Tầm nhìn sống động để thành công
Gần 90% những quyết tâm đặt ra vào dịp năm mới đều không thành, theo nhà nghiên cứu và tâm lý học Anh Richard Wiseman. Nhưng một nửa chúng ta vẫn cố chứng minh ngược lại. Hầu như những dự định của ta sẽ trở thành lời hứa lèo vào tháng 2 và ta cảm thấy tội lỗi vào tháng 3. Vậy vì sao người ta không giữ được quyết tâm?
Theo Wiseman, vì những “quyết tâm” quá mơ hồ. Thành viên của CLB thể hình tăng 30% mỗi tháng giêng hằng năm, nhưng đến phòng tập và hy vọng giảm cân không phải là quyết tâm sắt đá, mà là những “hy vọng nhạt nhòa.” Nếu không có một kế hoạch rõ như một cuốn phim trong đầu mình, mọi quyết tâm đều cầm chắc thất bại.
Cũng tương tự, trong ngành kinh doanh tồn tại những “kế hoạch năm năm” và “tuyên ngôn sứ mệnh.” Phần lớn chúng cũng đều không thành. Loại “kế hoạch năm năm” thường lấy số liệu từ không khí. Những tuyên ngôn sứ mệnh thường sướt mướt, chỉn chu, sáo rỗng và dễ quên. Kế hoạch đến từ sao Hỏa, các tuyên ngôn đến từ sao Kim. Nước và lửa khó mà chung sống được.
Cameron Herold, doanh nhân Canada tại Phoenix, bang Arizona, đề xuất giải pháp thoát khỏi cái bẫy này. Ông có sáng kiến khi theo dõi cuộc thi nhảy cao Olympic: “Tôi thích cách người nhảy cao nhất sử dụng kỹ thuật ngắm đích. Họ sẽ đứng trên đường chạy, chụm tay lại sao cho chỉ nhìn thấy thanh xà và bãi đáp. Họ nhìn kỹ thanh xà, hình dung ra cú nhảy và chạm đất. Họ nhìn thấy được tất cả những điều này như cuộn phim quay chậm.”
Tự viết “kịch bản phim” kinh doanh của mình
Sao giới doanh nhân và lãnh đạo không làm điều tương tự?, Herold đặt câu hỏi. Khi còn là giám đốc điều hành tại 1-800-GOT-JUNK FREE?, dịch vụ thu gom rác tại Vancouver, Herold sử dụng “tầm nhìn sống động” để tăng doanh thu từ 2 triệu đô la Mỹ lên 125 triệu đô la Mỹ. Herold giờ diễn thuyết và huấn luyện giới CEO.
“Tầm nhìn sống động xuất hiện khi doanh nhân, nhà sáng lập hoặc CEO đặt một chân vào thực tại, ngả người ra, rồi đặt chân còn lại vào tương lai, vào ‘điều có thể xảy đến’.” Herold đặc biệt khuyên dùng một “cốt truyện” ba năm, không phải một năm hay năm năm.
Bắt đầu thế nào? “Tắt máy tính đi. Ra khỏi văn phòng. Tìm đến nơi yên tĩnh, gây cảm hứng, có thể là núi, hoặc biển. Lấy ra cuốn sổ ký hoạc không dòng kẻ cùng cây bút chì. Vẽ lại kế hoạch của bạn thật chi tiết.” Việc tưởng tượng bạn đang ghi hình mọi khía cạnh của doanh nghiệp mình sẽ rất hữu ích: nhân viên, khách hàng, quan hệ với đối tác… Trình chiếu cuốn phim này trong não bạn. Toàn cảnh cùng các chi tiết trông sẽ như thế nào trong ba năm nữa?
Đừng giữ lại chi tiết nào cả, Herold nói. “Khách hàng nói gì về bạn? Nhân viên nhận xét gì về bạn trong giờ nghỉ? Công ty hoạt động thường ngày ra sao?” Hãy bao quát hết mọi mảng trong doanh nghiệp: văn hóa, đội ngũ, tiếp thị, PR, IT, hoạt động, tài chính, kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ khách hàng…
Herold từng viết “Danh sách tầm nhìn sống động” (xem tại cameronherold.com), trong đó bao gồm danh sách của riêng ông. Ông cũng viết cuốn sách nhan đề Double Double: How to Double Your Revenue and Profit in Three Years or Less (Nhân đôi: Làm sao nhân đôi doanh thu và lợi nhuận trong ba năm hoặc ít hơn, NXB Greenleaf Book Group, 2011).
Bước đầu tiên chỉ cần viết từ 1.000-1.500 chữ thôi. Nhưng đừng dừng lại. Hãy ra ngoài, thuê người viết chuyên nghiệp để câu chữ có hồn hơn, và chuyên gia đồ họa để khiến bản danh sách hấp dẫn hơn. Herold giải thích: “Tầm nhìn của bạn sẽ không có ích gì cho doanh nghiệp, nếu người khác không thấy nó sống động. Có quá nhiều CEO mong đợi người khác xem được bộ phim đang diễn ra trong đầu họ. Điều này là bất khả thi. Bạn cần phải khiến bộ phim hiển thị sinh động trước mắt người khác trước đã.”
Khi đã viết, biên tập và thiết kế xong nội dung tầm nhìn, đăng nó lên trang web của bạn cho mọi người cùng thấy. Rồi sao chép thành nhiều bản và mang đến cuộc họp của ban lãnh đạo. Bắt đầu cuộc họp bằng việc nhờ một lãnh đạo đọc toàn bộ hay một phần của kế hoạch tầm nhìn. Herold cho biết tầm nhìn sống động sẽ như nam châm. “Nó sẽ thu hút người gắn bó và đẩy đi những ai không thích tầm nhìn của bạn.”
Nếu bạn nghĩ rằng tầm nhìn sống động nghe giống một khái niệm tôn giáo, bạn đã đúng. “Những doanh nghiệp tốt nhất đều gần giống tôn giáo,” Herold khẳng định. “Apple, Google, Starbucks, 1-800-GOT-JUNK FREE?” Những công ty lớn khởi nguồn từ những tầm nhìn sống động.
Rich Karlgaard (Theo Forbes VN)