Nói về khủng hoảng tuổi trẻ, cựu Giám đốc nhân sự chia sẻ: “Một đứa trẻ có tự trọng sẽ thoát ra mọi cuộc khủng hoảng, dù khó khăn đến đâu”
Phần lớn trẻ con sẽ vượt thoát khủng hoảng tuổi trẻ, nhờ tình yêu vô bờ bến và lý trí của bố mẹ. Chỉ có một số ít người sẽ mang theo chấn thương suốt đời. Họ tiếp tục khủng hoảng 20-25, 30-35, càng về sau họ càng khó hồi phục.
Ở bất cứ độ tuổi nào thì cũng đều gặp khủng hoảng nhưng đáng sợ hơn cả là khi người trẻ gặp khủng hoảng. Bởi ở độ tuổi ấy, đâu có ai đủ kinh nghiệm, đủ trải nghiệm, đủ chín chắn để tự giải quyết vấn đề của chính mình. Thay vào đó, họ mang trong người nỗi sợ hãi, sự dè dặt không đáng có.
Mới đây, chị Thu Giao – từng là một Giám đốc nhân sự với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước – đã có những chia sẻ thẳng thắn về khủng hoảng tuổi trẻ. Có thể thấy, đây là giai đoạn khiến mỗi người có ấn tượng sâu đậm nhất trong cuộc đời.
“Tôi có một tuổi dậy thì buồn bã. Nhìn tôi, không ai đoán được, tôi hãi sợ cuộc sống. Tôi hãi sợ con người. Tôi mất ngủ triền miên. Tôi từng nghìn lần mơ mình sẽ qua đời. Ước muốn bỏng cháy nhất của tôi khi 15-18 tuổi, là được qua đời, là biến mất khỏi thế gian. Là đừng ai nhớ ra tôi là ai. Là tôi chưa bao giờ được sinh ra trên đời.
Tôi giúp rất nhiều bà mẹ nhận ra các vấn đề mà con họ gặp phải ở độ tuổi này. Phần lớn trẻ con sẽ vượt thoát khủng hoảng tuổi trẻ, nhờ tình yêu vô bờ bến và lý trí của bố mẹ. Chỉ có một số ít người sẽ mang theo chấn thương suốt đời. Họ tiếp tục khủng hoảng 20-25, 30-35, càng về sau họ càng khó hồi phục. Trầm cảm, mất ngủ, âu lo, hoang tưởng, hành hạ bản thân, rối loạn ngôn ngữ, xa lánh xã hội, giận dữ, sầu thảm, là những triệu chứng đeo bám dai dẳng ai không thoát được cơn khủng hoảng của tuổi trẻ.
Có những người thân chán sống, thật đáng sợ. Bất cứ cha mẹ nào có con ở độ tuổi dậy thì cũng cần biết, về hoá chất dậy thì, sự nổi loạn giận dữ, tâm lý bất ổn và cuộc chiến của sự tự tin. Hiểu về khủng hoảng tuổi trẻ sẽ nhận ra đây chính là thủ phạm cho nhiều quyết định sai lầm và sẽ biết cách giúp con mình, vượt qua khủng hoảng tuổi 15.
Đừng nghĩ là con còn bé, đừng sợ con lên cơn chướng, hỗn, thô lỗ. Độ tuổi lên 2, bố mẹ đã phải biết cách cầm cương, an ủi, động viên, khơi dậy sự tự trọng. Một đứa trẻ có tự trọng sẽ thoát ra mọi cuộc khủng hoảng, dù khó khăn đến đâu.
Xã hội hiện đại ngày càng gây áp lực lên người trẻ, cho bố mẹ và cho trẻ con, rất nhiều điều đau lòng xảy ra vì ta không biết xử trí ra sao khi người thân bị khủng hoảng. Bất cứ ai cũng có một cuộc chiến ngầm có thể nổ ra bất cứ lúc nào, khi mất cân bằng hoặc khi quá cô đơn. Bởi thế, bất cứ một người đàn bà nào, từ khi chưa có con, hãy hỏi mình nghìn lần:
Tôi sẽ học làm mẹ như thế nào?
Tôi vượt qua khủng hoảng của chính tôi ra sao?
Tôi sẽ có một đứa con như thế nào? Tôi sẽ không thoả hiệp con điều gì?
Làm thế nào để giúp con tôi tự tin? Làm thế nào để giúp con biết coi trọng tình cảm của bố mẹ?
Làm thế nào để con tôi vượt qua được khủng hoảng tâm lý?
Làm thế nào để nói chuyện với con? Làm thế nào để xây một mối quan hệ bền chặt hai chiều?
Tôi đã vượt thoát khủng hoảng tuổi trẻ, trầm cảm sau khi sinh, nhiều chấn thương tâm lý nặng nề. Tôi nghĩ mỗi thử thách của cuộc sống đều thật đáng giá. Càng khổ, càng khó khăn, lại càng giúp ta trưởng thành.
Tôi chẳng bao giờ ước quay lại tuổi 15, 30. Tôi thà già xấu ế, còn hơn trẻ xinh nhiều anh theo đuổi. Tôi sợ tuổi trẻ. Tôi sợ chính tôi.
Có quay lại gặp chính mình tôi chỉ dặn tôi một câu: “Không sao đâu”.
Rồi cũng sẽ qua hết. Rồi sẽ thoát. Rồi sẽ vui. Rồi sẽ biết điều gì làm khổ mình.
Có lúc mình điên dại đau đớn. Rồi mình sẽ khôn lớn và mình sẽ biết yêu mình. Nhưng luôn phải nhớ, luôn luôn phải học cách yêu chính mình…”
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn