Tuổi trẻ không trải nghiệm, không đáng một xu
Trích dẫn từ cuốn sách mới xuất bản của tác giả trẻ Phi Tuyết, Sống như ngày mai sẽ chết.
Tại sao lại như thế? Tuổi trẻ của chúng ta dường như đang ngủ say quá lâu không chịu thức dậy để tận dụng hai món quà quý giá nhất. Đó là sự lãng phí hay là ngu ngốc, hay là cả hai? Phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm một phần khi sự bảo bọc và yêu thương mù quáng của họ góp phần tạo nên sự thụ động, ù lì nơi thế hệ trẻ.
Họ vô tình lấy đi khả năng tự lập của con cái khi chăm lo cho chúng từng miếng ăn giấc ngủ. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ lý do, gia đình chỉ là một trong số những môi trường mà tuổi trẻ phải sống và môi trường lại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn phần chìm của tảng băng nổi? Chính là bản thân các bạn, những người thuộc thế hệ trẻ. Các bạn đã bao giờ tự nhận lỗi về bản thân?
Các bạn đã bao giờ tự thấy cách sống của mình chưa đủ tốt để rồi suy nghĩ và tìm cách thay đổi nó ? Nếu suy nghĩ một chút bạn sẽ nhận ra, thứ mà thế hệ trẻ chúng ta thật sự cần chính là hành động. Hành động để đập tan những gì ta chưa hài lòng, hành động để xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn cho chính mình trước tiên và sau đó là cho cả những người khác. Ai cũng muốn sống trong một thế giới tốt đẹp nhưng ai cũng nghĩ đó là trách nhiệm của người khác chứ không phải của mình. Lấy đâu ra thế giới tốt đẹp nếu mỗi người trong chúng ta không tự mình hành động? Điều này không khó nếu mọi người cùng đồng tâm nhưng để yêu cầu mọi người cùng đồng tâm là việc không hề dễ dàng chút nào.
Có một con đường khác dễ dàng hơn, thay vì cố thay đổi thế giới chung của mọi người thì bạn hãy nghĩ tới việc thay đổi thế giới riêng của mình. Sẽ không cần ai đồng tâm với bạn ngoài việc bạn phải tự quyết tâm với chính mình. Nhưng trên thực tế, hễ nói đến việc hành động là tất cả chúng ta đều cố tránh né hết sức có thể bằng vô số lý do. Phải chăng tại vì chúng ta đã ngồi quá lâu để có thể sẵn sàng đứng lên? Phải chăng tại vì chúng ta đã để tuổi trẻ của mình ngủ quá say để có thể sẵn sàng thức dậy?
Bạn biết đấy, đồ ăn để lâu không ăn sẽ bị hỏng, quần áo để lâu không mặc sẽ bị lỗi mốt, đồ điện lâu không sử dụng có thể bị chập điện. Riêng tuổi trẻ, nếu bạn cứ để đó mà không tận dụng e là nó sẽ không hư, không lỗi mốt, không chập điện nhưng nó sẽ biến mất mãi mãi không một dấu vết và rồi cả phần đời còn lại bạn sẽ phải sống trong nuối tiếc ngập tràn. Viễn cảnh đó, thật không dám tưởng tượng thêm.
Câu trả lời đơn giản là hãy tận dụng tốt nhất hai món quà lớn mà cuộc sống dành riêng cho tuổi trẻ: thời gian và sức khỏe. Hãy sử dụng hai món quà ấy một cách sáng suốt và chủ động trong việc tìm hiểu, thưởng thức và tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Con đường để thực hiện điều đó không gì khác hơn là trải nghiệm. Tức là trải qua tất cả và nghiệm lại tất cả.
Chính trải nghiệm là điều tối thiểu cần thiết để tạo nên một thế hệ trẻ khác biệt bất kể bạn đang ở vạch xuất phát nào. Dù ngoại hình, cá tính bạn thế nào; dù điều kiện gia đình, công việc bạn ra sao; bất kể bạn đang ở đâu, kiểu người bạn muốn trở thành là gì… tất cả đều không quan trọng. Bạn có thể bắt đầu hành trình trải nghiệm cuộc sống này, làm cho nó trở nên ý nghĩa hơn và từng bước “sáng tạo” ra chính con người mà bạn mong muốn.
Bạn có thể không tin nhưng tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây… một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự.
Chính trải nghiệm là thứ làm nên con người bạn, con người thật sự bên trong bạn không phải gia cảnh, xuất thân, không phải những món đồ trang trí trên người, không phải bằng cấp học vị hay gì cả.
Con người thật sự của bạn nếu muốn biết nó như thế nào, nếu bạn muốn tìm kiếm nó – thật không cách gì ngoài việc bạn phải bước vào đời, trải nghiệm, trộn bản thân mình vào cuộc sống rồi cảm nhận, đúc kết và cuối cùng là phát huy hết khả năng những giá trị tốt đẹp mà bạn đã học được trong quá trình đó.
GIÁ TRỊ CỦA TRẢI NGHIỆM CHÍNH LÀ GIÁ TRỊ CON NGƯỜI BẠN
Có một câu nói về giá trị bản thân trong cuốn sách 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt mà Sean Covey đã viết: “Nếu như bạn có những thứ giúp chứng minh bạn là ai, thì khi những thứ đó mất đi, bạn là ai?”
Chúng ta thường hay tìm kiếm những thứ bên ngoài để chứng minh bản thân mình: quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế… Những thứ này là minh chứng hoàn hảo nói về một con người ở thì hiện tại nhưng tất cả chúng lại là những thứ có thể mất đi. Bạn dùng chúng để chứng tỏ mình, bạn có dám đảm bảo chúng sẽ tồn tại mãi mãi không? Một công việc tốt, một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc, một căn nhà tiện nghi… tất cả đều có thể biến mất. Và khi chúng mất hết rồi thì bạn là ai? Dùng vật chất để định nghĩa bản thân mình là điều ngốc nghếch mà tuổi trẻ rất thường hay mắc phải.
Vật chất nhiều đến mấy cũng có thể mất đi còn trải nghiệm của bạn thì sao? Hãy yên tâm rằng chúng là của bạn, luôn là của bạn, mãi mãi là của bạn, chúng sẽ không bao giờ mất đi. Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị bản thân, bạn sẽ nhận ra mình đặc biệt và quý giá hơn hết mọi vật phẩm trang trí bên ngoài.
Hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc sống thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là cuộc trải nghiệm, bạn sẽ không bị áp lực với mọi sự lựa chọn của mình trong đời, đó là một cuộc chơi, không ai thắng và cũng không ai thua. Suy cho cùng, ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, người may mắn hơn là người sống được nhiều hơn những người khác. Sống nhiều hơn không có nghĩa là sống lâu hơn nhưng là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như Jean Jacques Rousseau nói:“Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”
Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc “sống sung sướng hơn, đầy đủ hơn” thành “sống nhiều hơn, sống sâu hơn”, thế là đủ.
Làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây bạn đang sống trở nên ý nghĩa hơn và giải pháp là không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xảy ra xung quanh mình. Đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi nữa!
Còn nếu bạn không biết cách làm thế nào để trải nghiệm và để thưởng thức cuộc sống thì đây là câu trả lời dành cho bạn: hãy bắt đầu thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, thay kế hoạch bằng hành động, hành động ngay đi thôi. Hãy ngưng nói, ngưng suy tính quá kỹ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi mà hãy bắt tay vào những hành động cụ thể. Như câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” hay của Henry David Thoreau: “Những người trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống?”. Riêng tôi lại cực kì thích câu: “Nếu bạn thực sự muốn bạn sẽ tìm cách. Nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do” của Jim Rohn.
NẾU BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÁI CÂY, LÝ GÌ BẠN PHẢI Ở YÊN MỘT CHỖ?
Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế sẵn sàng, chủ động: đi những vùng đất mới, thử những món mới, làm những điều mới, học những điều mới, quen những người bạn mới… Bạn cần làm mọi cách để thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt.
Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do vì bạn không phải một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ mới tủa dài đi khắp nơi, tán mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao. Bạn may mắn hơn cái cây bởi bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao bạn còn đứng yên? Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm.
Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày… Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.
CÁI GIÁ CỦA TRẢI NGHIỆM
Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần trả đúng giá bạn có thể có được được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó, tiền không phải là thứ có giá duy nhất. Còn với trải nghiệm? Nếu bạn muốn có những trải nghiệm đáng giá tất nhiên bạn cũng phải trả giá. Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa nhưng đó chỉ là những cảm xúc thoáng qua ban đầu mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đều tan biến thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng và hài lòng.
Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ cũ kĩ quen thuộc. Đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác tuyệt vời hơn mà bạn chưa bao giờ ngờ tới, như khi đi đến một vùng đất mới bạn có thể phát hiện ra những ý tưởng, những cơ hội kinh doanh đáng giá. Bắt chuyện với một người lạ trên chuyến xe và khởi đầu cho một tình yêu đẹp như phim; lạc bước đến một vùng đất đẹp như tranh mà chưa từng ai đặt chân đến… tất cả những thứ này chính là món quà không ngờ dành cho những người dám vượt qua sự sợ hãi ban đầu để dấn thân vào cuộc sống.
Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống cho chính mình, chứ không vì dư luận, vì xã hội, vì gia đình… hay bất cứ điều gì. Chính vì thế bạn sẽ có thể bị người ta gièm pha, chê cười hay thậm chí là bị chửi mắng là ngu ngốc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu ngốc thật.
PHẦN THƯỞNG LỚN DÀNH CHO NGƯỜI NHIỀU TRẢI NGHIỆM
Yêu đời, yêu cuộc sống
Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về cuộc đời toàn diện và thông thoáng hơn. Họ thường nhìn ra được những thứ thật sự quan trọng với bản thân để rồi tập trung vào đó hơn là việc phí công sức vào những thứ vô bổ phù phiếm hàng ngày.
Đi để trải nghiệm, để thấy những mảnh đời bất hạnh, để nhận ra bản thân mình dù gặp nhiều rắc rối nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn bao nhiêu. Những người đi nhiều có xu hướng trân quý cuộc sống và dễ dàng hòa nhập hơn vào mọi hoàn cảnh, đó chính là phần thưởng. Cứ mỗi khi trải qua một chuyện ta lại thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn và thấy cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.
Trải nghiệm giúp ta tìm ra kẻ mang tên “chính mình”
Mỗi ngày chúng ta được nghe và đọc hàng nghìn thông điệp đại loại như “Hãy là chính mình, hãy tìm chính mình” nhưng, hãy là chính mình bằng cách nào khi ta còn đang phải mải mê tìm kiếm chính mình là gì? Chỉ có một cách thôi, một câu trả lời cho tất cả, đó là hãy trải nghiệm đi, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống. Chỉ có trong trải nghiệm, trong những hoàn cảnh cụ thể bạn mới biết mình là người như thế nào.
Chỉ có trong trải nghiệm bạn mới tìm ra được chính mình. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người can đảm hay sợ sệt. Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người giữ lời hay là kẻ thất hứa, là người trọng tình cảm hay luôn bị lý trí lấn át. Chỉ trong trải nghiệm bạn mới biết được khả năng sinh tồn, khả năng xoay chuyển tình huống và khả năng đối phó với những khó khăn. Chính những tính cách đó là con người bạn. Làm sao bạn có thể tìm ra nó, làm sao bạn có thể tìm ra chính mình khi không trải qua những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống? Và nếu không thông qua trải nghiệm làm sao bạn có hoàn cảnh để đặt mình vào?
Người thầy vĩ đại
Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm? Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ kinh nghiệm của người khác nhưng thực tế chẳng mấy ai chịu học từ người khác cả. Bạn chỉ có thể học từ chính chính sai phạm và lỗi lầm của mình.
Một người mới bắt đầu kinh doanh sẽ không thể biết tại sao vốn dự phòng lại quan trọng. Một người không bao giờ đọc sách sẽ chẳng hiểu nổi tại sao người ta phải đọc sách. Một người chưa đi du lịch bụi bao giờ sẽ không biết tại sao người ta phải mang theo những thứ vụn vặt như vài viên thuốc tây, chai nước lọc hay ít đồ ăn khô… Bạn chỉ có thể học hỏi được nhiều khi và chỉ khi tự mình trải qua những chuyện đó.
Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, lao vào cuộc sống mà không sợ thử những điều mới lạ, không sợ thử thách với tâm thế của người muốn học hỏi mọi thứ. Nhưng cũng đừng quên ước chừng trước cái giá bạn phải đánh đổi để có những trải nghiệm đó.
Tham gia một tổ chức đa cấp, đó là trải nghiệm. Làm thêm công việc gia sư, phục vụ, lễ tân… đó là trải nghiệm. Tham gia một câu lạc bộ, các hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào, đó là trải nghiệm. Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới… đó là trải nghiệm. Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi… – đi chính là kiểu trải nghiệm phổ biến nhất.
Nói tóm lại, làm những việc mình chưa làm bao giờ, đó là nghĩa của từ trải nghiệm
Món quà vô giá
Tiền là có giá, con người ngày nay luôn dùng tiền để định giá mọi thứ. Thời gian, xét về mặt nào đó, cũng có giá, người ta có thể bỏ tiền ra mua thời gian của bạn. Chúng ta thường nói sức khỏe là vô giá nhưng rõ ràng người nhiều tiền có điều kiện vẫn có thể mua được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, kéo dài hơn thời gian sống trên đời. Còn trải nghiệm ư? Không một ai có thể trả bất cứ gì để mua trải nghiệm của bạn cả. Trải nghiệm của bạn là của riêng bạn vĩnh viễn, không bao giờ thuộc về ai khác. Nó không thể bị mất đi, không thể bị cướp, không thể mua bán được và chỉ thuộc về một người duy nhất – người đã trải qua nó. Đó chính là điểm đặc biệt của việc trải nghiệm.
Chỉ qua trải nghiệm ta mới trân trọng những đau thương và nhắc về nó với lòng tự hào tha thiết. Chỉ qua những trải nghiệm ta mới lớn dần lên, tâm trí rộng mở đón chào mọi điều xảy đến trong đời. Chỉ qua những trải nghiệm ta mới định nghĩa được bản thân một cách chính xác và rõ nét. Chỉ qua những trải nghiệm ta mới sống được nhiều hơn, yêu mình yêu người nhiều hơn và yêu cuộc sống này nhiều hơn nữa.
Hành trình trải nghiệm mang lại ngập tràn những cơ hội
Mỗi khi trải qua một điều gì mới mẻ, đến một nơi mới, làm quen những người bạn mới… chắc chắn bạn sẽ nảy ra vô vàn ý tưởng thú vị cho cuộc sống. Những ý tưởng kinh doanh thành công đôi khi cũng chỉ bắt đầu từ những trải nghiệm thực tế. Một người đi làm thêm chẳng mấy chốc học đủ nghề và mở cửa hàng riêng. Một người đi du lịch vì quá ưa thích đặc sản ẩm thực vùng miền mà học hỏi và rồi cho ra đời những quán ăn địa phương trên những vùng đất khác.
Một lần trải nghiệm làm người lãnh đạo một nhóm thuyết trình có thể khiến ai đó nhận ra tài năng lãnh đạo của mình. Việc gặp gỡ những người bạn trên con đường trải nghiệm giúp ta hình thành một mạng lưới những người bạn ở khắp mọi nơi, đa dạng hiểu biết… Càng trải nghiệm nhiều bao nhiêu bạn càng thu lượm được nhiều ý tưởng và cơ hội bấy nhiêu để phát triển bản thân.
Trải nghiệm làm nên con người, trải nghiệm làm nên cuộc đời
Trên thế giới đã từng có một cuộc khảo sát về những điều người ta thường nuối tiếc trước khi chết. Một trong số những điều nhiều người nuối tiếc nhất là họ đã sống quá an toàn, đã không trải nghiệm nhiều hơn, không sống hết mình, không làm điều mình muốn mà chỉ toàn làm điều người khác muốn.
Còn tiếc hơn khi chúng ta – những người còn sống – biết được điều đó nhưng lại cứ thế cho qua, cứ thế tiếp tục sống một cuộc sống an toàn, bình lặng, cứ thế sống hết kiếp người rồi sau cùng nhìn lại lại ước gì, lại giá như, lại hối tiếc.
Hãy tưởng tượng về một thế giới hay dễ dàng hơn: về một Việt Nam hoàn toàn khác. Một Việt Nam mà tuổi trẻ thực sự là một món quà lớn, nơi đó người ta xông pha trải nghiệm mọi thứ. Mọi sinh viên đều chủ động đi làm thêm, đều có những mục đích, định hướng cho riêng mình. Một nơi mà tuổi trẻ đang trải nghiệm trên mọi nẻo đường. Nơi mà tuổi trẻ không ù lì, không thụ động, không ca thán, không đổ lỗi… Nơi mà tuổi trẻ mặc sức sáng tạo và được quyền làm mọi điều mình muốn. Khi đó, sức sống của dân tộc Việt Nam sẽ mãnh liệt và có thêm nhiều thành tựu đáng tự hào hơn.
Còn hiện tại thì sao? Nếu người trẻ chúng ta luôn nỗ lực mỗi ngày bằng ý chí sống tích cực thì nhất định chúng ta sẽ không còn trì trệ như người già mất sức nữa. Bạn có muốn thay đổi một điều gì đó không? Hãy bắt tay hành động thay vì nói mãi câu “Tương lai đất nước nằm trên vai các con, các cháu”. Biết bao thế hệ người Việt nói câu đó mỗi ngày? Tại sao không chính chúng ta chịu một phần trọng trách đó mà toàn trốn tránh và đùn đẩy cho các thế hệ sau? Tuyệt đối đừng nói câu đó nữa mà hãy tự mình hành động!
Không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều bởi lẽ với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Thế mà bạn vẫn muốn để tuổi trẻ trôi qua mà không có chút trải nghiệm nào sao?
Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu của tuổi trẻ gồm thời gian và sức khỏe đang ở ngay trong tay bạn đấy.
Hãy tận dụng nó đi! Ngay đi!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: tramdoc.vn