Giải mã “bí ẩn” lớn nhất của ngành công nghiệp dầu khí
Theo ông Matthias Heilmann, Giám đốc Kỹ thuật số của GE Oil & Gas (một đơn vị thành viên Tập đoàn GE của Hoa Kỳ), một trong những “bí ẩn” lớn nhất của ngành công nghiệp dầu khí là không theo kịp công nghệ mới.
Hồi đầu tháng 1/2017, GE Oil & Gas đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 180 triệu USD làm dịch vụ cho các thiết bị chống phun dầu (BOPs) cao bằng tòa nhà 6 tầng đặt trên các tàu khoan của Transocean, một trong những công ty khoan dầu xa bờ lớn nhất thế giới.
Trước đây, những thỏa thuận này thường được thực hiện dưới dạng hợp đồng bảo trì định kỳ nhưng trong lần hợp tác này, GE sẽ triển khai hệ thống phần mềm, phân tích dữ liệu và hệ thống học máy ở BOPs. Nhờ đó, Transocean đã đạt được hiệu suất tối đa.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tương lai kỹ thuật số trong lĩnh vực năng lượng của GE, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin dẫn lại nội dung cuộc trao đổi giữa các chuyên gia của GE Reports với ông Matthias Heilmann, Giám đốc Kỹ thuật số của GE Oil & Gas.
GE Reports (GER): Khi nhắc đến một tương lai kết nối, ngành công nghiệp năng lượng không phải thứ đầu tiên được nghĩ tới. Ông nghĩ sao về điều này?
Matthias Heilmann (MH): Một trong những “bí ẩn” lớn nhất là ngành công nghiệp dầu khí đang không theo kịp công nghệ mới. Từ những năm 1980, ngành này đi tiên phong trên “mặt trận” cải tiến công nghệ và điện toán năng suất cao, đặc biệt là trong việc mô hình hóa bể chứa trầm tích và giải pháp kiểm soát.
Tuy nhiên, tất cả những phần mềm và công nghệ đó chỉ dành cho một nhóm nhỏ. Hiện nay, trong chiến lược kỹ thuật số của GE, Predix cho phép một cộng đồng người dùng lớn hơn được tiếp nhận chúng.
GER: Ông có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?
MH: Thay vì đưa ra một giải pháp dành cho chỉ 10 người dùng, những gì Predix đang sở hữu và các ứng dụng mà chúng tôi đang phát triển sẽ mở ra cơ hội phân tích dữ liệu cho một lượng khách hàng rất lớn. Tôi nhận thấy đây là cơ hội lớn nhất.
GER: Ngành dầu khí có nhận ra điều này không?
MH: Ngành dầu khí đang tiếp nhận. Họ không có sự lựa chọn nào khác. Đây là một ngành khắc nghiệt. Giá dầu khí hiện mới đang trên đà phục hồi. Bạn phải tìm được dầu và làm mọi thứ có thể để cải thiện năng suất và có lợi nhuận ngày càng khá hơn.
GER: GE Oil & Gas có thể tiến hành chuyển đổi số với tốc độ thế nào?
MH: Predix hứa hẹn giúp rút ngắn thời gian [chuyển đổi số] từ 10 năm xuống còn 2 – 3 năm. Điều này không phụ thuộc vào việc xây dựng máy chủ cho phần mềm hoạt động. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chức năng của những người tham gia vào quá trình làm việc. Cũng giống như việc phổ biến phần mềm, chiến lược kỹ thuật số là một cuộc chuyển đổi văn hóa. Các công ty phải thay đổi, tiếp nhận ứng dụng đám mây, cung cấp dữ liệu để phân tích và chấp nhận công khai dữ liệu một cách rộng rãi để nâng cao năng suất.
GER: Vậy, kết quả cụ thể đem lại là gì?
MH: Đây không phải là chuyện chiêu trò mà là năng suất và khả năng sinh lời. Số hóa tác động đến mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp. Số hóa có thể mang lại những kết quả thực tế rõ ràng và có thể đo lường được. Số hóa cũng có thể làm giảm nhẹ rủi ro, hoặc làm tăng tính an toàn. Điều này khó lượng hóa hơn nhưng chắc chắn là một yếu tố trọng yếu trong ngành dầu khí. Hoặc, số hóa cho thấy kết quả cụ thể trong sản lượng tốt hơn, tối ưu hóa quản lý sản lượng và sản xuất. Nếu số hóa chỉ là để cho vui mà không vì mục đích kinh tế cụ thể nó chắc chắn sẽ không trở thành một xu hướng.
GER: Chuyển đổi số trong ngành dầu khí có thể được hình dung thế nào?
MH: Hiện đang có một ngành kinh doanh kỹ thuật số, một “startup” đúng nghĩa theo cách nhìn của chúng tôi. So với hệ thống vạn vật hiện nay, ngành này còn nhỏ nhưng lại có tương lai lớn. Bên cạnh đó, chúng ta có những giải pháp số hóa được định giá 2,5 tỷ USD. Đó là việc kinh doanh cảm biến. Các cảm biến giúp bạn nắm được tình trạng của một chi tiết thiết bị, đo lường năng suất, ngăn chặn sự cố và kiểm tra nó. Thiết bị này bao gồm hệ thống kiểm tra bằng tia X và dòng ga, độ ẩm, áp lực và những đầu dò khác. Đây thuần túy là một cuộc chơi công nghệ nhưng dữ liệu mà những cảm biến này mang lại chính là cầu nối kéo ngành số hóa và ngành công nghiệp nặng lại với nhau.
Matthais Heilmann trước khi làm việc tại GE, ông điều hành một doanh nghiệp phần mềm của ABB (Thụy Sĩ) và SAP – một công ty phần mềm lớn của Liên bang Đức.
Thegioibantin.com | Vina Aspire
Nguồn: NangluongVietnam Online