PTSC anh hùng – khát vọng dựng xây
Năm 2007 doanh thu là 5.776 tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2006 và đặc biệt lần lượt trong các năm 2008, 2009 và 2010 đã tạo được những bước nhảy vọt lớn, doanh thu đạt 8.672 tỉ, 12.500 tỉ và 20.238 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm từ 2008 đến năm 2012, doanh thu của PTSC đã tăng trưởng 300%; lợi nhuận tăng trung bình 36,3%/năm; nộp ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước (riêng năm 2012 nộp ngân sách đạt 2.718 tỉ đồng). Đến năm 2013, doanh thu Tổng công ty PTSC đã đạt trên 29.000 tỉ đồng.
Đồng thời, PTSC đã xây dựng được hệ thống dịch vụ và cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ được hầu hết các nhu cầu về dịch vụ dầu khí chất lượng cao ở thị trường trong nước, từng bước vươn ra cung cấp dịch vụ cho các công ty dầu khí quốc tế. Trong giai đoạn khó khăn do giá dầu suy giảm, Tổng công ty vẫn giữ vững nhịp độ để phát triển bền vững.
Những thành tích mang dấu ấn của người “Thuyền trưởng”, có tính chất quyết định đối với thành công của PTSC chính là đã mạnh dạn chỉ đạo trong việc đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức để hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con kể từ năm 2007. Ông là Nguyễn Hùng Dũng, nguyên Tổng Giám đốc PTSC và nay đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Những người làm dầu khí từ lâu đã quen thuộc hình ảnh một “nhân vật” trong loạt bài dự thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo Nhân Dân tổ chức. Ông là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ từ Trưởng phòng kế hoạch, Phó Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Hơn bốn năm qua ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Nhớ lại thời kỳ công tác tại Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, anh em thường gọi bằng cái tên thân mật “Pi-ti-ét-xi”, cùng với tập thể, ông Nguyễn Hùng Dũng đã có những đóng góp quan trọng. Ông đã đưa ra nhiều các giải pháp, đề xuất để thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp; thực hiện phân cấp, giao quyền cho các đơn vị thành viên; khuyến khích người lao động sáng tạo… Với đặc thù hoạt động của mình, công tác triển khai các dự án đòi hỏi những cán bộ phụ trách và thực hiện trực tiếp phải luôn chủ động trong việc xử lý tình huống phát sinh. Nếu không có cơ chế phân cấp hiệu quả, công việc chắc chắn sẽ tồn đọng bởi khối lượng rất lớn đồng thời không tạo được cơ hội cho các cán bộ trẻ, lãnh đạo các đơn vị thành viên phát huy được năng lực và có cơ hội trưởng thành. Và kết quả là PTSC thực hiện công tác này thành công với tinh thần “bớt quyền nhưng không mất quyền – thêm quyền nhưng không lạm quyền” mà tất cả đều là vì mục tiêu chung, lợi ích chung.
Với những thành tích xuất sắc, Tổng Công ty PTSC và cá nhân ông Nguyễn Hùng Dũng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Hùng Dũng còn liên tục nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương và chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bằng khen của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Bằng khen Tập đoàn, Doanh nhân dầu khí tiêu biểu xuất sắc, doanh nhân tâm tài và là 1 trong 50 gương mặt tiêu biểu của ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu Vinh quang Việt Nam lần thứ XII.
Hạ thuỷ giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch Dự án Biển đông 01. |
Kể từ khi rời PTSC để nhận nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, những đóng góp của ông Nguyễn Hùng Dũng có tầm ảnh hưởng rộng hơn cho cả một ngành, chứ không còn đơn thuần cho một đơn vị như trước kia. Lĩnh vực mà ông trực tiếp chỉ đạo là công tác kế hoạch, thống kê và quản lý tài sản của Tập đoàn; công tác đầu tư phát triển của Tập đoàn; công tác dịch vụ dầu khí; công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng hải; các dự án đầu tư xây dựng dân dụng do Tập đoàn làm chủ đầu tư… Một khối lượng công việc quá lớn, quá rộng, đòi hỏi thật nhiều tâm huyết, năng lực, trí tuệ. Nào là thoái vốn tại các dự án, các đơn vị ngoài ngành, thực hiện tái cấu trúc các đơn vị, tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu sao cho phù hợp, tuân thủ theo Luật Đấu thầu mới, nào là hỗ trợ các đơn vị cải thiện tình hình và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Tập đoàn.
Ấy vậy mà, thời gian gần đây có một số thông tin chưa khách quan, chính xác về PTSC cũng như về ông Nguyễn Hùng Dũng. Kể ra một con người có “góc cạnh” như Nguyễn Hùng Dũng cũng lắm gian nan. Không đâu xa, một số thông tin cứ vin vào kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Ethanol Dung Quất mà suy diễn, mà đưa đẩy. Thực tế là khi triển khai dự án, chủ đầu tư là Công ty CP PVB đã đàm phán và ký kết hợp đồng với Liên danh Tổng thầu EPC gồm PTSC Quảng Ngãi (đơn vị thành viên của Tổng Công ty PTSC) và Công ty Alfa Laval (Ấn Độ). Hợp đồng quy định rõ trách nhiệm các bên thuộc Liên danh trong việc triển khai các hạng mục công việc liên quan đến dự án, trong đó PTSC Quảng Ngãi (đơn vị thành viên của PTSC) thực hiện phần xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất. Sau khi hoàn thành xây dựng, dự án đã được bàn giao cho Chủ đầu tư vận hành thương mại và hầu hết các hạng mục (35/36) đều đạt yêu cầu chất lượng.
Duy chỉ còn hạng mục nước thải, theo hợp đồng quy định do Công ty Alfa Laval chịu trách nhiệm cung cấp bản quyền độc quyền thực hiện. Trong hợp đồng nêu rõ: Công ty Alfa Laval cung cấp bản quyền thiết kế, công nghệ hạng mục Nước thải này và bản thiết kế đã được Chủ đầu tư là Công ty PVB phê duyệt. Trên cơ sở đó, Công ty PTSC Quảng Ngãi đã thực hiện theo đúng thiết kế (đã được Chủ đầu tư phê duyệt) của Công ty Alfa Laval. Nhưng do thiết kế và công nghệ của hạng mục này do Công ty Alfa Laval triển khai và đã được Chủ đầu tư là Công ty PVB phê duyệt ban đầu, có sự khác biệt trên thực tế (chất lượng nước thải đầu ra không đạt chất lượng), do vậy, hệ thống xử lý nước thải do Công ty Alfa Laval thiết kế hiện chỉ hoạt động dưới 100% công suất thiết kế. Hiện nay, Chủ đầu tư và Công ty Alfa Laval đang đàm phán và tranh chấp về trách nhiệm đối với hạng mục này, nhất là trách nhiệm về thiết kế và công nghệ.
Một vấn đề khác, do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, quá trình triển khai thi công xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn. Ban Lãnh đạo PTSC thường xuyên quan tâm, đôn đốc và giám sát để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế một số hạng mục công trình; đồng thời các số liệu khảo sát địa chất công trình do Chủ đầu tư cung cấp có sự khác biệt so với thực địa nên đã ảnh hưởng tới tiến độ của Dự án. Vì lý do này, là đơn vị tham gia trong hợp đồng Liên danh Tổng thầu, PTSC Quảng Ngãi đã bị ảnh hưởng. Hiện các bên (Chủ đầu tư, Công ty Alfa Laval và PTSC Quảng Ngãi) đã tiến hành đàm phán để xử lý dứt điểm theo đúng các điều khoản của hợp đồng đã ký.
Câu chuyện chỉ có vậy nhưng người không thiện chí lại suy diễn. Chứ thực tế hiện nay, Tổng Công ty PTSC vẫn đang cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để sớm đưa Nhà máy Ethanol Dung Quất vào hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nguồn cung E100 để phối trộn xăng E5 RON 92, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được Chính phủ ban hành.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Theo Petrotimes.vn, Hà Lê