Sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp dầu khí chịu lỗ trong năm 2016?
Thoái bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thành viên và đẩy mạnh cổ phần hóa để có vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời tập trung chế biến sâu các sản phẩm dầu khí là hai hướng trọng tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhằm ứng phó với biến động giảm sâu của giá dầu. Tuy nhiên, không dễ để thực thi những giải pháp này trong một sớm một chiều.
Sau đà tăng mạnh 9% vào cuối tuần trước, tính tới ngày 26/1, các hợp đồng dầu thô tương lai đã tụt dốc trở lại gần 6%. Ẩn số đối với giá dầu trong thời gian tới được giới phân tích cho rằng phụ thuộc nhiều vào tin tức từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra ngày 26-27/1/2016. Bất kì gợi ý nào về sự thay đổi chính sách sẽ tác động đến giá dầu, do nguyên liệu này được neo theo đồng bạc xanh.
Sự khó đoán định đối với xu hướng giá dầu sẽ khiến các doanh nghiệp ngành dầu khí khó có thể chủ động về kế hoạch sản xuất kinh doanh. Dự kiến, ngày 1/2 tới, PVN sẽ có cuộc họp về tái cơ cấu, trong đó bàn và nhấn mạnh đến các giải pháp đầu tư và tài chính ứng phó với giá dầu giảm.
Tại diễn đàn “Petro Vietnam 2016 – Ứng phó với giá dầu” diễn ra ngày 15/1/2016, PVN và các đơn vị thành viên đã chia sẻ và đề xuất nhiều kế hoạch để ứng phó với biến động giá dầu hiện nay. Mục tiêu của Tập đoàn là đảm bảo nguồn thu ngân sách và bảo toàn vốn bằng cách hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, khai thác triệt để các yếu tố thuận lợi.
Hiện tại, PVN đang tập trung thực hiện 2 giải pháp đáng chú ý. Thứ nhất, về tài chính và đầu tư, bên cạnh giải pháp tổng thể để ứng phó với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Tập đoàn đã xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên; tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả, thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.
Theo đó, trong năm 2016, PVN đặt kế hoạch thực hiện cổ phần hóa 3 đơn vị thành viên là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) với quy mô vốn dự kiến thu hút từ bên ngoài khoảng hơn 20.000 tỷ đồng; đồng thời thực hiện các công tác chuẩn bị để cổ phần hóa Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, khi cổ phiếu dầu khí đang giảm mạnh và dư cung như hiện nay, việc đẩy mạnh bán vốn và kỳ vọng thu về số tiền lớn theo nhận xét của giới phân tích chứng khoán là không thể dễ thực hiện.
Một giải pháp khác, bên cạnh việc tiếp tục tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính như tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí…, PVN chú trọng đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm dầu khí nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh và tạo ra các sản phẩm mới (nguyên, nhiên, vật liệu) phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước và xuất khẩu, từng bước hạn chế xuất khẩu dầu thô.
Tuy nhiên, việc này không đơn giản và khó thu được hiệu quả trong thời gian ngắn. Đơn cử, hoạt động năm 2015 của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). Do ảnh hưởng giá dầu thế giới giảm nhanh và sâu làm cho thị trường xơ sợi gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, đặc biệt giá bán sản phẩm xuống thấp bất thường, PVTex đã dừng sản xuất 3 đợt để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhà máy đã dừng vận hành từ ngày 17/9/2015; hoạt động sản xuất của PVTex năm 2015 lỗ 1.255 tỷ đồng. Trong khi, tính đến ngày 31/12/2015, vốn chủ sở hữu của Công ty là 504 tỷ đồng.
Giá dầu trung bình năm 2015 theo tổng kết của PVN là 54,5 USD/thùng, giảm 48,5 USD/thùng (giảm 47,1%) so với giá dầu trung bình năm 2014 (103 USD/thùng). Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn năm 2015 đạt 311,2 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 32,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giá dầu trung bình năm 2016 chỉ đạt 30 USD/thùng, theo kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất của PVN chỉ đạt 7.000-8.000 tỷ đồng. Với con số này, câu hỏi đặt ra là, sẽ có bao nhiêu đơn vị của PVN có khả năng lỗ trong năm 2016? (Đầu Tư Chứng Khoán 27/1, tr25, tác giả Hoàng Kim).
Thegioibantin.com