Thách thức trong lĩnh vực điện lực của PVN [Kỳ 4]: Các dự án đang chuẩn bị đầu tư
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện đang chuẩn bị đầu tư các dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (khoảng 1.760 MW) sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), miền Trung 1 và 2 (1.500 MW) sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh, dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện gần đây nhất, thì dù chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng các dự án đã xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc và có nguy cơ chậm tiến độ vài năm so với mốc tiến độ.
I. Dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2:
1/ Tình hình thực hiện:
Dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2 có công suất 1.500 MW (2 x 750 MW). Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dự án sẽ đưa vào vận hành thương mại năm 2023 – 2024.
Tại Quyết định số 1459/QĐ-TTg ngày 25/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ các dự án này được triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh – dự kiến vận hành thương mại quý 4 năm 2023 (miền Trung 1) và quý 2 năm 2024 (miền Trung 2). Hiện tại, tiến độ dự án chuỗi khí – điện triển khai chậm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu, vì vậy, đồng bộ với tiến độ của khâu thượng nguồn, tiến độ vận hành thương mại các tổ máy dự kiến vào quý 3 và 4 năm 2025.
Hiện nay, PVN đang thực hiện trình cấp thẩm quyền Báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo chuyên ngành của dự án để thẩm định, phê duyệt. Mặt khác, PVN đang xây dựng kế hoạch/tiến độ tổng thể làm cơ sở để triển khai, đảm bảo đồng bộ tiến độ với khâu thượng nguồn và sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt cùng với FS của dự án.
Song song với việc triển khai dự án, PVN hiện đang báo cáo đến các cấp có thẩm quyền về việc chuyển giao chủ đầu tư dự án cho PV Power/Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí miền Trung. Cụ thể, ngày 19/6/2020, PVN đã có công văn số 2908/DKVN-HĐTV trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp về việc chấp thuận chuyển dự án tua bin khí hỗn hợp miền Trung 1 và 2 cho PV Power/Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí miền Trung làm chủ đầu tư dự án.
2/ Các khó khăn, vướng mắc:
Liên quan việc tiêu thụ khí của chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh, hiện chưa thống nhất được các vấn đề như:
Thứ nhất: Về lượng khí tiêu thụ, lượng khí cam kết ngày, khả năng thực hiện bao tiêu do giới hạn số giờ vận hành và khả năng giao động cung cấp khí.
Thứ hai: Các quy định về chuyển giao bao tiêu khí từ Hợp đồng mua khí (GSA) sang cam kết huy động phát điện trong Hợp đồng mua bán điện (PPA).
3/ Nhận xét, đánh giá:
Một là: Dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2 (do PVN chủ đầu tư) cũng như các dự án nhiệt điện Dung Quất 1 và 3 (do EVN là chủ đầu tư), Dung Quất 2 (BOT do Sembcorp làm chủ đầu tư) là các dự án hạ nguồn nằm trong chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh, bao gồm thượng nguồn (mỏ khí Cá Voi Xanh), trung nguồn (đường ống) và hạ nguồn (nhà máy điện), vì vậy, việc triển khai các dự án phải đồng bộ tiến độ, mỗi vướng mắc của một khâu trong chuỗi dự án đều tác động ảnh hưởng đến tiến độ chung. Việc này đòi hỏi PVN chủ động phối hợp các nhà đầu tư thượng nguồn, hạ nguồn khẩn trương đàm phán, thống nhất phương án phân bổ khí và các dự thảo Thỏa thuận thương mại mua bán khí – điện, đảm bảo tính đồng bộ về kỹ thuật và tiến độ tổng thể của toàn chuỗi dự án.
Hai là: Công tác đàm phán Hợp đồng BOT và GGU (bảo lãnh Chính phủ) đối với dự án Nhà máy điện Dung Quất 2 cũng tiềm ẩn rủi ro chậm trễ. Do vậy, nếu không có sự vào cuộc (sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực của các bộ chức năng và Ủy ban Quản lý vốn đối với chuỗi dự án; sự phối hợp của PVN, EVN trong đồng bộ tiến độ các dự án hạ nguồn về các hợp đồng liên quan đến dự án mỏ khí Cá Voi Xanh) thì dự án tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục chậm so với tiến độ dự kiến.
II. Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4:
1/ Tình hình thực hiện:
Theo bổ sung Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có tiến độ vận hành thương mại năm 2020-2021.
Sau khi đồng ý giao Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thay thế PVN làm chủ đầu tư các dự án. ngày 27/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 234/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Theo đó, này 21/7/2020, Hội đồng Quản trị PV Power đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-ĐLDK phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình này; đồng thời phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của dự án theo quyết định số 918/QĐ-ĐLDK ngày 2/10/2020. Hiện tại PV Power đang tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với một số gói thầu tư vấn liên quan đến lập hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu EPC và khảo sát thiết kế bản vẽ thi công (BVTC) lập HSMT gói thầu san lấp mặt bằng.
Về cng tác đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA): Tháng 6/2020, PV Power đã đàm phán, thống nhất một số nội dung nguyên tắc với Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) về hợp đồng PPA. Ngày 18/9/2020, PV Power và EVNEPTC tiếp tục đàm phán các nội dung trong tổng mức đầu tư của dự án.
Về công tác đàm phán Hợp đồng mua bán khí (GSA): Trên cơ sở bàn thảo GSA do PV Gas soạn thảo và cung cấp, hai bên đang tiến hành rà soát toàn bộ nội dung của GSA trên cơ sở các yêu cầu và tiến độ triển khai dự án, cũng như các vấn đề liên quan và phụ thuộc vào GPP để đàm phán, thống nhất các điều khoản của hợp đồng phù hợp với các vấn đề nêu trên, đảm bảo nguyên tắc công bằng về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của hai bên. Tiến độ đàm phán phù hợp với tình hình thực tế triển khai dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Về công tác thu xếp vốn dự án: PV Power vẫn đang tiếp tục clàm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn vốn vay cho dự án.
Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng: PV Power đang phối hợp với Hội đồng đên bù huyện Nhơn Trạch để thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho phần diện tích đất chưa thu hồi được (khoảng 7ha) do vướng mắc về việc áp đơn giá bồi thường mới (đơn giá năm 2020) cho phần diện tích còn lại chưa đền bù cho dân, cần phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai.
Do đó, tiến độ vận hành thương mại các tổ máy đang được PV Power điều hành dự kiến lần lượt là 2023 và 2024 (chậm 1 năm so với xác định trong phê duyệt chủ trương đầu tư).
2/ Khó khăn, vướng mắc:
Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng: Mặc dù UBND huyện Nhơn Trạch đã tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc giải phóng mặt bằng, giao đất cho dự án. Tuy nhiên, việc áp đơn giá bồi thường mới (đơn giá năm 2020) cho phần diện tích còn lại chưa đền bù cho dân cần phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai, đồng thời nếu trong cùng một dự án áp dụng các đơn giá đền bù khác nhau có thể xảy ra khiếu kiện từ các chủ đất đã bàn giao mặt bằng trước đó. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng khó có thể đáp ứng tiến độ giao đất cho dự án vào tháng 12/2020 để đảm bảo việc triển khai san lấp tạo mặt bằng vào quý 1/2021.
Theo Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 27/2/2019 của Thủ tướng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư đã cho phép chuyển ngang toàn bộ chi phí nhiên liệu vào giá điện. Tại Công văn 9606/BCT-DKT ngày 16/12/2019 của Bộ Công Thương hướng dẫn chỉ cho chuyển ngang giá khí sang giá điện, yêu cầu các bên tự đàm phán khối lượng bao tiêu khí không gây áp lực lên giá bán lẻ điện. Do đó, quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) rất khó khăn, trong khi PPA là một điều kiện cần để đàm phán hợp đồng vay vốn và công tác thu xếp vốn là điều kiện cần để ký kết hợp đồng EPC.
Theo thông lệ quốc tế, đối với hợp đồng mua bán LNG, trước ngày 1/7 hàng năm bên mua khí đã phải thống nhất với nhà cung cấp LNG về khối lượng khí nhận năm sau kèm theo lịch tàu cụ thể trong năm. Trong khi đó, việc đàm phán Sản lượng hợp đồng năm (Qc) với EVN/EPTC phụ thuộc vào kết quả tính toán của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về kế hoạch vận hành hệ thống điện. Do vậy, cần có cơ chế thống nhất Qc với EVN sớm (trước ngày 15/6 hàng năm) để các nhà máy điện sử dụng LNG kịp thời thống nhất khối lượng khí năm tới.
3/ Nhận xét, đánh giá:
Thứ nhất: Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang triển khai chậm tiến độ so với tiến độ được quy định trong quy hoạch và quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay, những vướng mắc về công tác phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng cần được cấp tỉnh xem xét giải quyết, tuy nhiên có thể sẽ gây ảnh hưởng hiệu ứng đến những phần đã thực hiện đền bù trước đây. Việc đòi hỏi thực hiện đúng cơ sở pháp lý và có sự đồng thuận của người dân đang là những vấn đề nổi cộm có thể gây tiếp tục chậm tiến độ dự án.
Thứ hai: Về Sản lượng điện hợp đồng năm (Qc) cần được xem xét “thời gian theo quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BCT và Điều 16 Thông tư 45/2018/TT-BCT quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 56/2014/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện” phù hợp với thời gian của hợp đồng mua bán khí với bên nước ngoài. Đồng thời, xem xét quy định sản lượng đảm bảo cho nhà đầu tư chủ động thu xếp vốn thực hiện xây dựng.
Theo chúng tôi, nếu những vấn đề trên chưa được giải quyết, có thể tiến độ dự án sẽ tiếp tục kéo dài thêm nữa.
III. Dự án Thuỷ điện Luang Prabang:
Dự án được giao cho PVN/PV Power làm việc với Lào để chuẩn bị đầu tư từ nhiều năm qua (theo Quy hoạch điện VII), đến năm 2019 đã cơ bản hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi FS và trình Chính phủ Lào.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, PV Power đã ký thỏa thuận cổ đông với với đối tác của Lào về việc thành lập Công ty TNHH Năng lượng Luang Prabang (LPCL) để triển khai dự án. Hiện nay, PV Power đang tiếp tục làm việc với đối tác Lào về việc chuyển giao quyền góp vốn vào dự án để PV Power giảm tỷ lệ góp vốn còn 10%.
Ngoài khó khăn về vốn, suất đầu tư cao, dự án còn nhiều vấn đề cần giải quyết về phương án đầu tư và vận hành đường dây truyền tải, sân phân phối trạm, phương án đấu nối, đàm phán Hợp đồng PPA. Những nội dung này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án.
Ngoài ra, để đảm bảo các thủ tục pháp lý đầu tư ra nước ngoài cần sự phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan.
IV. Các dự án trong quá trình giao chủ đầu tư khác:
1/ Dự án tua bin khí hỗn hợp Sơn Mỹ 2 (3 x 750 MW): Tiến độ theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh) là vận hành vào 2023 – 2025. Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư dự án thay cho PVN. Hiện nay, PVN đang làm việc với Tập đoàn AES về xử lý các chi phí mà PVN đã thực hiện đối với dự án, đồng thời tiến hành nghiệm thu và thanh lý hợp đồng tư vấn lập Pre-FS, FS với các nhà thầu tư vấn.
Đồng bộ dự án tua bin khí hỗn hợp Sơn Mỹ 2 là dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ (do PV GAS là chủ đầu tư). Hiện nay, PVN/PV GAS phối hợp với AES hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ trình duyệt theo quy định ngay sau khi hoàn thành đàm phán với AES về Thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty Kho cảng LNG Sơn Mỹ, cũng như thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ từ PV GAS sang Công ty liên doanh (Công ty Kho cảng LNG Sơn Mỹ) theo quy định.
2/ Nhiệt điện Long Phú 3 (3 x 600 MW): Tiến độ theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh) là vận hành nhà máy vào 2021 – 2022. Trong thời kỳ khủng hoảng, vì một số lý do, ngày 24/1/2018, PVN kiến nghị Thủ tướng xem xét giao chủ đầu tư khác thay cho PVN. Sau gần 2 năm, ngày 23/11/2019, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1576/TTg-CN giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm và hướng dẫn Công ty Banpu Power Public Limited (Thái Lan) là nhà đầu tư thay thế PVN thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu chất lượng, hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam.
Như vậy, các dự án đang chuẩn bị đầu tư của PVN/PV Power (chủ đầu tư) đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ chậm tiến độ rất xa so với quy hoạch, kế hoạch. Giải quyết những khó khăn này đòi hỏi sự chủ động và cố gắng của chủ đầu tư, nhưng cũng có nhiều nội dung nằm ngoài thẩm quyền của PVN, đòi hỏi sự hỗ trợ phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như đã nêu. Nếu mỗi khó khăn không được kiên quyết giải quyết, hoặc đều bị né tránh thì nguy cơ chậm tiến độ, hoặc kém hiệu quả dự án là điều không tránh khỏi.
Thegioibantin.com | Vina-Aspire News