Hiểu cho đúng chữ may mắn

0

sach-ly-quy-trung

Serena Williams, nhà vô địch thế giới và là tay vợt quần vợt nữ vĩ đại nhất mọi thời đại, từng phát biểu như vầy: “Thành công của tôi không liên quan gì đến sự may mắn cả, bởi vì tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu là thời gian trên sân tập, rất nhiều đến nổi không đếm xuể, chỉ để dành cho một giây phút vinh quang, mà không bao giờ biết trước là nó có đến hay không”. Một huyền thoại thể thao khác trong làng gôn là Gary Player cũng từng có một câu ngắn gọn với nội dung tương tự: “Tôi càng luyện tập thì càng thấy mình may mắn hơn”. Nói chung, sự may mắn ở đây gắn liền với sự luyện tập, cần cù, và chăm chỉ hơn người.

Suy nghĩ này trùng khớp với lý thuyết về 10.000 giờ nổi tiếng của Malcolm Gladwell được ông trình bày chi tiết trong quyển sách mang tựa đề Outliers (đã được dịch ra bản tiếng Việt với tựa là Những Kẻ Xuất Chúng). Theo đó, sự thành công chủ yếu đến từ công sức mồ hôi bỏ ra, chứ không phải là từ một khả năng bẩm sinh hay sự may mắn từ trên trời rơi xuống. Và công sức này phải được hung đúc đủ lâu mới đạt được thành quả như mong muốn. 10.000 giờ là cái mức tối thiểu theo nghiên cứu của tác giả.

Thực vậy, không chỉ các nhà vô địch thể thao mà các nhà vô địch trong kinh doanh như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zukerburg cũng đã bỏ ra không biết bao nhiêu ngàn giờ mới thành công như vậy. Bill Gates từng làm việc quên ngày quên đêm, quên cả ngày cuối tuần, thậm chí quên ngủ và quên thay quần áo trong nhiều ngày khi ông tạo dựng sản phẩm Microsoft. Dĩ nhiên trí tuệ của những người này cũng không phải là bình thường.

Tôi hoàn toàn đồng tình là không có ai thành công mà không làm việc cật lực cả. Và lại càng đồng tình với khái niệm “cần cù bù khả năng”, nghĩa là đôi khi mình sinh ra không được giỏi như vậy nhưng do quyết chí rèn luyện và kiên trì đeo đuổi thì có ngày cũng thành công. Bởi vậy dân gian mới có chuyện ngụ ngôn về cuộc chạy đua giữa rùa và thỏ, mà cuối cùng rùa là kẻ chiến thắng cũng nhờ tính cần cù, chịu khó.

Nhưng vẫn có một cái gì đó chưa ổn, vì tôi không muốn phủ nhận sự hiện diện của yếu tố may mắn. Có theo dõi các giải gôn trên thế giới mới thấy rõ, là không có bàn tay của ông thần may mắn hỗ trợ thêm một chút thì không thể đoạt cúp vàng được. Mấy trăm gôn thủ ra sân thi đấu, người nào cũng đẹp trai, to khoẻ và vung gậy như cái máy. Người nào mà không chẳng luyện tập trên 10.000 giờ và ai ai cũng nhắm vô cái lỗ gôn nhỏ xíu kia với hết tâm trí của mình! Đúng là có người này giỏi hơn người kia, nhưng nếu ông thần may mắn mà không mỉm cười hôm đó thì trái banh có vô tới lỗ rồi thì cũng liếm mép nhảy trở ra. Độ chính xác tính bằng mi-li-mét thì khó mà luyện tập được.

Trong kinh doanh cũng vậy, đâu có ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra khi nó chưa xảy ra, và đặc biệt là khi mình không kiểm soát được hết tất cả. Chưa kể kiến thức và hiểu biết của mình đâu đã bao trùm mọi thứ, nên sự hiện diện của các khoản xám, khoản nghi ngờ, khoản 5 ăn 5 thua vẫn nằm đâu đó trong mỗi quyết định. Chỉ khi thành công rồi mới biết là các khoản xám đó cuối cùng có màu hồng chứ không phải màu đen hay màu xám.

Phở24 ra đời đúng vào thời điểm đầy thuận lợi. Đó là thời điểm kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra một triển vọng đầy sáng lạng cho mọi người. Nên ai ai cũng đều thấy vô cùng lạc quan mà đầu tư, đẩy mạnh giao thương, buôn bán, tiêu xài. Trong khi đó thị trường ẩm thực lại chưa có nhiều tên tuổi, nên tiệm Phở24 nào mở ra cũng thành công, đông nghẹt từ trong ra ngoài. Đó là may mắn.

Cũng mô hình kinh doanh mang tính tiên phong đó, cũng món phở quốc hồn quốc tuý đó, nhưng nếu được trình làng sớm hơn hay trễ hơn 5 năm thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là không thuận lợi như vậy, nhất là nếu trễ hơn 5 năm thì sẽ rơi đúng vào cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam bắt đầu từ năm 2008. Nói như vậy để thấy sự hiện diện của yếu tố may mắn, vì những nhà sáng lập ra thương hiệu này đã không có chủ đích chờ đợi cho đúng thời điểm mới tung ra mô hình kinh doanh của mình. Mà trên thực tế, khi ý tưởng kinh doanh đến gõ cửa, thấy mọi thứ thuận lợi nên mời luôn vào nhà. Còn nói một cách hoa mỹ hơn, là Phở24 đã xuất hiện đúng nơi, đúng lúc.

Các cầu thủ đá banh cũng vậy, muốn ghi bàn thì phải xuất hiện “đúng nơi, đúng lúc”, thậm chí như ở đâu dưới đất mới mộc lên để đưa chân ra mà ghi bàn. Người ta gọi là có “chân tiền”, là có khả năng săn lùng và “ngửi” thấy cơ hội để chuyển nó thành bàn thắng. Đó cũng là may mắn, nhưng có tính chủ động hơn, được nhà triết học thời La Mã là Seneca đúc kết thành một câu như sau: “Sự may mắn xảy ra khi sự chuẩn bị và cơ hội gặp nhau”.

Nói khác đi, nếu không có sự chuẩn bị thì khó có sự may mắn. Nếu tôi không theo học ngành quản trị nhà hàng và khách sạn, không mê ngành nhà hàng và không mê mô hình franchise từ thời sinh viên thì liệu có biết nắm bắt lấy cơ hội khi ý tưởng xây dựng chuỗi tiệm phở xuất hiện. Bây giờ điểm lại hầu hết những điều may mắn đã xảy ra với mình trong quá khứ thì thấy đúng là có bóng dáng của sự chờ đợi, chuẩn bị đâu đó trước đó…

(Trích đoạn trong cuốn sách “Chỉ có niềm đam mê – 20 điều chia sẻ cùng người khởi nghiệp”, xuất bản vào đầu tháng 10/2016, do NXB Trẻ xuất bản. Sách viết về khởi nghiệp và nghề làm nhà hàng, hy vọng các bạn trẻ có thể rút tỉa ra được một vài điều thú vị trong đó).

Thegioibantin.com

Lý Quý Trung

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ