10 điểm chung giữa Chủ nghĩa Khắc kỷ và Đạo Phật
Tác giả: Antonia Macaro
(Nguồn: dịch từ Chương 10 – sách More Than Happiness – Buddhist and Stoic Wisdom For A Sceptical Age)
(tạm dịch: Hơn Cả Hạnh Phúc: Minh Triết Phật Giáo và Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Trong Một Kỷ Nguyên Đầy Hoài Nghi)
Thay đổi là một việc khó khăn. Đó là lý do tại sao mà cả hai tín ngưỡng này đều nhìn thấy sự cần thiết của việc luyện tập: một loạt các bài tập cần được thực hiện thường xuyên cùng với tính kỷ luật. Cả chúng ta nữa cũng có thể được hưởng lợi từ việc phát triển sự thực hành của riêng mình, bằng cách đưa việc hoàn thiện bản thân vào trong hoạt động thường ngày của chúng ta.
Mười suy tưởng dưới đây được gợi ý từ minh triết Phật giáo và Chủ nghĩa Khắc kỷ và hướng tới việc đưa một vài trong số chúng vào hành động. Chúng xoay quanh những vấn đề như sự chấp nhận, nhận thức và chú ý: biết chấp nhận hơn về sự vô thường, có nhận thức hơn về bản thân chúng ta và chú ý hơn đến những điều mà ta coi trọng trong cuộc sống.
1. Tạo Thói Quen Tự Soi Xét Bản Thân
Để nắm bắt được dấu hiệu đầu tiên của những dục vọng không lành mạnh, hoặc những cảm xúc tiềm tàng mang tính hủy hoại, như là sợ hãi hoặc tức giận, chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc đặt sự chú ý vào phản ứng tức thì của mình trước các sự việc. Seneca đã nói một cách hùng hồn rằng: ‘Cũng giống như dấu hiệu của một cơn mưa ngay trước trận bão, do đó cũng có những dấu hiệu nhất định báo hiệu hiệu sự đổ bộ của cơn giận, tình yêu, và tất cả những cơn bão bùng lên mà khiến cho tâm ta dậy sóng.[1]’
Một sự luyện tập quan trọng trong phương diện này chính là cảm thọ (vedanā), mà liên quan tới việc học cách nắm bắt những phản ứng ban đầu hướng tới hoặc xuất phát từ những kích thích mà ta gặp phải trong cuộc sống thường nhật. Cách này sẽ mang tới cho ta cơ hội để đặt dấu hỏi về những cảm xúc đó và tự hỏi bản thân rằng điều gì là thực sự quan trọng trước khi chúng ta quá sa lầy vào những phản ứng không lành mạnh.
Thiền tập chính quy có thể giúp ích cho điều này, nhưng với một vài sự chú tâm, tất cả chúng ta có thể ít nhiều tiến bộ hơn trong việc nắm bắt những sự khuấy động ban đầu. Các nhà Khắc kỷ khuyên rằng hãy suy nghĩ trước về những thách thức có thể xuất hiện trong ngày vào buổi sáng và nhìn nhận lại một ngày đã qua vào buổi tối, trong nỗ lực xác định những điểm mà ta có thể cải thiện. Epictetus nói rằng: ‘ngay khi anh vừa mới thức dậy vào buổi sáng, hãy suy xét về những gì anh cần tới để có thể tận hưởng sự thanh bình. Hãy hỏi bản thân: “Tôi tồn tại cốt tại điều gì? Chỉ đơn thuần là cơ thể, là tài sản, là danh vọng? Nào phải những điều này. Vậy thì, là gì? Tôi là một sinh vật có lý trí. Vậy, thì, điều gì được yêu cầu ở tôi?” [Vào buổi tối], hãy ngẫm nghĩ về những hành động của anh: … Tôi đã làm những điều không thân thiện hay thiếu chan hòa nào? Tôi đã không thể làm những điều mà đáng lý ra tôi nên làm nào?’[2]
Với cùng tinh thần đó, bạn có thể dành ra vài phút vào buổi sáng để nhắc nhở bản thân về những giá trị mà bạn muốn hướng đến trong một ngày của mình, và vào buổi tối để xem xét lại những điều đã thực hiện tốt và những gì cần được cải thiện. Việc tự kiểm điểm này cũng có thể được thực hiện một cách không chính thức xuyên suốt trong ngày, đơn giản bằng việc xây dựng thói quen đặt câu hỏi về phản ứng của bạn trước các sự việc.
Một cách hữu ích khác để ngẫm nghĩ về các hành động của chúng ta là lời giảng của Đức Phật mà vẫn thường được biết đến với tên gọi tứ chánh cần:
. ngăn chặn ác nghiệp khởi sinh ngay từ đầu;
. buông bỏ ác nghiệp đã khởi sinh;
. thúc đẩy thiện nghiệp;
. duy trì thiện nghiệp[3].
Tương tự, Seneca viết rằng ‘mục tiêu đầu tiên là không trở nên giận dữ, mục tiêu thứ hai là dừng lại khi giận dữ, và thứ ba là khắc phục cơn giận của người khác.[4]”
Việc ngăn chặn nghiệp ác khởi sinh không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Có lẽ sẽ là dễ hơn một chút khi học cách nhận biết về những điều này một cách nhanh chóng và thực hiện hành động khắc phục, chẳng hạn như khuyến khích một trạng thái lành mạnh hơn. Nếu giận dữ hoặc ghen tị nảy sinh, như là một ví dụ, bạn có thể hướng tới việc lưu tâm về điều này, nhắc nhở bản thân rằng đó không phải là một trạng thái mà bạn muốn đắm chìm vào trong đó, và xem xem liệu bạn có thể nhẹ nhàng thúc bản thân chấp nhận theo một thái độ tử tế hoặc khoan dung hơn không.
Cũng sẽ rất hữu ích nếu mỗi ngày ta dừng lại đôi chút trong một vài phút cho thứ được gọi là ‘an định.’ Đó là thời điểm, như Bhante Bodhidhamma gợi ý, để kiểm tra lại bản thân và cật vấn lại mục đích của chúng ta. Nếu đó là thiện nghiệp thì ta nên khuyến khích nó; nếu là ác nghiệp, thì ta nên buông nó đi.
2. Đặt Câu Hỏi Về Suy Nghĩ Của Bạn
Một trong những câu nói được trích dẫn nhiều nhất của Chủ nghĩa Khắc kỷ mà chắc chắn thuộc về Epictetus: ‘Con người ta không bị bối rối trước sự việc, mà bởi cách nhìn nhận của họ về sự việc.’[5]
Cần kiểm tra lại suy nghĩ của chúng ta về mọi sự việc chắc chắn là một lời khuyên tốt. Thực ra chúng ta cần đặt câu hỏi về cách nhìn và diễn giải của mình về các sự kiện. Sẽ thật hữu ích nếu ta có thể hình thành thói quen hỏi bản thân mình những câu hỏi như: tôi suy nghĩ như vậy có đúng không? Luận cứ của tôi trước điều này là gì? Liệu có còn cách giải thích nào khác tốt hơn không? Tôi có nên trì hoãn việc đưa ra phán đoán trước vấn đề này không?
Nhưng kiểu đặt câu hỏi cụ thể tồn tại trong tâm trí Epictetus là về việc liệu các sự kiện có nằm trong tầm tay của chúng ta hay không. Nếu không, chúng ta nên buông bỏ sự quan tâm của mình đối với chúng. Chúng ta đã được thấy rằng tại sao điều này lại phức tạp hơn thế. Đầu tiên, không hề có một sự phân chia rõ ràng giữa những gì chúng ta có thể với những gì ta không thể kiểm soát. Thay vì thế lại tồn tại một sự phân bố theo tính chất, từ những điều mà ta hoàn toàn không thể kiểm soát cho tới những điều mà ta có thể tạo một chút ảnh hưởng. Nhưng giải phân bổ này sẽ dừng lại ở đó, bởi vì chẳng có điều gì là nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của chúng ta.
Ở một đầu của giải phân bổ, hiển nhiên là chúng ta không thể kiểm soát những gì thuộc về quá khứ, mặc dầu thật đáng ngạc nhiên làm sao khi mà ta lại dành ra biết bao nhiêu là thời gian để mà tua đi tua lại trong đầu mình một vài tình huống mà ta cứ ước rằng có thể xoay chuyển nó theo một chiều hướng khác, như thể nếu làm vậy thì kết cục có thể sẽ khác đi. Cũng hiển nhiên không kém, chúng ta hoàn toàn bất lực trước cái ngày cuối cùng của cuộc đời mình khi cái chết ập đến.
Ở đầu bên kia chính là phạm vi của sự lựa chọn. Giờ thì ta đã biết rằng đó không phải là trường hợp mà ta hoàn toàn có được quyền kiểm soát, đúng như những gì mà Epictetus đã tin tưởng. Tuy nhiên, có một vài phạm vi mà ta có thể thay đổi quan điểm và thái độ của mình, mặc dù dưới khía cạnh bao quát của đầu vào tiềm thức, sự khó khăn của nhiệm vụ này là không thể xem nhẹ.
Hầu hết mọi sự việc đều rơi vào vùng xám. Chúng ta có một mức độ kiểm soát nhất định đối với hướng đi của cuộc đời mình. Ví dụ như, ta có thể làm những việc có lợi cho sức khỏe của mình, mặc dù chúng ta nên chiến đấu chống lại cái mơ tưởng rằng nếu ta đến phòng tập gym và áp dụng phương pháp ăn kiêng thích hợp thì ta có thể ngăn chặn mọi bệnh tật và sống khỏe tới trăm tuổi. Ta có thể tăng cường khả năng nhận được một công việc nếu như ta đảm bảo rằng mình có chuẩn bị trước cuộc phỏng vấn. Nhưng liệu ta có thể thay đổi người khác? Ta có thể thay đổi những tài năng và thiên hướng của mình ư? Câu trả lời có thể là hoàn toàn không hoặc chỉ một mức độ rất hạn chế mà thôi, phụ thuộc vào hoàn cảnh và cái cách mà ta đối mặt với nó.
Một khi ta đã làm tất cả những gì có thể, trong mối tương quan với sức khỏe của ta, một công việc, hay bất kỳ điều gì khác, ta nên chấp nhận rằng các kết quả trên thế gian này là phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau mà không hề liên quan đến ta, và nên buông bỏ ảo tưởng của mình về sự kiểm soát. Ta có thể sẽ lâm bệnh bất kể chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục của mình, và ta có thể không có được công việc ngay cả khi ta đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và đã chuẩn bị tốt. Vì lý do đó, ta nên tránh việc khiến cho hạnh phúc của mình hoàn toàn dựa vào những điều mà hóa ra lại là điều mà ta yêu thích hơn. Nếu một điều gì đó là vô cùng quan trọng, ta sẽ muốn làm mọi thứ có thể để đạt được mục tiêu. Nhưng nếu có vẻ như sự việc chỉ đơn giản là sẽ không xuôi chèo mát mái thì ta nên chấp nhận điều đó, bởi vì xét cho cùng ta nào có thể làm khác đi được. Có một lằn ranh nhỏ giữa việc cố gắng hết sức có thể với việc không chỉ lãng phí thời gian thôi đâu mà còn là dằn vặt bản thân ta và những người khác nữa khi cố gắng chống lại những điều không thể thay đổi được.
Một phiên bản thu gọn của những câu hỏi của Chrysippus có lẽ là điều hữu ích. Ông từng hỏi: “Trong tay bạn là điều tốt hay điều xấu? Liệu việc phản ứng lại có thích hợp hay không?” Nó có thể được bổ sung thêm với một vài câu hỏi nữa, dẫn đến một dạng sơ đồ Chrysippus:
3. Nhắc Nhở Bản Thân Rằng ‘Đó Là Một Cái Tách’
Theo như lời khuyên kinh điển của Epictetus:
‘Đối với bất kỳ đối tượng nào dù mang đến sự vui thích trong tâm trí, hay là hữu ích, hay là được yêu thích, anh hãy tự nhắc nhở bản thân về bản chất của nó, bắt đầu chỉ như là một điều vặt vãnh. Nếu anh có một chiếc cốc mà anh yêu thích, [hãy nhắc nhở mình rằng] đó là chiếc cốc mà anh thích; rồi thì, nếu nó có bị vỡ, anh sẽ không lấy làm buồn bực.[6]’
Như ta đã thấy, Epictetus liên tục nói rằng chúng ta nên áp dụng điều này lên mối quan hệ con người, để mà ngay cả cái chết của người mà ta yêu thương cũng không khiến ta mất đi sự bình thản. Với nhiều người trong chúng ta, điều này có vẻ thái quá. Mặc dù ta nên nhận biết và chấp nhận rằng ta và những người mà mình yêu thương rồi sẽ chết, ta có lẽ sẽ thích áp dụng phương pháp này chủ yếu cho chuyện cái cốc mà thôi – hoặc là xe hơi, thảm trải sàn, mái nhà bị dột, hay là công việc. Tu dưỡng thái độ bình thản trước của cải là một điều tốt, nhưng áp dụng điều này với con người thì khó khăn hơn nhiều. Nhìn chung, mục tiêu của ta nên là gán cho sự việc giá trị đúng đắn của nó.
Tuy nhiên, như Epictetus gợi ý, chúng ta nên đặt câu hỏi về sự quyến luyến quá mức đối với sự giàu có và của cải, bởi vì vật chất không mang đến cho ta hạnh phúc bền lâu, và tập trung vào việc đạt được và duy trì chúng có thể sẽ khiến ta chệch hướng khỏi việc theo đuổi những điều quan trọng hơn. Sự dư thừa và tích lũy vốn được dựa trên những giá trị sai lầm và là một sự sao nhãng khỏi những gì thật sự quan trọng.
Nếu như ta suy ngẫm về điều này, ta có thể sẽ thấy rằng rất nhiều thứ mà ta sở hữu thật ra là vô giá trị. Cũng như là ta không cần thiết phải dành tiền bạc cho những đồ vật xa xỉ khi mà những thứ giản dị hơn cũng đã đủ tốt rồi. Như Seneca chỉ ra, ‘Cho dù ngôi nhà được dựng lên từ cỏ tranh hay từ thứ đá cẩm thạch có hoa văn được nhập khẩu từ nước ngoài thì cũng không quan trọng: hãy tin tôi, một người có thể an trú dưới một mái lá cũng như dưới mái ngói được dát vàng[7].’ (Mặc dù điều này có vẻ hơi sai sai, khi nó được nói ra bởi một con người nổi tiếng là giàu có.)
Lời khuyên hãy tối giản cuộc sống của chúng ta mang đến sự gợi nhớ về lời nhận xét của William Morris rằng ta không nên giữ bất cứ thứ gì trong nhà mình mà ta không hay biết về sự hữu dụng của nó hoặc không tin rằng nó sẽ làm đẹp ngôi nhà. Gần đây hơn, Marie Kondon đã gợi ý rằng trừ khi một đồ vật ‘mang đến niềm vui’ trong trái tim ta, ta nên từ bỏ nó. Rất dễ để thấy sự hấp dẫn của những quy tắc đánh giá mang tính cảm quan này: nhiều người trong chúng ta cảm thấy có phần bị đè nặng bởi những thứ mà ta tích trữ, và có đó một cảm giác tự do nhất định trong việc rũ bỏ một vài hoặc thậm chí là rất nhiều những thứ đó.
Mặc dù cách tiếp cận này có những lợi thế nhất định, lời khuyên mà ta có thể rút ra từ Đạo Phật và Chủ nghĩa Khắc kỷ còn sâu sắc hơn thế. Đúng là, triệt tiêu triệt để những khao khát của chúng ta và nuôi dưỡng một sự nhận thức trọn vẹn về những gì ta có cũng có thể mang đến sự bình yên và mãn nguyện. Nhưng sự đơn giản của những tín ngưỡng cổ xưa lại thiên về việc hướng bản thân ta tới điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc sống hơn là về khía cạnh thẩm mỹ, quản lý cuộc sống hay cảm thấy tốt đẹp.
4. Đừng Bám Chấp Vào Địa Vị Và Danh Vọng
Những điều này nhìn chung không phải là một thước đo đáng tin cậy về giá trị. Ở đây lời khuyên của Aristole có thể giúp cho chúng ta: sự công nhận chỉ quan trọng khi ta được ghi nhận bởi những người mà ta tôn trọng và vì những lý do tốt đẹp. Có những tiêu chuẩn tốt, và ta có thể làm điều đó bằng việc thường xuyên kiểm tra xem chúng có được áp dụng hay không.
Vì khi không được công nhận, tất cả chúng ta đều là những cá nhân phức tạp với những phẩm chất và thiếu sót, và những ưu điểm mà ta có được không nhất thiết là thứ được tán dương nhất trong nền văn hóa của chúng ta. Sự tử tế, rộng lượng hay ham hiểu biết, ví dụ như là vậy, thường bị bỏ qua khi đem so sánh với những điều như là sắc đẹp, của cải hoặc quyền lực.
Marcus Aurelius đã chỉ ra chính xác điều này khi ông nói rằng:
‘Việc là một người tốt mà không một ai biết đến là điều có thể. Hãy nhớ lấy điều đó. Và cả điều này nữa: anh không cần quá nhiều mới có thể sống hạnh phúc. Và chỉ bởi vì anh vừa từ bỏ hy vọng trở thành một nhà tư tưởng hoặc nhà khoa học vĩ đại, thì cũng đừng từ bỏ việc giành được sự tự do, sự khiêm nhường, được phục vụ những người khác.[8]’
Đối lập với truyền thống coi trọng sự khiêm nhường, ngày nay chúng ta thường được khuyến khích hãy khoe khoang những tài năng và thành tích của mình với thế giới. Nhưng lời khuyên của các triết gia là tốt hơn hết thì không nên khoe về thành tích của mình. ‘Những phẩm chất của anh nên hướng vào bên trong[9],’ như lời Seneca từng nói.
Mặt khác, nếu tiêu chuẩn của Aristole được áp dụng và chúng ta được ghi nhận bởi những người có cùng chung hệ chân giá trị với mình và vì những lý do tốt đẹp, ta có thể thấy mình có quyền được cảm thấy tự hào ở một mức nhất định nào đó. Tuy vậy, không thể quá nhiều: là bởi thông qua sự tình cờ có mặt trên cõi đời này và những yếu tố ngẫu nhiên khác mà ta mới có được những phẩm chất và tài năng của mình. Hơn thế nữa, tính tự phụ và sự kiêu căng có thể âm thầm xuất hiện và ta cần phải đề phòng chúng.
Nhìn chung, ta nên tu dưỡng một thái độ lành mạnh, cân bằng về cái nhìn của những người khác. Đúng là tất cả chúng ta đều có những điểm mù, và đôi khi ta cần phải lắng nghe những lời nói của bạn bè về tính cách và hành vi của ta cho dù ta có không thấy thích đi chăng nữa. Nhưng ta không nên lệ thuộc quá nhiều vào quan điểm của người ngoài. Epictetus nói:
‘Nếu bất kỳ ai nói với anh rằng có kẻ nói xấu về anh, đừng phân bua cho những thị phi về mình, mà hãy trả lời: “Đấy là anh ta còn chưa biết đến những lầm lỗi khác của tôi đấy, nếu không anh ta không chỉ nói có chừng ấy thôi đâu.”’[10]
Bốn trong số Bát Phong theo Đạo Phật, về những gì mà ta nên tu dưỡng sự bình thản trước chúng, là danh vọng và tai tiếng, sự tán dương và khiển trách. Đức Phật khuyên chúng tăng đừng quá mãn nguyện khi mọi người khen ngợi mình hay quá bực bội khi người khác nói lời chê bai họ, bởi vì đó là một nghiệp lực trên con đường của họ[11]. Thay vì vậy, họ nên bình tĩnh sửa lại cho đúng hoặc xác định điều đã được nói đến.
Cuối cùng, ta nên nhớ rằng leo lên bậc thang sự nghiệp vì địa vị và danh tiếng luôn có cái giá của nó. Seneca đã diễn giải điều này rất rõ ràng:
‘Vậy khi anh thấy một người liên tục leo lên các cấp bậc trong công ty, hay một cái tên được biết đến rộng rãi trong công chúng, đừng ghen tị với anh ta: bộ lễ phục chức vụ ấy được đánh đổi với cái giá của cuộc đời.[12]’
Đó là lý do tại sao những người xem trọng công việc của mình hơn bất cứ điều gì khác rốt cuộc thường cảm thấy không có cuộc sống của riêng mình. Thành công có thể đến với cái giá là thời gian để dành cho việc suy ngẫm và chiêm nghiệm, dành cho việc tận hưởng sự bầu bạn bên những người khác, hoặc đơn giản là để thưởng thức những niềm vui nhỏ bé của cuộc sống thường ngày.
5. Lan Tỏa Lòng Tốt
Chúng ta cần phải thực tế: mối quan hệ giữa người với người có thể thật khó khăn; con người ta thường hành xử tệ hại và làm ta thất vọng. Để có thể giải quyết được vấn đề này một cách khôn ngoan nhất có thể, cách tốt nhất là hãy chuẩn bị sẵn sàng. Marcus Aurelius viết:
‘Khi anh thức dậy vào buổi sáng, hãy tự nhủ: Những người mà tôi đối mặt vào ngày hôm nay sẽ thích chõ mũi vào việc của người khác, vô ơn bạc nghĩa, ngạo mạn, bất lương, ganh ghét, và không thân thiện.’[13]
Mặt khác, tất cả chúng ta đều là những sinh vật không hoàn hảo và lầm lỗi, vì thế ta nên nhân nhượng với mọi người. ‘Kẻ khôn ngoan sẽ không giận dỗi với người phạm sai lầm,’ Seneca nói, bởi vì ‘anh ta biết chỉ rất, rất ít người mới thực khôn ngoan trong toàn bộ thời gian.[14]’ Khi người khác xử tệ với ta, ta nên nhớ rằng họ thường không ý thức được rằng mình đang làm sai. Ta có thể tự nhủ: ‘Anh ta nghĩ thế là đúng,’ như Epictetus chỉ ra[15]. Suy nghĩ theo lệ thường hơn về cách thức sự việc tồn tại đối với người khác sẽ cho phép ta nhìn thấy rõ hơn về quan điểm của họ và trở nên thấu hiểu hơn. Marcus cũng viết rằng:
‘Để cảm thấy yêu mến người khác ngay cả khi họ phạm sai lầm là việc mà chỉ con người mới làm được. Anh có thể làm được điều đó, nếu như anh đơn giản nhận ra rằng: cả họ nữa cũng là con người, rằng họ hành động dựa trên sự không biết … và rằng chẳng bao lâu nữa các anh rồi cũng chết cả thôi. Và, trên hết, rằng họ không thực sự làm tổn thương anh. Họ không hề hạ bớt năng lực lựa chọn của anh.[16]’
Một lập trường cơ bản về lòng tốt và lòng trắc ẩn đối với những người khác là một vị thế tốt để đối diện với thế giới, thay vì một vị trí mặc định của sự gắt gỏng khó chịu. Tất cả chúng ta đều đối mặt với cùng một sự khó chịu, và lòng trắc ẩn là câu trả lời thích hợp. Như Hierocles khuyên, ta nên luyện tập việc mở rộng cảm giác bằng hữu của chúng ta từ chính chúng ta, tới gia đình ta, bạn bè, xóm giềng, cộng đồng và thế giới.
Một cách để phát triển những phẩm chất này chính là thông qua hành thiền bằng cách lan tỏa thái độ thích hợp theo mọi phương diện. Trong bài giảng của mình, Đức Phật đã sử dụng phép ẩn dụ với hình ảnh thổi chiếc vỏ ốc xà cừ từ trên đỉnh núi để âm thanh của nó lan tỏa khắp bốn phương trời[17]. Ta có thể ngồi yên lặng và gợi lên cảm giác về lòng tốt, hoặc từ bi, tưởng tượng rằng ta đang lan tỏa nó ra xung quanh mình, cuối cùng là lan tỏa trên toàn thế giới.
6. Đừng Quá Lạc Quan
Cuộc đời nào cũng chứa đựng đau đớn và khổ sở. Là con người, như Epictetus nhắc nhở chúng ta, đưa đến:
‘rằng một lúc nào đó anh sẽ phải đau ốm; lúc khác, thực hiện một chuyến đi, và bị đặt vào tình thế nguy hiểm; đôi khi túng thiếu; và có thể là chết yểu. Vậy thì, tại sao anh lại khó chịu đây? … Bởi vì thật bất khả thi khi ở trong cái cơ thể này, trong cái thế giới này, và giữa những bạn hữu này, rằng những điều như thế lại không nên xảy ra, một vài điều với người này và một vài điều với người kia.[18]’
Trong toàn bộ cuộc đời, ta có thể trông đợi có nhiều việc sẽ sai lầm, và ta cần nhắc nhở bản thân rằng như thế là bình thường. Nếu như ta thật sự chấp nhận điều này, ta có thể sẽ ít bối rối hơn khi những điều tồi tệ xảy ra, ít có khuynh hướng cảm thấy bị đối xử bất công hơn, như thể bởi quyền tập ấm mà chúng không nên rơi xuống đầu ta vậy. Seneca đã đề cập đến điều đó như thế này:
‘Anh phiền lòng bởi cơn đau nơi bàng quang, anh nhận được những lá thư gây lo nghĩ, những mất mát của anh cứ tiếp tục – hãy để tôi đi vào điểm chính, anh lúc nào cũng lo lắng về cái chết. Ồ, chẳng phải anh đã biết rằng ngay khi cầu nguyện được sống lâu, tức là anh đã cầu những điều như thế ư? Một đời sống thọ chứa đựng tất cả những điều ấy, cũng như một hành trình dài luôn chứa đựng bụi bặm, bùn lầy và mưa giông.[19]’
Các nhà Khắc kỷ cũng khuyên rằng hãy hình dung về mọi loại tai họa có thể xảy ra, như ta đã thấy. Những gì cần tới nhiều năm để xây dựng có thể sẽ bị đốn hạ trong vòng vài giây, theo lời Seneca; các đế chế có thể bị lật đổ trong một khoảnh khắc. Ông gợi ý rằng hãy diễn tập trong tâm trí ta khả năng có thể xảy ra ‘sự lưu đầy, tra tấn, chiến tranh, tiêu vong[20].’ Seneca tin rằng điều này sẽ hữu ích: ‘Anh không thể thoát khỏi những điều ấy,’ ông viết, ‘nhưng anh có thể vượt lên chúng, và anh sẽ thành công làm vậy nếu như anh thường ngẫm nghĩ về chúng và liệu trước tương lai.[21]’
Câu hỏi đặt ra là liệu việc hình dung về những tai họa có thể xảy ra trong tương lai có phải là một chiến lược tốt để đối phó với chúng hay không? Ta có nên nghĩ trước về sự phá sản, ly hôn, bệnh tật hay thất nghiệp có thể xảy ra trong tương lai? Quả có những tác dụng nhất định khi hình thành một thói quen như vậy. Nghĩ về những tình huống có thể xảy ra này có lẽ sẽ giúp ta chuẩn bị về mặt tâm lý và có lẽ là cũng thiết thực nữa.
Nhưng tập trung quá nhiều vào những tai ương trong tương lai có một sự nguy hiểm là khiến ta chẳng thể thấy được điều gì ngoại trừ sự u ám. Do đó, khi vận dụng bất kỳ một trong những lời nhắc nhở nào này, ta nên kiểm tra về tác động của chúng đối với ta. Nếu ta cảm thấy ngã lòng, có thể đó là bởi ta đang nghĩ đến điều như là ‘việc đó và đó có thể xảy ra và thế là thế giới này đến hồi tận thế’, mà hoàn toàn đối lập với ‘việc đó và đó có thể xảy ra và nếu nó xảy ra thì cũng là lẽ tự nhiên và tôi sẽ đối mặt với nó bằng tất cả khả năng của mình.’ Vế sau là điều mà ta cần khuyến khích.
Khi lập kế hoạch dự trù cho tương lai, có lẽ sẽ là hữu ích khi tuân theo lời khuyên của Chủ nghĩa Khắc kỷ trong việc thêm vào dự định của chúng ta một cụm từ như là ‘nếu không có gì trở ngại’ – một phiên bản thế tục của ‘nếu Trời phù hộ’ – vì ta đơn giản là không biết liệu thế giới này có sẵn sàng hợp tác với ta trong việc biến kế hoạch của ta trở nên như nguyện hay không. Nhưng ta phải lưu tâm để việc này không đi quá xa, hoặc làm nó theo một cách mê tín, như thể bằng việc lường trước những điều không hay mà ta có thể đẩy lui chúng vậy.
Một quan điểm khác là việc gợi lên bức tranh về những điều tồi tệ trong tâm trí mình là một việc làm mất thời gian: ta sẽ đối mặt với chúng khi mà chúng xuất hiện. Ngay cả Seneca đôi khi cũng đưa ra một câu nói theo lẽ thường, nhắc nhở ta rằng điều mà ta lo sợ có thể sẽ không bao giờ xảy ra, hoặc là không tệ như ta vẫn tưởng[22].
Nếu như ta áp dụng môt dạng đề phòng mang tính bạc phận, ta nên chắc chắn rằng mình đối trọng nó với những suy nghĩ và hoạt động vui vẻ. Một kỹ thuật theo thuyết Epictetus, ví dụ, là hãy tận hưởng những kỷ niệm vui vẻ. Nếu ta có thể đạt được hành động cân bằng này, nhận thức rằng điều tồi tệ là một phần thông thường của cuộc sống có thể sẽ tăng cường thay vì che mờ sự đánh giá đúng đắn với nhận thức sâu sắc rằng điều gì là tốt, giống như là một tia sáng sẽ là sáng nhất giữa bóng tối.
7. Nghĩ Về Cái Chết (Nhưng Đừng Nghĩ Quá Nhiều)
Hầu hết chúng ta đều tránh nghĩ về cái chết hết mức có thể. Tuy nhiên, làm như vậy chính là kháng cự đối mặt với một trong những sự thật quan trọng nhất của việc tồn tại. Đức Phật khuyên ta hãy đối mặt trực tiếp với điều này bằng cách nhắc nhở bản thân mình mỗi ngày về những sự thật dưới đây:
‘Tôi có bản chất là già đi; tôi không thể tránh khỏi sự lão hóa.
Tôi có bản chất là bị đau ốm; tôi không thể tránh khỏi bệnh tật.
Tôi có bản chất là chết đi; tôi không thể tránh khỏi cái chết.
Tất cả những gì thuộc về tôi, đáng quý và thú vị, rồi sẽ thay đổi và biến mất.’
Sự thật thứ năm nhắc nhở chúng ta rằng các hành động đều có hậu quả[23]. Trước cái chết của một trong những đệ tử của mình, Đức Phật nói với đệ tử Ngài A Nan rằng đừng buồn hay đau khổ: ‘Những gì xuất hiện, những gì xảy ra, những gì được xây dựng, đều có bản chất là bị phá hủy. Làm sao lại không bị phá hủy cho được? Ước rằng nó không bị phá hủy chính là [ước về] điều không thể.[24]’
Đối với Chủ nghĩa Khắc kỷ, việc ghi nhớ rằng ta và những người mà ta yêu thương rồi sẽ chết thực sự là một sự áp dụng của bài tập lớn hơn về việc nhấn mạnh rằng những thứ bên ngoài rất dễ bị tấn công và tai họa thì cách ta không xa. Epictetus khuyên chúng ta hãy nhắc nhở bản thân rằng những gì mà ta yêu thích có tính chất phù du. Nó giống như là ‘một trái vả, hay một chùm nho, [sẵn có] trong mùa đã định. Nếu như anh muốn có thứ ấy vào mùa đông thì anh quả là kẻ ngốc. Vì thế, nếu anh muốn con trai mình, hay người bạn của mình, khi mà anh không thể có được họ, hãy nhớ rằng anh đang muốn có trái vả vào giữa mùa đông.[25]’
Nhưng ta không nên đòi hỏi ở bản thân quá nhiều. Ngay cả Seneca cũng không qui phục lời dạy ‘chính thức’ của Chủ nghĩa Khắc kỷ về nỗi tiếc thương, ví dụ như vậy, và khuyên về sự tiết chế thay vì trừ tiệt: ‘khi mà anh mất đi người vô cùng thân thiết với mình, bị tác động không ngừng bởi sự đau khổ chính là một sự bê tha ngu ngốc, và khi không cảm thấy chút đau khổ nào thì lại là sự vô cảm dã man tàn bạo.[26]’
Sự cảnh báo của Chủ nghĩa Khắc kỷ có ý nghĩa về mặt truyền thống để nhắc nhở ta rằng mọi thứ bên ngoài là xoàng xĩnh. Nhưng chúng cũng giúp ngăn chặn nỗi sợ hãi về cái chết. Ví dụ như, Marcus gợi ý một ‘chiến lược cần được lặp đi lặp lại nhưng hiệu quả’ liên quan đến việc nhớ rằng tất cả những người chết già đều ‘ngủ sâu dưới sáu tấc đất’, cũng giống như bất kỳ ai khác. Dưới khía cạnh của tính vĩnh cửu, mọi cuộc đời đều ngắn ngủi, và một vài năm thêm vào, thậm chí là cả vài thập kỷ, cũng chẳng nghĩa lý gì.[27]
Nếu được thực thi trên tinh thần đúng đắn, những lời nhắc nhở này cũng có thể giúp chúng ta giữ trong tâm trí sự thật rằng thời gian thật là ngắn ngủi, vì thế hơn hết là ta nên phân bổ nó theo nguyên tắc của sự ưu tiên thực tế và trân trọng những gì ta có trong khi ta còn có chúng. Như trước đây, ta nên kiểm tra tác động của những bài thực hành lên trên chúng ta. Nếu như có điều gì làm ta băn khoăn, ta nên cân nhắc đến việc chuyển sang phương pháp khác.
8. Cân Nhắc Đến Bức Tranh Lớn Hơn
Một trong những phương pháp yêu thích của Marcus Aurelius là đặt cuộc sống của mình vào trong một mối tương quan bằng cách hình dung ra nó trong bối cảnh của thời gian và không gian. Ông viết:
‘Để nhìn chúng từ trên cao: hàng ngàn đàn gia súc, những nghi lễ, những cuộc viễn du trên đại dương êm ả hoặc bão tố, bằng những cách thức khác nhau mà chúng ta đến với thế giới này, chia sẻ nó với những người khác, và rồi rời đi. Hãy nghĩ đến đời sống của những người khác, từ rất lâu trước đây, cuộc đời của những người tới sau anh, cuộc đời của những người hiện đang sống, ở những vùng đất khác. Có bao nhiêu là người thậm chí còn không biết đến tên anh. Bao nhiêu người rồi sẽ sớm quên cái tên ấy đi. Bao nhiều người lúc này dành cho anh lời ngợi khen – và rồi, có thể, vào ngày mai, sự coi thường.[28]’
Một phương thức đáng tin cậy để đạt đến khả năng đánh giá và cảm giác tôn kính là bằng cách nhìn vào bầu trời đêm, hoặc một bức hình được chụp bởi Kính viễn vọng không gian Hubble. Toàn thể xung quanh là số lượng không thể tin được của những thiên hà giống như của chúng ta, tất cả đều chứa đựng một số lượng không thể tin nổi những tinh tú như là mặt trời của chúng ta và những hành tinh như là Trái đất của chúng ta. Ta không thể biết vũ trụ này trải dài đến chừng nào, nó đang đi đến đâu hay điều gì đã diễn ra trước khi có vụ nổ Big Bang.
Kiểu thực hành này có thể gây buồn phiền cũng như mang đến cảm giác dễ chịu. Quá tập trung vào cái nhìn về vũ trụ có thể sẽ khiến cho tất cả những sự mưu cầu của ta có vẻ như thật tầm thường và vô nghĩa. Để có thể hữu ích, cái cách nhìn ấy không nên thế chỗ cho mà nên là sự bổ sung vào quan điểm về qui mô mang tính con người mà mang đến cho cuộc sống ý nghĩa. Xoay chuyển giữa cán cân con người và vũ trụ thì tốt hơn là mắc kẹt trong thế giới nhỏ bé của chúng ta hoặc trong vũ trụ vô tận này.
Chúng ta cũng có thể hưởng lợi từ phương pháp thu nhỏ hợp lý nhất. Bạn hãy tự hỏi mình rằng: liệu điều này có còn quan trọng trong một giờ đồng hồ nữa không? Ngày mai? Tuần tới? Năm sau? Điều này có thể sẽ hiệu quả trong việc thu nhỏ vấn đề lại, cho thấy rằng bản chất của nó không là gì ngoài sự khó chịu nhất thời.
9. Sử Dụng Lẽ Thường
Cả Đạo Phật và Chủ nghĩa Khắc kỷ đều tin vào việc cố gắng để thay đổi bản thân chúng ta thay vì nuôi dưỡng thứ ảo tưởng rằng việc thay đổi hoàn cảnh của mình sẽ mang đến cho ta sự mãn nguyện. Trong khi chúng ta cần phải nhận thức được những giới hạn của mình, nhìn chung đây là một cách tiếp cận đúng đắn, bởi vì, như ta đã thấy, ta dễ dàng thích nghi với những sự thay đổi đến từ bên ngoài và kết thúc không hề hạnh phúc hơn so với trước đó. Chiếc xe hơi mới đơn giản là sẽ sớm trở thành chiếc xe cần được đưa vào garage để sửa chữa, cuộc tình hoàn hảo mới rốt cuộc rồi cũng sẽ trở thành mối quan hệ con người rắc rối điển hình.
Nhưng chừng đó không có nghĩa là chúng ta luôn sai khi cho rằng sự thay đổi là cần thiết để mang đến sự tiến bộ có thể diễn ra. Hãy thử tưởng tượng rằng, giống như Seneca, bạn cũng đang sống phía trên một nhà tắm và thường xuyên bị tấn công bởi tiếng động đinh tai nhức óc: tiếng gằn của những người đàn ông tập tạ; tiếng người chơi bóng, hát hò hay nhảy ‘vào bể bơi với tiếng đập nước lớn’; ‘người cạo lông cứ liên tục kêu lên the thé trong tông giọng chói tai của anh ta chỉ để thu hút sự chú ý: anh ta không bao giờ chịu im lặng trừ phi anh ta đang giật lông nách của một ai đó và khiến người ta phải hét lên thay vì anh ta.’[29] Liệu ta có thể phản ứng như cái cách mà Seneca cố gắng thực hiện chăng?
‘Tôi buộc tâm trí mình tập trung vào bản thân nó và không bị sao nhãng bởi bất kỳ điều gì ở bên ngoài. Việc điều gì đang gây ra tiếng động ở ngoài kia là không quan trọng, chừng nào mà bên trong không hề bị náo loạn – chừng nào mà không có sự mâu thuẫn giữa ham muốn và sợ hãi, chừng nào mà lòng tham không mâu thuẫn với lạc thú, điều này phê phán điều kia… Chỉ khi tâm trí phát triển thành sự ưu việt thì ta mới có thể đạt được sự thanh bình.’
Có lẽ là không. Ngay cả Seneca cũng chẳng thành công. Ông kết thúc câu chuyện của mình với một lời ghi chép đầy bất ngờ: “‘Vậy thì, anh sẽ nói gì đây? Chẳng phải đôi khi rời xa khỏi sự huyên náo sẽ là điều dễ dàng hơn ư?” Vâng, tôi đồng ý với điều đó, và đó là lý do vì sao tôi lại rời khỏi nơi này.’ Chúng ta thường có thể đi được khá xa bằng cách thay đổi thái độ của mình, nhưng đôi khi điều đúng đắn nên làm là giải quyết bất kỳ vấn đề bên ngoài nào đang làm phiền mình. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi cố gắng đạt được mục đích thông qua sự thực hành tinh thần trong khi những điều đó có thể được giải quyết bằng cách lựa chọn những phương sách đơn giản thiết thực.
10. Hãy Yên Lặng
Trong tham vấn về lời nói, Chủ nghĩa Khắc kỷ và Đạo Phật đều có chung một quan điểm. Theo lời của Epictetus:
‘Hãy hầu như im lặng, hoặc chỉ nói khi cần thiết, và chỉ một vài từ thôi. Đôi khi chúng ta có thể tiến vào một cuộc trò chuyện, khi mà thời điểm là thích hợp; nhưng không phải là về bất kỳ chủ đề thông thường nào, chẳng hạn như về các đấu sĩ, hay các cuộc đua ngựa, hoặc nhà quán quân điền kinh, hay là thức ăn, hoặc nước uống – những chủ đề tầm thường của các cuộc trò chuyện; và đặc biệt là không nên nói về các cá nhân, dù là khiển trách, hay khen ngợi, hay để đem ra so sánh.’[30]
Đức Phật thường đề cao sự yên lặng và kiên định phê phán lời nói vô nghĩa, mà được xem là bao gồm ‘nói về nhà vua, kẻ trộm, công sứ, quân đội, sự nguy hiểm, các cuộc chiến, thức ăn, nước uống, quần áo, giường chiếu, vòng hoa, mùi hương, họ hàng, xe cộ, làng mạc, thị trấn, thành phố, quốc gia, phụ nữ, anh hùng, đường phố, giếng, người chết, chuyện lặt vặt, khởi nguyên của thế giới, khởi nguyên của đại dương, cho dù các sự việc có là vậy hay không là vậy đi chăng nữa.[31]’
Đây quả là một danh sách toàn diện. Liệu có phải đón nhận chúng một cách nghiêm túc có nghĩa là ta tự kiềm chế mình khỏi hầu hết các cuộc trò chuyện hay không? Nếu như ta không tuân theo nghĩa trên mặt chữ của lời khuyên này, vậy thì việc áp dụng tinh thần của nó có nghĩa là gì? Có một bài giảng đề cập đến ba yếu tố hữu ích để đánh giá lời nói: liệu điều đó có đúng sự thật không? Liệu điều đó có ích không? Liệu nó có làm người khác vui lòng không? Đây là một sự kiểm tra tốt mà có thể tách biệt khỏi mệnh lệnh hà khắc hơn là không nói về bất cứ điều gì tầm thường. Việc tham gia vào một vài cuộc tán gẫu thường nhật hay bình luận về thể thao không nhất thiết là có hại, và thực ra những sự trao đổi như thế có thể là đúng đắn và vui vẻ, thậm chí là cả hữu ích nữa theo cái nghĩa là bôi trơn cho những bánh xe của sự tương tác xã hội và mang đến một vài sự hóm hỉnh lành mạnh trong ngày.
Điều này công nhận rằng dĩ nhiên những tiêu chuẩn trên không phải lúc nào cũng có thể được thỏa mãn cùng một lúc, vì thế mà chúng ta được nhận thêm một vài lời khuyên khác: nếu một điều gì đó là không mấy dễ chịu với những người khác, Đức Phật sẽ nói ra điều đó chừng nào mà nó còn đúng và có ích[32]. Ta có thể sử dụng những câu hỏi này để soi xét lại khuôn mẫu trò chuyện thông thường của mình và quyết định xem liệu ta có cần phải sửa lại lời ăn tiếng nói của mình hay không.
Sự ngợi khen truyền thống dành cho sự yên lặng cũng là một cách hiệu chỉnh hữu ích đối với sự đề cao việc xây dựng mạng lưới quan hệ, giao tiếp và hướng ngoại trong nền văn hóa của chúng ta. Ngày nay, việc trở nên yên lặng gần như có thể được coi là có vấn đề về tâm thần. Những ai trong chúng ta mà thích nói ít hơn và có chừng mực với lời nói của mình có thể cảm thấy được cổ vũ bởi điều này.
Kết luận
Như ta đã thấy, cả Đạo Phật và Chủ nghĩa Khắc kỷ theo những cách thức khác nhau của mình đều cảnh báo cho ta về sự không mấy dễ chịu của sự hiện hữu. Mọi sự vật sự việc đều là phù du, và sự mãn nguyện lâu dài là thứ mà ta không thể đạt tới. Sự vô thường, sự đau khổ, và không thể kiểm soát có lẽ có hoặc không là những sự thật tuyệt đối của vũ trụ, nhưng chúng chắc chắn nắm bắt được trải nghiệm của ta về thế giới khi mà ta chú tâm đến nó.
Ở đó, cả hai trường phái đều chỉ ra sự cần thiết của việc chấp nhận cuộc sống bất kể những mặt xấu, với cả sự vô thường và không hoàn hảo của nó. Trong Đạo Phật, thiền tập chánh niệm dạy cho chúng ta không điều gì ngoài việc chấp nhận trải nghiệm thật sự của chúng ta, mà không bám chấp vào nó, phủ nhận nó hay xua đuổi nó. Trong Chủ nghĩa Khắc kỷ thường có sự hô hào rằng hãy thực hành việc chấp nhận. Ví dụ như, Seneca nói rằng: ‘Chúng ta đã tới một thế giới mà cuộc đời được sống như thế này: chấp nhận chúng và tuân theo, hoặc phủ nhận chúng và rời đi theo bất cứ con đường nào mà anh muốn.[33]’
Không điều nào trong đó đòi hỏi sự cam chịu; nó chỉ có nghĩa là ngay cả khi việc thực hiện sự thay đổi trong cuộc sống của ta là có thể, chấp nhận chính là xuất phát điểm của ta. Ta nào có thể làm gì khác nữa đây? Vậy mà mới thật thú vị làm sao khi ta lại thường xuyên chống lại sự thật đến nhường nào. Ta chỉ không thể chấp nhận rằng mình đã phạm phải một sai lầm; rằng một ai đó đã ra đi; rằng một mối quan hệ đã chấm dứt.
Bất kể sự cố nài đầy kiên định của họ về sự chấp nhận, các trường phái này nhìn nhận bản thân họ như là người đưa ra con đường. Nhưng có một sự thật đáng buồn là sự không hoàn hảo không bao giờ có thể triệt tiêu. Nhìn nhận sáng suốt có nghĩa là từ bỏ những ảo tưởng về sự cứu rỗi linh hồn và chấp nhận những điều không dễ chịu trong cuộc sống mà không có lấy một liều thuốc giải độc. Nếu như ta thực sự có thể chấm dứt đau khổ bằng cách tách biệt bản thân mình khỏi những thứ vẫn thường được xem là tốt đẹp, vậy thì cái giá phải trả sẽ là quá cao.
Ta có thể hoàn toàn sống trọn vẹn trong một thế giới không hoàn hảo. Điều này có nghĩa là chấp nhận những mâu thuẫn của mình: chúng ta vừa có lý lại vừa vô lý, bị bó buộc mà cũng tự do. Chúng ta cần phải lấy làm tự hào về toàn bộ con người của ta như chính ta là, cả thể xác và tinh thần, lý trí lẫn cảm xúc.
Những mục tiêu trần tục thông thường mà giữ ta lại trong sự kìm kẹp của chúng – sự giàu sang, danh vọng, thành công – mang đến những giá trị rất hạn chế đối với một cuộc đời tốt đẹp. Thậm chí là cả những điều vốn được xem là thật sự có giá trị – bản thân cuộc sống, sức khỏe, các mối quan hệ – cũng có khả năng khiến ta thất vọng đôi lúc. Do đó, sẽ thật khôn ngoan khi kiềm chế những ham muốn của ta lại và tránh việc biến hạnh phúc của mình phụ thuộc quá đà vào sự thỏa mãn mà chúng mang lại.
Ta nên nhớ rằng ‘thật nhỏ bé làm sao… chiếc ly niềm vui của con người, chẳng mấy chốc sẽ chảy tràn nước mắt’[34], vì thế hãy trân trọng những điều vô thường quý giá trong một sự nhận thức đầy đủ rằng chúng rồi sẽ qua đi, như là những cánh hoa đào nở rộ hay những chiếc lá mùa thu. Giá trị của chúng không hề bị giảm bớt bởi tính tạm thời của chúng, và nỗi buồn là một phản ứng phù hợp với điều đó.
Ta nên trau dồi sự thông suốt trong tư tưởng và sự ham biết, sự mãn nguyện và lòng từ bi. ‘Cuộc đời thật ngắn ngủi. Đó là tất cả những gì có thể nói được. Hãy lấy đi tất cả những gì mà anh có thể từ hiện tại – một cách thận trọng, một cách chính trực’[35], như lời của Marcus. Ta không nên tự biến mình thành những pháo đài, mà là có thể bị tấn công để trở nên khôn ngoan hơn.
[1] Seneca 2010, ‘On Anger’, p.71
[2] Epictetus, 4.6
[3] Bodhi 2000, p.1529
[4] Seneca 2010, ‘On Anger’, p.66
[5] Epictetus, ‘Handbook 5’
[6] Epictetus, ‘Handbook 3’
[7] Seneca 2015, 8.5
[8] Marcus Aurelius 2003, 7.67
[9] Seneca, ‘Letter 7’. https://en.wikisource.org/wiki/Moral_letters_to_Lucilius/Letter_7
[10] Epictetus, ‘Handbook 33’
[11] Analayo 2003, p.161. ‘Brahmajala Sutta’. Walshe 1987, 1
[12] Seneca 2014, ‘On the Shortness of Life’, p.132
[13] Marcus Aurelius 2003, 2.1
[14] Seneca 2010, ‘On Anger’, p.41
[15] Epictetus, ‘Handbook 42’
[16] Marcus Aurelius 2003, 7.22
[17] Analayo 2015, pp.23-4
[18] Epictetus, 2.5
[19] Seneca 2015, 96.3
[20] Seneca 2015, 91.8
[21] Seneca 2015, 107.3
[22] Seneca 2015, 13
[23] Sự thật thứ năm: ‘Tôi là chủ nhân của nghiệp quả của mình; tôi được sinh ra do nghiệp của mình; tôi sống theo nghiệp của mình; tôi sẽ thừa hưởng nghiệp của mình; bất kỳ điều gì tôi làm, dù là tốt hay xấu, tôi sẽ phải thừa hưởng điều đó.’
[24] Analayo 2016, p.121
[25] Epictetus, 3.24
[26] Seneca 2014, ‘Consolation to Helvia’, p.66
[27] Marcus Aurelius 2003, 4.50
[28] Marcus Aurelius 2003, 9.30
[29] Seneca 2015, 56.15
[30] Epictetus, ‘Handbook 33’
[31] ‘Sandaka Sutta’, Nanamoli and Bodhi 2009, 76
[32] ‘Abhayarajakumara Sutta’, Nanamoli and Bodhi 2009, 58. Analayo 2015, p.9
[33] Seneca 2015, 91.15
[34] Okakura 2016, p.4
[35] Marcus Aurelius 2003, 4.26
—
Đôi nét về tác giả: Antonia Macaro là nhà trị liệu tâm lý theo phương pháp hiện sinh, và là tác giả của More than Happiness: Buddhist and Stoic Wisdom for a Sceptical Age (tạm dịch: Hơn Cả Hạnh Phúc: Minh Triết Phật Giáo và Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Trong Một Kỷ Nguyên Đầy Hoài Nghi); Reason, Virtue and Psychotherapy (tạm dịch: Lý trí, Đức hạnh và Tâm lý trị liệu) và là đồng tác giả của The Shrink and the Sage (tạm dịch: Bác sĩ tâm lý và Nhà hiền triết). Bà có nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực hành vi gây nghiện. Antonia có bằng Nghiên cứu Phương Đông học và Thạc sĩ Triết học, và là một phần của phong trào tư vấn theo triết học của Anh kể từ những ngày đầu thành lập.
Người dịch: Hương Đào
Thăm blog của người dịch tại đây: https://huongtdao.wordpress.com/2022/10/14/nhung-suy-tuong-de-huong-toi-mot-cuoc-song-tot-dep-hon/
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/10-diem-chung-giua-chu-nghia-khac-ky-va-dao-phat