20 cách đơn giản để tạo động lực cho bản thân
Động lực là một chiếc chìa khóa vạn năng giúp bạn vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Đạt được mục tiêu không đồng nghĩa với việc bạn phải tự ép mình vào một khuôn khổ kỉ luật hà khắc. Nó chỉ đơn thuần là những hoạt động tạo cho bạn sự hứng khởi và tập trung vào công việc. Nếu bạn không có động lực, bạn sẽ có xu hướng trì hoãn những điều phải thực hiện.
May mắn thay, những giải pháp dưới đây sẽ là 20 cách tuyệt vời để bạn vượt qua trạng thái tồi tệ này, cùng xem nào!
1. Vẽ biểu đồ tiến bộ của bạn
Sao bạn không thử vẽ biểu đồ theo dõi tiến bộ cho từng mục tiêu của mình? Điều này không chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin, nó còn cho thấy những việc bạn đã làm được và những việc bạn phải làm. Nó sẽ thúc đẩy bạn theo kịp với mục tiêu của mình. Có rất nhiều phần mềm giúp bạn làm được điều này mà tiêu biểu là Gantt Chart.
Nếu hôm đó, bạn đã hoàn thành tốt công việc của mình, hãy cho mình một dấu sao hay bất cứ biểu tượng nào mà bạn thích và hãy tự hào vì điều đó. Ngược lại, nếu hôm đó bạn đã không tập trung cho công việc hãy tự cho mình một kí hiệu xấu để nhắc nhở bản thân.
Khi bạn có một số dấu hiệu xấu trên biểu đồ. Việc đó ổn, chẳng sao cả. Đừng để một vài dấu hiệu xấu ngăn cản bạn tiếp tục. Hãy cố gắng hướng tới những dấu hiệu tốt trong thời gian tới.
2. Hãy giữ lại một phần năng lượng
Khi chúng ta bắt đầu với một chương trình tập thể dục mới, hoặc bất kỳ mục tiêu mới nào, chúng ta luôn thấy phấn khích. Và dường như sự hào hứng đó là không có giới hạn và chúng ta nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì. Nhưng sau một thời gian, sự nhiệt tình của chúng ta bắt đầu suy yếu dần.
Và một vấn đề đặt ra là làm sao để chúng ta duy trì động lực đó trong suốt một quá trình dài. Hãy giữ lại một phần năng lượng, một phần nhiệt huyết. Đừng lao vào làm tất cả mọi thứ bạn muốn ngay từ ngày đầu tiên. Chỉ cho mình làm 50-75 phần trăm của những gì bạn muốn làm.
Ví dụ, nếu bạn muốn chạy thể dục mỗi ngày, dù bạn có thể chạy 3 km ngay lần đầu tiên. Nhưng thay vì cho phép bản thân mình làm điều đó, bạn chỉ nên bắt đầu với việc chạy 1 km. Khi bạn chạy, hãy nói với bản thân rằng bạn có thể làm nhiều hơn nữa nhưng đừng cho phép bản thân mình làm. Cứ như vậy, sau mỗi lần chạy, bạn sẽ tiếp tục mong muốn được tập luyện ngày hôm sau vì bạn biết bản thân mình có thể làm được. Hãy giữ lại một phần năng lượng, khai thác nó để có thể duy trì việc theo đuổi mục tiêu mỗi ngày.
3. Tham gia các hội nhóm
Ví dụ như khi bạn muốn luyện thi Toeic, hãy tham gia vào nhiều diễn đàn khác nhau trên các forum hay facebook. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào mục tiêu của mình vì ở đó, bạn được gặp gỡ những người cũng đang ôn thi như bạn. Và những khi bạn chán nản hay muốn bỏ cuộc, bạn lại tìm thấy động lực từ những lời khuyên tuyệt vời từ những người đi trước.
4. Đặt một bức ảnh về mục tiêu của bạn ở nơi dễ nhìn thấy nhất
Hãy hình dung về mục tiêu của bạn, đó có thể là mục tiêu tài chính như đủ tiền để đi du lịch đến Rome hoặc xây dựng một ngôi nhà mơ ước, hoặc những thành tích cụ thể như kết thúc một cuộc đua marathon hoặc có một thân hình thon gọn. Hình dung về thành quả đạt được là một trong những cách tốt nhất để tạo động lực và hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Hãy tìm một bức ảnh trong các quyển tạp chí hay trên mạng và dán nó ở đâu đó, nơi bạn có thể nhìn thấy nó không chỉ hàng ngày, mà là hằng giờ nếu có thể. Đó có thể là trên bàn làm việc hoặc trên tủ lạnh hay đặt nó làm hình nền máy tính của bạn. Sử dụng sức mạnh của hình ảnh để giữ cho bạn tập trung vào mục tiêu của mình vì khi bạn mất tập trung, bạn sẽ mất động lực.
5. Tìm một người bạn đồng hành
Để tự mình duy trì động lực quả là một điều khó khăn. Nhưng nếu bạn tìm thấy một người nào đó với mục tiêu tương tự bạn ( về chạy, ăn kiêng, tài chính, vv) hãy hỏi xem họ có muốn hợp tác với bạn không. Hoặc có một cách khác là hợp tác với anh chị em trong gia đình của bạn bất kể mục tiêu họ đang cố gắng để đạt được là gì. Bạn không nhất thiết phải tìm một người có mục tiêu giống bạn- miễn là các bạn hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau để thành công.
6. Chỉ cần bạn bắt đầu
Sẽ có một số ngày mà bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức không muốn bước ra khỏi cửa để tập chạy, hoặc làm việc để kiếm tiền, hoặc làm bất cứ điều gì mà nó giúp cho mục tiêu của bạn được hoàn thành. Vâng, thay vì suy nghĩ về việc đặt mục tiêu khó thế nào, mất bao lâu để hoàn thành, hãy nói với bản thân rằng những gì bạn cần làm là bắt đầu thực hiện mục tiêu ngay bây giờ.
Nếu bạn đang có kế hoạch tập chạy để giảm cân, hãy nhớ một nguyên tắc duy nhất là mang giày chạy vào và đóng cửa lại. Khi bạn ngồi trong nhà và suy nghĩ về mục tiêu, bạn sẽ thấy nó thật khó khăn và mệt mỏi. Nhưng khi bạn bắt đầu, mọi việc sẽ dễ hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nguyên tắc này luôn hiệu quả trong mọi trường hợp.
7. Biến việc thực hiện mục tiêu thành niềm vui mỗi ngày
Một lý do phổ biến để chúng ta trì hoãn mục tiêu của mình, chẳng hạn như tập thể dục mỗi ngày, là bởi vì bạn nghĩ nó là một công việc khó khăn. Vâng, điều này đúng, nên việc quan trọng nhất là phải làm cho nó trở nên vui vẻ và thú vị. Khi đó, bạn sẽ tận hưởng cả những niềm vui và khó khăn trong quá trình hoàn thành mục tiêu. Và đó là một điều tốt.
8. Hãy kiên nhẫn
Điều này nói thì dễ hơn làm vì chúng ta thường mong đợi một kết quả nhanh chóng. Khi bạn đặt mục tiêu, hãy lên một kế hoạch lâu dài. Ví dụ như khi bạn muốn giảm cân trong thời gian ngắn, sức khỏe của bạn có thể sẽ gặp nguy hiểm. Nếu bạn muốn chạy Marathon, bạn sẽ không thể làm điều đó trong một ngày. Nếu bạn không thấy kết quả mong muốn trong thời gian ngắn, đừng vội bỏ cuộc. Trong khi chờ đợi thành quả, hãy hài lòng với sự tiến bộ của bạn qua từng ngày. Các thành quả mĩ mãn sẽ đến nếu bạn cho nó thời gian.
9. Chia thành những mục tiêu nhỏ
Đôi khi những mục tiêu lớn hoặc mục tiêu dài hạn có thể quá sức với bạn. Sau một vài tuần, bạn có thể bị mất động lực, bởi vì bạn nghĩ vẫn còn một vài tháng hoặc một năm để hoàn thành mục tiêu. Thật khó để duy trì động lực cho một mục tiêu trong một thời gian dài như vậy. Giải pháp cho vấn đề này là chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ trong quá trình hoàn thành nó.
10. Hãy tự thưởng cho mình
Hãy làm điều này thường xuyên, và không chỉ cho các mục tiêu dài hạn. Ở trên, chúng ta đã nói về việc chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn. Và mỗi mục tiêu nhỏ cần phải có một phần thưởng gắn liền với nó. Tạo một danh sách các mục tiêu của bạn, với mỗi mục tiêu nhỏ, hãy ghi lại một phần thưởng phù hợp.
Những phần thưởng này phải phù hợp với độ khó của mục tiêu và nó không hủy hoại mục tiêu lớn của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng để giảm cân, thì đừng tự thưởng cho mình một ngày ăn uống thoải mái. Điều đó có nghĩa là bạn đang tự đánh bại chính mình.
11. Tìm cảm hứng
Cảm hứng là một trong những động cơ tốt nhất, và nó có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Mỗi ngày, bạn hãy tự tìm nguồn cảm hứng, và nó sẽ giúp duy trì động lực trong dài hạn. Nguồn cảm hứng có thể bao gồm: blog, những câu chuyện thành công, diễn đàn, bạn bè và gia đình, tạp chí, sách, báo, nhạc, hình ảnh.
12. Tìm một huấn luyện viên hoặc tham gia một lớp học
Ít nhất thì điều này sẽ buộc bạn phải hành động. Nó có thể được áp dụng cho bất kỳ mục tiêu nào. Đây có thể là một trong những cách khá tốn kém, nhưng nó rất hiệu quả. Và nếu bạn chịu khó tìm kiếm, bạn sẽ tìm thấy một số lớp học giá rẻ trong khu vực của bạn, hoặc những dịch vụ tư vấn miễn phí.
13. Tìm những lý do thuyết phục và viết ra giấy
Hãy xác định lý do để hoàn thành mục tiêu của bạn là gì, nghĩ về nó… và viết chúng ra. Nếu bạn hoàn thành mục tiêu này vì người thân thì đây sẽ là lí do mạnh mẽ hơn thay vì làm nó chỉ vì lợi ích cá nhân. Làm điều gì đó cho chính mình là tốt, nhưng khi bạn làm vì người khác thì bạn sẽ có động lực mạnh mẽ hơn.
14. Nhận thức về sự thôi thúc
Trong quá trình hoàn thành mục tiêu, sẽ có rất nhiều lúc bạn muốn dừng lại. Để vượt qua điều này, hãy cảm nhận về sự thôi thúc ngay từ khi bạn bắt đầu. Một bản kế hoạch tập thể dục tốt là khi qua mỗi ngày, bạn đều đánh dấu lại quá trình tập luyện của mình. Và từ đó, động lực sẽ được tạo ra và nhân lên qua từng ngày vì bạn biết được rằng bạn đã sắp hoàn thành mục tiêu của mình.
15. Đừng cho bản thân nghỉ ngơi quá hai ngày trong một tuần
Điều này dựa trên một nguyên tắc tự nhiên là khi bạn nghỉ một ngày, bạn sẽ có xu hướng nghỉ tiếp ngày tiếp theo. Chúng ta không hoàn hảo. Vì thế, khi bạn nghỉ một ngày, bạn sẽ cảm thấy rất lười biếng vào ngày hôm sau. Khi đó, hãy quả quyết nói với chính mình “ KHÔNG! Mình không được nghỉ ngơi quá hai ngày trong tuần”.
16. Nghĩ về mục tiêu ít nhất 5-10 phút mỗi ngày
Hãy hình dung kết quả thành công của bạn thật chi tiết. Nhắm mắt lại, và suy nghĩ về cảnh tượng khi bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình. Điều đó khiến bạn cảm thấy thế nào? Nơi đó là đâu? Bạn nghe được âm thanh gì? Bạn trông thế nào? Bạn sẽ mặc gì? Bây giờ đây là chìa khóa tiếp theo: hãy làm điều đó mỗi ngày với ít nhất là một vài phút. Đây là cách đơn giản nhất để duy trì động lực trong một thời gian dài.
17. Viết nhật kí trong quá trình thực hiện mục tiêu
Nếu bạn là phù hợp với việc viết nhật kí, đây có thể là một động lực tuyệt vời dành cho bạn. Trong đó, không chỉ có những gì bạn đã làm, những suy nghĩ của bạn trong ngày, những sai lầm mà bạn đã mắc phải mà còn có những gì bạn có thể làm để cải thiện tình hình. Bạn nên cập nhập những điều này hằng ngày và xem đây như một niềm vui nho nhỏ sau một ngày dài nỗ lực.
18. Tạo một cuộc thi thân thiện để cùng hỗ trợ lẫn nhau
Chúng ta đều cạnh tranh lẫn nhau dù ít hay nhiều. Hãy tận dụng điều này trong bản chất của mỗi con người bằng cách sử dụng nó như động lực cho mục tiêu của mình. Nếu bạn có một người bạn đồng hành, bạn đã có mọi thứ mà bạn cần cho cuộc thi thân thiện này.
Hãy xem ai có thể đi nhiều km hơn, hoặc tiết kiệm nhiều tiền hơn hoặc giảm được nhiều cân hơn trong một tuần hoặc một tháng. Hãy chắc chắn rằng các mục tiêu đặt ra để cạnh tranh là khá bình đẳng và hãy cùng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoàn thành mục tiêu.
19. Đưa ra một lời cam kết công khai và đầy đủ
Hãy tạo một blog và công bố với cả thế giới rằng bạn đang nỗ lực để đạt được một mục tiêu nhất định vào một ngày nhất định. Hãy tự cam kết với chính mình điều đó.
20. Luôn luôn suy nghĩ tích cực
Hãy kiểm soát suy nghĩ của bạn bằng cách tự nói chuyện với chính mình. Chúng ta thường tự nói chuyện với mình rất nhiều nhưng không phải ai cũng nhận thức được những suy nghĩ của mình. Hãy bắt đầu lắng nghe chính mình. Nếu bạn nghe thấy những suy nghĩ tiêu cực, hãy ngăn chặn chúng, xóa chúng đi, và thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực có thể tạo nên những động lực mạnh mẽ.
Mong là với 20 cách tạo động lực trên sẽ giúp khơi dậy nguồn cảm hứng trong bạn trên con đường hoàn thành mục tiêu của chính mình.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: Zenhabits.net