Lọc hóa dầu: “Phải có tầm nhìn rộng lớn”
Trước những ý kiến liên quan đến việc hàng loạt dự án nhà máy lọc hóa dầu quy mô hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói: “Phải có tầm nhìn rộng lớn”.
HẢI VÂN
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 100 triệu tấn dầu và các sản phẩm hóa dầu. Trong tương lai, ông Ngãi nói “con số này còn lớn hơn nữa”.
Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhựa đường từ Trung Quốc. Đường xá nhanh xuống cấp là do không đủ nhựa đường, nhất là nhựa đường chất lượng cao. Việt Nam cũng phải nhập khẩu một lượng lớn hạt polime mỗi năm để sản xuất nhựa, phục vụ ngành dệt…
Trên thực tế, lợi nhuận của các nhà máy lọc hóa dầu, ông Ngãi nói “không nằm ở phần lọc dầu (sản phẩm xăng, dầu), mà ở phần hóa dầu (tạo ra hạt polime, nhựa đường, sợi…)”.
Ông Ngãi dẫn chứng, Nhà máy lọc hóa dầu của Formosa ở Đài Loan, công suất khoảng 20 triệu tấn dầu thô/năm, nhưng hạt polime xuất khẩu khắp thế giới.
Chọn Việt Nam, “các nhà đầu tư đã xác định được đầu ra trên thế giới sau khi trừ đi phần cung ứng cho thị trường trong nước”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định.
Khi cả 5 nhà máy này đi vào sản xuất, ông Ngãi tính rằng sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhựa đường cho toàn bộ hệ thống giao thông của Việt Nam
Việt Nam cũng sẽ giảm được nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhựa và dệt, các doanh nghiệp sản xuất nhựa và dệt chủ động hơn về nguồn nguyên liệu.
Tác động tích cực từ giảm nhập khẩu nguyên liệu, sẽ giúp các doanh nghiệp hai ngành nhựa, dệt giảm bớt “gánh nặng” từ các loại thuế xuất nhập khẩu, phí vận chuyển, để từ đó tạo ra những sản phẩm với giá cạnh tranh hơn.
Một yếu tố quan trọng nữa được ông Ngãi cho là “Việt Nam giám sát được chất lượng của sản phẩm” và điều này “rất có lợi cho Việt Nam”.
Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng lọc hóa dầu không phải công nghiệp xanh, nên nhiều nước tiên tiến không chấp nhận đầu tư, không cho đặt nhà máy.
Theo ông Ngãi, các nhà máy lọc hóa dầu cũng sinh ra một lượng cabonic, nhưng hàm lượng trong giới hạn cho phép, không ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, các nhà máy nằm xa nhau, rải rác từ trong Bình Định, ra Quảng Ngãi, ra tận Nghi Sơn. Giả định có một lượng khí thải phát ra thì cũng không đủ sức phát tán vào không khí, không tác động xấu đến môi trường.
Một điểm quan trọng nữa khiến các nước khác không đầu tư lọc hóa dầu được dù rất muốn, theo ông Ngãi là do “không có cảng nước sâu”.
Hiện Singapore không có, Thái Lan cũng không có cảng biển nước sâu, đủ sức cho tàu 40-50 nghìn tấn vào ăn hàng. Cảng biển nước sâu của Việt Nam chiếm vị trí số 1 khu vực.
Các nước công nghiệp trên thế giới đều có ngành công nghiệp mũi nhọn. Đưa lọc hóa dầu vào, ông Ngãi nói “có thể trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam”.
Như vậy, thu hút đầu tư nước ngoài vào lọc hóa dầu, Việt Nam vừa giải quyết được phần nào vấn đề ngân sách, vừa giải quyết được vấn đề lao động, đồng thời giảm áp lực đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng khuyến cáo “Nhà nước, các ngành chức năng cần “quan tâm đến sản lượng, tổng thu nhập của các doanh nghiệp này để thu đủ thuế, phí” khi các nhà máy lọc dầu đi vào họat động.
Hiện nay tại Việt Nam có 6 nhà máy, dự án lọc hóa dầu:
– Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất 6,4 triệu tấn dầu thô/năm.
– Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm;
– Dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm.
– Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,18 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm.
– Dự án Nhà máy Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm…
– Dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định), trước đây có tổng vốn đầu tư dự kiến là 28,7 tỷ USD nay được Tập đoàn dầu khí PTT của Thái Lan điều chỉnh xuống khoảng 22 tỷ USD.
Nguồn: NangluongVietnam.vn