiệm thành công công nghệ mới cho ngành thủy tinh lúc bấy giờ: công nghệ gọt thủy tinh.
Với việc ứng dụng công nghệ mới này, Trịnh Đình Kính đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong ngành thủy tinh lúc đó. Chính những thành công của Trịnh Đình Kính đã khiến cho người Pháp phải từ bỏ ý định đưa sản phẩm thủy tinh của họ quay lại thị trường Đông Dương.
Sáng tạo và phát triển công nghệ thủy tinh Việt
Trước sự lớn mạnh của Thanh Đức, các xưởng thủy tinh của người Hoa tại Việt Nam dần dần rút lui. Các xưởng thủy tinh của người Việt mọc lên như nấm. Tất cả những ông chủ của các xưởng mới này đều trưởng thành từ Thanh Đức.
Với tất cả những gì đã làm được, Trịnh Đình Kính được vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội tinh vì đã có công làm rạng danh người Việt trong những năm dài nô lệ.
Công việc kinh doanh của Trịnh Đình Kính đang trên đà phát triển thì chiến tranh Trung – Nhật bùng nổ. Những chiếc nồi nấu thủy tinh làm bằng đá mà ông đặt từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) không thể chuyển tới Việt Nam cho Thanh Đức.
Không nản, ngày đêm ông nghiên cứu cách chế tạo nồi. Thành quả của những tháng ngày mất ngủ đó là sự ra đời của một loại nồi nấu thủy tinh mới bằng đất chịu lửa. Thành công lại mỉm cười với Trịnh Đình Kính.
Đem gạo cứu đói cả làng
Ông Tiến kể tiếp, những cửa hiệu của cụ Kính làm ăn phát đạt đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân. Gia đình ông khi đó cũng thuộc hàng giàu có ở đất Hà thành. Tuy trở thành ông chủ lớn, có thân phận cao quý song cụ Kính rất thương dân nghèo.
“Trước những năm 1945, nhiều người ở quê đói khát, ra Hà Nội tìm bố tôi xin ăn. Dù không biết họ là ai, nhưng thấy họ đói khổ bố tôi giữ lại làm việc và cho ăn uống. Vì thế, trong nhà thường có vài chục miệng ăn. Có khi ăn xong, ông còn phát gạo cho họ mang về nhà”, ông Tiến kể .
Theo ông Tiến, năm 1945 khí nạn đói tràn về thôn Đôn Thưu – nơi cụ Kính sinh ra khiến nhiều người chết đói. Thấy vậy, cụ Kính đã cho người chở gạo về cứu đói dân làng.
Cụ bảo, đây là nơi cụ sinh ra và lớn lên. Vì thế cụ không thể nhìn thấy mọi người đói khát mà không cứu, dù có bán cả nhà máy, xí nghiệp sản xuất, cụ cũng phải cứu mọi người. Nhờ tấm lòng đôn hậu của cụ Kính, nhiều người dân thôn Đôn Thư thoát khỏi nạn đói. Họ cảm phục tấm lòng của người con hết lòng vì quê hương.
Cũng theo ông Tiến, đối với anh em họ hàng, cụ Kính cũng làm hết mình để họ được no ấm. Cụ từng bỏ ra số tiền lớn mua hàng chục mẫu ruộng để mọi người canh tác sản xuất. Nhiều gia đình nghèo đói, nhờ cụ mà có cơm ăn áo mặc.
Hiến hơn trăm cây vàng lá ủng hộ Cách mạng
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà tư sản Trịnh Đình Kính đã hằng tâm hằng sản với Cách mạng. Cụ chính là 1 trong những người giàu ở Hà Nội hăng hái tham gia Tuần lễ vàng. Cụ bê một hộp đồ trang sức vài kí lô với hơn trăm cây vàng lá để ủng hộ Cách mạng.
Ngôi nhà của cụ ở số 65 Hàng Bồ đã trở thành nơi ăn ở cho nhiều đại biểu Quốc hội khóa I. Năm 1947, Pháp bắt cụ giam nhiều ngày trong Hỏa Lò vì tội ủng hộ Việt Minh. Sau ngày Hòa bình lặp lại, xưởng thủy tinh Thanh Đức tiếp tục sản xuất đồ dùng thủy tinh cho các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Sau hòa bình một thời gian, xưởng thủy tinh Thanh Đức thành tài sản của Nhà nước.
Vào đầu thế kỷ XX, nhà tư sản Trịnh Đình Kính giàu có đã về Đôn Thư dựng lên ngôi nhà thờ các chúa Trịnh với tư cách là hậu duệ thứ chín của Chúa Trịnh Căn có tên là Trịnh Gia Thế Miếu (TGTM). Ngôi thế miếu nguy nga nhưng duyên dáng nằm giữa làng Đôn Thư nay thuộc xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội.
Là một làng quê cổ gần 2.000 tuổi, Từ xa xưa, Đôn Thư đã có hơn 30 người đỗ đạt, làm quan trong các triều đại. Thời Nguyễn, làng được tặng bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ Mỹ tục khả phong.
Sau này giới kiến trúc và sử học đã đồng thuận coi TGTM (được Hà Nội xếp hạng di tích) là loại hình kiến trúc ít gặp ở nước ta. TGTM vừa gần gũi với kiến trúc Miếu đường lại mang những đặc trưng kiến trúc của các gia tộc danh giá.
TGTM hội đủ nghệ thuật điêu khắc tinh xảo với những đề tài gần gũi với điêu khắc dân gian đầu thế kỷ XX ở vùng đồng bằng Bắc bộ lại chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Cung đình Huế.
Ngôi Trịnh Gia Thế Miếu bế thế nổi trội ở làng Đôn Thư sau 1954 trở thành nơi trụ sở làm việc chính của Ủy Ban Hành chính huyện Thanh Oai sau thỏa thuận giữa những nhà chức việc với nhà tư sản Trịnh Đình Kính.
Thỏa thuận rằng, huyện mượn tạm ít năm, sau khi xây xong Trụ sở huyện sẽ trả. Nhưng rồi, việc xây Trụ sở huyện đã hoàn tất nhưng việc trả lại không diễn ra. Đã thế huyện lại giao TGTM cho xã Kim Thư tiếp tục dùng làm Trụ sở ủy ban xã!
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ dặn các con phải kiên trì đòi bằng được TGTM. Cái thời những việc cần làm ngay tòa báo mà người viết bài này tòng sự cũng nhận được đơn với nội dung đòi lại TGTM của ông Trịnh Tiến con trai cụ Kính, người đang đứng cùng chúng tôi trong TGTM đây! Tòa báo khi đó cũng chỉ biết cái việc kính chuyển đến UBND tỉnh Hà Tây xứ Đoài xem xét giải quyết mà thôi.
Hàng gánh đơn là cách nói của ông Tiến chỉ cái công sức kiên trì, nhẫn nhịn hằng bao năm của các thành viên họ Trịnh hậu duệ cụ Kính kêu lên các cấp. Đùng cái, tất cả bỗng thở phào nhẹ nhõm bởi ngày 12/12/1989, UBND xã Kim Thư do ông Chủ tịch Nguyễn Công Bạ đã mời đại diện gia đình đến UB để nhận quyết định trao trả ngôi TGTM linh thiêng!
Khỏi nói niềm vui của ông Tiến và những người thân. Nhưng cũng chỉ 5 ngày sau khi nhận quyết định, có quyết định khác của UBND huyện Thanh Oai là cưỡng chế thu hồi lại TGTM! Kèm một quyết định khác của huyện nữa là cách chức ông Chủ tịch Nguyễn Công Bạ, cho nghỉ hưu với lý do tùy tiện trả nhà cho tư sản!?
Tổng hợp
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://baihoc.com.vn/thanh-cong/chuyen-doi-trinh-dinh-kinh-ong-to-thuy-tinh-viet-nam-xuat-di-khap-xu-dong-duong-va-thuoc-dia.html