Giá dầu còn xuống đến mức nào?
Giá dầu đã giảm hơn một nửa so với đầu năm 2014, một xu thế mà hầu như không có chuyên gia nào ngờ tới. Vậy câu hỏi đặt ra là giá dầu có thể còn xuống tới mức nào?
Câu trả lời, sẽ làm khiếp sợ các nước xuất khẩu dầu như Nga hay Venezuela, là không có lý do gì để giá dầu không xuống mức khoảng 20 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm mạnh trong phiên 6/1/2015, với dầu thô WTI của Mỹ xuống dưới mốc 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Khi giá dầu xuống 50 USD/thùng, nó đã tạo ra nhiều hiệu ứng. Đồng Rúp Nga đã giảm mạnh và quốc gia này đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Venezuela cũng đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và chính trị, và việc giá cả sụt giảm có thể sẽ khiến khu vực Eurozone rơi vào tình trạng giảm phát. Ở chiều hướng ngược lại, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới sẽ có tăng trưởng nhẹ trong năm nay và giá xăng giảm sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Các doanh nghiệp có khả năng sẽ gia tăng lợi nhuận khi chi phí vận chuyển cũng giảm
Biểu đồ dưới đây của CitiGroup cung cấp mức giá hòa vốn cho tất cả các dự án khai thác dầu đá phiến lớn. Với giá 50 USD/thùng, giá dầu thô đã nằm dưới mức có lợi nhuận của hầu hết các dự án. Điều này có nghĩa là trên lý thuyết thì các dự án này nên giảm khai thác.
Chỉ có 2-3 dự án là có giá hòa vốn dưới mức 50 USD/thùng. Mức giá hòa vốn thấp nhất là 33 USD/thùng. Đây là điều mà Ả Rập Xê Út đang hướng tới nhằm giành lại thị phần dầu mỏ.
Citigroup giờ đây dự đoán giá dầu Brent trong năm 2015 sẽ ở mức trung bình 63 USD/thùng, và một kịch bản xấu hơn là giá sẽ ở mức 55 USD/thùng. Bên cạnh đó, chuyên gia Edward Morse của Citigroup cũng nhấn mạnh việc giá dầu thấp sẽ tác động rất tiêu cực đến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), khi doanh thu từ dầu mỏ của các nước OPEC có thể giảm tới 445 tỷ USD, tương đương giảm 50% so với năm 2012.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng có một số nhân tố có thể đưa giá dầu tăng nhẹ trở lại. Nhân tố thứ nhất là việc bầu cử tại Nigeria, quốc gia này đang bước vào thời kỳ bầu cử quan trọng và lịch sử cho thấy thời gian bầu cử này nguồn cung thường giảm khoảng 700.000 thùng/ngày.
Nhân tố thứ 2 là tình hình hỗn loạn tại Lybia có thể khiến sản lượng giảm sau khi đã tăng mạnh trong nửa cuối năm ngoái. CitiGroup dự báo Lybia sẽ không có tăng trưởng sản lượng dầu trong năm nay.
Tiếp theo là cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Nước này đang trải qua tình trạng bất ổn chính trị ngày càng tăng và nỗi lo vỡ nợ ngày càng lớn khi giá dầu giảm, do quốc gia này không đủ tài chính để đầu tư vào ngành khai thác dầu vốn yếu kém của mình. CitiGroup dự đoán sản lượng của nước này sẽ giảm 200.000 thùng/ngày vào cuối năm 2015.
Cuối cùng là suy thoái kinh tế tại Nga. CitiGroup cho rằng sản lượng dầu mỏ Nga có thể giảm 200.000 thùng/ngày vào cuối năm nay do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ bắt đầu tác động tiêu cực đến sự phát triển của nguồn cung dầu tại đây.
Giá dầu có thể xuống tiếp?
Trong hầu hết các trường hợp trong lịch sử hiện đại, sau khi giá dầu giảm mạnh thì nó sẽ hồi phục lại. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có một vài nguyên nhân có thể khiến lịch sử không lặp lại. Việc Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh cắt giảm sản lượng có thể làm suy giảm lượng cung dầu trên thị trường, nhưng các nước OPEC không còn có sức mạnh kiểm soát thị trường dầu mỏ như trước đây. Giá dầu tăng sẽ khuyến khích các nhà khai thác dầu đá phiến và khí đốt tại Mỹ và tại các nơi khác, qua đó làm giảm thị phần của OPEC.
Tuy nhiên, một bài viết của Reuters cho rằng sự gia tăng nguồn cung dầu và nhu cầu tiêu thụ giảm có thể đẩy giá dầu xuống khoảng 20 USD/thùng. Vì nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ có sự không ổn định về sản lượng khai thác, nên một đợt bất ổn bất ngờ về sản lượng có thể khiến giá dầu giảm mạnh hơn nhiều.
Có nhiều lý do để dự đoán về một mức giá thấp trong khoảng 20-50 USD/thùng như trong giai đoạn năm 1986-2004. Công nghệ khai thác phát triển và áp lực ô nhiễm môi trường đang làm giảm nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn và có nguy cơ đưa những mỏ dầu thô có chi phí khai thác cao ngoài Trung Đông thành một “mỏ vàng hoang”, tương tự những mỏ than không được khai thác trên thế giới.
Giá dầu 1988-2013. Dầu đã từng có giá dưới 20 USD/thùng
Ngoài ra, còn có các yếu tố tác động tiêu cực đến giá dầu trong dài hạn như việc có thể sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào Nga và Iran hay sự kết thúc nội chiến tại Iraq và Libya, qua đó cung cấp lượng dầu lớn hơn ra thế giới so với Ả Rập Xê Út hiện nay.
Trên một thị trường cạnh tranh, Ả Rập Xê Út và các nước xuất khẩu dầu thô có chi phí thấp khác sẽ luôn khai thác ở mức tối đa, trong khi khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ giảm khi nhu cầu dầu thấp và tăng khi nhu cầu cao. Giả thuyết trên cho thấy chi phí khai thác dầu của Mỹ, ước tính ở mức khoảng 40-50 USD/thùng, sẽ là mức giá trần cho dầu mỏ thế giới trong tương lai chứ không phải mức giá sàn.
Chi phí khai thác dầu
Giá dầu cần phải cao hơn nhiều so với mức hiện tại thì các nước OPEC mới có thể đáp ứng được ngân sách của chính phủ, nhưng điều này có nghĩa là doanh thu thuế từ dầu mỏ không đủ để trang trải ngân sách chính phủ chứ không có nghĩa là các quốc gia này không có lợi nhuận từ mức giá dầu hiện nay.
Vậy mức giá thấp nhất của dầu có thể là bao nhiêu? Ả Rập Xê Út sản xuất dầu với chi phí khai thác và đầu tư chưa đến 10 USD/thùng. Giá dầu hiện nay đang gần trở về mức của thập niên 90. Giá trị đồng USD của thập niên 90 cao hơn so với hiện nay do được tính thêm chi phí lạm phát, tuy nhiên nếu tính lạm phát cho cả các chi phí thì giá dầu xuống 20 USD/thùng là điều hoàn toàn có thể. Điều này là khó có thể xảy ra theo dự đoán của các chuyên gia, nhưng không có luật lệ nào buộc giá dầu không thể giảm mạnh hơn nữa.
Nguồn: nangluongvietnam.vn, NDH/ Business Insider