Nguồn gốc họ Bùi trong Dân tộc Việt Nam
“Họ Bùi Việt Nam là một họ bản địa, có gốc trên đất Việt từ thời các vua Hùng dựng nước.”
“Chưa có bằng chứng nào để nói rằng tổ tiên họ Bùi ta gốc tích từ Trung Quốc”
(Toàn văn Bài phát biểu tại buổi họp mặt đầu xuân Nhâm Thìn họ Bùi thành phố Hà Nội của THIẾU TƯỚNG – GIÁO SƯ BÙI PHAN KỲ)
Kính thưa các bậc phụ lão của họ cùng toàn thể bà con họ Bùi tới dự cuộc họp mặt đầu xuân năm Nhâm Thìn!
Hội đồng Trưởng lão cùng Thường trực Ban liên lạc họ Bùi toàn quốc rất vui mừng tới dự cuộc họp mặt đầu xuân của bà con họ Bùi thành phố Hà Nội, được tiến hành luân phiên trên từng vùng đất in dấu lịch sử họ Bùi. Năm ngoái tại Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là nơi Dụ Quận công Bùi Nghiêm Phổ đã đem thực ấp vua ban mở chợ cho dân lập nghiệp, được phòng Phúc Thần từ thời Tiền Lê. Năm nay tại Ngãi Cầu, An Khánh huyện Hoài Đức là nơi Viễn tổ Bùi Mậu Miên từ thế kỷ XVII đã dẫn đầu 8 chi họ Bùi về định cư, khi mất được thờ làm Hậu Thần từ năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị (1670) cùng Ngũ vị đẳng thần tại ngôi đình cổ đã cùng với chùa làng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá của Thủ đô từ năm 1989. Sang năm, được biết bà con họ Bùi ở xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín, nơi có đền thờ “Thánh Gióng báo ơn mẹ” là Quốc mẫu Văn Lang Bùi Thị Dung, cũng đăng cai mời bà con họ Bùi thủ đô về họp mặt, là vùng đất thiêng có giá trị lịch sử đáng tự hào của họ Bùi ta.
Ban liên lạc họ Bùi TP Hà Nội, tuy hình thành khá sớm, nhưng cùng với Thủ đô qua nhiều thay đổi về địa giới, lại là nơi có trụ sở của Ban liên lạc toàn quốc, số bà con thu hút vào việc cả nước có tới hàng trăm, nếu tính từ ngày 07-3-2009 hợp nhất hai Ban liên lạc của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây tại nhà bác Bùi Thành Phần đến nay vừa được 3 năm, nhưng đến hôm nay đã tổ chức được cuộc gặp mặt đầu xuân lần thứ hai, tức là sau 3 năm hợp nhất đã tổ chức được 2 lần họp mặt. Là những nỗ lực rất lớn của tập thể và Thường trực Ban liên lạc thành phố Hà Nội, các bác Bùi Văn Tý (năm ngoái), bác Bùi Xuân Đàm (năm nay), với sự hỗ trợ đắc lực của bà con họ Bùi ở Chúc Sơn, Chương Mỹ và họ Bùi ở Ngãi Cầu, An Khánh.
Nhân việc “liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn” của bà con họ Bùi thủ đô, Thường trực Ban liên lạc toàn quốc xin báo cáo tóm tắt về “nguồn gốc họ Bùi trong dân tộc Việt Nam”, vì gần đây trên toàn quốc, thấy xuất hiện một số nhận thức cần được làm rõ: Trên website của họ Bùi hobuivietnam.com.vn, có độc giả nêu lân câu hỏi: Họ Bùi xuất xứ từ đâu? Và cũng đã lưu hành trên mạng, trên ấn phẩm họ Bùi, trong những tài liệu gửi về cho Thường trực, trong những cuộc gặp mặt… nhiều cách lý giải, có thể tóm tắt thành mấy nhận thức dưới dây:
– Trên mạng có người họ Bùi ở Nam Định giải thích rằng họ Bùi sinh ra từ họ Trần, là con cháu Trần Thủ Độ. Khi đổi họ thì nhân họ gốc là Trần, được hiểu như “ở trần, không mặc áo” mà viết theo chữ Hán hai từ “Phi”, “Y” thành ra chữ Bùi. Cách giải thích theo lối triết tự này không đáng tin cậy vì Trần Thủ Độ hoạt động vào đầu thế kỷ XIII, mà mộ hai viễn tổ Bùi Thạch tại Hiền Quan, Tam Nông, Phú thọ là thuộc tướng của bà Thiều Hoa, dưới trướng của Hai Bà Trưng, đã có từ thế kỷ thứ nhất SCN. Bởi bậy cách lý giải đó không phù hợp với thực tế lịch sử. Còn việc tìm hiểu chữ Bùi từ đâu ra, sẽ bàn trong một chuyên đề khác.
– Cũng ở trên mạng, lưu hành một nguồn tin, trích từ sách “Thông chí thị tộc học” của Trung Quốc, kể rằng dưới thời vua Đại Vũ nhà Hạ, có ông Bá Khôi tại tỉnh Hà Đông (phía Đông sông Hoàng Hà) được triều đình ban cho đất làng Bùi, con cháu nhân đó lấy tên làng Bùi làm họ. Từ đó họ Bùi có gốc từ tỉnh Hà Đông bên Trung Quốc.
– Ứng với nguồn thông tin đó, tháng trước, Thường trực Ban liên lạc họ Bùi toàn quốc nhận được một văn bản có đầu đề “Lược sử họ Bùi” có đoạn mở đầu, coi như đã khẳng định: “Từ khởi thuỷ đến ngày nay, Tộc Bùi trải qua ba thời kỳ. I- Thời khởi thuỷ (từ năm 257 TCN đến năm 883 SCN): Tộc Bùi có ở Trung Hoa không rõ niên kỷ nào, năm 1013 TCN đã có ngài Bùi Hữu Đạo là một quan văn rất danh tiếng, có công lớn với triều Tây Chu Khang Vương, năm 257 TCN có ngài thuỷ tổ Bùi Hữu Trường, tên tự Từ Trường, ở Hương Cảng – Việt Đông (tương đương với thời đại Hùng Vương ở Việt Nam) truyền thế Đại tộc Bùi được 38 đời, trải qua 1.140 năm. II- Thời kỳ vào Cao Bằng đến Thanh Hoá (883-1483). Vào đời thứ 38, ngài Bùi Hữu Hoà (883 SCN) đến định cư tại Cao Bằng là một trong Ngũ Gia tánh (Bùi, Triệu, Mạc, Lý, Từ). Con cháu họ Bùi sinh sôi nảy nở…”.
Theo tác giả bản “Lược sử họ Bùi” trên đây thì từ các viễn tổ Bùi Thạch, các danh nhân họ Bùi giúp Lê Lợi, tới các danh nhân ở Thịnh Liệt đều là con cháu ngài Bùi Hữu Hoà từ Trung Quốc sang Cao Bằng định cư… Kết luận này tự nó đã chứa mâu thuẫn vì tới năm 883 SCN, ngài Bùi Hữu Hoà mới vào Cao Bằng định cư thì các cụ Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê là người bản địa đã làm tướng giúp bà Trưng đánh quân Đông Hán cách đó 840 năm trước. Xét trong danh sách các quan cai trị người Trung Quốc được phái sang Việt Nam trong thời Bắc thuộc tính từ Thạch Đái là viên Thái Thú đầu tiên (vào năm 111 TCN) đến viên Tiết độ sứ thứ 129 là Độc Cô Tổn (cai trị Việt Nam vào năm 905 SCN) rồi bị Khúc Thừa Dụ là người Việt quê Hồng Châu (Hải Dương) đánh bại, tự lập làm Tiết độ sứ, có 3 viên quan đô hộ mang họ Bùi là Bùi Thái (802-803), Bùi Hành Lập (813-817, quay lại vào năm 820), sau lại có Bùi Nguyên Dụ (846-848) tiếp nối quan đô hộ Vũ Hồn (841-843). Bởi vậy, nên tìm mối quan hệ giữa ngài Bùi Hữu Hoà, từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 883 với các viên quan đô hộ họ Bùi từ 802 tới 848 thì có lý hơn là khẳng định trong “Lược sử tộc Bùi” rằng đó là thuỷ tổ của họ Bùi bản địa.
Đó là vì tác giả chưa biết đến mộ và miếu thờ của Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn, còn lưu giữ cả sắc phong Phúc Thần tại làng Bất Nạo, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã làm tướng cho Hùng Duệ Vương từ những năm đầu thế kỷ thứ 3 TCN, càng chưa biết đến quốc mẫu Bùi Thị Dung, sinh ra Thánh Gióng con gái của cụ Bùi Cẩn và Phạm Thị Hoà, quán trang Khê Đầu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là làng Bộ Đầu, xã Bộ Đầu (đổi thành xã Thống Nhất) huyện Thường Tín, Hà Nội, chồng là quan lang Đổng Gia, Châu Đại Man (nay thuộc Tuyên Quang). Họ Bùi đã lập nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ từ đời Hùng Vương thứ VI, nay còn thần phả do các sử thần triều Tiền Lê chép lại, không thể đem so với “Ngài thuỷ tổ Bùi – Hữu Trường” sinh sống vào năm 257 TCN (cùng năm Thục Phán lên làm vua). Cứ lấy năm 1013 TCN có ngài Bùi Hữu Đạo là quan văn rất danh tiếng triều Chu Khang Vương thì cũng không liên quan gì đến tổ tiên họ Bùi ở Việt Nam. Vì Khang Vương là con của Thành Vương, Thành Vương lại là con Vũ Vương, cháu nội Văn Vương (1219-1122), là người vốn không làm vua, được con là Vũ Vương tôn lên làm phụ hoàng, sáng lập Tây Chu. Còn ở Việt Nam, Phù Đổng đánh giặc Ân từ triều Hùng Vương thứ VI (1401-1112 TCN), tương đương với triều Ân – Thương bên Trung Quốc (1160-1027 TCN), rất lâu trước thời Tây Chu (1027-770) và Đông Chu (770-221 TCN).
Viết sử dòng họ là việc rất trọng đại, phải có sử liệu, cứ liệu đầy đủ và có sự đóng góp trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu. Nó khác hẳn việc viết phả của từng chi phái về ông cha và các cụ tổ trực hệ mà mình có tài liệu.
Gần đây, trong cuộc họp mặt đầu xuân của bà con họ Bùi ở Bắc Giang, cũng có vị, trong phần tự do diễn đạt, đã nói rằng: 90% văn hoá, lễ giáo của người Việt Nam là văn hoá, lễ giáo Trung Quốc, do đó mỗi người Việt Nam có 90% dòng máu là Trung Quốc. Không có thời gian bàn vấn đề này trong cuộc họp đầu xuân, nhưng nhận thức đó khiến số anh em trong Thường trực Ban liên lạc toàn quốc dự họp, trên đường về, đã quan tâm trao đổi. Bởi vậy, trong buổi họp mặt đầu xuân của bà con họ Bùi thành phố Hà Nội hôm nay, chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải khẳng định lại những điều mà hoạt động “tìm về cội nguồn” của họ ta trong mấy năm nay đã cho phép kết luận:
Họ Bùi Việt Nam là một họ bản địa, có gốc trên đất Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. Nhiều tư liệu chứng minh rằng 18 đời vua Hùng không phải là 18 đời vua mà là 18 dòng, mỗi dòng có nhiều đời (nhà sử học Trần Huy Bá dựa vào ngọc phả chữ Hán (ký hiệu 1227) còn lưu tại Thư viện Khoa học xã hội – Hà Nội đã tính ra được 47 đời vua). “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” ghi: “Hùng Quốc Vương tức Hùng Vương dòng thứ nhất, huý Lân Lang, lên ngôi năm Nhâm Dần (2359 TCN), Hùng Vương dòng thứ 6 được ghi nhận có niên đại từ 1401 đến 1121 TCN, trong thời gian đó xảy ra sự kiện Phù Đổng đánh giặc Ân, sự kiện đã được dân gian huyền thoại hoá nhưng tư liệu về trang Khê Đầu có cụ Bùi Cẩn – Phạm Thị Hoà sinh ra bà Bùi Thị Dung là mẹ Thánh Gióng có thể coi là tư liệu lịch sử chứ không phải là truyền thuyết, vì tư liệu đó là của Bộ Lễ, triều Lê Anh Tông, do đại thần “Hàn lâm lễ viện Đông các đại học sĩ” Nguyễn Bính soạn, có đầu đề “Ngọc Phả cổ lục đức Đổng Sóc xung thiên Đại thánh Thần Vương triều nhà Hùng, họ Việt Thường. Phiên thần thượng đẳng, bộ chi cẩn”. Bản gốc còn lưu lại Viện Hán – Nôm, ngoài bì có đóng dấu bầu dục của Viễn đông Bác Cổ thời Pháp thuộc”.
Trước thời các vua Hùng thì người Việt bản địa đã có mặt từ lâu. “Lịch sử Việt Nam” tập I của các nhà sử học Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh do Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản năm 1985 cho biết “người hiện đại (so với người vượn) đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam… có thể có niên đại từ 14 đến 8 vạn năm, căn cứ vào các hiện vật do Khảo cổ học thu lượm được”. Bởi vậy chưa có bằng chứng nào để nói rằng tổ tiên họ Bùi ta gốc tích từ Trung Quốc. Về điểm này cũng phải làm rõ một thực tế lịch sử: Người Hán vốn gốc ở lưu vực sông Hoàng Hà. Còn từ sông Trường Giang trở về phía Nam xưa kia là đất sinh tụ của người Bách Việt. Qua quá trình chinh phục và đồng hoá, các tộc Việt khác đều bị Hán hoá, chỉ còn các tộc Âu Việt và Lạc Việt làm nền tảng cho triều đại Hùng Vương. Họ Bùi có một tỉ lệ cao là người Mường được xem như người Việt cổ. Nay nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện trong các lệ tục của người Mường có nhiều lệ tục khác hẳn của người Hán (có tư liệu đáng tin cậy cho biết “Tản Viên Sơn Thánh” cũng là người Mường), chứng minh họ Bùi vốn có gốc từ người bản địa. Nhân chủng học, ngôn ngữ học… đều phù hợp với điều đó.
Nguồn gốc dòng họ là việc lớn, xin được bước đầu thông tin trước đông đảo bà con./.