Ban Bí thư TW Đoàn đối thoại với các Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc Toàn quốc 2013
Sáng ngày 25/3 tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội), Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tổ chức Đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc năm 2003. Đồng chí Phan Văn Mãi – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và đồng chí Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn đã chủ trì buổi đối thoại.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, đồng chí Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn các Bí thư Đoàn cơ sở sẽ nêu các vấn đề, những cách làm hay của đơn vị trong quá trình trao đổi với Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Đồng chí nhấn mạnh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn không kỳ vọng các vấn đề nêu ra sẽ được giải quyết ngay, nhưng những ý kiến trao đổi tại buổi đối thoại sẽ góp phần nêu bật những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn sau này.
Theo đó, các ý kiến trao đổi tại buổi Đối thoại cần tập trung vào các vấn đề công tác giáo dục của Đoàn, vai trò xung kích của đoàn viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị – xã hội của địa phương; công tác quản lý đoàn viên, sinh hoạt Đoàn, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư; những đề xuất đối với chính sách của thanh niên, của cán bộ Đoàn.
Mở đầu cho các ý kiến của buổi đối thoại, đồng chí Trần Phi Long – Bí thư Đoàn TN Công ty Prime Group, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đưa vấn đề lợi nhuận lên trên hết, nên các hoạt động Đoàn mang lại hiệu quả mới được các doanh nghiệp tạo điều kiện.
Đồng chí Long nêu thực trạng, hầu hết thanh niên công nhân làm ca, cán bộ Đoàn trong các doanh nghiệp chủ yếu làm kiêm nhiệm không được hưởng phụ cấp. Bên cạnh đó, thanh niên có nhu cầu về nhà ở, vui chơi giải trí lành mạnh là rất lớn.
Mạnh dạn giới thiệu 3 mô hình được cho là hiệu quả, đồng chí Long chia sẻ, đẩy mạnh phong trào ‘Sáng tạo trẻ” trong thanh niên công nhân thông qua ký cam kết sáng kiến kỹ thuật giữa các chi Đoàn nhằm góp phần mang lại lợi nhuận cho công ty cùng với nhiều giải thưởng thông qua các cuộc thi “Sáng tạo trẻ” các cấp tổ chức; mô hình thứ hai đó là, nâng cao tay nghề đẩy lùi tai nạn lao động đã được các cơ sở Đoàn làm tốt thông qua công tác tuyên truyền góp phần giảm thiểu tai nạn; công tác bảo vệ môi trường được cụ thể với các công trình vườn cây thanh niên, hàng cây thanh niên là mô hình thứ ba đã mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp đã được Đoàn làm tốt.
Đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đoàn vấn đề này, đồng chí Long đề nghị nên có quy chế để các doanh nghiệp có phụ cấp cán bộ Đoàn kiêm nhiệm; quy định rõ hơn tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp tương đương cấp huyện và có cán bộ Đoàn chuyên trách làm công tác Đoàn; Đoàn các doanh nghiệp cần có sự phối hợp với Đoàn thanh niên các địa phương để giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt 2 chiều, giúp địa phương tập hợp thanh niên tốt hơn.
Từ hoạt động thực tế trong trường học, Bí thư Đoàn trường phổ thông dân tộ nội trú tỉnh Tuyên Quang Bàn Thị Kim Thanh nêu tình trạng chất lượng các trường học miền núi phụ thuộc tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng, do đó nhiều Ban giám hiệu các trường định hướng các giáo viên nên tập trung đẩy mạnh công tác dạy học để có nhiều học sinh thi đỗ các trường. Tuy nhiên, thực tế công tác định hướng đào tạo nghề, tư vấn cho học sinh chọn trường, chọn nghề chưa được quan tâm; việc tư vấn của gia đình chọn nghề cho các em cũng chưa được thỏa đáng và bên cạnh đó, tâm lý của nhiều em ra trường lại mong muốn có việc làm ngay, thu nhập cao.
Nêu giải pháp tháo gỡ kinh phí trong hoạt động Đoàn, đồng chí Lôi Thị Hồng, xã Ngọc Lặc, Quế Phong, Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm để có kinh phí tổ chức chính là phải biết phối hợp để tổ chức hoạt động. Đồng chí chia sẻ, để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho thanh niên, Đoàn xã đã phối hợp với Ban văn hóa xã, được biết Ban văn hóa xã có kinh phí hoạt động hơn 100 triệu đồng/năm; hay phối hợp với Ban công an xã tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm, tội phạm ma túy … kinh phí lấy từ nguồn này mà không phải lấy của Đoàn.
Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP Huế Mai Bá Hoàng nêu ý kiến |
Đ/c Phan Văn Mãi – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn phát biểu tại buổi đối thoại |
Qua các ý kiến trao đổi, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng đã có một số vấn đề nổi lên, đó là có cơ chế để hoạt động đã Đoàn tốt hơn, việc chăm lo cho đoàn viên, cán bộ Đoàn được tốt hơn trước. Tuy nhiên, Ban Bí thư đã có kiến nghị và đã từng bước giải quyết những khó khăn trên phạm vi toàn quốc, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tiếp tục ghi nhận và tiếp thu ý kiến để có những cơ chế chính sách trong thời gian tới.
Về kinh phí hoạt động của Đoàn cơ sở, cần xã hội hóa kinh phí để có thêm các nguồn lực phục vụ hoạt động của Đoàn, do đó, cán bộ Đoàn phải luôn là người sáng tạo để chăm lo kinh phí cho hoạt động của Đoàn.