Giá dầu thấp: Nguyên nhân, hệ quả và giải pháp đối phó

0

Ứng phó với tác động kép của ‘đại dịch Covid-19’ và ‘giá dầu sụt giảm đột biến’, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp cho ‘cú sốc’ ngắn hạn, cũng như cho tình huống giá dầu thấp kéo dài (kể cả các kịch bản cho phương án xấu nhất). Chúng tôi đánh giá cao các phương án, giải pháp cụ thể, kịp thời của PVN. Để thêm phần phong phú, đa chiều, dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin phân tích một số nguyên nhân khủng hoảng giá dầu – hệ quả, cũng như bổ sung một số giải pháp ứng phó trong ngành Dầu khí Việt Nam. Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia và bạn đọc…

PGS, TS. TRẦN NGỌC TOẢN – TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nguyên nhân khủng hoảng giá dầu và hệ quả

Cuộc chiến giá dầu giữa các cường quốc dầu mỏ trong 3 năm vừa qua đã đưa giá dầu Brent và chuẩn Ả Rập từ mức khoảng 70 USD/thùng (trong đầu tháng 1/2020) xuống mức gần 30 USD/thùng (trong tuần cuối tháng 3/2020) và chạm đáy 25 USD/thùng (18/3) đã gây ‘bão táp’ trên thị trường năng lượng thế giới.

Để hiểu rõ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay phải tìm hiểu đầy đủ mối liên hệ phức tạp giữa giá dầu và các cuộc chiến tranh giành quyền lực thống trị thế giới.

Trong quá khứ, lịch sử từ khi dầu mỏ trở thành loại hàng hóa chiến lược toàn cầu do dầu có khả năng chi phối mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ chính trị – an ninh – kinh tế – thang bậc văn minh của nhân loại. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa chiến tranh và dầu mỏ trong thế kỷ 20 để chứng minh luận điểm nói trên.

Hạn chế giới hạn xem xét chỉ trong cuộc chiến giá dầu hiện nay giữa Mỹ, Nga, OPEC, ta thấy tính từ đầu năm 2020, OPEC đang nắm khoảng 40% trữ lượng dầu toàn cầu, trong đó riêng Saudi Arabia chiếm 267 tỷ thùng dầu, với giá thành khai thác rẻ nhất, giao động trong khoảng 10-30 USD/thùng; Nga giữ khoảng 80 tỷ thùng, giá thành khai thác khoảng 30-50 USD/thùng và Mỹ khoảng 70 tỷ thùng, giá thành thùng dầu (tính cả dầu đá phiến) khoảng 25-60 USD/thùng.

Sản lượng dự báo cho năm 2020 của Nga và SaudiArabia xấp xỉ nhau (10-11 triệu thùng/ngày) và Mỹ đang vươn lên đứng đầu (khoảng 12 triệu thùng/ngày). Trong 3 nước này, thì Mỹ tiêu thụ nhiều dầu nhất, nguồn cung trong nước thấp hơn cầu, nên cố gắng phát triển dầu đá phiến để nhanh chóng tăng sản lượng, với hy vọng trở thành nước xuất khẩu dầu ròng trong tương lai gần, nếu ngành dầu đá phiến không bị thiệt hại quá lớn trong khủng hoảng giá dầu thấp hiện nay.

Riêng mức tiêu dùng dầu trong nước, thì OPEC và Nga còn rất thấp nên là những nước chiếm tỷ phần xuất khẩu cao nhất. Từ tình hình đó, Mỹ muốn trở thành quốc gia điều khiển giá dầu, nhưng với giá thấp vừa phải để phát triển kinh tế. OPEC và Nga cũng muốn giữ vai trò đó nên cần giá dầu cao, với hy vọng trong tương lai không xa, khi trữ lượng dầu thế giới không còn nhiều như hiện nay thì với trữ lượng khổng lồ mà họ có so với những nước sản xuất dầu còn lại, họ sẽ giữ thế độc quyền đưa giá dầu lên cao, thì lợi ích kinh tế và các lợi ích khác của họ sẽ rất lớn.

Vì thế, mục tiêu chiến lược trong trung hạn và dài hạn là chiếm thị phần cao trên thị trường tương lai. Giải pháp để đạt mục tiêu đó là Saudi Arabia và Nga liên minh cắt giảm sản lượng, nhằm đẩy giá dầu thật cao, vừa để khắc phục tình trạng thiếu tiền trong ngân sách, vừa gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ và các nước nhập khẩu dầu ròng, trong đó có Mỹ.

Tuy nhiên, giải pháp này áp dụng trong thời gian qua không đạt được kết quả do nền kinh tế – kỹ thuật của Mỹ mạnh, công nghiệp dầu phiến sét vẫn phát triển, sản lượng dầu của Mỹ luôn tăng, nên giá dầu không tăng trên mức 80 USD/thùng như kỳ vọng.

Từ năm 2018, liên minh này thay đổi chiến thuật, áp dụng các giải pháp từng bước đưa giá dầu xuống thấp, tới mức các nước sản xuất dầu có giá thành cao hơn mức hòa vốn như Mỹ, Canada, Nauy, Mỹ Latinh cùng các nước thiếu vốn đầu tư v.v… sẽ không chịu đựng nổi, nên có thể phải phá sản. Đó là tình trạng hiện nay trong ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới.

Theo EIA, giá dầu Brent trung bình cả năm 2020 sẽ đạt 43 USD/thùng, giảm từ 64 USD/thùng (năm 2019). Từ con số này có thể suy ra lượng dầu tồn kho trên thế giới khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Như vậy, nguồn cung dư thừa trên thị trường vẫn còn rất lớn như các nguồn dự báo năm 2019 đã công bố. EIA còn dự báo giá dầu ​​Brent sẽ đạt trung bình 55 USD/thùng vào năm 2021.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, khi giá dầu giảm đến mức quanh 30 USD/thùng thì các dự báo này là khá lạc quan.

Về bình diện chuyển động thị trường, ExxonMobil – Tập đoàn dầu khí lớn nhất ở Mỹ đã bị hạ cấp tín dụng bởi S & P, từ AA + xuống AA, vì triển vọng phát triển vẫn là tiêu cực. Một số tập đoàn dầu khí lớn khác cho biết họ sẽ cắt giảm từ mức 20% đến 45% vốn đầu tư năm 2020. Như vậy, các dự án của các tập đoàn này ở Đông Nam Á, trong đó có ExxonMobil cũng đang bị đe dọa giãn tiến độ, hoặc cắt bỏ.

Giá dầu giảm mạnh vào thứ Hai (ngày 16/3/2020), và chỉ số Dow Jones phải trải qua một ngày tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Báo cáo về một số gói kích thích kinh tế lớn đã giúp ổn định thị trường khi giao dịch bắt đầu vào 17/3/2020, nhưng giá dầu lại giảm tiếp khi Ả Rập Saudi tuyên bố sẽ tăng xuất khẩu trở lại với mức cao kỷ lục.

Ả Rập Saudi đã leo thang cuộc chiến giá dầu một lần nữa, hôm 18/3/2020, bằng cách công bố kế hoạch tăng xuất khẩu dầu của mình lên 10 triệu bpd từ tháng 5/2020, tăng 3 triệu bpd so với mức xuất khẩu trong tháng 2/2020 và cho rằng giá 30 USD/thùng là rất thoải mái đối với họ.

Cùng với các thị trường dầu đã thừa cung và dịch Covid-19 tiếp tục gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, cả thị trường kinh tế toàn cầu đều có khả năng bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Saudi Aramco nói rằng: Ít nhất họ sẽ duy trì tăng sản lượng trong tháng 5/2020. Nói một cách ngắn gọn, Saudi Aramco có thể duy trì mức giá rất thấp trong một thời gian dài, sản lượng xuất khẩu từ tháng 5 trở đi sẽ khác trước và hy vọng đầu năm 2021, tình trạng cung vượt cầu sẽ chấm dứt (hình 1).

Hình 1: OPEC chuyển sang duy trì tỷ phần nắm giữ thị trường khi số liệu kiểm kê lượng dầu tồn dư tăng và giá dầu giảm.

Ghi chú:

Hình 1: Sản lượng dầu thô – condensat và nhu cầu tiêu tụ hàng quý, giai đoạn 2015-2021.

Đơn vị: Triệu thùng/ngày/biểu đồ mầu hồng: Tiêu thụ/cầu; mầu nâu: Sản lượng khai thác/cung.

Khi xem xét vấn đề đầu tư cơ bản năm 2020 đã xảy ra một cuộc đối đầu kịch tính giữa giới lãnh đạo ExxonMobil: Chỉ hai tuần sau ngày đưa ra các kế hoạch tăng đầu tư mạnh mẽ trong năm 2020 để chuẩn bị điều kiện phát triển trong các năm sau, ExxonMobil lại tuyên bố họ đang xem xét các bước để giảm đáng kể vốn đầu tư và chi phí hoạt động trong thời gian tới.

Theo báo cáo của IEA, sự suy giảm giá dầu có thể dẫn đến sẽ có tới 85% doanh thu của chính phủ biến mất ở một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất định. Cơ quan này cũng đã chỉ ra rằng: Ecuador, Iraq và Nigeria có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh này và dự báo các tổ chức tài chính quốc tế có thể cần phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để đối phó tình hình.

Fed cắt giảm lãi suất xuống gần bằng không và tăng cường mua trái phiếu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định mua 700 tỷ USD chứng khoán.

Theo Goldman Sachs, khi giá dầu giảm xuống mức 23 USD/thùng có thể làm cho một số công ty dầu phi truyền thống ở Bắc Mỹ phải đóng cửa, vì các nhà phân tích thị trường cho rằng: Với mức giá đó, các công ty thậm chí không thể trang trải đủ chi phí cho việc khoan giếng.

Tổng thống Trump cũng đã quyết định mua 78 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược Hoa Kỳ trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại khi nguồn cung bị đe dọa. Khoảng 78 triệu thùng lưu trữ có sẵn sẽ tương đương với 0,5 triệu thùng/ngày của nhu cầu trong nửa năm 2020. Khi nhu cầu Mỹ giảm 10 triệu thùng/ngày thì lượng dầu thừa trên thị trường thế giới có thể lên đến khoảng 6 triệu thùng/ngày.

Các ngân hàng khu vực có giao dịch cấp vốn chính cho hoạt động năng lượng có nguy cơ bị đe dọa phá sản. Các ngân hàng Hoa Kỳ và Canada có hơn 100 tỷ USD cho vay đối với các công ty năng lượng (theo tờ Wall Street Journal). Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn đối với các ngân hàng khu vực cỡ trung bình, thay vì các ngân hàng lớn trên Phố Wall.

Người đứng đầu IEA, Fatih Birol, nói rằng: Bất kỳ gói kích thích kinh tế nào đang được xem xét để đối phó với đại dịch Covid-19 nên tập trung vào năng lượng sạch. Những gói kích thích này cung cấp một cơ hội tuyệt vời để đảm bảo rằng nhiệm vụ thiết yếu là xây dựng một tương lai năng lượng an toàn và bền vững, không bị lạc giữa những ưu tiên trước mắt, ông Bir Birol viết. Tại thời điểm hiện nay, chính quyền Trump đang xem xét khoảng 850 tỷ USD kích thích kinh tế, mặc dù các chi tiết vẫn còn chưa công bố.

Đến nay, các cố vấn đầu tư của Tổng thống Mỹ đã đánh giá thấp mức độ thiệt hại gây ra của đại dịch. Nhà đầu tư quỹ phòng hộ Carl Icahn gần như tăng gấp bốn lần cổ phần của mình trong Công ty Dầu khí OXY và đã phản đối việc mua lại Anadarko Oil 55 tỷ USD vào năm ngoái bởi Occidental. Nhưng Occidental đã nhanh chóng chuyển sang san sẻ cổ phần của mình trong nỗ lực đánh bại Icahn.

Chesapeake Energy đã mời các cố vấn giúp tái cấu trúc nợ, theo Reuters. Công ty khoan dầu có trụ sở tại Oklahoma phải đối mặt với một thách thức lớn khi phải trả khoản nợ 9 tỷ USD ngay cả trước đại dịch và sụp đổ giá cả.

Sự phá vỡ thị trường đối với LNG có thể sẽ làm tăng việc thay đổi các điều khoản trong các hợp đồng LNG, thường là cứng nhắc và lâu dài.

Ở Việt Nam, ngày 16/3/2020, trong cuộc họp trực tiếp với một số đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khi nói về tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến tới mức 30-35 USD/thùng đã cho biết: PVN có thể bị thiệt hại đến 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của PVN và đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

Các phát biểu trong cuộc họp nói trên cũng như ý kiến phản biện của TS. Nguyễn Hồng Minh đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam trước đó đã nêu không né tránh các khó khăn một cách công khai, minh bạch cùng rất nhiều giải pháp khả dụng, kể cả tạm đóng mỏ khi giá dầu quá thấp không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, theo Oil Price.Net, giá dầu Brent không dừng ở mức 30-35USD/thùng mà đến ngày 21/3/2020 còn giảm 12,44% so với ngày trước đó, chỉ còn 26,98 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 5,52%, còn 22,43 USD/thùng.

Nếu giá dầu trung bình dự báo cho cả năm 2020 của Oil Price.net (25USD/thùng) đúng, thì khó khăn của PVN sẽ khác rất xa so với bức tranh lạc quan trình bày trong các bài đã đăng trên nhiều báo chí trong những tháng đầu năm.

Do đó, các giải pháp để đưa sản lượng dầu thô của nước ta đạt mục tiêu kế hoạch 10,6 triệu tấn năm 2020 sẽ không những không hợp lý mà cả không còn phù hợp với thực tế hiện nay, vì cơ sở để đưa ra mục tiêu đó chưa tính đến những yếu tố bất lợi, bất khả kháng không thể dự báo trước.

Một số giải pháp kiến nghị bổ sung

Như chúng ta đã biết, đến nay, PVN đã có nhiều giải pháp để đối phó với những tác động tiêu cực của giá dầu thấp, dưới đây, chúng tôi xin bổ sung một số kiến nghị như sau.

Thứ nhất: Về quan điểm đánh giá tác động của giá dầu thấp: Đối với PVN, giá dầu thấp rõ ràng là không tốt khi xét về mục tiêu phát triển dài hạn của Tập đoàn và việc chấp hành nghiêm, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho PVN trong năm 2020.

Cụ thể là “khai thác dầu thô trong nước 10,6 triệu tấn, vượt 6,2% kế hoạch (619 nghìn tấn) tương đương vượt 0,15 điểm GDP; sản xuất điện vượt 4,3% kế hoạch, đạt trên 22 tỷ kWh v.v… có tổng doanh thu đạt trên 736 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 30 tỷ USD), vượt 23,5% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 108 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD) vượt 23,5% kế hoạch v.v…” – (trích Tạp chí Dầu khí số 1/2020, trang 7).

Tuy nhiên, đối với nền kinh tế của đất nước, giá dầu rẻ sẽ tiết kiệm cho chi tiêu nhập khẩu năng lượng, cũng như cho chi phí năng lượng của tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội – an ninh – quốc phòng một lượng tiền không nhỏ. Như vậy, giá dầu thấp hợp lý (không thấp hơn giá hòa vốn của PVN) thì rõ ràng là có lợi.

Do đó, không nên khuyến khích khai thác 10,6 triệu tấn dầu để bán khi giá dầu dưới 40 USD/thùng, trong lúc dù bằng nhiều giải pháp tiết kiệm trong quản lý lẫn trong sản xuất, nhưng giá thành thùng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn các nước mà là phải làm ngược lại. Theo chúng tôi, nên hạn chế tối đa sản lượng trong nước, thậm chí là ngừng khai thác những mỏ (nếu khai thác thì lỗ vốn).

Thứ hai: Tìm mọi cách (tăng vốn, tăng phương tiện chứa, nâng cao kỹ năng quản lý) để nhập khẩu dầu, LNG dự trữ khi giá dầu thấp như các nước nhập khẩu dầu ròng trên thế giới.

Trước mắt, PVN có thể giãn thời gian, cũng như không đầu tư vào các đề án chưa cấp bách; nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, đồng thời kêu gọi cán bộ trong ngành cùng nhân dân trong nước cũng như Việt Kiều và cả người nước ngoài dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào PVN theo nguyên tắc hai bên đều có lợi, thỏa đáng, để tăng nguồn tài chính của PVN. Ngoài ra,

Thứ ba: PVN cần quan tâm đến những vấn đề như:

1/ Giành vốn và điều kiện thích đáng để tăng hoạt động tìm kiếm – thăm dò mới, tái xử lý, phân tích, tổng hợp tài liệu cũ, dựa trên các kỹ thuật và quan điểm tiến bộ.

2/ Tái thăm dò, phát triển mỏ ở những khu vực chưa được nghiên cứu kỹ, hoặc bỏ sót trong các vùng khai thác cũ… nhằm tăng nhanh trữ lượng dầu – khí các cấp, cũng như cho các hoạt động khác mang lại lợi nhuận cả trước mắt và lâu dài (công nghiệp khí cùng các hoạt động hạ nguồn mới) như lọc – hóa dầu phân phối sản phẩm dầu khí.

3/ Đẩy mạnh phát minh khoa học và công nghệ dầu khí mới.

4/ Sản xuất các sản phẩm tin học phục vụ trong ngành và xã hội.

5/ Mở rộng dịch vụ các loại.

6/ Sử dụng cán bộ có kinh nghiệm và có trình cao để tự tổ chức đào tạo nâng cấp trong nội bộ.

7/ Gửi những cán bộ có khả năng phát triển tài năng, nhất là cán bộ trẻ đi đào tạo ở các công ty dầu khí lớn, hoặc các trường dầu khí quốc tế có uy tín vừa để giữ lực lượng nhân lực đã có, vừa chuẩn bị thêm nhân lực trình độ cao cho tương lai trong lĩnh vực lọc – hóa dầu, công nghiệp khí, năng lượng xanh, năng lượng phi truyền thống, v.v… cho nhu cầu nội bộ và cho các cơ quan quốc tế trong môi trường toàn cầu hóa mở rộng.

Thứ tư: Phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước soạn thảo Luật Dầu khí mới, các quy chế kỹ thuật và các văn bản dưới luật để đồng bộ hóa các hoạt động quản lý đối với lĩnh vực năng lượng giữa các bộ, các ngành và làm cơ sở pháp lý cho việc thay đổi các điều khoản không còn phù hợp của các hợp đồng dầu khí ký với nước ngoài.

Mặt khác, đẩy nhanh tốc độ công tác đổi mới cấu trúc tổ chức tập đoàn, sáp nhập các tổ chức, các bộ phận có chức năng gần gũi, loại bỏ các tổ chức quản lý trung gian, giảm nhân lực ở các bộ phận phi sản xuất.

Thứ năm: Áp dụng nhiều giải pháp để giữ lại và thu hút thêm nhân tài từ lực lượng đã được đào tạo bài bản (từ thạc sĩ, tiến sĩ, công nhân chuyên ngành bậc cao), không để lãng phí tài năng trí tuệ của ngành, của xã hội, nhất là ngăn chặn hiện tượng lợi dụng tái cơ cấu tập đoàn để gây ra những tiêu cực trong công tác cán bộ, sắp xếp lại lao động, nhất là với số người được gọi là dôi dư.

Với trí tuệ thông minh, truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo cao trong lịch sử xây dựng, phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, từ Đoàn địa chất Dầu khí 36 bé nhỏ đến Tổng cục Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay, và với kinh nghiệm tích lũy của tập thể cán bộ từ lực lượng lao động đến lãnh đạo qua các thời kỳ đã giúp PVN vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn trong quá khứ, lập được nhiều thành tích cao, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh. Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin chúc cho PVN tiếp tục giữ vững ngọn cờ – một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu của Tổ quốc chúng ta./.

Thegioibantin.com

Nguồn: Năng lượng Việt Nam | http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/gia-dau-thap-nguyen-nhan-he-qua-va-giai-phap-doi-pho.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ