Kiên trì dậy sớm lúc 5 giờ sáng suốt 14 năm, kết quả sẽ như thế nào?
Dậy sớm cũng là một dạng nỗ lực phấn đấu. Người có thể dậy sớm, chưa hẳn đã có tương lai tốt, nhưng có thể kiên trì dậy sớm trong thời gian dài, sẽ xây dựng nên một thói quen tốt.
“Một ngọn đèn, một chiếc laptop, một cốc trà, buổi sáng yên tĩnh và bình yên như thế, mỗi ngày đều thức dậy vào khoảng 5 giờ sáng và kiên trì được suốt 14 năm. Nhiêu đó đã khiến tôi thấy hạnh phúc.”
Bài đăng này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ bạn bè chủ status và những người xa lạ khác. Họ cho rằng, sự kiên trì của cô gái kia khiến họ thật kinh ngạc và rất đáng nhận giải thưởng khích lệ tinh thần.
Người chủ status đó chính là cô bạn của tôi. Cô ấy cho rằng, dậy sớm là một việc nhỏ không đáng để người khác khen ngợi nhiều như vậy. Thậm chí cô ấy cũng không ý thức được 14 năm dậy sớm đã đem lại nhiều lợi ích cho cô ấy đến thế nào.
Nếu bạn dậy sớm nhờ đồng hồ báo thức, vậy là bạn đã thua cuộc. Những người dậy sớm được nhờ tự giác, sẽ dễ dàng hình thành thói quen trong nhiều năm hơn là những người dậy sớm nhờ tiếng chuông đồng hồ.
Các nhà tâm lý học nói rằng, ý thức tự giác được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là phấn khởi đón nhận, giai đoạn giữa là sự đau khổ, và giai đoạn cuối là hưởng thụ nó. Tôi cảm thấy dậy sớm cũng có 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Hào hứng
Khi tôi dậy sớm, tôi cảm thấy khung cảnh buổi sáng thật tuyệt, tiếng chim hót líu lo, hương thơm của hoa thoang thoảng, cảm giác mát lạnh của sương sớm.
Đầu óc cũng thoải mái và thanh thản hơn nhiều. Sau một đêm ngủ đủ giấc, dậy sớm giúp tôi cải thiện đáng kể bộ nhớ và khả năng phân tích, xử lý vấn đề.
Thời còn là sinh viên, tôi cũng thường dậy sớm để học bài, khả năng tiếp thu quả thật nhanh gấp đôi so với việc chiều đi học và làm việc về mệt mỏi còn phải cố nhồi nhét thêm một lượng kiến thức.
Dậy sớm, thật sự đã giúp tôi được rất nhiều việc.
Giai đoạn hai: Đau khổ
Đến mùa mưa, có hôm mưa từ nửa đêm đến sáng sớm. Đường xá ẩm ướt, không khí trở nên lạnh lẽo, lại vì luyến tiếc cảm giác được vùi mình trong chăn ấm nệm êm nên tôi không muốn dậy sớm nữa. Định bụng là tại nay mưa nên nghỉ một ngày thôi.
Và nếu ngày mai không mưa còn đỡ, nếu mưa vào buổi sáng suốt ba ngày liền. Ừm, thói quen “lười dậy sớm” dần được hình thành rồi đấy.
Giai đoạn ba: Hưởng thụ
Nếu có thể kiên trì vượt qua được giai đoạn thứ hai, mưa thì dậy sớm làm bài, đọc sách, nấu bữa sáng, nắng thì dậy sớm tập thể dục, đi ra vườn tưới cây, chăm sóc cây cảnh, chuẩn bị tài liệu đi học, đi làm…
Như vậy, ở giai đoạn này, bạn không cần dậy sớm dựa trên hai chữ “kiên trì” nữa, mà là “tự giác”.
Đồng hồ sinh học của chính bạn sẽ tự báo thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, và bạn sẽ còn dư nhiều thời gian để chuẩn bị tốt mọi việc trước khi một ngày mới chính thức bắt đầu.
Dậy sớm cũng là một dạng nỗ lực phấn đấu.
Bạn muốn công việc không xảy ra nhiều sai sót, dậy sớm giúp bạn tỉnh táo xử lý vấn đề.
Bạn muốn đầu óc thanh thản, không mệt mỏi, dậy sớm giúp bạn thoải mái tinh thần.
Bạn muốn có một cơ thể khỏe mạnh, dậy sớm tập thể dục là thời gian thích hợp nhất.
Tuy nhiên, nhắc đến dậy sớm, không phải là tối thức xem phim dài tập đến 1, 2 giờ đêm rồi sáng 5 giờ lại cố dậy sớm. Mọi thứ đều có múi giờ riêng của nó, ngủ sớm dậy sớm mới hợp lý và tốt cho sức khỏe.
Thế nên, dậy sớm thế nào, hiệu quả ra sao, phụ thuộc vào thái độ, suy nghĩ và hành động của bạn đấy.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn