CEO Công ty Missonizer Trần Xuân Hải: Bốn câu hỏi quản lý thời 4.0
[box type=”shadow” ]LTS: Dù đang kinh doanh thành công hay Start Up, dù không dính dáng gì đến công nghệ hay công nghệ hoàn toàn, bạn đều phải bắt đầu từ người tiêu dùng tương lai, mới ra được sản phẩm dịch vụ.
Các nghiên cứu gần đây về người tiêu dùng tương lai đang làm chấn động giới kinh doanh, thay đổi hoàn toàn tư duy và chiến lược của từng doanh nghiệp. Với 50 – 70% người tiêu dùng đến 2025 là người tiêu dùng số, gồm những thế hệ sinh 8x, 9x, 2000, bất cứ ngành nghề nào cũng phải hướng đến người tiêu dùng số mới tồn tại được .
Vậy nhu cầu của ngươi tiêu dùng tương lai là gì? Tư duy tiêu dùng mới gắn với những từ khóa nào? Làm thế nào để khai thác tài nguyên bản địa, đưa công nghệ vào tư duy sản phẩm, để tạo nên sự bứt phá cho cả những doanh nghiệp dẫn đầu và giới Start Up? Những cảnh báo nào đang đặt ra cho doanh nghiệp để không làm tổn thương sức mạnh doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh quốc gia…
Đó là nội dung chuyên đề “Khai thác tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ, để tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam thời 4.0” do TheLEADER thực hiện cùng sự tham dự của những chuyên gia thương hiệu và các CEO đang Start Up với những bài học cụ thể, thiết thực…[/box]
Khai thác tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ (Kỳ 2): Bốn câu hỏi quản lý thời 4.0
Ai đang điều hành công ty của bạn?
Các vụ án kinh tế nổi cộm đang ồn ào trên mạng xã hội và các tờ báo. Chỉ riêng vụ ông Trầm Bê và ông Phạm Công Danh, tổng số tiền đã lên đến vài ngàn tỷ đồng. Câu chuyện của các ông “đại gia” hẳn sẽ còn tốn nhiều giấy mực báo in và thời gian của “cư dân mạng”. Với tôi, nó chỉ là phần nổi của tảng băng – vậy phần chìm của nó là gì?
Cách đây hơn mười năm, cả thế giới bàng hoàng với một loạt các tập đoàn lớn của Mỹ sụp đổ như Enron, Worldcom vì gian lận trong báo cáo tài chính, kiểm toán. Những vụ án này hô biến hàng tỷ đô khỏi thị trường, biến những công ty khổng lồ của thế giới tưởng chừng đang được điều hành bởi các nhà quản lý thông minh nhất, tài giỏi nhất thành mớ giấy lộn không hơn không kém.
Những kẻ thông minh giỏi giang đó đã dùng hết sức của mình trục lợi cá nhân từ những kẽ hở của hệ thống. “Tôi thấy bối rối và xấu hổ khi đứng trong giới doanh nhân.” – người nói câu này là Andy Grove, chủ tịch của Intel chia sẻ. Phải chăng con người bản chất thực sự là xấu xa và chúng ta cần tìm đủ mọi cách để ngăn chặn họ làm điều xấu? Có cách làm nào khác?
Bốn câu hỏi dưới đây đưa ra một cách nhìn hoàn toàn khác cho người quản lý…
- Bạn có nên mang túi vào siêu thị?
Nếu bạn bước vào siêu thị ở Việt Nam mà có mang theo túi xách, ví dụ như khi đem theo túi đựng laptop của mình, tôi cá là bạn sẽ “được” trải nghiệm một điều vô cùng khó chịu. Bảo vệ siêu thị sẽ yêu cầu lấy một băng keo dán miệng túi bạn lại hoặc một bao nilong bao toàn bộ cái túi của bạn.
Tại sao họ làm vậy?
Mục đích của họ là để bạn không có “cơ hội” ăn cắp thứ gì trong siêu thị và bỏ vào túi xách của mình. Rõ ràng, với cách làm như vậy, bạn đã “bị” coi là một người ăn cắp “tiềm năng” thay vì là “thượng đế” như các nhà bán lẻ vẫn hô hào, rêu rao. Nếu như bạn giống như tôi, bạn hẳn sẽ vô cùng khó chịu.
Nhìn từ phía cấp quản lý, việc đẻ ra quy trình “cột túi” này tạo vô vàn những điều hại cho người bán lẻ:
– Sự bực bội của người đi mua hàng, mất cảm hứng mua hàng có thể mất doanh số và nặng hơn là mất luôn khách hàng
– Rác thải xả ra khi thực hiện
– Chi phí nhân sự, ví dụ để mua dây cột, mua bao nilon, nhân sự theo dõi, nhân sự nhận vào kho, xuất kho
– Chi phí quản lý, báo cáo về “món dây cột” này
Vậy tại sao họ vẫn làm?
- Bạn phải điền bao nhiêu thông tin khi cần chuyển tiền tại Vietcombank?
Mỗi lần chuyển tiền từ tài khoản của mình tại Vietcombank, dù tới tại ngân hàng hay gửi tiền online, tôi lại vừa bực mình và buồn cười khi điền vào phiếu.
Chỉ nhìn sơ sơ, nội dung tôi phải điền gồm những mục sau:
– Ngày. Ok!
Sau đó:
– Ghi nợ tài khoản? Hm!
– Số tài khoản? Ok
– Tên tài khoản? Tại sao phải điền khi số tài khoản đã đủ để xác định?
– Tại ngân hàng? Nếu mỗi ngân hàng đều có một tài khoản đánh số riêng thì cần gì tôi phải điền phần này? Lại còn phải điền chi nhánh nào nữa. Nếu tôi ghi nhầm chi nhánh thì sao?
Còn ghi có tài khoản?
Tên TK?
Địa chỉ?
Tại ngân hàng? Chi nhánh?
Trong đây có bao nhiêu nội dung gây bối rối cho người thực hiện?
Có mấy người hiểu được tài khoản ghi nợ, ghi có là gì?
Có mấy người nắm được địa chỉ tài khoản người nhận? Chi nhánh ngân hàng người nhận lẫn người gửi? Mà nó là chi nhánh chỗ bên kia đăng ký tài khoản hay là chi nhánh chỗ bên kia chạy ra rút tiền? Mà tại sao tôi cần phải biết để ghi?
Nếu mỗi người mất một phút để điền phiếu này LÂU HƠN CẦN THIẾT, mỗi ngày Vietcombank phải tốn bao nhiêu thời gian công sức để tiếp đón khách và sau đó GÕ LẠI vào hệ thống của mình các thông tin trên?
Bạn hình dung online thôi nhé, nếu với một triệu lượt truy cập online, mỗi người phải mất THÊM 1 PHÚT để điền những thông tin trên thì Vietcombank sẽ tốn bao nhiêu tiền THÊM cho server, đường truyền?
Tại sao họ làm vậy?
- Người tài xế taxi Mailinh một ngày chạy bao nhiêu giờ thực sự tạo ra doanh số?
Hình ảnh hàng loạt người tài xế taxi ngồi chờ khách đã quá quen thuộc với chúng ta tới mức chúng ta chẳng mấy khi đặt câu hỏi nêu trên. Cá nhân tôi ước chừng chỉ vào khoảng 4 giờ!
Mỗi tài xế được giao xe 24 giờ để kinh doanh, nhưng thực sự họ chỉ kinh doanh được 4 giờ, còn lại 20 giờ là chờ đợi, chạy lòng vòng tìm khách.
Người tài xế có muốn chạy được nhiều chuyến hơn không? Muốn. Nhưng dù anh ấy có muốn vì nhiều lý do khác nhau (như sức khỏe, lượng khách, kẹt xe…) thực tế thời gian anh ấy tạo ra doanh số chỉ chiếm 1/6 (hay 17%) tổng thời gian anh ấy được giao xe. Còn lại là lãng phí.
Có cách làm nào khác?
- Bạn hỏi gì ứng viên khi tuyển dụng?
Peter Thiel, một nhà đầu tư nổi tiếng đồng sáng lập ra Paypal, có tổng tài sản hơn 2 tỷ đô, trong cuốn sách “Không đến Một” đã mở đầu bằng một câu hỏi rất thú vị ông dùng để phỏng vấn tuyển dụng nhân viên của mình: “Đâu là một sự thật quan trọng mà rất ít người đồng tình với bạn?”
Đây rõ ràng là một câu hỏi vô cùng khó để gạn lọc các ứng viên. Muốn trả lời được câu hỏi này, bạn phải biết được:
– Phần lớn mọi người đang tin vào một điều hoang đường gì?
– Sự thật nằm ở đâu?
– Bạn có đủ thông minh để tìm được sự thật cũng như dũng cảm để nói nó ra hay không?
Như trong cuốn sách của Peter Thiel phân tích, tương lai là những điều chưa xảy ra, mà nó lại đang bắt nguồn từ hiện tại. Việc quan sát được những bất hợp lý đang diễn ra trong hiện tại, tìm ra lời giải mới sẽ là kỹ năng siêu quan trọng trong thế kỷ 21 của những nhà quản lý, lãnh đạo thế hệ mới.
Có bao nhiêu cách làm mới đang chờ chúng ta khám phá? Có bao nhiêu kiến thức mà chúng ta chưa biết? Liệu những điều chúng ta đang học, đang làm có thực sự hoàn hảo? Liệu chúng ta có đang ngập chìm trong sai lầm tới mức mất hết thời gian để dọn rác do chính chúng ta xả ra mà không nhìn thấy có cách làm mới không tạo ra rác.
Tương lai sẽ rất thú vị với những góc nhìn sáng tạo mới về quản lý. (Còn tiếp)
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: heleader.vn