Đặng Lê Nguyên Vũ: Vì sao Việt Nam mãi đói nghèo?
Một nước giàu tài nguyên mà nghèo, yêu hòa bình nhưng lại hay bị chiến tranh, nhiều cá nhân giỏi nhưng không có tập thể xuất sắc…
Những nghịch lý ngàn năm ở xứ Việt
Chúng ta vẫn thường tự hào về truyền thống đánh thắng giặc ngoại xâm của dân tộc. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao Việt Nam luôn phải đối mặt với các cuộc chiến tranh?
Chúng ta tự hào là một đất nước có rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú, con người thông minh nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng những yếu tố đó Nhật Bản, Hàn Quốc thua kém chúng ta nhiều nhưng tại sao hiện nay họ lại đang giàu mạnh hơn ta gấp nhiều lần? Tại sao đất nước ta lại là một đất nước có truyền thống đói nghèo?
Những nghịch lý “khó đỡ” của người Việt đã được Đặng Lê Nguyên Vũ phân tích |
Quả thật, soi rọi lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mình trong hàng ngàn năm nay, chúng ta đều có thể thấy hiển hiện những mâu thuẫn, những nghịch lý lớn. đó luôn là nỗi trăn trở trong mỗi người Việt, đòi hỏi chúng ta cần phải nhận ra và có lời giải đáp trọn vẹn. Dân tộc ta, đất nước ta có hai nghịch lý chính như sau:
Yêu hòa bình nhưng luôn bị chiến tranh
Chúng ta có những chiến công hiển hách của dân tộc, nhưng đó chỉ là những chiến công trong việc giữ nước, trong những tình thế bị dồn vào đường cùng, bị bức bách lựa chọn nô lệ hay tự do. Vậy tại sao chúng ta luôn luôn bị rơi vào các cuộc chiến tranh về quân sự trong khi chúng ta là một dân tộc vô cùng yêu chuộng hòa bình? Chúng ta còn gì để tự hào trước thế giới ngoài những chiến thắng thật anh hùng nhưng cũng thật quá nhiều đau thương mất mát?
Thiên nhiên ưu đãi nhưng lại đói nghèo
Việt Nam có đầy đủ những điều kiện để trở thành một nước giàu mạnh nhưng trên thực tế chúng ta lại là một nước có truyền thống đói nghèo. Chúng ta có vị trí địa lý thuận lợi, thiên nhiên tương đối ưu đãi, tài nguyên khoáng sản phong phú, con người cần cù, thông minh, sáng tạo. Nhưng tại sao chúng ta vẫn nghèo? Chúng ta còn bao nhiêu nghịch lý nhỏ trong một nghịch lý lớn?
Nước ta có vị trí địa chính trị mang tầm chiến lược cao và thuận lợi cho giao lưu văn hóa và văn minh với thế giới.
Nhưng hầu hết trong chiều dài lịch sử, chúng ta luôn thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, từ chối học hỏi những cái hay của thế giới để cho quốc gia, cho dân tộc. Trong khi điều kiện tương tự của Nhật Bản kém thuận lợi so với ta nhiều nhưng họ lại luôn biết chủ động cưỡi thuyền đi học hỏi những tinh hoa của các quốc gia khác trên thế giới và họ đã thành công như thế nào hẳn chúng ta đều đã thấy.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho chiến tranh gây nên đói nghèo, nhưng có phải vì bị suy yếu nên mới phải rơi vào tình trạng chiến tranh?
Đừng đổ lỗi cho cơ chế – chính sách
Có một số người còn đổ lỗi cho thể chế, chính sách nhưng ngay cả trong thời điểm hiện tại, người Việt đã cư ngụ khắp năm châu và vẫn luôn được các dân tộc khác tôn trọng vì sự thông minh cần cù hiếm có, nhưng cũng không có lấy một tỉ phú người Việt tầm cỡ thế giới, không có những cá nhân thành đạt ở tầm mức toàn cầu? Những quốc gia, dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi tới Thái Lan, Malaysia, Singapore thì lại có, và ngày càng có nhiều.
Tóm lại, chúng ta thấy nghịch lý của một dân tộc có truyền thống anh hùng bất khuất nhưng dân khí lại không cao, không liền mạch. Một dân tộc có truyền thống thông minh và hiếu học nhưng dân trí lại không hữu dụng. Một dân tộc có đầy đủ điều kiện làm giàu mà dân sinh lại không được sung túc.
Chúng ta có nhận ra, có thấy trăn trở, có thấy đau xót trước hàng loạt nghịch lý đó? Hay phải chăng điều nghịch lý duy nhất là chúng ta đã chấp nhận tất cả những nghịch lý trên là chân lý, là điều hiển nhiên?
Đâu là căn nguyên?
Những nghịch lý nêu trên đã tồn tại ngàn năm nay, vậy đâu là căn nguyên đích thực gây nên nghịch lý?
Bất cứ ai có một lòng yêu nước thật sự sẽ không ảo tưởng về sức mạnh của dân tộc mình. cần phải dũng cảm tìm ra cho được căn nguyên của những nghịch lý nêu trên để có thể có những liệu pháp chữa trị tận gốc. Theo tôi, có thể nêu ra ba nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa chính trị có ý nghĩa chiến lược trong khu vực cũng như trên bình diện thế giới. Với vị trí địa chính trị của mình, từ thuở đầu dựng nước đến nay, Việt Nam luôn là đối tượng thôn tính của các thế lực bành trướng. Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc bành trướng sang Đông Nam Á; là cửa biển để Nhật Bản hay Hoa Kỳ ảnh hưởng đến các nước Đông Dương, và tới cả Ấn Độ và Trung Quốc; là vùng đệm của văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Á.
Thứ hai, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người giàu có, đa dạng và phong phú. Đó chính là miếng mồi béo bở cho những thế lực bành trướng hăm he chiếm đoạt. Và với điều kiện sống tương đối sung túc và dễ dàng như vậy, người Việt không cần phải cố gắng nhiều cũng có thể tự nuôi bản thân mình.
Yếu tố thứ ba là những rào cản về văn hóa. Những rào cản về văn hóa ở đây được xác định là những tính chất tiêu cực không phù hợp của nền văn hóa Việt gây nên những nghịch lý Việt Nam. Đầu tiên là những đặc tính cố hữu của nền văn hóa dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lúa nước. Nó bao gồm các tính cách: tính manh mún, tính ưa ổn định và thiên về bảo tồn, không muốn khám phá và phát triển. Tóm lại, đó là các đặc tính rất thiên về Âm tính.
Ban đầu, đó là những tính chất văn hóa âm tính để cân bằng với môi trường sống gần với thiên nhiên ở một vùng nhiệt đới. Nhưng sau đó, chính những đặc tính văn hóa ngoại lai đã biến nhiều đặc trưng của nền văn hóa lúa nước truyền thống thành nguyên nhân chủ yếu tạo nên nghịch lý Việt Nam. Đó là những mặt trái khi chúng ta phải tiếp thu văn hóa một cách cưỡng ép, thiếu chủ động và thiếu chọn lọc từ bên ngoài.
Người Trung Hoa mang theo Nho, Lão và Phật giáo dạy cho dân tộc Việt sự “dĩ hòa vi quý”, hài lòng với hiện tại, ít khát vọng khám phá và chinh phục. thêm vào đó là người Pháp, người Mỹ mang lại sự chia rẽ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt với sự phân chia Bắc, Trung, Nam và còn chia rẽ tới làng xã họ tộc. Đó là những nguyên nhân chính làm cho người Việt mất đoàn kết mà đã đẩy tính Âm của nền văn hóa Việt thành Thái Âm, tức là gần như mất đi khát vọng lớn mạnh, chỉ muốn sự ổn định và kìm hãm trong cái “ao làng” nhỏ bé của mỗi người. Không những vậy, nguy hiểm hơn nữa là tâm lý cào bằng, kéo lùi mọi nhân tố mới nổi trội và có thể có tính đột phá.
Thuộc tính Thái Âm chỉ thể hiện sức mạnh khi người Việt bị dồn vào đường cùng, vào thế không còn sự lựa chọn mà bắt buộc phải chiến đấu. Nhưng sau khi được coi là “chiến thắng”, sự âm tính thái quá đó lại phát huy tác dụng, như ru ngủ cả một dân tộc, để dân tộc đó lại trở nên yếu ớt và lại bị dồn vào bước đường cùng.
Vậy đã đến lúc chúng ta nên nhận ra cái vòng tròn luẩn quẩn đó và phải tìm cách thoát khỏi nó cho bằng được, thoát khỏi cái hậu quả của “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” hay không? Chúng ta có dám cùng đồng lòng, đồng sức xây dựng một nước Việt vĩ đại ngàn năm giàu mạnh, ngàn năm thái bình hay không?
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận, trong ba nguyên nhân trên, chính nguyên nhân cuối cùng – những rào cản về văn hóa, là căn nguyên tạo nên những nghịch lý Việt Nam. Một nền văn hóa thiên về âm tính chỉ có thể bảo toàn một quốc gia chứ không thể tạo nên một quốc gia giàu mạnh và phát triển, không thể tạo nên một nền văn minh lớn.
Chúng ta cần cải sửa một nền văn hóa ưa hài hòa thiên về âm tính sang một nền văn hóa một mặt vẫn giữ được đặc tính hài hòa, nhưng mặt khác phải thiên về dương tính, thiên về phát triển, khám phá, chinh phục. Khi đó, chúng ta có thể biến hai nguyên nhân đầu tiên thành những điều kiện vô cùng thuận lợi để trở thành một quốc gia vĩ đại, thật sự sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đặng Lê Nguyên Vũ
Nguồn: ngaynay.vn