3 kiểu tính cầu toàn
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cầu toàn không phải là một tính tốt vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc, khiến đồng nghiệp xa lánh và tập thể khó hòa hợp.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cầu toàn không phải là một tính tốt vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc, khiến đồng nghiệp xa lánh và tập thể khó hòa hợp.
Nghiên cứu năm 2018 của các chuyên gia Andrew Hill và Thomas Curraninves (Anh) dựa trên trả lời của hơn 40.000 sinh viên đại học về “mức độ cầu toàn”, được tổng hợp trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2015 cho thấy, người trẻ có xu hướng cầu toàn hơn nhiều so với các thế hệ trước. Các sinh viên đại học, dù là dưới 20 tuổi hay GenZ, đều có cảm nhận rằng mọi người mong đợi nhiều hơn ở họ, đồng thời có kỳ vọng cao hơn về bản thân và những người xung quanh.
Nghiên cứu của các nhà tâm lý Emily Kleszewski và Kathleen Otto, thuộc Đại học Philipps ở Marburg, Đức, cho thấy những người theo chủ nghĩa cầu toàn thường không được đánh giá là đồng nghiệp lý tưởng, thậm chí bị mọi người tránh né khi làm việc.
Trên phương diện cá nhân, tính cầu toàn được cho là có liên quan đến sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng và rối loạn ăn uống. Trên thực tế, nó là một phần nguyên nhân dẫn đến kiệt sức và căng thẳng, vì mong đợi những điều không thể đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận thất bại.
Có ba kiểu cầu toàn thường gặp là: Cầu toàn với bản thân, với người khác và bị áp đặt bởi xã hội.
Cầu toàn với bản thân
Đây là kiểu người luôn mong đợi bản thân có thể làm những điều tốt nhất. Họ thường quá khắt khe với bản thân, cảm thấy các thành tích đạt được không như mong đợi và khó chịu vì cảm thấy chưa đủ tốt.
Trong công việc, kiểu cầu toàn này có lợi ích đảm bảo năng suất, nâng cao tập trung và hiệu quả công việc. Nhưng những người cầu toàn với bản thân sẽ luôn cảm thấy quá tải hoặc không hài lòng với một thất bại nào đó thay vì ăn mừng cho những thành tích của họ.
Để hạn chế và khắc phục những tác động tiêu cực của tình trạng này, các chuyên gia cho rằng chăm sóc tốt bản thân và cân bằng cuộc sống giữa các hoạt động xã hội và hoạt động giải trí có thể giúp ích. Hãy cố gắng thông cảm cho bản thân, chẳng hạn như: “Hôm nay tôi đã bỏ lỡ buổi tập, nhưng tôi vẫn có một cuộc sống lành mạnh vì vậy mất một buổi tập cũng không làm sao”.
Cầu toàn với người khác
Dấu hiệu của kiểu cầu toàn này là khi bạn cho rằng những người xung quanh nên làm theo cách mình cho là đúng và khó chịu khi mọi việc không đáp ứng kỳ vọng. Nhưng nếu mong đợi ai đó luôn suy nghĩ, cư xử hoặc làm mọi việc theo cách mình muốn, bạn có thể tạo ra một môi trường độc hại, chỉ toàn những sự phán xét, khiến việc duy trì mối quan hệ trở nên khó khăn.
Cách đối phó
Nếu việc cầu toàn với người khác đang cản trở các mối quan hệ của bạn, hãy cố gắng thấu hiểu và đồng cảm hơn. Ví dụ, khi cảm thấy không hài lòng vì sự bừa bộn của bạn đời mỗi khi về đến nhà, bạn có thể nghĩ rằng họ đã mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nên dễ quên, hoặc họ không ngăn nắp như bạn.
Hãy thử lập một danh sách ghi lại những điều mình biết ơn và những điều tốt đẹp ở một người thân thiết mà bạn thường khắt khe với họ. Học cách tập trung vào những niềm vui nhỏ thay vì lúc nào cũng mong đợi quá nhiều từ người khác.
Chủ nghĩa hoàn hảo bị áp đặt bởi xã hội
Đây là những người bị ám ảnh với suy nghĩ của người xung quanh về mình và sợ bị từ chối. Suy nghĩ này khiến ý kiến và sự tán thành của người khác trở nên cực đoan. Họ thường tin rằng mình chỉ đủ tốt nếu người ta nhận thấy họ đủ tốt.
Cách đối phó
Để tránh bị cuốn vào những suy nghĩ đó, hãy củng cố tiếng nói tích cực bên trong bạn. Lập danh sách những điểm mạnh, điểm tích cực và thành tích đã đạt được để giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về bản thân. Nếu thấy điều đó khó để làm, bạn cũng có thể liệt kê các khía cạnh trung lập. Nhớ rằng những lo lắng của bạn là không có cơ sở vì không có bằng chứng nào cho thấy người khác đang đánh giá hoặc nghĩ rằng bạn không đủ tốt.
Một người theo chủ nghĩa hoàn hảo thuộc bất kỳ kiểu nào cũng sẽ muốn ‘thắng lợi’ nhanh chóng khi cố gắng khắc phục tình trạng của mình. Nhưng trước hết, điều bạn cần là các bước tiến nhỏ. Hãy tận hưởng quá trình thay vì tập trung vào kết quả. Nhanh chóng phục hồi từ những sai lầm nhỏ và thực hiện thay đổi khi cần thiết.
ảnh: MOTHER IMAGE VIA GETTY IMAGES
Ngọc Lan
Nguồn: https://www.huffpost.com/entry/types-of-perfectionism-signs_l_6217e8dee4b0d1388f11bc52
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/3-kieu-tinh-cau-toan