Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng: Từ ý tưởng đến hiện thực
Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng lô 04-3 là một dự án đặc biệt với bao thăng trầm. Dự án đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi của Vietsovpetro trong hành trình hướng ra biển sâu xa bờ. Bài viết này muốn đề cập đến một khía cạnh của dự án – công tác nghiên cứu thiết kế.
Đưa khối thượng tầng BK-TNG vào vị trí.
Ý tưởng và các giải pháp
Từ những thời điểm chói sáng khi giếng TƯ-3X cho kết quả thử vỉa trên 1 triệu m3 khí ngày đêm (đầu năm 2009), với những kế hoạch phát triển mỏ tham vọng đến những lúc tưởng chừng như bế tắc khi giếng TƯ-4X (năm 2010), TƯ-5XP (năm 2011) thất bại. Rất nhiều những phương án phát triển mỏ cho Thiên Ưng đã được nghiên cứu, rất nhiều những cuộc họp ở cấp lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để đánh giá và quyết định khả năng phát triển mỏ Thiên Ưng. Có những thời điểm tưởng chừng không còn khả năng phát triển mỏ Thiên Ưng, như cuộc họp ngày 30 tháng 01 năm 2013, tại phòng họp Bạch Hổ, trụ sở Tập đoàn, khi phương án của Vietsovpetro không được phép trình bày. Và có những thời điểm bước ngoặt như cuộc họp ngày 11 tháng 03 năm 2013, tại văn phòng PVGas do nguyên Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu chủ trì, khi anh Nguyễn Hữu Tuyến nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro đã thuyết phục được lãnh đạo Tập đoàn rằng trong 11 phương án Vietsovpetro đã nghiên cứu, có một phương án khả thi. Và từ đây đoàn tàu “dự án Thiên Ưng” đã được đưa trở lại đường ray và lăn bánh.
Với trữ lượng hiện nay cùng với điều kiện nước sâu (120m), xa bờ (270km), Thiên Ưng được xếp loại là mỏ nhỏ, cận biên. Để phát triển thương mại cần phải có những giải pháp đột phá về kỹ thuật và/hoặc nới lỏng một số quy định về công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư và vận hành. Trong 3 năm từ năm 2010 đến cuối 2012, Viện NCKH&TK đã lập rất nhiều Luận chứng kinh tế kỹ thuật phát triển mỏ Thiên Ưng trình hai Phía. Sau mỗi phương án thất bại lại là một phương án mới tốt hơn. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, đó là các phương án đều có mức đầu tư lớn, giá khí để dự án có lãi ở mức cao hơn khả năng chấp nhận của thị trường. Cuối cùng, đến tháng 6 năm 2013, Viện NCKH&TK đã hoàn thiện Luận chứng kinh tế kỹ thuật phát triển mỏ Thiên Ưng với tập hợp các giải pháp đột phá về khai thác mỏ, kinh tế và xây dựng mỏ, được hai Phía chấp thuận.
Để giảm chi phí đầu tư dự án Thiên Ưng, đưa giá khí về mức thị trường, Viện NCKH&TK đã cùng các đơn vị trong Vietsovpetro, gồm Ban QLHĐDK, Phòng KTSX, Xí nghiệp Khoan và sửa giếng, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp kỹ thuật mang tính bước ngoặt, đó là:
– Vietsovpetro đánh giá khả năng không thể thực hiện thu gom khí mỏ Đại Hùng độc lập và đề xuất kết nối với mỏ Thiên Ưng. Đây là giải pháp đột phá so với các phương án đã được nghiên cứu và đề xuất của các đơn vị trong PVN tại thời điểm trên.
– Nghiên cứu đưa ra phương án phân kỳ đầu tư đường ống NCS2, với giai đoạn 1 vận chuyển 2 pha, thấp áp, kết nối về mỏ Bạch Hổ. Giải pháp vận chuyển 2 pha, thấp áp với chiều dài đường ống 160 km chưa có tiền lệ trước đây đã đặt ra rất nhiều nghi ngờ trong nội bộ Vietsovpetro cũng như các đơn vị trong PVN.
– Nghiên cứu phương án thiết kế giàn Thiên Ưng với đầy đủ các quá trình công nghệ cần thiết trên giàn đầu giếng, khoan bằng giàn tự nâng Tam Đảo-02. Đây là giải pháp đầy thách thức về thiết kế, chưa có tiền lệ trong khu vực so với phương án truyền thống 1 giàn đầu giếng + 1 giàn công nghệ. Cũng như phương án táo bạo sử dụng giàn khoan tự nâng Tam Đảo-02 ở điều kiện mỏ Thiên Ưng.
– Các phương án kỹ thuật hướng tới sử dụng tối đa nội lực của Vietsovpetro để giảm chi phí tài chính. Tỷ lệ các công việc do nội bộ Vietsovpetro tự thực hiện cho Thiên Ưng dự kiến lên đến 61%.
Hiện thực
Đến hôm nay, công trình giàn Thiên Ưng đã để lại nhiều cột mốc thành công đặc biệt cho các đơn vị của Vietsovpetro: Là công trình lớn nhất được Viện NCKH&TK chủ trì thiết kế thành công: chân đế nước sâu 120m, khối thượng tầng trên 5000 tấn; Là công trình lớn nhất được XNXL chế tạo và lắp đặt thành công; Là công trình nước sâu 120m đầu tiên được khoan bằng giàn tự nâng của Vietsovpetro.
Nhưng từ các giải pháp cơ sở được chính thức phê duyệt tháng 6/2013 đến hiện thực lại tiếp tục là một quá trình. Tại thời điểm năm 2013, các công trình biển nước sâu trên 100m và các công trình có khối thượng tầng với khối lượng trên 1000 tấn của PVN đều do các công ty thiết kế nước ngoài có tên tuổi uy tín thực hiện như Worley Parson (giàn Lan Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh, Đại Hùng-02), Aker Kvaner (giàn Rồng Đôi).
Đội ngũ thiết kế của Viện NCKH&TK tại thời điểm trên, mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm với công trình biển, nhưng cũng chưa từng thực hiện công trình nước sâu trên 100m và càng ít kinh nghiệm hơn với thiết kế phần thượng tầng công nghệ. Cơ hội và thách thức cho cuộc chơi lớn thật là công bằng!
Một kế hoạch tham vọng về tổ chức thiết kế giàn Thiên Ưng, bằng nội lực đã được lãnh đạo Vietsovpetro ủng hộ và chấp thuận trong tháng 9/2013, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, thiết kế FEED, thuê nhà thầu nước ngoài thực hiện, tạo điều kiện cho đội ngũ thiết kế của Viện NCKH&TK học hỏi kinh nghiệm và chuẩn bị lực lượng; Giai đoạn 2, thiết kế chi tiết, Viện NCKH&TK chủ trì thực hiện và thực hiện chính, thuê thêm nhân sự của các nhà thầu trong và ngoài nước để hỗ trợ.
Cuối cùng, với sự nỗ lực và quyết tâm của Vietsovpetro, trong đó có đội ngũ thiết kế Viện NCKH&TK, kế hoạch đầy tham vọng thiết kế giàn Thiên Ưng bằng nội lực đã được thực hiện thành công. Cần phải kể đến sự đóng góp của nhà thầu Technip đã chủ trì thực hiện thiết kế FEED và liên doanh nhà thầu PVE-Technip đã hỗ trợ trong quá trình thiết kế chi tiết.
Rất nhiều những bài học kinh nghiệm về quản lý, về chuyên môn, về ý tưởng đã để lại cho chúng tôi, cho các thế hệ kế cận và tương lai để tạo ra những sản phẩm trí tuệ hoàn hảo hơn, hiệu quả hơn.
Thay lời kết
Vẫn còn sớm để nói về thành công của dự án, nhưng kinh nghiệm dự án phát triển mỏ Thiên Ưng sẽ là một đóng góp lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển mỏ cận biên.
Sau nhiều khó khăn thách thức, hình ảnh giàn Thiên Ưng cùng giàn tự nâng Tam Đảo – 02 vững chắc phía xa khơi trên thềm lục địa của Tổ quốc đã thể hiện nỗ lực và khát khao vươn ra biển lớn của các thế hệ Vietsovpetro.
Thegioibantin.com
LÊ VIỆT DŨNG, Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế (Vietsovpetro)
Nguồn: Nangluongvietnam.vn