Giọt nắng bên thềm đã tắt
“Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng – giọt nắng rơi rơi bên thềm. Bài hát bâng khuâng – bài hát mang bao kỷ niệm – những ngày đã qua…” Tôi vốn là người yêu âm nhạc, nhưng không dàn trải. Với nhạc Việt, tôi thích cái cảm giác nhẹ nhàng trong trẻo mà lại vô cùng thiết tha, không đem lại cái thổn thức ủy mị mà phải là thứ tình cảm đẹp sâu lắng cứ thấm dần, thấm dần vào tim. Có lẽ vì thế mà tôi rất thích những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Ảnh: sưu tầm
Biết bao ca khúc dễ thương của ông đã gắn liền với thế hệ 7X chúng tôi khi bước vào tuổi hoa niên: Hoa tím ngoài sân, Mưa ngâu, Hát với chú ve con, Một thoáng quê hương, Vĩnh biệt mùa hè… Lớn hơn chút nữa – thời sinh viên, là suốt ngày nghêu ngao những Chuyện tình của biển, Giọt nắng bên thềm, Ngôi sao cô đơn, Phố biển… Ngày ấy, tôi còn nghe nhạc bằng chiếc máy cassette, và tôi có mấy cuộn băng chỉ ghi riêng các bài hát của Thanh Tùng. Có ai còn nhớ ca sĩ Thu Hà không nhỉ? Không phải Trần Thu Hà ngoài Hà Nội, bạn này to cao, tóc ngắn, giọng hát đầy nội lực, cùng thời với Hồng Nhung, Mỹ Linh… nhưng sau này xuất ngoại. Tôi thích nghe bạn Hà này hát những ca khúc của Thanh Tùng hoặc Trịnh Công Sơn.
Nhạc của Thanh Tùng rất đúng với hai chữ “trữ tình” theo nghĩa đen của nó. Nếu những bài hát trẻ trung, thơ mộng đã gắn với bao kỷ niệm của một thời đã qua, từng làm rung động những trái tim yêu, thì những lời tự sự buồn của ông lại chạm đến tận cùng của sự yêu thương da diết và sâu lắng:
“Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên? Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên? Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình… Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai – Gió sương mòn cả hai vai – Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ – Nghiêng nghiêng bóng em gầy…”
Không sướt mướt, bi lụy, mà lại thiết tha, dồn nén và khắc khoải, cùng những hình ảnh quen thuộc và thân thương nhất, khiến Một mình không đơn thuần chỉ là nỗi niềm sâu kín của tác giả, mà thực sự đã làm rung cảm trái tim của rất nhiều người, để ai cũng thấy lòng chùng xuống, xót xa: “Nhớ em còn lại tôi với tôi. Lá khô mùa này lại rơi. Thương em mênh mông chân trời lạ, bơ vơ chốn xa xôi.”
Ngày trước tôi có đọc một câu chuyện, rằng phút lâm chung, vợ Thanh Tùng có hỏi: “Anh có hứa không lấy vợ nữa và bỏ rơi các con không?” Thanh Tùng đã hứa, khi đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có mặt. Không bàn đến những năm tháng đào hoa đa tình của người đàn ông trung niên sau đó, nhưng tôi nghĩ dù sao ông đã giữ đúng lời hứa với vợ mình, và ông cũng đã yêu thương vợ rất nhiều mới có những ca khúc thiết tha như thế. Thực sự, tôi rất thích cái cảm giác người chồng nghĩ về người vợ đã xa với những cảm xúc đẹp thế này:
“Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế” (Hoa cúc vàng)
Tiếc rằng, giọt nắng bên thềm đã tắt. Tôi dành một ngày để nghe lại gần hết những ca khúc của ông, mà một thời, đã từng đem lại cho tôi biết bao xao xuyến. “Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi, bài hát cho em giờ đã hát cho mọi người.” Giờ ông không còn một mình nữa, hãy để ông đi trên “lối cũ ta về, dường như nhỏ lại, trời xanh xanh mãi, một màu ấu thơ…”
Mưa ngâu đã tạnh rồi, chim sơn ca đã hót và hoa cúc vàng nở khắp lối cũ ta về. Không còn một mình cùng trái tim hoang vu nữa, em và tôi ra ngoài sân đếm lá và hát với chú ve con. Phố biển giờ này đẹp lắm, khiến trái tim không ngủ yên để lắng nghe lời tỏ tình của mùa xuân. Hoa tím ngoài sân rụng đầy, ngỡ như một thoáng quê hương. Ngôi sao cô đơn đã tắt, không còn giọt sương trên mí mắt, chỉ nghe đâu đây chuyện tình của biển.
Gửi em giọt nắng bên thềm Hoàng hôn màu lá – một miền dấu yêu…
Thegioibantin.com
Trần Thị Bích Nga – Athena