Ngành thời trang hiện đại: Thảm họa môi trường ít được biết tới
Ngành công nghiệp thời trang thế giới đã có những bước phát triển nở rộ trong vài thập kỷ gần đây, với những xu hướng mới xuất hiện liên tục, cùng số lượng người tham gia càng ngày càng tăng. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được những hệ lụy của sự phát triển này đối với môi trường và xã hội là to lớn ra sao. Dưới đây là những tác động tiêu cực nổi bật nhất mà ít ai biết tới.
(Ảnh qua classiccotton.org)
Những tác động môi trường của thời trang
Sản xuất quần áo số lượng lớn để phục vụ ngành thời trang đã và đang gây ra những tác động lớn đến môi trường, đặc biệt lượng nước thải và tổng lượng khí cácbon của quá trình sản xuất là cao.
Hãy lấy nước làm ví dụ, bạn cần hàng ngàn lít nước để sản xuất một chiếc áo phông làm từ vải cotton.
Các nông dân trồng bông cũng phải dùng nước tưới, và đặc biệt là rất nhiều thuốc trừ sâu – khoảng 1/4 lượng tiêu thụ thuốc trừ sâu của thế giới. Chưa hết, người ta phải dùng hàng ngàn tỷ lít nước để nhuộm màu cho vải, và toàn bộ biến thành nước thải phải đem đi xử lý.
Thuốc nhuộm chảy ra sông ngòi (Ảnh: Wiki)
Còn những bộ quần áo cũ bị ném vào thùng rác thì sao? Các xu hướng thời trang liên tục được cập nhật, giá thành rẻ do áp lực từ cạnh tranh, cùng với chất lượng quần áo không được bền chắc như xưa đã khiến cho doanh thu của ngành công nghiệp thời trang nhảy vọt.
Người ta mua nhiều hơn, và cũng vứt đi nhiều hơn. Điều này chỉ mang đến một điều lợi cho bản thân ngành công nghiệp, mà trăm điều hại cho môi trường. Vì hầu hết quần áo bỏ đi sẽ kết thúc trong những hố chôn rác, và làm trầm trọng thêm sự ô nhiễm nguồn nước ngầm và các đại dương.
Lao động trẻ em
Rất nhiều trẻ em bị lạm dụng lao động trong công nghiệp may mặc. Những điểm nóng của vấn nạn này trên thế giới là Bangladesh, Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippin, Indonesia và cả Việt Nam.
Mức lương mà trẻ em nhận được là rất thấp, một phần là vì áp lực cạnh tranh giảm giá thành của các nhà sản xuất. Vậy nên những bộ quần áo giá tốt mà bạn mới sắm được, rất có thể được làm ra từ đôi tay của những em bé chưa đến độ tuổi lao động. Và với sự lỏng lẻo về quản lý lao động của những quốc gia đang phát triển kể trên, thì tình hình này khó có thể thay đổi trong tương lai gần.
Các sợi nhựa li ti
(Ảnh: Shutterstock)
Đây là vât liệu chính trong ngành công nghiệp thời trang, và cũng là cơn đau đầu chính của họ. Các loại sợi tổng hợp như nylon, polyeste và acrylic được dùng trong 60% tổng số quần áo. Chúng được ưa thích là vì tính bền bỉ, mềm, nhẹ mà lại rẻ tiền.
Thế nhưng việc tích hợp sợi nhựa tổng hợp vào sản xuất đồ may mặc lại khiến các hạt nhựa tổng hợp nhỏ li ti bị thải ra môi trường, và sau đó ra biển, rồi an vị trong bụng của các sinh vật đại dương. Hiển nhiên là nhựa gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho lũ cá, và đẩy chúng vào tuyệt lộ.
Nhưng sinh vật biển không phải là nạn nhân duy nhất, toàn bộ chuỗi thức ăn cũng sẽ nhiễm độc nhựa, bao gồm cả những động vật lớn hơn và con người.
Câu hỏi cuối cùng đặt ra là: ‘Nếu con người không thay đổi tình hình, thì họ có chịu ăn nhựa hay không?’ – Heidi Savelli, chuyên gia môi trường của LHQ
Lượng quần áo bị bỏ đi là rất lớn (Ảnh: Shutterstock)
Các giải pháp là gì?
Trước hết, các công ty có thể thay đổi quy trình sản xuất của mình theo hướng giảm bớt lượng nhựa có thể gây ô nhiễm môi trường. Điều này là có thể làm được nếu người ta ứng dụng các công nghệ sản xuất và hoàn thiện sản phẩm hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có những cải tiến trong công nghệ thu gom sợi nhựa li ti. Hiện đã có những thiết bị như vậy trên thị trường, nhưng chưa thể dùng chúng trên quy mô lớn.
Người tiêu dùng có thể làm gì?
Có một số cách giúp chúng ta trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm. Bước đầu, hãy sửa lại quần áo cũ thay vì mua mới, bất kỳ khi nào có thể.
Khi làm sạch quần áo, giảm bớt số lần xả/giặt là cách tốt nhất để giảm lượng sợi tổng hợp tuôn ra môi trường. Chú ý là máy giặt cửa trước xử lý loại sợi li ti này tốt hơn. Và nếu muốn làm tốt hơn nữa, bạn có thể mua loại túi đặc biệt để thu gom sợi nhựa ở đầu xả nước, vì chúng có thể làm giảm lượng nhựa tới 80%.
Tuy vậy, những gì chúng ta có thể làm vẫn là rất nhỏ, vì nếu ngành công nghiệp thời trang không chịu thay đổi một cách căn bản, thì Trái Đất vẫn đang phải gánh chịu cho những tổn hại môi trường do chúng ta gây ra!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: trithucvn.net