‘Tình thương’: Cuốn sách cho những tâm hồn trôi dạt
Bằng lối viết bình dị, Hà Huy Thanh biến người đọc thành người đồng hành; không chỉ thưởng thức cuốn sách đơn thuẩn mà cùng đi sâu khám phá bản thể, từ đó thực hành nguyên tắc tối thượng của một cuộc đời hạnh phúc chính là tình thương.
1.Trước hết, cuốn sách “Tình thương” của Hà Huy Thanh dễ khiến người ta ngần ngừ ngại đọc. Phần vì nó bàn về một chủ đề rất rộng – “tình thương” nhưng trong một khuôn khổ khá hẹp (chưa đầy 150 trang). Phần vì chủ đề cuốn sách đã được bao nhiêu người “cày xới”, với đủ câu chuyện và thông điệp. Một người đọc (không cần khó tính) cũng sẽ tự đặt ra câu hỏi: Liệu Hà Huy Thanh sẽ mang điều gì mới mẻ, hay chỉ nói lại những điều nhàm tẻ khi nói về “Tình thương”?
Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu không phải bao giờ cũng đúng và rằng hành trình khám phá một cuốn sách không bao giờ là quá muộn. Khi đã đi đến quyết định mở trang sách đầu tiên, nghĩa là hành trình để hiểu về tình thương bắt đầu, dù có thể bấy lâu nay ta không để ý.
2.“Tình thương” có kết cấu gồm 13 chương, bắt đầu bằng một câu chuyện có thật rất đau lòng mà Hà Huy Thanh đã dẫn lại: “Tôi viết những dòng này sau khi đọc xong một bản tin về một người đàn ông đã đâm chết vợ mình khi cô ấy đi cùng một người đàn ông khác vào một cửa hàng quần áo ở phố Hàng Bông, Hà Nội”. Câu chuyện kể trên là “mô-típ” quen thuộc trên những bài báo “câu khách” nhưng là bi kịch thiếu tình thương trong đời sống thực.
Từ câu chuyện đau lòng đó, Hà Huy Thanh lần lượt biện giải về tình thương. 5 chương chương sách đầu tiên nói về nguyên lý của tình thương, mà theo tác giả đó chính là “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”. Mỗi chương sách là một khía cạnh, là một lời dẫn mở, một thông điệp để chấm dứt những bi kịch thiếu tình thương kể trên. Ở đó, tác giả nói về sự thấu hiểu bản thân, thấu hiểu mọi người và hoàn cảnh; giá trị của sự sẻ chia…
Nếu như 5 chương sách đầu tiên, tác giả dẫn mở về thấu hiểu bản thân, thực hành “tình thương” ở cấp độ cá nhân thì ở 8 chương sách còn lại mở rộng ra ở khía cạnh gia đình, công việc, đất nước và thậm chí là toàn cầu. Ở đó, “tình thương” được Hà Huy Thanh giải thích như là một nguyên lý chung sống, tạo nên những giá trị, thành công, và hạnh phúc. Đặc biệt ở chương 13, cũng là chương khép lại cuốn sách, tác giả đặt ra câu hỏi cho người đọc: “Bạn có phải là sứ giả của tình thương?”.
3.Bằng lối viết bình dị, tác giả Hà Huy Thanh biến người đọc thành người đồng hành; không chỉ thưởng thức cuốn sách đơn thuẩn mà cùng đi sâu khám phá bản thể, từ đó thực hành nguyên tắc tối thượng của một cuộc đời hạnh phúc chính là tình thương.
Cái hay của tác giả khi viết về “tình thương” chính là thứ tình cảm trong lành, vô vi lợi; là cách dẫn dụ đơn giản nhưng ẩn chứa thông điệp tuyệt vời. Không dụng chữ cũng chẳng đưa người đọc vào mê cung của những câu chuyện, chi tiết rối rắm không cần thiết, Hà Huy Thanh – bằng chính trải nghiệm của mình, kinh nghiệm và vốn sống có thể lấp đầy những tâm hồn đang trôi dạt, mất phương hướng.
Hà Huy Thanh viết – “Vì chúng ta cần nhau; không ai có thể vỗ tay bằng một bàn tay; làm sao bạn có thể thấu hiểu người khác khi không tôn trọng họ? làm sao bạn có thể thấu hiểu mình khi không tôn trọng bản thân? Và làm sao thấu hiểu hoàn cảnh khi không tồn tại sự khách quan của nó”.
“Tình thương” là cuốn sách mà bạn không cần đọc xong trong một lúc, nhận ra thông điệp sau một giờ, và thực hành ngay lập tức. “Tình thương” của Hà Huy Thanh là một dạng sách đọc chậm, để nghiền ngẫm, để thấu hiểu và chia sẻ. Nó cũng không hẳn là cuốn sách “self-help” (truyền cảm hứng, hướng dẫn người đọc tự giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua kinh nghiệm của người viết) mà là cuốn sách mở ra cho người đọc (đặc biệt là những người chưa hiểu mình, những tâm hồn trôi dạt) được dừng lại, lắng nghe, hít thở, bước tiếp với những thay đổi sâu sắc.
Bên cạnh ra mắt cuốn sách “Tình thương”, tác giả Hà Huy Thanh còn giới thiệu đến độc giả cuốn “Việt Nam – Quốc gia của tình thương”. Ở đó, Hà Huy Thanh tiếp tục đào sâu hơn nữa về khái niệm này trong một vùng trời bao la hơn, mang cái tên đầy dấu yêu là Việt Nam. Đi từ lịch sự, soi chiếu bằng bao dung, sự nhẫn nại trong từng con chữ của tác giả tiếp tục lấp lánh hai chữ “tình thương”.
Thegioibantin.com | VinaAspire News