Hội chứng Hoàng tử bé: Bi kịch về cuộc đời tạm bợ của những người trẻ không chịu…lớn
“Tất cả người lớn đều đã từng là trẻ con… nhưng hiếm ai còn nhớ” – Hoàng tử bé
Cụm từ “puer aeternus” là tiếng Latin để chỉ những “cậu bé không bao giờ muốn lớn.” Trong thần thoại Hy Lạp, nó ám chỉ vị thần nhi đồng, “mãi mãi tuổi hồng thơ ngây”, như Iacchus, Dionysus, Eros. Mẫu hình này cũng được sử dụng trong các câu chuyện kinh điển như Peter Pan hay Bức chân dung của chàng Dorian Gray.
Trong trường phái của Jung, thuật ngữ ‘puer’ được dùng để miêu tả những người đàn ông trưởng thành, có đời sống cảm xúc ngưng phát triển ở tuổi thiếu niên, thường thường gắn liền với sự phụ thuộc rất lớn vào hình mẫu người mẹ. Cụm từ “puella” được dùng để miêu tả người phụ nữ dù lớn nhưng vẫn mãi là đứa con gái bé bỏng của người cha. Hội chứng puer/puella không phải là một vấn đề gì phức tạp trong những năm đầu đời của một con người, bởi vì đó là tuổi được cho phép làm trẻ con. Nhưng rất nhiều các khủng hoảng tâm lý sau này lại bắt nguồn từ nhu cầu tâm lý không chịu “làm người trưởng thành” này.
Đây là cách một tiểu thuyết gia hiện đại mô tả trải nghiệm của cô về các puer:
Fay hiểu các chàng trai không chịu lớn, và cô ước mình có thể nói với đứa con gái của mình, Lizzie, để cảnh báo cô. Nhưng cô biết Lizzie sẽ không bao giờ chịu lắng nghe, giống như cô ngày xưa.
Một chàng trai thuộc kiểu Puer là người hấp dẫn đến điên cuồng, năng lượng sống dạt dào, và chàng ta có sức hút không thể cưỡng nổi. Trong bộ bài Tarot, chàng ta chính là quân Chàng Khờ (The Fool)….
Trong hình quân bài, Chàng khờ, giống như một kẻ lang bạt, mang theo một tay nải gắn vào chiếc gậy. Những chàng trai này, họ sẽ rời bỏ bạn, nhưng họ sẽ không bao giờ nói rằng họ sẽ ở lại, không bao giờ nói họ sẽ yêu bạn suốt đời, hay thậm chí chịu trách nhiệm về mối quan hệ này. Tất cả những gì họ muốn là có một thời gian vui vẻ. Và đòi hỏi đó thì có gì sai cơ chứ? Chẳng có gì sai, trừ khi bạn bắt đầu tự hỏi bạn hứng thú đến mức nào với việc “yêu xã giao”…
Niềm vui khi ở bên cạnh những chàng trai này là một cuộc trở về rạo rực, thông qua họ, với thế giới tuổi thơ, nơi không có những chiếc đồng hồ và những “deadline” ăn chặn thời gian của mình, không có những bộ quần áo phải giữ sạch, không có những hậu quả phải cân đo suy tính. Ngày và đêm tràn ngập những thứ ngớ ngẩn, những hội kín với lũ hàng xóm, cuộc sống vô tư lự, không phải lo nghĩ…
Họ không phải lúc nào cũng trở về nhà, và họ cũng chẳng bận tậm xin lỗi vì điều này. Họ sẽ không thích giúp dọn dẹp nhà cửa vì họ thích mọi thứ lộn xộn. Họ sẽ không làm việc quá chăm chỉ bởi vì họ không muốn bị kẹp vài cái bẫy thành công. Và họ sẽ giải quyết các mâu thuẫn trong mối quan hệ khi nó gặp vấn đề bởi vì yêu không phải để “lấy”, mục đích của yêu là vui. Nếu bạn không muốn chơi với họ nữa, họ cũng chẳng quan tâm đâu. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ngừng rong chơi.
Bằng cách nào đó, họ sẽ khiến bạn cảm thấy rất già, những chàng trai này. Họ sẽ biến bạn thành mẹ của họ.
Tất nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng thấy những người đàn ông này “hấp dẫn điên cuồng,”, chứ chưa nói đến mức không thể cưỡng lại. Tại sao không? Bởi lẽ, tất nhiên những người phụ nữ có xu hướng tìm kiếm những người đàn ông chín chắn thì Puer sẽ là một lựa chọn cực kì tồi đối với họ. Và thường chỉ những cô gái đổ gục dưới các puer, bản thân họ cũng có khả năng là các puella.
Một puer điển hình thường trốn tránh trách nhiệm cho những hành động của mình, và điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì những gì chàng ta làm không nằm trong sự kiểm soát có ý thức của mình. Chàng ta gục ngã trước sự điều khiển của vô thức, và đặc biệt rất dễ bị những bản năng của mình chiếm quyền kiểm soát. Chàng rất hay làm những việc mà bản thân “cảm thấy đúng.” Tuy nhiên, chính chàng cũng không thể hiểu nổi những cảm xúc của mình đến độ một việc vừa “cảm thấy đúng” trong lúc này, phút sau lại thấy sai. Vì vậy, ví dụ chàng có thể làm liều trong một phút huy hoàng, rồi sau đó cảm thấy đầy hối hận vào ngày hôm sau – hoặc thậm chí ở ngay đêm đó, trong giấc mơ của mình…
Những puer thường thường gặp khó khăn với sự cam kết. Họ thích để mở những lựa chọn của mình và không thể chịu đựng phải “cột cọc với trâu”. Họ thích hành động theo ý muốn của mình, không bận tâm nhiều đến hậu quả. Puer trưởng thành phải hi sinh phẩm chất có phần cuốn hút này – nhưng cái mà chàng hi sinh sẽ trở thành một phần trong mảng tối (khái niệm Shadow trong tâm lý học Jung). Để không trở thành một cỗ máy, sống bởi thói quen và kỉ luật, chàng sẽ phải tái đồng hóa những đặc điểm puer của mình một cách có ý thức.
Ngoài ra, đặc điểm tâm lý khác của puer là cảm giác mình đặc biệt, mình có một sứ mệnh trời ban. Khi bạn có cảm giác “định mệnh” này, thật khó để dồn năng lượng vào cơm áo gạo tiền. So với những gì lớn lao mà bạn được sinh ra để hoàn thành, guồng quay của cuộc sống thường ngày trở nên quá ư buồn tẻ. Đây là một dạng “lạm phát”. Bạn cảm thấy mình là người đặc biệt, vậy tại sao, bạn tự hỏi chính mình, mình lại đang làm những việc tầm thường này?
Nếu thái độ này còn tồn tại, bạn có thể vui vẻ biện hộ cho những cuộc rong chơi của mình, đợi đến khi thời cơ đến để xưng danh thiên hạ – hoặc đợi nó từ trên trời rơi xuống. Bạn chơi lô đề hoặc mua cổ phiếu. Bạn biết là khả năng trúng Vietlott rất thấp, nhưng không sao, bạn có cả một tương lai tươi sáng để đặt cược cơ mà.
Những puer và puella sống một cuộc đời tạm bợ (A provisional life). Nỗi sợ bị bó buộc vào đâu đó khiến họ không thể trốn thoát luôn tồn tại sâu thẳm trong tâm can họ. Hiếm khi họ hài lòng và sống trong hiện tại; họ luôn luôn “sắp sửa” làm gì đó, để tạo ra sự thay đổi; một ngày họ sẽ làm thứ cần phải làm – nhưng chưa phải bây giờ. Thế giới của họ ngập chìm sự “có thể”: “Có thể tao sẽ làm điều này…có thể tao sẽ làm điều đó….” Những kế hoạch tương lai trở thành không gì cả; cuộc đời trượt đi trong những ảo mộng về các dự định không thành, bởi họ chẳng bao giờ hành động quyết liệt để thay đổi trạng thái hiện tại.
Đời tạm bợ giống như một chiếc nhà tù. Các song sắt là những mặc cảm gia đình, bó buộc một cách vô thức trong những tháng năm đầu bởi, và sự vô trách nhiệm không giới hạn của một đứa trẻ. Vì vậy, những ước mơ của những cô/cậu không muốn lớn đầy những hình ảnh nhà tù: xích, song sắt, lồng, bẫy, dấy trói. Bản thân cuộc sống, thực tại của họ, được trải nghiệm như một sự giam cầm. Họ thèm khát sự độc lập và ao ước sự tự do, nhưng họ không có sức mạnh để biến giấc mơ thành hành động.
Puers căm thù những “biên giới” và thường coi bất cứ sự ngăn cấm nào là không thể chấp nhận được. Họ không nhận ra rằng trưởng thành đòi hỏi những giới hạn. Điều này được diễn đạt trong Kinh Dịch, cuốn sách kinh điển của tư tưởng triết học Trung Hoa, như sau:
Tiềm năng vô hạn không phù hợp với con người; nếu chúng tồn tại, cuộc đời của anh ta sẽ hòa vào sự vô hạn. Để trở nên mạnh mẽ, cuộc đời của con người cần những tiết chế, định đoạt bởi nghĩa vụ và tự nguyện chấp nhận. Cá nhân tìm thấy ý nghĩa như một tâm hồn tự do chỉ bằng cách bao quanh mình với những tiết chế và tự xác định đâu là bổn phận cho mình.
Trên thực tế, những puer hay puella nào may mắn thì vô thức của họ cuối cùng sẽ nổi loạn và thể hiện những bất mãn thông qua một cuộc khủng hoảng tâm lý. [Đây là lúc họ lấy vợ, và nhận ra mình không thể mãi là 1 đứa trẻ được nữa]. Bằng không, họ sẽ mặc kẹt và sống với những “tiềm năng” đến suốt đời…