Lãnh đạo tài giỏi tới đâu mà thiếu đi kỹ năng mềm này thì cũng ‘bỏ đi’
Những sinh viên trẻ bắt đầu rục rịch ra trường và bước chân vào thế giới của công việc sẽ được khuyên rằng họ nên tập trung mài giũa một kỹ năng quan trọng: Lòng trắc ẩn.
Lòng trắc ẩn luôn là chủ đề chính xuất hiện trong nhiều diễn văn tốt nghiệp nổi tiếng những năm gần đây, bao gồm cả bài phát biểu năm 2016 của Steven Spielberg tại Đại học Harvard, bài phát biểu năm 2014 của Bill và Melinda Gates tại Đại học Stanford, và các bài phát biểu khác bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trên thực tế, theo báo cáo của Harvard Business Review và các tổ chức khác, chủ đề về lòng trắc ẩn cũng trở thành đề tài phổ biến trong các cuộc thảo luận tại công sở nhiều năm gần đây.
Vì đâu mà có sự quan tâm đặc biệt tới chủ đề này? Chỉ một từ thôi: Công nghệ.
Sớm hay muộn, tất cả những công việc có thể tự động hoá được cũng sẽ bị máy móc và công nghệ thay thế. Hậu quả là, các tổ chức đang dần chuyển trọng tâm của họ sang những công việc dựa nhiều vào những kỹ năng con người hơn – những công việc mà sẽ rất khó để máy móc và phần mềm có thể thay thế.
Lòng trắc ẩn nghĩa là khả năng hình dung và thông cảm với những quan điểm, góc nhìn và cảm xúc của người khác. Đó là sự thấu hiểu và chia sẻ tình trạng cảm xúc của cá nhân cùng người xung quanh.
Một nghiên cứu đã nhận thấy rằng các ngành nghề hưởng mức tăng trưởng công việc và đãi ngộ cao nhất từ những năm 1980 đều là những ngành nặng về kỹ năng xã hội. Những thứ “kỹ năng mềm” này giờ đây đã trở thành những điểm khác biệt trọng yếu để phân biệt giữa các doanh nghiệp, dưới tư cách là nhà tuyển dụng và là đối thủ cạnh tranh.
Đồng thời, trong khi những kỹ năng xã hội này đang ngày càng trở nên quan trọng thì khả năng sử dụng những kỹ năng này của các nhà lãnh đạo đang ngày càng đi xuống (nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ có 4 trong số 10 lãnh đạo là làm tốt việc này.)
Có rất nhiều cách để lý giải sự đi xuống này của các kỹ năng xã hội, nhưng một “nhân vật phản diện” dẫn tới hệ quả này lại chính là công nghệ. Có một câu chuyện khá mỉa mai rằng, một nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp truyền thông nói rằng những thiết bị hết sức thông minh mà họ đang bán đã làm hỏng đi khả năng trắc ẩn với con người.
Gần đây, công ty DDI (Development Dimensions International, Inc) đã hoàn thành một bản phân tích các nhà lãnh đạo từ các dữ liệu thu thập được trong hơn năm thập kỷ qua, trong số 156 tổ chức và hơn 40 nước trên thế giới. Nghiên cứu này đã tập trung vào mức độ lòng trắc ẩn của hơn 18.000 nhà lãnh đạo. Một mục tiêu chính của nghiên cứu là để tìm ra được nếu lòng thấu cảm có phải chỉ đơn giản là một nghĩa cử đẹp hay nó làm nên một sự khác biệt thực sự về hiệu quả kinh doanh nơi công sở. Và đây là những thứ bản báo cáo đã chỉ ra:
1. Lòng trắc ẩn là tiền đề cho rất nhiều kỹ năng lãnh đạo
Những lãnh đạo có lòng trắc ẩn thường tỏ ra vượt trội hơn trong những kỹ năng lãnh đạo của mình, như đào tạo, kích thích tương tác giữa mọi người, lên kế hoạch và đưa ra quyết định. Nhưng đừng nhầm lẫn rằng một người lãnh đạo co lòng trắc ẩn là một nhà lãnh đạo nhu nhược và quan liêu. Những nhà lãnh đạo đạt được điểm cao về lòng trắc ẩn trong những báo cáo trực tiếp có khả năng khuyến khích mọi người giữ vững mức hiệu quả cao hơn gấp 2,5 lần, và khả năng họ sẽ tỏ ra nghiêm khắc khi các nhân viên không đạt được đúng mong đợi thì lớn hơn 4 lần.
2. Lòng trắc ẩn thúc đẩy sự tham gia của nhân viên
Hàng chục các bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tham gia của nhân viên là một yếu tố trọng yếu ảnh hưởng lên rất nhiều những kết quả công việc, bao gồm tỷ lệ quay vòng, tỷ lệ vắng mặt, mức độ an toàn, chất lượng sản phẩm, mức độ thoả mãn khách hàng, năng suất, doanh thu, và lợi nhuận. Lòng trắc ẩn, qua đó, lại đóng một vai trò lớn trong khả năng thúc đẩy sự tham gia của nhân viên của người lãnh đạo. Các báo cáo trực tiếp đánh giá cao lòng thấu cảm của người lãnh đạo của họ cũng thường báo cáo luôn rằng nhờ có người lãnh đạo mà họ đã được thúc đẩy khả năng tham gia của chính mình (Xem Bảng 1.)
3. Các nhà lãnh đạo biết lòng trắc ẩn sẽ đẩy nhanh hiệu quả công việc
Nghiên cứu đã so sánh giữa hai nhóm lãnh đạo: những người đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong kỹ năng lòng trắc ẩn sau một buổi huấn luyện, và những người không được huấn luyện. Như có thể thấy trong bảng ở dưới, những nhà lãnh đạo trong nhóm có tiến bộ đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn hơn nhóm không có tiến bộ trong rất nhiều phương diện khác nhau.
Có đến hàng nghìn cách định nghĩa và những giả thuyết về kỹ năng lãnh đạo. Chúng tôi cho rằng những người lãnh đạo tài giỏi nhất là những người biết xây dựng những sự tương tác tích cực và có ý nghĩa cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Lòng trắc ẩn, qua đó, là nguồn năng lượng của những sự tương tác đó. Những nhà lãnh đạo mà đã thành thục kỹ năng thấu cảm thường sẽ trở nên những nhà lãnh đạo tốt hơn – những nhà lãnh đạo biết cách truyền cảm hứng cho người khác và gây ảnh hưởng lên doanh nghiệp của họ.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC