Cái tâm nghề giáo của 4 người thầy vùng cao Sài Khao

0

Bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) với 100% dân số là người Mông, dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng hơn 30km nhưng đường xá đi lại vô cùng khó khăn do mưa lũ làm sạt đường, chưa có điện lưới quốc gia, chưa sóng điện thoại… Thế nhưng tại điểm lẻ tiểu học Sài Khao thuộc Trường Tiểu học Tây Tiến, hằng ngày vẫn có 4 thầy giáo miệt mài “cõng chữ” lên non. Câu chuyện đến với nghề giáo của các thầy khiến bất cứ ai cũng phải cảm phục.

Theo chân cha làm giáo viên

Sinh ra trong gia đình người Mông có 16 người con (10 gái, 6 trai) nên ngay từ nhỏ thầy Hơ Văn Pó (SN 1994, quê xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) đã có mong ước lớn lên sẽ làm giáo viên tiểu học để truyền đạt kiến thức cho học sinh vùng cao như mình.

Thầy Pó kể: “Trước đây cha của tôi cũng là giáo viên tiểu học nhưng khi đang tham gia công tác giảng dạy thì phải xin nghỉ giữa chừng để phụ giúp gia đình làm nương rẫy, nuôi con cái vì gia đình tôi quá đông con. Rồi cũng từ lúc đó tôi có ước mơ và quyết tâm sau này sẽ chọn nghề giáo viên để theo chân cha, thực hiện những điều mà cha đang làm dang dở”.

Sau đó nhờ có sự động viên, ủng hộ của gia đình mà chàng thanh niên Hơ Văn Pó thi đậu vào khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Vinh. Sau khi ra trường thì thầy giáo Pó về công tác tại điểm lẻ Sài Khao.

“Học xong lớp 12 thì tôi lập gia đình rồi gác lại mọi chuyện, xa vợ con lên đường đi học đại học. Sau 4 năm học tập, ra trường tôi trở về địa phương và thi tuyển vào giảng dạy ở điểm trường Sài Khao từ năm 2020”, thầy Pó chia sẻ.

Thầy Hơ Văn Pó theo chân cha mình làm giáo viên tiểu học

Là người Mông nên việc giao tiếp, giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh ở Sài Khao đối với thầy Pó cũng dễ dàng hơn so với các giáo viên khác khi thầy vừa có thể dạy học sinh viết, dịch từ tiếng Mông sang tiếng Việt và ngược lại.

Mong ước giúp học trò vùng cao đổi đời nhờ con chữ

Cũng sinh năm 1994, là người Mông và theo học khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Vinh như thầy Pó, thầy giáo Hơ Pó Sung chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện đặc biệt khi lựa chọn nghề giáo của mình.  

Thầy Sung bộc bạch: “Ban đầu sau khi học hết cấp 3 tôi dự định thi vào ngành lâm nghiệp nhưng sau đó thấy sự khó khăn, thiếu thốn của học sinh trong bản nói riêng, học sinh miền núi nói chung nên tôi quyết định thi vào giáo viên tiểu học để sau này về góp sức cho quê hương. Tôi may mắn được gia đình, người thân ủng hộ hết mình”.

Thầy giáo Hơ Pó Sung trong giờ dạy học

Ra trường năm 2017 thì đến năm 2018, thầy Sung thi tuyển vào ngành giáo dục huyện nhà và được phân công công tác tại Trường Tiểu học Tây Tiến rồi lên điểm lẻ Sài Khao giảng dạy.

“Là người Mông, từ nhà đến điểm trường hơn 40km, tôi hiểu rõ được những khó khăn mà người dân hằng ngày phải trải qua. Dù xa nhà, xa vợ con nhưng đó lại là động lực thúc đẩy những giáo viên cắm bản như tôi công tác tốt hơn”, thầy Sung chia sẻ.

Sài Khao là điểm trường nằm trên núi cao nhưng những giáo viên nơi đây luôn vượt lên mọi khó khăn, quyết tâm bám bản để giảng dạy cho các lớp học trò.

Sài Khao là điểm trường nằm trên núi cao nhưng những giáo viên nơi đây luôn vượt lên mọi khó khăn để dạy học

Khác với các giáo viên bản địa người Mông như thầy Sung, thầy Pó có thể giao tiếp dễ dàng với học sinh, phụ huynh, những thầy giáo người Thái lên đây cắm bản lại gặp chút khó khăn.

Thầy Vi Văn Phúc (SN 1984) có nhà cách điểm trường 70km chia sẻ: “Chúng tôi lên đây chỉ biết nỗ lực hết sức để mang con chữ đến với học trò. Bất đồng về ngôn ngữ cũng là vấn đề lớn đối với những giáo viên không phải người H’Mông như chúng tôi, nhưng bằng tấm lòng và sự nhiệt huyết của người thầy, tất cả vì học trò mà cố gắng hơn nữa”.

Trong khi đó thầy giáo Vi Văn Thuận chia sẻ thêm: “Xa nhà, xa vợ con lên đây cắm bản thiếu thốn nhiều thứ khi trong bản không có những mặt hàng thiết yếu, nhiều lúc muốn mua gì thì phải đi xuống trung tâm hay có những lần về quê thì lại đèo bao gạo, mang theo cân cá khô để có thể làm thức ăn trong tuần. Thế nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ mà chúng tôi càng thêm phần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, vất vả”.

Cả 4 thầy giáo trên đều ở lại điểm trường, cuối tuần mới về nhà một lần, cũng có khi cả tháng mới về thăm nhà, thăm vợ con

Hiện nay cả 4 thầy giáo trên đều ở lại điểm trường, cuối tuần mới về nhà một lần, cũng có khi cả tháng mới về thăm nhà, thăm vợ con. Nhiều khi các thầy còn bỏ lỡ công việc gia đình vì không có sóng điện thoại để liên lạc.

Được biết, điểm trường Sài Khao có 91 học sinh ở 5 khối học nhưng hiện nay tại điểm này mới có 3 phòng học kiên cố nên các thầy phải chia buổi để giảng dạy.

Theo Trần Nghị/Vietnamnet

Xem thêm: 

Thế giới bản tin | Vina Aspire News

Nguồn : https://songdep.com.vn/348-cai-tam-nghe-giao-cua-4-nguoi-thay-vung-cao-sai-khao-d16311.html

Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ