Một bài viết về phân loại rác
Câu chuyện đau đầu của các nhà chức trách về việc “PHÂN LOẠI RÁC” đã được đưa ra từ cả 10 năm nay mà vẫn chưa có một biện pháp nào hiệu quả. Mình vẫn còn nhớ chiến dịch truyền thông hồi đó qua TV, cứ mỗi buổi tối lại nghe đi nghe lại bài hát” Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá, hãy cùng nhau chung sức gìn giữ môi sinh”. Thay đổi đâu không thấy, chỉ nghe đâu các bà các bác kháo nhau” bọn này điên rồi, rác mà quý giá cái chi “.
Riêng mình, có lẽ mình sinh ra đã mang một cái duyên, cái nợ với những vấn đề liên quan đến môi trường sống như thế này. Từ ngày xưa đã luôn ước mơ và cố gắng để trồng thêm cái cây, nhân giống dăm ba bụi hoa cho đẹp và cho xanh vườn nhà.
Giống như trồng cây, mình ý thức việc phân loại rác từ khá sớm. Ở quê nhà, ngày xưa mẹ mình thường đào một cái hố sau vườn, tất cả rác hữu cơ đều được chôn vào đó, hồi ấy cũng chẳng nghĩ tới việc lấy rác ủ làm phân hữu cơ đâu, chỉ là lâu dần, rác biến trở lại thành đất mất dấu, điều đó làm mình vui lắm. Thế rồi cơn ác mộng nilon tràn vào khắp mọi hang cùng ngõ hẻm trên đất Việt, mẹ không cho mình giục rác ra vườn nữa, tất cả hữu cơ vô cơ, tống vào trong túi để cho người ta đi thu gom hết. Thỉnh thoảng, mình giấu mẹ lựa rác hữu cơ ra chôn góc vườn, đôi lần thôi, mẹ biết được lại mắng cho tơi tả.
Trở lại với công tác Phân loại rác đương đại!
Từ ngày bén duyên với #ZeroWaste, mình không còn phải suy nghĩ nhiều đến chuyện phân loại nữa bởi vì rác nào đó, loại nào đó, số lượng quá nhỏ và việc phân loại thì quá dễ. Cũng chẳng cần nhớ ngày thứ mấy thì xe thu rác chạy qua nhà cũng bởi cả tuần có khi nặn mãi mới thu được một mớ xíu xiu rác cần phải đổ bỏ.
Dưới đây là cách mình phân tích & Phân loại rác:
Rác thải sinh hoạt được chia thành nhiều loại, trong đó, 3 loại dễ nhất mà ai cũng có thể làm được:
1. Rác thải hữu cơ:
Rác hữu cơ bao gồm các loại có khả năng phân hủy trong thời gian ngắn như: rau củ quả, thức ăn , giấy vệ sinh, cây cỏ, vv. Nếu có điều kiện có sân vườn, chúng ta nên đào một hố nhỏ, tất cả rác hữu cơ các bạn cắt nhỏ vừa cho vào hố. Mỗi ngày khi đổ thêm rác vào, chúng ta thêm một nắm đất để cân bằng độ ẩm giúp rác phân hủy nhanh thành chất mùn. Cách này gọi là ” composting” , là một cách cực kỳ hữu hiệu để xử lý rác, vừa tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng trong gia đình rất giàu dinh dưỡng.
Mình có một hộp xốp nhỏ để compost phân hữu cơ trong góc vườn, các bạn yên tâm là khi đậy kín nắp và thêm vào hỗn hợp rác một nắm đất, lá cây khô, thì thùng ủ không hề gây mùi gì khó chịu . Và với cách xử lý như vầy, thùng rác sẽ giống như nồi cơm Thạch Sanh vậy, mình ủ tới nay đã gần nửa năm rồi mà thùng bé tẹo mới chưa đến một nửa. Rác biến thành đất trở lại, mình bới ra trộn với giá thể trộn phân bò đem đi trồng cây, rất tốt.
2a. Rác vô cơ tái chế được .
Trong #Zerowaste tip có 4 chữ R thì Recycle là chữ thứ 3 và là một giải pháp hữu hiệu không kém.
Khi đã phân loại xong rác hữu cơ, thì phần còn lại chính là rác vô cơ: (a) loại tái chế được & (b) loại không thể tái chế.
Các chất thải rắn bằng kim loại, thủy tinh và nhựa ( như chai nhựa, đồ dùng nhựa) đều có thể được thu gom lại và tái chế thành các sản phẩm khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hạn chế thải ra loại rác này, bởi vì dù sao,khi chế biến lại bất cứ vật liệu nào, chúng ta vô tình vẫn thải ra các loại khí thải và nước thải có hại cho môi trường và chính mình.
Trong trường hợp bạn thèm một ly trà sữa, hay vô tình phải xách một túi nilon bất đắc dĩ, hãy cố gắng tái sử dụng chúng càng nhiều lần càng tốt, hãy tận dụng, đừng lãng phí mà vứt cái xoẹt vào thùng rác không chút đắn đo như vậy nhé.
2B. Rác vô cơ không thể tái chế.
Rác vô cơ không tái chế được thường là những rác thải công nghiệp và y tế, chúng không thể được dùng lại vì những lý do khách quan liên hệ mật thiết tới tính mệnh con người và môi trường. Ngược lại, trong sinh hoạt lại rất ít. Ngày nay, một số loại rác thải nguy hại như pin , máy tính hư hỏng,… đã có thể được tập kết tại một số địa điểm như Metro, các CLB tình nguyện xanh,… Chỉ cần chúng ta biết thu gom lại và gửi đến các điểm tiếp nhận, thì đó cũng đã là một hành động quá hữu ích rồi.
Như vậy, Phân loại rác thực sự quá dễ dàng và hữu ích nếu ai cũng có ý thức thực hiện. Phân loại rác tại nguồn, tại nhà cũng góp phần thể hiện một lối sống văn minh, sống xanh, và sống đẹp. Có biết bao công nhân môi trường, công nhân thoát nước, công nhân xử lý rác ngày ngày ngụp lặn trong đống rác khổng lồ, cống rãnh hôi thối để đảm bảo cho chúng ta một môi trường sạch đẹp. Hạn chế rác, phân loại rác rõ ràng, chính là chúng ta đang giúp đỡ họ để thực hiện công việc có nhẹ nhàng hơn và thuận lợi hơn mỗi ngày.
Muốn sống xanh -sạch -đẹp, chỉ cần hãy cố gắng từ những điều nhỏ nhất!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: Hura Nguyen