Ở Nhật, tôi kiệt sức vì làm việc; về Việt Nam, tôi kiệt sức vì nhậu: Nằm trên giường bệnh, tôi nhận ra nếu không có bản lĩnh thiết kế thói quen tốt, đừng mơ thành công!

0 483

Công việc làm ăn ngày một thuận lợi, hợp đồng kí kết bay tới ríu rít, đồng nghĩa tửu lượng của tôi thăng hạng đáng kể. “Nhập gia tùy tục”, về Việt Nam làm việc, từ vỡ vạc cho tới thấm thía, tôi đã hiểu văn hóa “chén rượu đi trước là chén rượu khôn” ra sao. Nhưng, sức khỏe của tôi thì tuột dốc không phanh.

Cuộc tháo chạy của một “xác sống”

“Tôi thực sự từng nghĩ mình sắp chết”. Đó là dòng suy nghĩ chạy qua đầu tôi trước giờ đi ngủ. Đó cũng là khoảng thời gian duy nhất trong ngày tôi được phép nghĩ đến thứ gì đó ngoài công việc.

Công việc của tôi tại Nhật là một nhân viên ngân hàng. Ngày làm việc kéo dài từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, đó là xét về mặt lý thuyết, còn thực tế, tôi luôn tất bật có mặt tại công ty trước 7 giờ và thường xuyên trở về nhà khi đồng hồ đã nhích sang con số 11 giờ đêm. Hàng tá công việc xếp chồng lên nhau, đống hồ sơ này chưa xong, hồ sơ khác lại ngật ngưỡng xuất hiện. Có hôm công việc chưa xử lý xong, tôi lại phải ôm chồng giấy tờ về nhà làm tiếp. Nghe thật khắc nghiệt, nhưng có lúc tôi nghĩ rằng tôi và những đồng nghiệp của mình đã bán mạng làm việc. Làm như điên. Làm như là nô lệ vậy.


Hình ảnh ngủ gục ở tàu điện ngầm do làm việc quá sức không xa lạ ở Nhật Bản

Một lần rảnh rang lắm, tôi đi uống vài chén với anh bạn làm nhà báo. Bên chén rượu đêm, gương mặt cậu ta phờ phạc như người mất hồn. “Tớ không chắc sẽ trụ lại được bao lâu. Công việc quá áp lực. Đợt này tớ đang bám đuổi theo lịch làm việc các nghị sĩ ở Tokyo. Nhiệm vụ thường xuyên là cắm chốt thường trực bên ngoài nhà họ. Dù có tin tức hay không, việc “yomawari” (nghĩa là tuần đêm) này vẫn phải thực hiện nghiêm túc. Về nhà đã hơn 1 giờ sáng và giấc ngủ chỉ được phép kéo dài chưa đầy 4 tiếng đồng hồ. Nghe thật nực cười, nhưng tớ đã bỏ bê bản thân mình để theo đuôi, bám sát cuộc đời người khác. Tòa soạn yêu cầu tớ phải bám sát nhân vật của mình 24/7. Một công việc không có ngày nghỉ”.

Chưa dừng lại, gương mặt của cậu hiện lên rõ vẻ đau khổ: “Cậu tin không, những đêm trời tuyết, tớ để các miếng giữ nhiệt khắp người nhưng vẫn lạnh run. Tớ thậm chí không thể đi vệ sinh. Như thế rất không tốt cho sức khỏe”. Đồng thời cho biết đã chứng kiến một số đồng nghiệp gục ngã vì vấn đề sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần. “Mà cậu biết đấy, các ông chủ luôn nói với chúng ta rằng “đừng nên lười biếng” nhưng sẽ không bao giờ nói “cậu nên nghỉ ngơi đi, cậu đang làm việc quá sức”. Chúng ta làm việc để sống hay làm việc để chết vậy?

Thật sự, tôi rất đồng cảm với cậu ấy, bởi tôi cũng đâu khá hơn được là bao. Những lần ốm đau cũng không dám nghỉ, cả ngày cắm mặt vào máy tính, giấy tờ, cuộc gặp gỡ khách hàng… Đến mức một lần tôi ốm nặng nhưng không có thời gian đo thân nhiệt, chỉ biết rõ toàn thân bỏng giãy như hòn than đỏ. Đến mức gục xuống bàn, được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu, khi tỉnh lại được thông báo cơ thể bị suy kiệt trầm trọng và nếu kéo dài tình trạng này, dễ có nguy cơ dẫn đến đột tử.


Kiệt sức vì làm việc, anh chàng này có thể ngả lưng ngủ ở bất cứ đâu

Điều khiến tôi buồn bã hơn, là ngay hôm sau, tôi lại mò mặt tới công sở và tiếp tục phần việc của mình như chưa hề phải nhập viện trước đó. Tôi nghĩ rằng, thà đi làm còn hơn nghỉ một ngày để rồi những ngày sau việc dồn việc, đó mới là cơn ác mộng thật sự.

Cho tới lần ngất xỉu thứ hai và máu cam liên tục đổ xuống vì làm việc quá sức, tôi cảm thấy quá cô độc trong cuộc chiến lao động nơi xứ người. Tôi nhận ra rằng, rất lâu rồi tôi không có một bữa tối, giấc ngủ, kỳ nghỉ… đúng nghĩa. Thậm chí một cuộc điện thoại ân cần về cho cha mẹ ở Việt Nam cũng là điều khó, bởi khi tôi đi làm về thì cha mẹ đã chìm sâu vào giấc ngủ và ngược lại. Nhiều khi tự hỏi, tại sao tôi lại bạc đãi bản thân mình đến thế?

Tại “đất nước Mặt Trời mọc”, làm việc quá sức được cho là nguyên nhân đằng sau hàng chục ca tử vong do đột quỵ, đau tim hay tự tử mỗi năm. Thậm chí văn hóa Nhật Bản còn có một từ để chỉ những cái chết vì làm việc quá nhiều. Đó là “karoshi”. Có hàng trăm người đã đột tử vì lao lực và có tới 7,7% người làm công Nhật Bản thường xuyên làm thêm hơn 20 giờ/tuần.

Sự việc nữ phóng viên NHK Miwa Sado, người đang đưa tin về cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo và Thượng viện Nhật Bản, bị phát hiện đã chết trong nhà riêng hồi tháng 7/2013, chỉ 3 ngày sau cuộc bầu cử Thượng viện… gây rúng động toàn đất nước.

Điều tra của Chính phủ một năm sau đó công bố cái chết của cô gái trẻ là do làm việc quá nhiều. Sado đã làm việc liên tiếp trong 159 giờ.

Tôi sợ bản thân mình sẽ giống như Sado, tôi nhận ra ra bản thân đang trở thành một cái xác biết đi. Tôi quyết định đã đến lúc mình phải dừng lại. Trở về Việt Na, bên gia đình và bè bạn với một cuộc sống dễ thở, nhịp nhàng hơn.

Thế nhưng, tôi đã nhầm.

Dô! Dô! Uống – ba say chưa chai 

Trở về Việt Nam, thay vì chọn một công việc chặt chẽ về giờ giấc, thời gian giống như ngành ngân hàng từng gắn bó, tôi chọn làm một freelancer. Tôi muốn thử cảm giác tự do, thoải mái – môi trường hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Và chính sự không ràng buộc về thời gian này, tôi nhận ra kha khá điều thú vị về phong cách làm việc của người Việt.

Một người bạn từng nói với tôi: “Có những hợp đồng được kí ngay trên bàn nhậu. Không biết uống rượu bia, khó được việc lắm”. Tôi bán tín bán nghi, cho tới khi mục sở thị mới tin những gì bạn nói chẳng lệch chút nào.

Dù là buổi trưa, hay xế chiều, bất kể giừ tan sở hay trước khi tan sở, tôi cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia, uống rượu. Dẫu biết TP.HCM là thành phố năng động với guồng quay bất tận, nhưng việc thay đổi môi trường đột ngột và văn hóa nhậu khiến tôi ít nhiều choáng ngợp, không thể ngày một, ngày hai thích nghi.

Tôi từng bị kéo vào bàn nhậu từ lúc 3 giờ chiều, gọi là “bàn bạc công việc”. Biết tửu lượng của bản thân chẳng ra gì, tôi xin phép uống đạt ngưỡng, nhưng đối tác nhất quyết không chịu, trách tôi không nhiệt tình, không nể mặt anh.

Tôi cực kỳ ghét chuyện ép nhau chén rượu, và từng cật lực phản đối văn hóa bàn nhậu kiểu này, thế nhưng khi trở thành nạn nhân, nhận ra từ chối chén rượu thật không dễ dàng. Chính nhóm của tôi đã bị phá hủy một hợp đồng làm ăn, chỉ vì trong bữa nhậu đó, tôi khước từ ly rượu mời của đối tác. Sau vụ đó, tôi áy náy vì bản thân không deal hợp đồng tốt 1, thì cảm thấy có lỗi với những cộng sự của mình 10.

Bạn có tin không, tôi từng phải uống những trận rượu say ngất người. Đúng nghĩa, uống tới khi hoa mắt chóng mặt, chạy vào nhà vệ sinh móc họng rồi lại quay ra bàn uống tiếp. Thi thoảng, tôi phải bí mật nhắn tin cho bạn bè, giả vờ gọi ra ngoài “nghỉ giải lao” giữa hiệp để lấy sức vào uống tiếp.

Công việc làm ăn ngày một thuận lợi, hợp đồng kí kết bay tới tíu tít, đồng nghĩa tửu lượng của tôi thăng hạng đáng kể. “Nhập gia tùy tục”, về Việt Nam làm việc, từ vỡ vạc cho tới thấm thía, tôi đã hiểu văn hóa “chén rượu đi trước là chén rượu khôn” ra sao.

Cho tới một ngày, tôi tỉnh lại trong bệnh viện, hoàn toàn không nhớ chuyện gì xảy ra trước đó, tại sao tôi lại vào đây. Người nhà nói, tôi được một đồng nghiệp đưa về nhà trong tình trạng say mềm không biết gì, vừa chạm chân vào cổng thì tôi bị ói ra máu. Vào viện cấp cứu, họ báo tôi bị chảy máu dạ dày và nếu chậm chút nữa, tôi đã không còn giữ được mạng sống.

Càm tờ phiếu chẩn đoán bệnh, tôi không khỏi hoang mang, gan suy yếu, thận suy yếu, tim mạch không ổn định, dạ dày chảy máu… hàng loạt bệnh kéo tới. Bác sĩ nói do giờ giấc sinh hoạt của tôi quá bừa bãi, cộng thêm việc nạp vào cơ thể quá nhiều cồn, dẫn tới tình trạng mất cân bằng như hiện tại.

Hồi làm việc ở Nhật, tôi từng cười cợt khi đọc được dòng tin trên báo, về một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất. Người Việt tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra. Đến khi về Việt Nam, chính tôi cũng bị dòng chảy bia rượu ấy nhấn chìm.

Nghe thật chua chát, ở Nhật kiệt sức vì làm việc. Về Việt Nam, tôi kiệt sức vì phải uống rượu bia.

Trên một số báo “Tuổi trẻ Chủ nhật”, tác giả Danh Gia đã đưa ra một vài nhận định nhỏ về đàn ông phương Tây, cũng là bức tranh đối lập với đàn ông Việt, như sau:

“Đàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.

Không tin, nếu có dịp đi Tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị trường đích thực. Chớ tưởng dân đi chơi tối giữa Paris, Luân Đôn…là người bản xứ. Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của ‘thế giới về đêm’, người lao động lĩnh lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi đến quán xá vào những tối trong tuần.

Khi người ta phải đóng thuế thu nhập giá chót cũng 30%, khi người ta ở nhà thuê hay mua trả góp mỗi tháng cũng phải đóng từ 1/3 đến 1/5 lương cho tiền nhà, khi người ta sắm cái xe hơi, cái máy giặt, cái máy sấy khô quần áo…sao cho cuộc sống gia đình tiện nghi hơn, để rồi cuối tháng bị ngân hàng tự động trừ nợ, người ta mới không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng suất, mất óc sáng tạo dễ có ngày thất nghiệp”.

Quả thực thấm từng câu, từng chữ.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn đang điều trị dài ngày trong bệnh viện sau những ngày bán sức vào những cuộc nhậu miên man. Mẹ tôi nói thế này: “Chẳng ai vạch miệng con để đổ rượu vào. Tất cả là do con chủ động nhận lấy chén rượu và uống nó. Không có bản lĩnh từ chối chén rượu, không có bản lĩnh thiết kế thói quen tốt, thì đừng nói tới hai chữ Thành công“. Ngẫm lời mẹ nói, thật chẳng sai chút nào. Hi vọng đừng ai như tôi, những năm tháng tuổi trẻ hầu như chưa tận hưởng, ngắm nhìn cảnh sắc thế giới được bao nhiêu, mà chỉ biết vùi đầu vào công việc và bia rượu. Thật uổng phí.

Tôi phải chấn chỉnh bản thân mình ngay thôi.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: cafebiz.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ