“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Trong cuộc sống của chúng ta, không ai có thể sống một mình. Chúng ta cần phải biết sống và suy nghĩ không chỉ cho mình mà còn cả những người xung quanh. Cuộc sống có quy luật của nó, phải biết cho đi thì mới có thể nhận lại được. Vì vậy, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Câu nói nói lên một sự thật, cũng như một triết lí trong cuộc sống. Cuộc sống là sự sẻ chia giữa người với người. Nhất là trong cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ta càng ngày càng ít quan tâm đến những người xung quanh, điều này lại càng quan trọng hơn.
Đầu tiên, chúng ta nên hiểu như thế nào là cho và nhận trong cuộc sống? Đó là sự cho và nhận tiền bạc chăng? Thực ra cũng không hẳn là thế. Chúng ta có rất nhiều thứ để cho và nhận cùng với những người xung quanh. Cho, được đề cập đến trước nhận, bởi việc cho được tất cả mọi người đánh giá cao hơn. Cho, đó có thể là sự chia sẻ với đứa bạn bên cạnh bữa ăn sáng khi nó không kịp mua. Cho, có thể là một chút tiền đặt vào thùng quyên góp cho người nghèo. Cho, là rất nhiều điều trong cuộc sống này. Tuy rằng trong cuộc sống hiện đại nhiều bon chen, thế nhưng cũng có rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hàng ngày, có rất nhiều các anh chị sinh viên tình nguyện đi dạy cho trẻ em nghèo, đi giúp cho các gia đình neo đơn, hay giúp các chú công an điều khiển giao thông khi cần mà không đòi hỏi một chút công lao gì. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều các tổ chức từ thiện, nhằm giúp đỡ những trẻ em vùng cao. Hay mỗi khi có lũ quét, nhà nước và người dân lại cùng chung tay góp sức để có thể giúp đỡ đồng bào vùng lũ bớt khó khăn.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Có những người sinh ra đã phải mang trong mình những căn bệnh khó chữa, hay phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Vì thế nên có rất nhiều các chương trình như “Trái tim cho em”, là chương trình giúp đỡ cho những em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh mà hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể phẫu thuật cho các em được. Chính nhờ chương trình, mà rất nhiều em nhỏ được chữa bệnh, được cắp sách đến trường và thực hiện ước mơ của mình. Và còn có rất nhiều các chương trình như thế. Điều đó chứng minh một điều rằng, chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội rất nhân đạo, mọi người vẫn rất quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Tất nhiên, không phải khi nào sự sẻ chia cũng chỉ là những giá trị về vật chất. Đã từng có một câu chuyện rằng, khi một cô gái đang đi trên đường, gặp một người ăn xin. Cô lục lọi khắp người mà không tìm thấy gì để có thể cho ông lão. Cô lại gần và cầm tay ông lão giữa ngày đông giá rét, xin lỗi ông vì không có gì cho ông. Nhưng ông cụ đã nói rằng: “ Cháu đã cho ông rất nhiều rồi”. Và cái cô gái cho ông lão, có lẽ ai cũng hiểu, đó là hơi ấm của tình người. Mỗi người trong chúng ta nhiều khi không thể lựa chọn số phận cũng như cuộc sống của mình. Vì vậy, sự sẻ chia là vô cùng cần thiết. Nó làm cho chúng ta cảm thấy ấm áp hơn, làm cho người với người gần nhau hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh mình. Khi bạn bè có chuyện buồn, chúng ta nên hỏi thăm, động viên để bạn bớt buồn, cũng như cố gắng phấn đấu trong tương lai. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta là một minh chứng vĩ đại nhất về một con người cao đẹp, một nhân cách cao đẹp. Cà đời Bác không một phút nào người nghĩ cho bản thân, chỉ biết nghĩ cho dân, cho nước cũng không một lời oán thán. Một người bao dung, cao cả như vậy, nên Người cũng nhận được rất nhiều. Cả nhân dân Việt Nam luôn một lòng kính yêu người, cả những thế hệ hôm nay và cho đến mai sau. Như vậy đấy, những người có tấm lòng bao dung, biết quan tâm, giúp đỡ người khác rồi sẽ nhận lại được rất nhiều, dù họ không bao giờ đòi hỏi đền đáp. Họ sẽ được những người xung quanh yêu quý, kính trọng, và mọi người sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều những con người luôn giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi báo đáp Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sống theo một lối sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Họ không quan tâm đến chuyện gì, cũng như không quan tâm đến những người xung quanh. Có một câu chuyện mà ông cha ta đã kể để lên án thói ích kỉ này. Có một người thấy nhà hàng xóm bị cháy mà không chịu sang giúp, cuối cùng thì lửa cháy lan sang đến nhà mình thì đã không có ai giúp, cũng không kịp để chữa cháy nữa. Đó là hậu quả của những người ích kỉ. Nếu như bạn không giúp người khác, thì người khác cũng sẽ không giúp bạn. Có ai hỏi han bạn khi bạn buồn, nếu như bạn chẳng bao giờ quan tâm đến những người xung quanh? Hay có ai giúp bạn, khi bạn luôn luôn từ chối mỗi khi ai đó có việc phải nhờ đến bạn? Chắc chắn là không. Không ai muốn giúp đỡ một người luôn lẩn tránh công việc cả.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Sống trong cuộc sống này, mỗi người chúng ta cần phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Hãy sống để người với người gần nhau hơn trong cuộc sống hiện đại này.
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Jack Bùi, VungtauHR