Hãy học cách “sống cô đơn” của những người có trí tuệ cao nhất để đạt thành công
Có người cho rằng: Tại sao phải chịu đựng nỗi cô đơn khi mà công nghệ có thể kết nối con người vô cùng thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế là, “mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không biết học cách chấp nhận sự cô đơn”.
Nỗi ám ảnh sợ cô đơn dưới góc nhìn của các nhà thần kinh học
Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) từng chỉ ra rằng: “Sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ đột tử của con người. Thậm chí có thể gây ra chết trẻ nhiều hơn bệnh béo phì”
Trong một nghiên cứu năm 2010, Holt-Lunstad- nhà tâm lý học đứng đầu Đại Học Brigham Young, Hoa Kỳ đã xem xét số liệu trên hơn 300.000 ứng viên, chỉ ra rằng việc bị cô lập xã hội và sự cô đơn làm tăng tỷ lệ tử vong sớm, và cường độ của rủi ro vượt lên trên nhiều các chỉ số sức khỏe khác
Các báo cáo của nhà thần kinh học John Cacioppo cũng cho thấy: Cô đơn có thể dẫn tới sự gia tăng nồng độ cortisol, một loại hormone gây stress, làm tăng huyết áp và giảm lượng máu đi tới các nội tạng. Và các tín hiệu nguy hiểm bị não bộ kích thích do cô đơn có thể làm ảnh hưởng tới sự sản sinh bạch cầu, làm giảm khả năng miễn dịch trước sự tấn công của vi khuẩn.
Còn rất nhiều báo cáo, nghiên cứu về tác hại của cô đơn liên tục được đăng tải trên báo chí và các kênh truyền thông…Và với những thông tin ấy, con người và xã hội hiện đại từ lúc nào đã mặc định cô đơn là một thứ tồi tệ và đáng sợ.
Thậm chí, điều này không phải chỉ ở trong xã hội hiện nay mà từ hàng ngàn năm trước, Aristotle – triết gia Hy Lạp cổ đại đã tuyên bố rằng tình bạn và sự giao tiếp xã hội là một điều kiện cần thiết để có một cuộc sống tốt.
Trạng thái cô đơn có thể tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch – Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, “mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không học cách chấp nhận sự cô đơn”.
Đó là triết lý sâu sắc mà nhà khoa học lỗi lạc Blaise Pascal đã đúc kết sau rất nhiều trải nghiệm và nghiên cứu trong các lĩnh vực như vật lý, toán học, cơ học chất lưu, xác suất… và sau này là triết học và thần học.
Theo Pascal, chúng ta sợ sống và tồn tại trong im lặng, sợ việc Không-là một- cái- gì- đó- trên- đời. Chúng ta ghét sự nhàm chán và sợ bị trở nên vô hình. Vậy nên, chúng ta không nghĩ ra cách nào khác để chạy trốn khỏi các vấn đề cảm xúc ngoài cách tự huyễn hoặc bản thân và tìm kiếm các kết nối với thế giới bên ngoài.
Xã hội càng hiện đại, lời cảnh báo của Pascal càng trở nên chính xác. Nếu có một từ nào đó diễn đạt chính xác nhất những vấn đề của thế giới trong suốt 100 năm qua thì đó ắt hẳn là “sự kết nối”.
Công nghệ thông tin đã và đang xâm lấn vào việc định hướng văn hoá và tư duy con người. Từ điện thoại, đến radio rồi TV, mạng internet, chúng ta có đến hàng ngàn cách để khiến loài người gần nhau hơn. Bạn chỉ cần ngồi tại văn phòng của mình để tham dự một cuộc họp ở bất kì nơi nào trên thế giới chỉ qua Skype hay Whatsapp…. Bạn có thể đến bất kì nơi nào mà vẫn biết tình hình ở nhà chỉ bằng cách lướt web…
Như vậy, chúng ta có đến vô vàn lợi ích của sự kết nối. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, thứ nào có cái lợi thì cũng có cái hại. Người ta cũng đã nói rất nhiều về những tác hại đó: vấn đề quyền riêng tư, việc internet lén lút thu thập dữ liệu, chiếm dụng quá nhiều thời gian của người dùng hoặc thậm chí còn gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần khi một số người trẻ coi mạng máy tính như là tất cả cuộc sống của họ…
Chúng ta cô đơn ngay trong chính thế giới mà ta được kết nối mọi lúc mọi nơi (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, còn có một “thiệt hại” to lớn khác mà không phải ai cũng biết: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối, trừ chính bản thân.
Những triết lý cổ xưa nhất trên thế giới, những bậc cao nhân hiền triết lỗi lạc nhất mọi thời đại, đều khuyên chúng ta rằng: Hãy tự nhận thức bản thân mình. Bởi khi không biết mình là ai, ta chẳng thể nào có nền tảng để tạo dựng cuộc sống. Và khi ấy mọi kết nối với thế giới chỉ là sự tương tác tạm bợ còn con người mãi mãi chỉ là cánh bèo nổi trôi theo dòng nước.
Những người có trí tuệ cao nhất là những người cô đơn nhất
Từ xa xưa, những người được gọi là bậc “hiền nhân” sẽ chọn những tu viện hoặc lên núi hay vào các hang động trong núi, rời xa cuộc sống phồn hoa náo nhiệt để “sống đời giản đơn”. Thật kỳ lạ, những con người nằm trong số ít đó, họ không chỉ là những người có trí tuệ và cảnh giới đạo đức cao thượng mà họ còn là những người thực sự hạnh phúc khi cuộc đời đã được giải thoát khỏi những xa hoa phù phiếm.
Hãy học cách cô đơn của người có trí tuệ cao nhất
Thời nay thật sự có quá ít người có thể sống được như những bậc hiền nhân xưa. Bởi xã hội hiện đại là xã hội kết nối, có kết nối chúng ta mới có thể sinh tồn. Để thực sự trở thành một người có trí tuệ như những bậc hiền nhân xưa nhưng vẫn có thể kết nối với xã hội bên ngoài chúng ta phải học cách tự thấu hiểu bản thân hoặc là học cách kết nối nội tâm với thế giới bên ngoài.
Cô đơn khi ở một mình có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó là bước khởi đầu, để ta kết nối với chính bản thân mình, suy nghĩ và chiêm nghiệm, từ đó tìm ra cách giải quyết nút thắt của vấn đề.
Trong quan hệ giao tiếp xã hội, một người thông minh sẽ chẳng bao giờ phải mất công trình bày này nọ hay chứng minh điều gì bằng lời nói, bởi “người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo. Nói nhiều, có khi lại trở thành thừa thãi và phản tác dụng, khiến cho không những không thu phục được nghe mà lại còn minh chứng bản thân mình là người thích thể hiện tài năng
Hãy giành thời gian một mình để trải nghiệm điều tuyệt vời của sự “cô đơn”
Triết gia Trang Tử thời Chiến Quốc từng có câu: “ Đôi khi lời nói sẽ bộc lộ sự hiểu biết và trí tuệ của con người, nhưng có những lúc trầm mặc lại thể hiện được sự uyên thâm, chín chắn của họ”
Những người được coi là thông minh và có trí tuệ “sâu sắc” thường là những người hướng nội.
Khi ở một mình, người hướng nội dành thời gian để quan sát và thực sự suy ngẫm về những gì đang xảy ra trong thế giới nội tâm của chính họ và thế giới bên ngoài, về vũ trụ và về tất cả mọi thứ. Khi ấy, đồng thời họ cũng có thể chăm sóc tâm hồn của mình thật tốt và dành tình yêu thương, bao dung cho người khác bằng những ý niệm thiện lương.
Khi một người hướng nội muốn giao tiếp, họ luôn sẵn sàng và kiên nhẫn lắng nghe, suy nghĩ thấu đáo về một vấn đề bằng tất cả sự chân thành, đồng thời sẽ chọn lọc những từ ngữ mà họ muốn nói. Họ luôn thận trọng trong lời nói và hành vi bởi vì tâm tưởng của họ luôn suy nghĩ cho người khác, họ sẽ dùng lời nói đẹp, tích cực, nhẹ nhàng thay vì những lời làm thương tổn người khác. Chính điều đó đã tạo nên “trí huệ”, sự bí ẩn và sức cuốn hút riêng của họ.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: vandieuhay.net