Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Sát cánh cùng người lao động
Hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia nên những người làm công tác công đoàn ngành dầu khí luôn hiểu rõ vai trò của mình trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo khí thế lao động, làm nên sức mạnh đại đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Thi đua tiếp thêm động lực
Là ngành kinh tế chủ lực, có quy mô lớn của đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện có hàng trăm công trình, dự án, hàng vạn người lao động đang sống và làm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ những công trình trong hay ngoài nước, ở thành phố lớn hay đảo xa…, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đều tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, thi đua yêu nước.
Bà Nghiêm Thùy Lan – Chủ tịch công đoàn dầu khí Việt Nam – chia sẻ, giai đoạn 2013-2015 đã có 100% các công đoàn trực thuộc tổ chức tốt việc đăng ký thi đua, ký kết giao ước thi đua ngay từ đầu năm; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị. Các phong trào này đã giúp công nhân viên chức tích cực năng động sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, phấn đấu hoàn thành trước thời gian quy định.
Ngoài việc đẩy mạnh các phong trào thi đua để sản xuất, kinh doanh, công đoàn dầu khí Việt Nam còn chú trọng đẩy mạnh các phong trào an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các chiến sỹ đã không tiếc xương máu bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2015, công đoàn dầu khí Việt Nam đã kêu gọi và phát động quyên góp ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tới các đơn vị trong toàn ngành với số tiền lên tới trên 4 tỷ đồng. Những hoạt động đó đã góp phần làm nên nét văn hóa đậm tình người trong mỗi cán bộ, công nhân viên dầu khí.
Tái cơ cấu doanh nghiệp – sát cánh bên người lao động
Chính phủ đã có chủ trương tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trước tình hình đó, các cấp công đoàn ngành một mặt tăng cường tuyên truyền về chủ trương tái cấu trúc của Chính phủ và Tập đoàn, mặt khác, nghiên cứu xem xét và báo cáo lộ trình thoái vốn phù hợp, nhằm ổn định tư tưởng cho người lao động.
Bà Lan cho biết, công đoàn dầu khí Việt Nam còn phối hợp với chuyên môn cùng cấp tổ chức Đại hội Công nhân viên chức hoặc Hội nghị người lao động để thảo luận phương án sắp xếp lao động và phương án giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư. Công đoàn giám sát việc xây dựng tiêu chí phân loại lao động, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ và phải đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sử dụng tối đa lao động hiện có khi sắp xếp lại lao động.
Ngoài ra, công đoàn còn giám sát việc tính toán và thanh toán các chế độ trợ cấp, chế độ cho từng đối tượng lao động dôi dư theo đúng quy định của Nghị định 91/2010/NĐ-CP. “Việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động dôi dư trong danh sách đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm nhanh, gọn, đầy đủ, dứt điểm, không để người lao động đi lại nhiều lần. Chúng tôi còn giám sát việc giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong quá trình sắp xếp lao động và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư”- bà Nghiêm Thùy Lan nói.
Công đoàn dầu khí Việt Nam đề xuất với lãnh đạo chuyên môn cùng cấp về việc hỗ trợ thêm cho người lao động dôi dư bằng nguồn kinh phí hợp pháp của doanh nghiệp; phản ánh kịp thời với cơ quan có thẩm quyền xem xét những vướng mắc phát sinh trong quá trình giám sát và tham gia tổ chức thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư. (Công Thương ngày 28/12, mục xã hội, tác giả Phượng – Hà) .
ThegioiBantin.com