Ông chủ bí ẩn của thương hiệu Nón Sơn là ai?
Nón Sơn không phải là một thương hiệu xa lạ, nhất là với những ai đang sinh sống ở Hà Nội và TP.HCM. Với tone hồng nổi bật, tọa lạc ở những vị trí “đắc địa”, các cửa hàng Nón Sơn thường xuyên thu hút sự chú ý của dân tình. Thế nhưng, trái lại với sự nổi bật của thương hiệu, ông chủ của Nón Sơn lại khá… kín tiếng. Vậy ai là người thành lập ra thương hiệu này?
Đôi nét về nhà sáng lập Nón Sơn
Ông chủ Nón Sơn là ai?
Ông chủ Nón Sơn là ông Trần Anh Sơn, người đang đảm nhiệm vị trí CEO của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn. Ông sở hữu tới 79,09% số vốn toàn công ty. Đáng nói, vị CEO rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông cũng như công chúng. Thay vào đó, các công việc liên quan đến truyền thông là được ông giao phó cho giám đốc điều hành – ông Nguyễn Ngọc Tý.
Trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn, ông Trần Anh Sơn cho hay: “Bất kỳ sản phẩm nào cũng có nhiều phân khúc thị trường, đó là những đối tượng khách hàng khác nhau. Nếu thị trường mang tính đại trà giảm đi thì Nón Sơn sẽ xâm nhập sâu hơn vào những thị trường ngách. Chúng tôi sẽ đi sâu vào những khách hàng mục tiêu như trẻ em, người chơi thể thao (golf, tennis…), nón đi biển, dã ngoại, dạo phố, nón chuyên dành cho những buổi dạ hội, hóa trang”.
Bà chủ Nón Sơn là ai?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà là vợ ông Trần Anh Sơn, hiện đang nắm giữa 20,91% số vốn còn lại của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn. Trước kia, bà từng là tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines, nhưng sau đó đã đổi hướng sang kinh doanh và hỗ trợ chồng. Có thể nói, thành công của thương hiệu này là nhờ một phần rất lớn của bà.
Trái ngược với chồng, bà Nguyễn Thị Thu Hà không ngần ngại xuất hiện trước công chúng. Nữ doanh nhân hay xuất hiện tại các chương trình giới thiệu sản phẩm túi xách handmade, trả lời báo giới về vấn đề khởi nghiệp, kinh doanh. Ở độ tuổi U50, bà vẫn rất bền bỉ với đam mê khám phá, kinh doanh và khởi nghiệp.
Theo chia sẻ của nữ doanh nhân, ông Sơn luôn là người bạn đồng hành gắn bó, ủng hộ bà hết mực. Mọi quyết định với thương hiệu là do đích thân vợ chủ trì, bởi cả hai đều rất đồng tâm hiệp lực.
Bà Hà cho biết: “Độ tuổi của tôi khởi nghiệp có thể là hơi trễ nhưng việc này đến một cách rất tự nhiên mà không hề có dự định trước. Tôi chỉ nghĩ là thích thì phải làm, dù sớm hay trễ cũng chẳng sao.
Chúng tôi thực hiện dựa trên ba tiêu chí là hợp thời trang, tiện dụng khi sử dụng và độ bền cao. Khi một trong ba tiêu chí không đạt thì không thể xuất được. Cốt lõi sản phẩm mới là thứ vào lòng người tiêu dùng. Tôi chỉ có một giấc mơ là ngày càng nhiều người am hiểu về ngành thủ công và trân trọng, yêu quý những sản phẩm do bàn tay nghệ nhân làm ra. Đó là niềm tự hào của người Việt”.
Vì sao Nón Sơn lại mở nhiều cửa hàng đến thế?
Nón Sơn ban đầu là cửa hàng chuyên kinh doanh nón thời trang ngoại nhập ở TPHCM, bắt đầu hoạt động từ năm 1996. Thời gian đầu, thương hiệu chủ yếu sản xuất nón vải cho nữ. Vào đầu những năm 2000, hệ thống cửa hàng với màu hồng bắt mắt bắt đầu xuất hiện, thu hút nhiều khách hàng.
Chuỗi cửa hàng chuyên bán nón thời trang cho nữ vừa hình thành thì gặp phải “cú sốc” năm 2007, khi Chính phủ quy định người đi xe máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Nón Sơn buộc phải tìm hướng đi mới, bắt tay sản xuất mũ bảo hiểm. Họ mất hơn một năm để khách hàng dần chấp nhận sản phẩm phân khúc giá cao, đồng thời mở rộng các loại khác như nón phớt, nón vành, nón kết…
Giờ đây, Nón Sơn đã trở thành công ty lớn, với gần 200 cửa hàng trải dài khắp 3 miền. Cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty đạt hơn 320 tỷ đồng. Đến tháng 2/2020, vốn điều lệ của Nón Sơn được tăng từ 150 tỷ lên 200 tỷ đồng. Trung bình, mỗi cửa hàng đạt doanh thu khoảng 650 triệu/năm, tương đương 54 triệu/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, giám đốc điều hành Nón Sơn chia sẻ với Forbes: “Chúng tôi chỉ bán nón, là người đầu tiên định hình thị trường chuyên về nón mũ tại Việt Nam. Nón Sơn chọn đặt chất lượng lên hàng đầu nên giai đoạn đầu chấp nhận lỗ để xây dựng thương hiệu bền vững”.
Từng bị dân mạng đùa là “tổ chức đặc vụ”
Hồi tháng 8/2020, Nón Sơn bất ngờ nổi “rần rần” trên mạng xã hội. Đáng nói, thương hiệu lúc đó gây bão không phải là vì sản phẩm, mà là ở mô hình kinh doanh đầy bí ẩn. Cư dân mạng liên tưởng rằng, các cửa hàng Nón Sơn không khác gì các “trụ sở” bí mật như Kingsman hay S.H.I.E.L.D. Theo đó, Kingsman là bộ phim về đặc vụ ở Anh, với trụ sở là một tiệm may vắng vẻ mà ẩn sâu phía sau là mật thất chứa đầy vũ khi tối tân, hiện đại. Dân tình đùa rằng, bán nón chỉ là “vỏ bọc”, còn thực ra Nón Sơn là một… tổ chức điệp viên.
Những “thuyết âm mưu” được dân tình đưa ra thời điểm đó là: Mô hình kinh doanh bí ẩn; Luôn đặt cửa hàng ở vị trí to đẹp, nhìn từ bên ngoài không có nhiều khách qua lại nhưng vẫn đủ sức trụ vững từ năm này qua năm khác. Tất nhiên, đây chỉ là những lời đùa vui của cư dân mạng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Tý cho biết: “Do họ không biết Nón Sơn từ giai đoạn đầu, khi mới ra mắt Nón Sơn quảng cáo rất nhiều”. Quả thực, thương hiệu được biết đến thông qua các cuộc thi hoa hậu, chương trình thời trang nổi tiếng lúc bấy giờ. Đã có lúc, bao nhiêu lợi nhuận đưa hết vào quảng cáo.
Tuy nhiên giờ đây, phương thức truyền thông của thương hiệu đã thay đổi. Vị lãnh đạo Nón Sơn cho biết, “hay vì một năm chi 10 tỉ đồng cho quảng cáo thì dùng khoản tiền đó thực hiện các chương trình khách hàng trực tiếp”. Đó là lý do mà quanh năm dòng chữ “mua 1 tặng 1” đều được dán khắp các cửa hàng của Nón Sơn.
Về mặt sản phẩm, so với các loại mũ trên thị trường, Nón Sơn có giá bán rất cao. Sản phẩm tại đây được chia thành 3 dòng chính: Mũ bảo hiểm, mũ lưỡi trai cho nam và mũ rộng vành cho nữ. Trong đó, mũ bảo hiểm thường từ 300.000 đến trên 400.000 đồng/cái; mũ thời trang nam, nữ giá trung bình từ 500.000 -1 triệu đồng/cái và có những mẫu cá biệt mức giá lên tới vài ba triệu đồng. Với giá bán cao như vậy, các cửa hàng Nón Sơn không phải là lựa chọn của nhiều người và tình trạng vắng khách diễn ra khá phổ biến.
Từ chối công bố các số liệu kinh doanh nhưng ông Tý cho biết dự tính khoảng hai năm tới, Nón Sơn sẽ nâng tổng số cửa hàng lên 500. Họ sẽ làm theo phương châm “liệu cơm gắp mắm”, mở rộng cửa hàng tới đâu thì mở rộng sản xuất tới đó và tùy vào mức tài chính thu về. Được biết, hiện vợ chồng ông Trần Anh Sơn vẫn đang là chủ sở hữu chính của thương hiệu này.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tạp chí Forbes Việt Nam
Xem thêm: Tiêu dùng thông minh: 5 tiêu chí phân biệt mũ bảo hiểm Nón Sơn thật – giả
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://songdep.com.vn/348-ong-chu-bi-an-cua-thuong-hieu-non-son-la-ai-d15841.html
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin