Nghị định 70 cho Dịch vụ quảng cáo quốc tế tại Việt Nam
Việt Nam ban hành Nghị định 70 bổ sung thêm các quy định mới liên quan đến các điều khoản về dịch vụ quảng cáo quốc tế tại Việt Nam. Nghị định 70 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2021.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP (Nghị định 70) vào ngày 21 tháng 7 vừa qua về các quy định cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo quốc tế phải tuân thủ các quy định về an ninh mạng, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nộp thuế.
Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung một số điều từ Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 về Luật Quảng cáo. Nghị định 70 ra đời nhằm thắt chặt hoạt động của các đơn vị quảng cáo đa quốc gia như Facebook, Google và YouTube.
Dịch vụ quảng cáo quốc tế là gì?
Bản sửa đổi quan trọng nhất do Nghị định 70 ban hành là Điều 13, trong đó đưa ra định nghĩa và các nghĩa vụ khác đối với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo quốc tế (CASP).
Điều 13 đề cập đến dịch vụ quảng cáo quốc tế là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ quảng cáo từ các trang thông tin điện tử bên ngoài Việt Nam cho người tiêu dùng Việt Nam và có doanh thu tại Việt Nam.
Các trang thông tin điện tử như vậy được định nghĩa là ‘hệ thống đơn hoặc nhiều trang web’ cho người dùng các chức năng như trò chuyện trực tiếp, tạo diễn đàn, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh hoặc hình ảnh – để cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo quốc tế có trách nhiệm và nghĩa vụ gì?
Theo Điều 13, các đơn vị CASP phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ và Luật An ninh mạng của Việt Nam. Các đơn vị này phải thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về thông tin liên lạc của họ ít nhất 15 ngày trước khi bắt đầu hoạt động.
Trước đây, dịch vụ quảng cáo quốc tế phải chịu sự giám sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo Nghị định 70, Bộ TT&TT sẽ thực hiện hợp nhất quyền giám sát.
Điều này bao gồm thông tin chi tiết về địa điểm của tổ chức, tên giao dịch, trụ sở chính, cũng như vị trí của máy chủ chính hoặc bất kỳ máy chủ / hệ thống nào đặt tại Việt Nam (nếu có). Các đơn vị CASP cũng phải gửi báo cáo hàng năm cho Bộ TT&TT và gửi các báo cáo đột xuất cho Bộ TT&TT theo yêu cầu của Bộ.
Đơn vị CASP có trách nhiệm đảm bảo quảng cáo của họ tuân theo Luật Quảng cáo và phải áp dụng các biện pháp kiểm soát và loại bỏ các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng không được hợp tác với các trang web đã được thông báo công khai rằng đã vi phạm các luật kể trên.
Hơn nữa, các đơn vị CASP có nghĩa vụ gỡ nội dung xuống theo yêu cầu của Bộ TT&TT ngoài việc cung cấp thông tin về bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào liên quan đến quảng cáo quốc tế bất hợp pháp theo quyết định của Bộ TT&TT. Bộ TT&TT sẽ tiến hành cuộc điều tra cần thiết về các vi phạm trong khoảng thời gian 5 ngày và thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ về nội dung hoặc hoạt động quảng cáo bất hợp pháp.
Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ có khoảng thời gian 24 giờ để giải quyết vấn đề, sau đó Bộ TT&TT sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp pháp lý nào để chặn quảng cáo. Quyền hạn này có thể được mở rộng cho các cơ quan chính phủ khác nếu hành vi vi phạm được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Các đơn vị CASP cũng được yêu cầu hỗ trợ và cung cấp các giải pháp cho các nhà cung cấp quảng cáo Việt Nam để đảm bảo quảng cáo của họ tuân thủ các luật có liên quan.
Nguồn: Vietnam Briefing
Thế giới bản tin | VinaAspire News