Bản tin Tình nguyện tuần II – tháng 11/2014: Trách nhiệm của thanh niên với an toàn giao thông
Khánh thành Biển cảnh báo về ATGT tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Các Bác sỹ trẻ tình nguyện khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân tại Quảng Bình
*Gương sáng tình nguyện Hồ Văn Thông (27 tuổi), bí thư chi đoàn thôn Trung, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi luôn trăn trở tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương. Thanh niên thôn Trung (hầu hết là người dân tộc Cor) ngoài thời gian đi rẫy chỉ biết nhậu nhẹt, thu nhập bấp bênh, nghèo đói mãi không có lối thoát. Sau mùa mưa lũ năm 2010, bà con đến vùng tái định cư, giữa mùa mưa thợ xây dựng nhà, ngủ trong lều bạt. Ý tưởng thành lập đội thợ xây dựng lóe lên trong đầu Thông. Thông đã đề xuất thanh niên đi học nghề thợ xây và đã có hơn 30 thanh niên đi học nghề. Hiện tại đội thợ xây dựng của Thông có chín người, đều ở tuổi Đoàn. Ngoài việc nhận làm nhà kiếm thu nhập, đội thợ xây còn giúp đỡ những gia đình khó khăn sửa chữa nhà cửa miễn phí. Đã có hơn chục căn nhà của người dân trong thôn được tu bổ từ đôi bàn tay của đội. Đội thợ xây của Thông vừa mới bỏ tiền và công gia cố lại ngôi nhà ông Hồ Văn Khải (50 tuổi), thôn Trung. Đồng thời, lớp thanh niên đi trước dạy nghề cho các bạn trẻ khác tạo nên hiệu ứng tích cực, các bạn đã tự tìm cách vươn lên trong cuộc sống. Lê Tiến Vĩ (35 tuổi), bị bại liệt từ năm 4 tuổi nhưng đã vượt qua bệnh tật để trở thành chủ một xưởng điêu khắc tạo công ăn việc làm và dạy nghề miễn phí cho các thiếu niên hư hỏng trong làng. Ở quê ít việc để làm, các thiếu niên trong làng bỏ học về nhà đều lêu lổng, suốt ngày phá làng phá xóm. Nhìn thấy cảnh đó, trong khi xưởng đang làm ăn được nên anh Vĩ đến từng nhà để cảm hóa rồi nhận dạy nghề miễn phí cho các em. Lúc đầu nhiều em quen cuộc sống lêu lổng với trò chơi điện tử, rượu chè… nên không chịu đựng được đòi bỏ học, vì vậy ngoài dạy nghề ra, Vĩ còn dạy thêm cho các em cả những kỹ năng sống. Ngoài các thanh thiếu niên hư hỏng trong làng, anh Vĩ còn nhận các em có hoàn cảnh khó khăn để dạy nghề miễn phí. Đến nay xưởng điêu khắc của anh có gần 20 người trong đó hơn một nửa đã trở thành thợ lành nghề với thu nhập ổn định. Sau khi học việc xong, nếu không muốn đi nơi khác làm việc, anh Vĩ lại nhận các em làm công tại đây với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng tùy theo tuổi nghề. Sắp tới Vĩ sẽ thuê đất mở rộng hoạt động của xưởng để tạo thêm công ăn việc làm cho con em trong vùng. |