Khác biệt lớn nhất giữa người với người chính là NHẬN THỨC, thành công hay thất bại đều được định đoạt thế này đây
Xuất phát điểm như nhau, tại sao có người thành công lại có người thất bại? Tất cả đều nằm trong hai chữ “nhận thức”.
Mỗi lần đi họp lớp hoặc gặp lại các bạn cũ năm xưa, chắc chắn chúng ta đều từng có suy nghĩ: “Tại sao ngày xưa nó cũng như mình mà giờ lại thành công đến thế, trong khi mình vẫn chỉ là một nhân viên quèn?”. Những cậu bạn chí cốt từng cùng nhau quậy phá, ráo riết ôn bài chuẩn bị thi cử, học hành cùng trường, cùng lớp, cùng một giáo viên dạy dỗ mà ra, đều ôm chí lớn bước chân ra ngoài xã hội, vậy mà sau 10 năm, có người làm chính trị gia, lại có người thành nhà khoa học; có người làm công chức nhà nước, lại có người ở nhà bán hàng trên mạng; có người công thành danh toại, có người lại thất bát túng thiếu; tại sao có sự khác nhau một trời một vực như vậy?
Trên thực tế, người có IQ cao chưa chắc đã thành đạt mà vẫn phải đi làm thuê cho kẻ khác. Sự khác biệt giữa người với người chủ yếu nằm ở hai chữ “Nhận thức”: Nhận thức về bản thân, nhận thức về người khác và nhận thức về thế giới xung quanh. Nhận thức khác nhau sẽ dẫn tới sự lựa chọn và hành động khác nhau, tất nhiên cũng sẽ đem về kết quả khác nhau cho mỗi người.
Nhận thức chính là nhân tố tiên quyết định hướng sự phát triển cho mỗi người.
Một người có cuộc sống tốt hay không, có thành đạt giàu có hay không, đều nằm trong sự khác biệt về nhận thức. Có 3 phương pháp giúp bạn cải thiện nhận thức, dẫn lối tới thành công nên bắt đầu ngay từ hôm nay:
1. Kiên trì học tập
Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống chính là mỗi ngày, thế giới đang thay đổi nhanh đến chóng mặt. Từng giây từng phút trôi qua, những điều mới mẻ liên tục sinh ra, thời đại không ngừng biến hóa. Để bắt kịp với nhịp sống ấy, con người chúng ta cũng phải thay đổi và làm mới bản thân liên tục. Cách tốt nhất chính là không ngừng học hỏi, bổ sung thêm nhiều tri thức.
Trước kia, chúng ta có thể phải mất thời gian tới thư viện để đọc một cuốn sách hoặc ra sạp báo để mua tạp chí về đọc nhưng bây giờ, chỉ cần ngồi một chỗ, ai cũng có thể tìm được rất nhiều thông tin bổ ích từ trên mạng Internet. Việc học tập ngày một dễ dàng và tiện lợi hơn cho chúng ta.
Tri thức có thể đến với ta bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và bằng mọi cách trên đời.
Tuy nhiên, các nguồn thông tin ngày càng tràn lan, phức tạp và không được kiểm chứng rõ ràng đã khiến người đọc khó tiếp thu, dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch, chưa chính xác. Chính vì vậy, ngoài việc chăm chỉ, chúng ta cần biết cách sàng lọc tin tức và có hệ thống học tập rõ ràng, không bị lan man, mất trọng tâm. Xây dựng được nền tảng tri thức chắc chắn chính là điều kiện tiên quyết để bạn nâng cao hệ thống tư duy, khả năng nhận thức của mình.
2. Chú trọng thực hành
Biết nhiều đến mấy mà không bắt tay vào làm thì mãi mãi không đem lại thành quả. Chỉ có thực hành mới là cách trực tiếp, hữu ích nhất biến tri thức thành vốn sống của mình.
Ai sống trên đời cũng có cơ hội phát triển nhận thức nhưng không phải người nào cũng nắm bắt thành công. Ngay khi nghĩ về điều gì đó, bạn hãy là người thực hiện nó đầu tiên. Bắt tay vào làm ngay khi có thể mới khiến bạn hiểu rõ, suy nghĩ trong đầu không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì. Cơ hội phát triển sẽ đến từ chính những hành động ấy.
Bắt đầu từ những mảnh ghép nhỏ để hoàn thành bức tranh lớn.
3. Luôn tự đào sâu tìm hiểu
Biết cách đào sâu tìm hiểu vấn đề cũng là một dạng kỹ năng đặc biệt mà ai cũng cần có. Quá trình này ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống tư duy cũng như kết quả cuối cùng. Cách tư duy lập luận chặt chẽ, phân tích rõ ràng và tìm ra trọng điểm nhanh chóng sẽ khiến khả năng nhận thức của bạn được nâng lên một tầm cao mới, có hệ thống và tư duy logic hơn. Có thể hiểu sâu, hiểu kỹ bản chất vấn đề cũng giúp bạn tránh những sai sót không cần thiết trong quá trình đưa ra quyết định, dễ dàng đi tới cuối con đường thành công hơn. Hành động này cũng góp phần thúc đẩy hệ thống nhận thức không ngừng được sửa đổi và cải tiến, trở nên hoàn thiện.