Đạo đức của con người thay đổi theo giờ
Vì sao buổi sáng chúng ta thành thực hơn buổi tối?
Đạo đức là vấn đề thời điểm. Thí nghiệm với sinh viên cho thấy, tần suất các hành vi không trung thực trong ngày tăng cứ mỗi giờ trôi qua.
Nguyên cứu mới đây của các nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra, đầu giờ chiều chính là thời điểm mà con người hay nói dối và lừa gạt nhất. Ngạc nhiên hơn, những người có tiêu chuẩn đạo đức cao vào buổi sáng lại rất dễ bị sa ngã vào buổi chiều.
Để có kết quả nghiên cứu này, các nhà tâm lý học đã tiến hành khảo sát trên nhóm tình nguyện viên. Họ đã đưa ra những mô hình đơn giản với các chấm trên màn hình máy tính và yêu cầu người chơi quyết định xem phía bên trái hay bên phải có nhiều dấu chấm hơn. Thay vì lời khen thưởng, nếu trả lời đúng, người chơi sẽ được trả tiền. Tuy nhiên, họ cũng nói nhỏ rằng, người chơi sẽ được trả thêm tiền nếu lựa chọn câu trả lời bên phải.
Dựa trên cơ sở này, các nhà nghiên cứu đã quan sát, thu thập thái độ cũng như câu trả lời của người chơi. Kết quả cho biết, so với buổi thí nghiệm buổi sáng, những người tham gia sau buổi trưa hay đầu giờ chiều đã lựa chọn câu trả lời phía bên phải nhiều hơn ngay cả khi dấu chấm ở bên phải không nhiều.
Ở thử nghiệm thứ hai, các tình nguyện viên được yêu cầu bổ sung chữ cái còn thiếu cho “- ral” và “e — c -” để tạo thành từ có nghĩa và có mối liên kết với bản thân. Kết quả buổi sáng cho thấy, hầu hết người tham gia đều đưa ra các từ “moral” và “ethical” (đều có nghĩa là đạo đức, phẩm hạnh). Trong khi đó, kết quả của cuộc thử nghiệm vào buổi chiều thu được những từ “coral” (san hô) và “effect” (kết quả) là phổ biến.
Qua hai thử nghiệm trên, các nhà tâm lý đã nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa kết quả buổi sáng và buổi chiều. Viết trên tạp chí Psychological Science, họ cho biết, những người có tiêu chuẩn đạo đức cao và luôn cư xử đúng tiêu chuẩn đạo đức của họ vào buổi sáng nhưng lại có xu hướng giảm dần vào buổi chiều. Ngược lại, những người kém trung thực hơn và thường không cảm thấy tội lỗi khi nói dối thì “tính đạo đức” trong hành vi của họ gần như không thay đổi bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Một số bài kiểm tra khác được tiến hành trên mạng cũng cho thấy, mọi người thường gửi những tin nhắn không trung thực hoặc khiếu nại giải quyết các vấn đề nhiều hơn vào buổi chiều.
Như vậy, theo nghiên cứu này thì đạo đức là vấn đề của thời điểm, nói cách khác thì cứ buổi chiều đến là đạo đức mất dần đi. Các nhà tâm lý học giải thích, sự tự giác là một thùng chứa có đáy. Mỗi sự cám dỗ mà ta phải phản kháng lại trong ngày và mỗi sự bốc đồng ta phải đè nén đều làm thùng chứa này vơi đi, cho đến cuối ngày cũng chẳng còn lại là mấy. Kể cả ở những người có tính kỷ luật tự giác cao thì tần suất diễn ra các hành vi không trung thực cũng tăng theo từng giờ trôi đi.
Maryam Kouchaki, một trong những tác giả của nghiên cứu này cũng chia sẻ: “Thật không may, những người trung thực nhất hay người ít có khả năng buông thả về mặt đạo đức lại là người dễ sa ngã, gây ra hiệu quả tiêu cực vào buổi chiều”. Theo bà, những phát hiện này sẽ phần nào giúp lãnh đạo các cơ quan, tổ chức thận trọng hơn với hành vi của nhân viên, khách hàng trong buổi làm việc chiều.
HẢI THANH (Theo Telegraph)
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/dao-duc-cua-con-nguoi-thay-doi-theo-gio