Petrovietnam: Sứ mệnh – Bản lĩnh – Tầm vóc

0
LTS: Ngày 26/9/2017 tại Hội thảo “Ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Tạp chí Cộng sản và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, tham luận trước nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Đảng và Nhà nước, Bộ, Ngành…, GS. TSKH. Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, đã bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp, xã hội và người dân nhìn Petrovietnam bằng con mắt khách quan và khoa học, hiểu đúng, hiểu đầy đủ và cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của ngành Dầu khí hiện nay, đặc biệt khi dư luận đang bức xúc vì một số vụ việc sai phạm liên quan. Người cán bộ lão thành của ngành Dầu khí đã xúc động nghẹn ngào khi kêu gọi mỗi người lao động Dầu khí vào lúc này càng phải đoàn kết, lao động hết mình để vượt qua mọi khó khăn.  “Ai có lỗi người đó chịu, còn Petrovietnam không có lỗi, chỉ có đóng góp” –  GS. TSKH. Hồ Sĩ Thoảng khẳng định. Năng lượng Mới giới thiệu với bạn đọc bài tham luận của GS. TSKH. Hồ Sĩ Thoảng.

Nhìn lại chặng đường gần 60 năm với bao chông gai và thác ghềnh để đi đến ngày hôm nay, có thể khẳng định, dù vẫn còn những khiếm khuyết nhất định, ngành dầu khí Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, thể hiện bản lĩnh vững vàng vượt qua gian nan thử thách và đạt đến tầm vóc là một doanh nghiệp lớn, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tổng cục Dầu khí được thành lập ngày 3 tháng 9 năm 1975, tuy nhiên những người đi tìm dầu thì đã bắt đầu công việc của mình từ những ngày đầu sau hòa bình lập lại ở miền bắc. Họ đã đi hàng ngàn kilômét từ vĩ tuyến 17 trở ra, qua các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, trung du, đồng bằng, hải đảo… dọc theo núi cao, suối sâu để tìm các điểm đá lộ với hàng chục lộ trình khảo sát địa chất để tìm các biểu hiện dầu khí.

Cuối năm 1961, những cán bộ địa chất đầu tiên ấy được tập hợp trong trong “Đoàn thăm dò dầu lửa”, còn gọi là “Đoàn 36 dầu lửa”, thuộc Tổng cục Địa chất. Đó là thế hệ đầu tiên “những người đi tìm lửa” hầu như với hai bàn tay trắng nhưng với ý chí và lòng quyết tâm “làm theo lời Bác” đi tìm dầu cho Tổ quốc.

Trải qua gần 6 thập kỷ, ngành dầu khí đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một doanh nghiệp dầu khí hoàn chỉnh hoạt động từ khâu thăm dò khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối đến dịch vụ, bảo hiểm… có đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước nhà.

Nhìn lại chặng đường gần 60 năm với bao chông gai và thác ghềnh để đi đến ngày hôm nay, có thể khẳng định, dù vẫn còn những khiếm khuyết nhất định, ngành dầu khí Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, thể hiện bản lĩnh vững vàng vượt qua gian nan thử thách và đạt đến tầm vóc là một doanh nghiệp lớn, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Với sứ mệnh cao cả, những người làm dầu khí đã thể hiện bản lĩnh của mình trong sự nghiệp xây dựng ngành dầu khí đất nước và đạt đến tầm vóc như hôm nay ở trong cả 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu là thăm dò khai thác, chế biến và dịch vụ kỹ thuật (dầu khí).

Về lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác dầu khí

Năm 1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập. Sứ mệnh càng rõ ràng, nhiệm vụ càng cụ thể. Trong bối cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, bị cấm vận bao vây kinh tế, việc tìm thấy dầu trở nên hết sức bức xúc. Tiếp thu các tài liệu do các công ty dầu khí đã hoạt động ở thềm lục địa phía Nam để lại, tìm hiểu và học hỏi các công ty dầu khí của một số quốc gia có thiện cảm với Việt Nam đã giúp Petrovietnam (PVN) tiếp cận với một số công ty dầu khí quốc gia và quốc tế và mời được họ vào hợp tác thăm dò tìm kiếm dầu khí ở thềm lục địa cả phía Nam lẫn phía Bắc. Lần đầu tiên PVN ký kết các hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí dưới hình thức “hợp đồng phân chia sản phẩm” (Production Sharing Contract – PSC) là hình thức hợp tác có lợi hơn cho nước chủ nhà so với “hợp đồng đặc nhượng” mà một số công ty dầu khí đã ký với miền Nam trước năm 1975 cũng như với một số quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Hợp đồng dạng PSC là kết quả nghiên cứu khảo sát của PVN ở một số nước thuộc “thế giới thứ ba” ở Trung Đông và Bắc Phi. Mặc dù chỉ sau mấy năm hoạt động, tốn kém hàng trăm triệu đô la Mỹ, chưa có phát hiện dầu khí thương mại, các công ty này đã rút khỏi Việt Nam vì lý do chính trị, hợp tác không đi đến cùng được, nhưng đối với PVN sự hợp tác đó lại là một trường học vô giá; lần đầu tiên các kỹ sư, cán bộ của PVN được tiếp cận và làm việc với các công ty tầm cỡ thế giới, đã học được rất nhiều điều mới mẻ và hiện đại cả về kỹ thuật lẫn quản lý. Có thể nói, cán bộ, kỹ sư PVN là những người tiên phong trong tiếp xúc làm ăn với các đối tác từ phương tây còn khá xa lạ với nước ta lúc đó. Những tài liệu thăm dò của họ để lại cũng rất có ích cho công việc tìm kiếm thăm dò của PVN và các đối tác sau này.

Trong tình hình muôn vàn khó khăn của đất nước, Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô đã ký kết hiệp định hợp tác dầu khí, trên cơ sở đó, năm 1981, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (VSP) ra đời với nhiệm vụ thăm dò khai thác dầu khí hầu như toàn bộ thềm lục địa phía Nam. Sự ra đời của VSP đánh dấu một giai đoạn lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là sau 5 năm, tấn dầu đầu tiên được khai thác và Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử ghi tên mình vào danh sách các nước xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng ý nghĩa của dòng dầu từ mỏ Bạch Hổ còn to lớn hơn nhiều.

Với sản lượng khai thác tăng hằng năm, đóng góp cho nền kinh tế quốc dân của VSP là rất quan trọng. Mặc dầu vậy, trong quá trình thực hiện Hiệp định hợp tác Việt – Xô, phía Việt Nam đã phát hiện một số điều khoản bất lợi cho nước chủ nhà và đã đặt ra vấn đề sửa đổi Hiệp định. Đó là một quá trình tranh luận hết sức nghiêm túc nhưng đầy khó khăn, trải qua gần chục phiên đàm phán. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, PVN đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là đạt được “Hiệp định sửa đổi 1991” với nhiều điều khoản tốt hơn trước, trong đó phải kể đến việc hoàn trả toàn bộ thềm lục địa phía Nam cho PVN, trừ những diện tích mà VSP đang hoạt động (các lô 9, 16 và 5) và xác định một số sắc thuế mà VSP và phía đối tác phải trả cho Chính phủ Việt Nam.

Cũng từ năm 1991, người của PVN đảm nhận chức danh Tổng giám đốc VSP, đứng đầu một công ty dầu khí tầm cỡ. Hiệp định sửa đổi hết hạn vào năm 2011 và hai phía đã thống nhất tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ VSP nhưng phía PVN giữ tỷ lệ 51% (khác với trước là 50/50). Có thể khẳng định, VSP đã có đóng góp hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đồng thời đóng vai trò là nơi đào tạo nhân lực cho ngành dầu khí Việt Nam. VSP cũng là một mô hình tốt kết hợp khoa học – công nghệ với sản xuất, đem lại những thành quả đáng khích lệ, đã vinh dự nhận 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ về khai thác dầu trong tầng đá móng và thu gom, vận chuyển dầu giàu parafin (có nhiệt độ đông đặc cao) bằng đường ống từ các giàn khai thác về các giàn trung tâm.

Với các lô nhận lại từ VSP, năm 1992 và những năm tiếp theo, PVN đã ký hàng loạt hợp đồng dầu khí với các công ty dầu khí quốc tế, mở ra một giai đoạn hợp tác rộng rãi với giới dầu khí thế giới. Từ thời gian này, PVN đã đàm phán với các đối tác trong các PSC để PVN có cổ phần (thường 15%) nhưng đối tác chịu chi thay cho đến khi khai thác mỏ thì PVN mới hoàn lại (dự án thành công). Không dừng lại ở đấy, PVN đã dần dần chuyển các hợp đồng hợp tác với nước ngoài sang dạng “hợp đồng cùng điều hành” (Joint Operating Contract – JOC), theo đó sau một thời gian nhất định, quyền điều hành dự án thăm dò khai thác sẽ chuyển từ nhà thầu nước ngoài sang PVN. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với công suất 7 tỉ mét khối là một ví dụ, sau 5 năm (2007), BP đã bàn giao quyền điều hành cho PVN; từ đó đến nay công trình này vẫn hoạt động tốt.

Hiện tại, các JOC thăm dò khai thác đã chiếm đa số các dự án khai thác dầu khí ở Việt Nam và các cán bộ của PVN đã hoàn thành xuất sắc vai trò điều hành của mình. Hơn thế nữa, tại một số dự án thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài, PVN cũng đã đóng vai trò người điều hành ngay từ đầu. Rõ ràng là sau mấy chục năm phấn đấu vươn lên, không ngừng học hỏi, nhiều mặt về kiến thức lý thuyết và am hiểu công nghệ – kỹ thuật, kỹ năng điều hành… của PVN đã vươn lên tầm khu vực và thế giới.

Về lĩnh vực chế biến dầu khí

Xin lấy việc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên làm chủ đề biện luận. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến chế biến dầu khí từ những năm đầu thập kỷ 70 và cũng thời gian đó, ở Tổng cục Hóa chất đã thai nghén một nhóm cán bộ chuyên về lọc – hóa dầu; về sau nhóm này cũng nhập vào PVN. Sau 1975, việc chuẩn bị xây nhà máy lọc dầu đã được tiến hành tích cực, nhưng một thời gian dài hầu hết các ý đồ và chủ trương xây dựng nền công nghiệp lọc – hóa dầu vẫn không đến được đích.

Dự án Dung Quất đã được hình thành sau bao nhiêu bất thành trước đó, và với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, nó cũng phải trải qua nhiều truân chuyên đi từ hình thức liên doanh đến tự làm, rồi liên doanh, rồi lại tự làm. Điều đó chứng tỏ, đây là lĩnh vực công nghiệp phức tạp và khó thực thi hơn nhiều so với tư duy ban đầu của chúng ta. Nhưng Dung Quất là một dự án không thật bình thường. Ngay từ đầu ai cũng dễ dàng thừa nhận, địa điểm đặt nhà máy không phải là tốt nhất về hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng mặc dầu biết vậy, vì những lý do không thuần tuy kinh tế, Đảng và Nhà nước vẫn quyết định chọn Dung Quất để đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. Theo tính toán của PVN và các đối tác (trong liên doanh ban đầu) thì lợi nhuận của nhà máy khá thấp, chỉ xấp xỉ lãi suất ngân hàng (IRR = 7 – 11%), nhưng PVN vẫn quyết tâm thực hiện quyết định của Quốc hội. Quá trình thực hiện phải trải qua biết bao cam go vất vả nhưng rồi cũng hoàn thành xây dựng dự án vào năm 2009, trễ hẹn khoảng 7 – 8 năm.

Có thể khẳng định, luận chứng khả thi (FS) của Dự án Dung Quất đã được PVN xây dựng với sự tham gia của các đối tác nước ngoài và các công ty tư vấn là một bản luận chứng rất tốt. Tiếp theo, việc xây dựng nhà máy dù có nhiều khó khăn phải vượt qua, đã được tiến hành rất nghiêm túc, bảo đảm chất lượng công trình như thiết kế và tuân thủ các quy định của nhà bản quyền. Chúng ta đã có một nhà máy với công nghệ tiên tiến cập nhật nhất. Và đến bây giờ đã có thể khẳng định rằng, những kỹ sư và công nhân làm việc tại Dự án Dung Quất có khả năng tiếp nhận kỹ thuật và công nghệ của nhà máy lọc dầu một cách khá hoàn hảo. Nhà máy đã được vận hành 7 năm an toàn tuyệt đối với hiệu quả tốt, đến nay đã cung cấp trên 47 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu đạt gần 40 tỉ USD, nộp ngân sách gần 7 tỉ USD, hơn 2 lần vốn đầu tư nhà máy. 6 tháng đầu năm 2017 sản xuất hơn 3 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu gần 40 ngàn tỉ đồng và nộp ngân sách trên 4 ngàn tỉ đồng.

Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật

Thời gian đầu, hầu như tất cả các dịch vụ kỹ thuật phục vụ thăm dò khai thác dầu khí đều dựa vào Liên Xô và các công ty nước ngoài khác. Mà trong thăm dò khai thác dầu khí thì chi phí chủ yếu là để trả cho các dịch vụ. Cho nên, PVN cũng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ, nhất là dịch vụ kỹ thuật, và từ những năm 80 đã thành lập các đơn vị làm dịch vụ. Từ những năm 90, lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật được quan tâm đặc biệt. Bắt đầu mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa các căn cứ dịch vụ để cạnh tranh với các căn cứ ở Singapore, đầu tư cho mua sắm tàu dịch vụ rồi đến tàu chở dầu, nâng cao năng lực xây lắp các thiết bị nổi từ các bộ phận đến toàn bộ giàn khoan, mua sắm giàn khoan để khoan thuê cho các nhà thầu ở cả trong và ngoài nước… Hiện PVN đã có căn cứ dịch vụ vào loại hiện đại nhất ở khu vực, đã lắp đặt được giàn khoan 90 mét nước, đã đi khoan thuê cho một số dự án trong và ngoài nước cả ở trên đất liền lẫn ngoài biển. Có thể khẳng định, trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, PVN đã đủ sức cung cấp hầu hết các dịch vụ kỹ thuật cho các nhà thầu ở trong nước cũng như trong khu vực và còn có thể đi xa hơn. Tất nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ của PVN còn rộng hơn nữa.

Trên những chặng đường lịch sử đã đi qua, PVN đã đối mặt với không ít khó khăn thử thách. Có những khiếm khuyết và sai phạm chủ quan, và cũng có những sự cố bị hàm oan (ví dụ, sự cố Kho cảng Thị Vải), nhưng với bản lĩnh và ý chí của “những người đi tìm lửa”, những người làm dầu khí đã đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ nhau vượt qua những thách thức đó.

Thử thách khách quan lớn nhất cuối thập kỷ 90 là giá dầu xuống đến 9 – 10 USD/thùng đã gây không ít khó khăn cho PVN. Nguồn thu từ khai thác dầu của Nhà nước và của PVN giảm, trong khi các hoạt động dịch vụ bị ngưng trệ do các nhà thầu thăm dò khai thác ở trong nước cũng như toàn khu vực phải dừng công việc hoặc chỉ cầm chừng chờ cơ hội giá dầu lên trở lại; có công ty dầu do quy mô nhỏ đã không chịu nổi thách thức, phải phá sản. Giá dầu thấp nhưng bán được cũng vô cùng khó khăn; người mua có quá nhiều lựa chọn, trong khi người bán thì nhiều, cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh đó, PVN đã chèo chống rất giỏi mới bán được dầu (dầu chứa trên tàu, cho nên nếu chậm bán thì sản xuất sẽ ngưng trệ ngay). Nhờ trước đó Petechim và PVN đã xây dựng được quan hệ tốt, tin cậy lẫn nhau với các đối tác quốc tế, trong đó có những công ty mua dầu, cho nên PVN không bị khách hàng bỏ lơ mà tiếp tục mua dầu của ta, thậm chí với giá cả khá thuận lợi cho ta. Đấy cũng là bài học rất đáng ghi nhớ về việc giữ chữ tín trong kinh doanh trên trường quốc tế.

Thử thách đối với PVN hiện nay là rất lớn và khá phức tạp. Về tác động của khách quan, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Vietsovpetro, các đơn vị làm dịch vụ kỹ thuật như Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)… bị ảnh hưởng nặng nhất; các đơn vị khác ảnh hưởng ít hơn nhưng cũng không phải nhỏ. Nhưng khó khăn cũng đồng thời là cơ hội để PVN vươn lên tự khẳng định mình. Không khó khăn nào giống khó khăn nào, không thử thách nào giống thử thách nào, nhưng để đối phó với khó khăn và thử thách thì chỉ có cách là phấn đấu kiên cường, phát huy sáng tạo, trên dưới một lòng, nội bộ đoàn kết và hợp tác tốt.

Được biết, PVN và các đơn vị cũng đã có các phương án đối phó với những thách thức do giá dầu thấp gây ra. Về mặt chiến lược, để có thể phát triển bền vững lãnh đạo PVN đã đề ra 3 nhóm giải pháp gồm: giải pháp về quản lý, giải pháp về nguồn lực và giải pháp về khoa học – công nghệ, trong đó giải pháp quản lý là giải pháp quan trọng đầu tiên. Ưu tiên giải pháp quản lý là rất hợp lý. Phải nhìn nhận đây là “cơn bão” có tính toàn cầu, các công ty dầu khí hơn nhau ở chỗ ai vượt qua cơn bão mà ít tổn thất nhất. Còn những khó khăn chủ quan thì phần lớn là hậu quả do quá khứ để lại. Rất tiếc là tình trạng các dự án gặp khó khăn đã kéo dài quá. Được biết, hiện nay cấp trên đã có chủ trương phải kiên quyết xử lý dứt điểm trong một thời hạn nhất định; thiển nghĩ, không có cách nào khác là phải chọn phương án ít xấu nhất trong các phương án được đề xuất có cân nhắc thận trọng. Nhưng đây chủ yếu là việc của những người có trách nhiệm ở tập đoàn và một số đơn vị liên quan, chứ không có ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động đương thời của các đơn vị.

Trước những khó khăn và thách thức có ảnh hưởng nhất định đến tâm tư của người lao động ngành dầu khí, người đứng đầu PVN hiện nay, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã phát biểu: “Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã từng vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn có thể tác động đến tâm tư tình cảm, nhưng ý chí của người dầu khí thì luôn vững vàng. Điều này đã trở thành truyền thống, thành giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí”. Đúng vậy, lịch sử 42 năm (thành lập Tổng cục) và truyền thống 56 năm (bắt đầu đi tìm dầu) của ngành dầu khí Việt Nam là một chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Các thế hệ dầu khí có thể tự hào với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước. PVN luôn luôn giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam kể cả về doanh thu và nộp ngân sách.

Thực tế là 6 tháng đầu năm 2017 PVN đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh: sản lượng dầu khai thác đạt 7,90 triệu tấn; khai thác khí đạt 5,25 tỉ m3; sản xuất điện đạt 11,11 tỉ kWh; sản xuất phân đạm đạt 909 nghìn tấn; sản xuất xăng dầu đạt 2,99 triệu tấn. Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn 6 tháng là 134 nghìn tỉ đồng, vượt 13% so với kế hoạch; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 44,2 nghìn tỉ đồng. Đối với xã hội thì làm tốt người ta khen, làm chưa tốt hoặc sai sót người ta chê là chuyện thường. Cũng có khi do người ta không hiểu hết hoặc hiểu sai nên họ phê phán, chê bai.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thời gian qua cũng đã bị hiểu oan khá nặng nề, không dưới một lần bị tai tiếng. Nào là “sống được là nhờ ưu đãi”, rồi “điệp khúc xin ưu đãi”, và “ưu đãi đến đâu là đủ”… Trước “sóng gió” của dư luận, người lao động của NMLD Dung Quất vẫn âm thầm bám máy, không ngừng sáng tạo trong lao động. Thực tình là do cơ chế quản lý có những bất cập. Thế rồi, từ ngày 1/1/2017, Chính phủ đã bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước, theo đó, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được tự tính giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường, cho nên không cần “ưu đãi” gì cả nhà máy vẫn vận hành có hiệu quả trên công suất thiết kế, doanh thu lớn, lợi nhuận cao.

Cho nên, nếu người lao động dầu khí đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn trở ngại để vượt qua thách thức thì thời kỳ gian khó này của PETROVIETNAM rồi cũng sẽ qua đi. Điều có tính nguyên lý là, chỉ có thành tựu đạt được mới chứng tỏ bản chất và bản lĩnh của một doanh nghiệp.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: Hồ Sỹ Thoảng/ Petrovietnam

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ