Chỉ với 57 kỹ sư, WhatsApp đã có gần 1 tỷ người dùng
Dù sở hữu số lượng người dùng khổng lồ, WhatsApp vẫn duy trì quy mô tối giản và loại bỏ thời gian họp hành không cần thiết.
Khi Facebook mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD năm 2014, ứng dụng nhắn tin này có 35 kỹ sư và 450 triệu người dùng. 2 năm sau, WhatsApp cho biết đã có hơn 900 triệu người dùng, xử lý 42 tỷ tin nhắn mỗi ngày, tương ứng với mỗi 2 giây lại có 1 triệu tin nhắn được gửi đi.
Tuy nhiên, không giống như các gã khổng lồ công nghệ khác như Google, Amazon hay chính Facebook, WhatsApp vẫn hoạt động như một startup nhỏ bé. Bất chấp thành công vang dội và số tiền khủng mà Facebook bỏ vào, công ty hiện chỉ có tổng cộng 57 kỹ sư. Quy mô nhỏ giúp tổ chức mau lẹ hơn song đòi hỏi toàn bộ nhóm luôn phải đồng tâm hiệp lực.
Tại sự kiện nhà phát triển F8, Rick Reed, một kỹ sư của WhatsApp cho biết trên tất cả, ứng dụng phụ thuộc vào sự tập trung. Dù Messenger, Google Hangouts hay các phần mềm khác có phức tạp đến đâu, WhatsApp chỉ muốn làm sao để trở thành ứng dụng chat đáng tin cậy nhất, đơn giản nhất.
“Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp công cụ giao tiếp ổn định, nhanh và đơn giản mà không cần nhiều chi tiết thừa”. Công ty dồn đủ nguồn lực và nỗ lực để luôn trung thành với triết lý này. Đây cũng là triết lý dẫn dắt toàn bộ WhatsApp.
Một điều mà Reed ca ngợi chính là “văn hóa không họp hành” bên trong WhatsApp, luôn cố gắng loại bỏ hoàn toàn các cuộc họp. Thay vào đó, nhân viên sẽ sử dụng “các chương trình chat khác nhau” để trao đổi liên tục, trong các nhóm dự án nhỏ. “Nó cho phép chúng tôi tập trung vào việc đang làm và thực sự mang lại một văn phòng yên tĩnh”.
Quy mô nhỏ yêu cầu lên kế hoạch cẩn thận và phân bổ nguồn lực, thời gian hợp lý. “Chúng tôi nỗ lực để đưa đúng người ngồi đúng vị trí của họ”, Reed cho biết.
Các công ty như Google chứng kiến cơ sở hạ tầng điện toán mở rộng theo từng năm, nhằm đáp ứng được các tính năng mới và lượng dữ liệu khổng lồ, tới mức họ phải chi hàng triệu USD chỉ để giữ được nhịp độ cần thiết. Ngược lại, WhatsApp muốn giữ cấu trúc nhỏ nhất có thể. Với quy mô như vậy, khi xảy ra vấn đề thường yêu cầu sự can thiệp nhiều hơn từ con người chứ không phải máy móc, song đồng nghĩa với phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn khi phải bổ sung hay vá lỗi. “Chúng tôi không đầu tư nhiều vào tự động hóa trừ những lúc thật sự cần thiết. Chúng tôi muốn có người ở đó”.
Một yếu tố quan trọng khác để tập trung, theo Reed, chính là không dành nhiều thời gian vào tiếp thị, báo chí hay phát biểu tại hội thảo. WhatsApp “từ chối mọi sự chú ý có thể” trước và sau thương vụ với Facebook.
Du Lam (Theo BI)