Chính sách của Nhà nước và lời khuyến cáo về an ninh năng lượng Việt Nam
Theo các chuyên gia trong Hội đồng Khoa học Năng lượng – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA): Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần nhìn nhận lại tất cả những vấn đề liên quan đến ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là “cách thức bù đắp sự thất thu từ khai thác và xuất khẩu dầu ở Việt Nam thời gian qua”.
Từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu đã giảm 70% khiến cho thị trường dầu mỏ đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Những tuần đầu tiên của năm 2016, vẫn không có dự báo nào lạc quan, giá dầu vẫn quanh mức hơn 30 USD/thùng.
Khó lại chồng khó
Trên thị trường hàng hóa, dầu khí ngày càng xa vị trí thống trị hơn một thập kỷ qua. Những năm gần đây và cả năm 2015 không ai đã dự đoán đúng được giá dầu lại rơi vào tình trạng thê thảm như hiện nay.
Thực trạng u ám diễn ra trên diện rộng, phủ khắp Nga, Venezuela, Nigeria, Iraq và cả những nước giàu có như Ảrập Saudi. Việc giá dầu xuống mức thấp và kéo dài khiến các công ty dầu mỏ thu hẹp sản xuất, ngưng khai thác, đầu tư, tìm kiếm thăm dò.
Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như: Exxon Mobil, BP, Royal Dutch Shell… thiệt hại nhiều, nhiều công ty con của các tập đoàn này phá sản, các công ty mẹ đang nỗ lực cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh đó, ngành Dầu khí của Việt Nam không là ngoại lệ.
Sự chao đảo của giá dầu thế giới đã làm gia tăng gánh nặng nợ của không ít doanh nghiệp ngành Dầu khí. Theo số liệu của Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014, PVN đứng đầu nhóm nợ phải thu khó đòi với 3.113 tỷ đồng.
Không riêng PVN, áp lực nợ dài hạn đến hạn trả trong năm 2014 của các công ty dầu khí khá cao, tới 15.4 ngàn tỷ đồng. Thời điểm này có 50 công ty thuộc ngành Dầu khí niêm yết trên hai sàn chứng khoán: Sàn HOSE có 21 công ty và HNX có 29 công ty.
Thống kê của Vietstock ghi nhận nhóm 11 công ty thuộc ngành Dầu khí nợ ngân hàng lên tới hơn 27 ngàn tỷ đồng, chốt tới Quý 1/2014. Theo đó, hai công ty có nợ vay dẫn đầu là GAS và PVD với giá trị tương ứng là 7,086 tỷ đồng và 5,260 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết năm 2015, PVN công bố doanh thu 2015 của Tập đoàn đạt 560,1 nghìn tỷ đồng (vượt 14% so với kế hoạch năm), nộp Ngân sách Nhà nước 115.1 ngàn tỷ đồng (vượt khoảng 20% kế hoạch năm).
Tuy nhiên, ông Lê Minh Hồng – Phó tổng giám đốc PVN cho hay, việc giá dầu giảm mạnh trong năm 2015 đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, cũng như các đơn vị thành viên và tiếp tục gây khó trong năm 2016.
Đối phó với tình hình này, PVN đã thực hiện hàng loạt giải pháp như giảm sản lượng khai thác, tiết kiệm chi phí, giảm nhân sự… để cắt giảm được khoảng 60.000 tỉ đồng trong năm 2015.
Theo đó, chi phí khai thác cũng giảm tối đa, khoảng 12 USD/thùng, giúp giá thành khai thác tại hầu hết các mỏ của Tập đoàn này xuống mức trung bình 24,4 USD/thùng.
Theo kế hoạch năm 2016, PVN sẽ cắt giảm lượng khai thác, trong đó dầu thô giảm khoảng 2 triệu tấn so với con số thực hiện năm 2015, xuống còn hơn 16 triệu tấn, giảm khoảng 1 tỉ m3 khí, còn khoảng 9,6 tỉ m3…
Những nỗ lực của PVN có vẻ như không tương thích với tình hình giá dầu vẫn ở mức thấp. Chiến lược phát triển dài hạn của PVN đang chịu những tác động tiêu cực bởi việc “tháo chạy” của các nhà đầu tư lĩnh vực lọc hóa dầu.
Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) của Liên bang Nga, chính thức thông báo không tiếp tục đàm phán việc chuyển nhượng 49% cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cùng với đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (QP) cũng lặng lẽ rời bỏ dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, gần 4 tỷ USD, ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Động thái này được QP lý giải là do nằm trong định hướng tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển của Tập đoàn này.
“Thu như một thói quen”
Giá dầu giảm, theo các chuyên gia kinh tế, đóng góp từ dầu thô vào tổng thu ngân sách nhà nước cũng theo đà giảm dần trong những năm gần đây.
Thu từ dầu thô năm 2012 là 18,9% tổng thu ngân sách; năm 2013 giảm còn 12,1%, năm 2014 còn 10,1% và năm 2015 chỉ còn khoảng 7% mà nguyên nhân chủ yếu là do “sự tụt giảm giá dầu”.
Tuy nhiên, số liệu của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (Quốc hội) sau khi thẩm tra dự toán ngân sách 2016 lại cho thấy, năm 2015, ngân sách hụt thu từ dầu là 63.000 tỉ đồng.
Theo nhận định của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cân đối ngân sách đã rất căng thẳng và dự kiến nó sẽ còn căng thẳng hơn trong năm 2016, bởi 10% thu ngân sách là từ dầu thô.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, trong tháng 1/2016, tổng thu ngân sách Nhà nước bằng khoảng 95% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó riêng nguồn thu từ dầu thô đã giảm gần 66% so với cuối tháng 1/2015.
Như vậy, con số này mới đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán và giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân được Bộ Tài chính xác định là do giá dầu thô trên thị trường giảm, xoay quanh mức 30 USD/thùng. Cạnh đó, do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân trong tháng 1/2016 ước khoảng 38 USD/thùng, giảm 22 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán.
Thói quen từ xưa đến nay ở nước ta vẫn là thu, thu và thu, thậm chí có thời điểm còn coi thu ngân sách từ dầu thô là nơi giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.
Quen với việc tăng thu, các nhà hoạch định chính sách kinh tế, tài chính thay vì xây dựng một kịch bản thu ngân sách khi giá dầu khủng hoảng lại có vẻ khẩn trương hơn trong việc áp thêm các khoản phí cho doanh nghiệp ngành Dầu khí.
Từ ngày 1.5.2016, theo quy định của Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà Chính phủ vừa ban hành, mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) 35 đồng/m3.
Cùng thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ Tài chính cũng ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về Quỹ dự phòng rủi ro về môi trường đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.
Theo dự thảo thông tư, mức trích lập, doanh nghiệp thực hiện trích lập 0,5% trên doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ và chỉ khi số dư của Quỹ này bằng 25% vốn điều lệ thì doanh nghiệp mới không phải trích nữa.
Đành rằng, các Nghị định hay Thông tư đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước, nhưng trong bối cảnh ngành Dầu khí đang cùng lúc chịu nhiều sức ép: giá dầu giảm, nộp ngân sách, sản phẩm trong nước không bán được, thiếu tiền đầu tư mới công nghệ, nghiên cứu thăm dò… thì việc đưa thêm các khoản phí này chỉ khiến doanh nghiệp thêm teo tóp, thậm chí tạo thêm áp lực khiến DN phá sản.
Việc tăng cường khai thác nguồn thu hiện tại hay tìm nguồn thu mới hay để bù đắp thất thu ngân sách từ dầu là cần thiết song thực tế, ngành Dầu khí rất khó “tự bơi” trong bối cảnh giá dầu vẫn quanh mức 30 USD/thùng.
“Cấp cứu” để sống được
Trong tình thế hiện nay của PVN và các thành viên, TS. Nguyễn Hiệp, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN cảnh báo “phá sản là tất yếu”, nếu Nhà nước “không sớm có một cơ chế, chính sách linh hoạt” cho Tập đoàn này.
Theo kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hiệp, nước ta hoàn toàn có thể áp dụng chế độ “cấp cứu” cho ngành Dầu khí trong khoảng 2 đến 3 năm.
TS. Hiệp không cho đây là “đặc quyền, đặc lợi” mà là “cấp cứu” trong khi chờ giá dầu tăng trở lại và chỉ khi PVN và các thành viên sống được, làm ăn có lãi mới có thể tiếp tục nộp ngân sách và đóng thuế cho Nhà nước.
Về lâu dài, TS. Hiệp cho là cần nhìn nhận lại tất cả những vấn đề liên quan đến ngành Dầu khí, đặc biệt là “cách thức bù đắp sự thất thu từ khai thác và xuất khẩu dầu ở Việt Nam thời gian qua”.
Một điểm đáng lưu ý nữa, các nhà hoạch định chính sách cần hiểu được ngành dầu khí vận hành như thế nào để xây dựng được những chính sách phù hợp với tình hình thị trường, điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Quan trọng không kém, những đề xuất điều chỉnh chính các chính sách kinh tế, đặc biệt là những giải pháp xử lý những khó khăn, tồn tại và cả vướng mắc của PVN cần dựa trên những bài học kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia có nền kinh tế thị trường, cũng như các nước phát triển công nghiệp dầu mỏ.
PGS, TS Nguyễn Cảnh Nam – Hội đồng Khoa học Năng lượng – VEA:
Một thời gian dài trước đây, khi giá dầu cao, ngành Dầu khí đóng góp cho ngân sách nhà nước ở mức cao, tới 25%. Đến nay, giá dầu giảm thấp, ngành Dầu khí gặp khó khăn nhưng nền kinh tế được hưởng lợi, Nhà nước thu được thêm ngân sách từ những ngành được lợi từ giá dầu thấp.
Với những đóng góp của ngành Dầu khí nhiều năm qua, Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ lại ngành Dầu khí để duy trì sự tồn tại ngành công nghiệp này.
Cho nên, Nhà nước không thể hành xử theo kiểu khi giàu thì gặt hái, khi khó khăn thì “sống chết mặc bay”, bởi về lâu dài dầu khí vẫn là một ngành có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thegioibantin.com
Nguồn: nangluongvietnam online, HẢI VÂN