Thai nhi tuần 13
Vào tuần này, em bé có cân nặng ít hơn 40 gram, vẫn còn rất nhỏ, nhưng đã bắt đầu cựa quậy và di chuyển thường xuyên những khi không ở trạng thái ngủ. Hai mắt bé giờ đây đã ở vị trí bình thường, không còn cách xa ra hai bên như trước nữa. Các cử động thở, bú, và nuốt nhẹ nhàng đã có thể được nhìn thấy rõ ràng trên màn hình siêu âm. Việc thực hành sớm những kỹ năng phức tạp này ngay từ bây giờ sẽ giúp bé thành thạo hơn khi ra đời và bắt đầu tự sống.
Bước qua tuần này, bạn đã có thể thấy thoải mái hơn vì đã lấy lại được năng lượng. Bạn bắt đầu thấy thích ăn lại như bình thường, và mong chờ đến bữa ăn thay vì cảm thấy sợ hãi. Cố gắng có chế độ dinh dưỡng phong phú để giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng của thai nhi. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ có thai không nên hạn chế ăn uống, và nên ăn những thức ăn có mùi và vị khác nhau. Điều này sẽ có tác động tích cực lên thai nhi, giúp bé dễ chấp nhận các loại thực phẩm khác nhau sau này khi bé bắt đầu ăn dặm. Nếu vị giác của thai nhi đã được “mồi” cho một loạt các mùi vị khác nhau thông qua nước ối, sau này bé sẽ có khuynh hướng thích khám phá, và sành điệu hơn trong việc ăn uống.
Mọi thứ không vừa với mình nữa rồi!
Bạn có thể thấy bụng mình phát triển to hơn một chút, hoặc cũng có thể không, nhưng chắc chắn lúc này bạn đã có cảm giác rõ ràng là mình có thai. Mỗi khi đứng lâu một chút, bạn có thể thấy chân và lưng hơi đau. Chưa đến lúc phải lệt bệt, nhưng bạn cũng đã có thể thay đổi tướng đi một chút so với trước đây.
Bạn cũng cần phải thay đổi thói quen nằm ngủ để có một tư thế thoải mái hơn. Nếu trước đây bạn thường ngủ sấp thì lúc này bạn sẽ thấy khó khăn hơn vì sẽ bị cấn ở bụng. Vì vậy, hãy cân nhắc việc mua một chiếc gối dài để bạn có thể cuộn vòng quanh người và chân. Bạn sẽ thấy nó đáng đồng tiền vì điều này sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon cho đến những tuần cuối của thai kỳ.
Những thay đổi về mặt thể chất
- Không có gì ngạc nhiên nếu giày bạn trở nên chật chội hơn. Không phải bạn đang tưởng tượng đâu, đó là do progesterone, loại hoóc môn quan trọng của thai kỳ, đang tăng lên để giúp làm thư giãn các dây chằng ở vùng xương chậu của bạn, cũng như có những ảnh hưởng tích cực khác. Đến cuối thai kỳ, bạn sẽ thấy kích cỡ giày của mình tăng lên ít nhất là một nửa size, hoặc thậm chí có thể hơn.
- Hãy chuẩn bị giấy thấm. Đừng lo lắng nếu thấy bị chảy máu mũi mặc dù trước đó bạn chưa từng bị. Các tĩnh mạch căng lên sẽ làm cho bạn dễ bị sổ mũi, nghẹt mũi, và chảy máu mũi. Chảy máu mũi thường sẽ tự hết, nhưng quan trọng là bạn không nên hoảng sợ, hãy ngồi nghỉ cho đến khi nó hết.
- Bạn có để ý thấy da mình đẹp hơn rồi không? Đám mụn dường như đã đi đâu hết, và da mặt không còn bị lốm đốm nữa. Hãy chú ý vệ sinh mặt sạch sẽ và dưỡng ẩm như bạn vẫn thường làm. Lúc này, bạn có thể thấy da mình hơi nhờn hơn, vì vậy, cần phải thay đổi loại kem dưỡng ẩm cho phù hợp.
- Ngực có lẽ vẫn là nơi bạn cảm thấy có nhiều thay đổi rõ nhất vào lúc này. Nó dường như thay đổi hoàn toàn, cảm giác nặng hơn, nhạy cảm hơn, và đau nhức hơn. Nếu thấy áo ngực đang sử dụng có vẻ không đủ thoải mái thì bạn nên sắm loại áo dành cho bà bầu phù hợp hơn. Đây là món đồ quan trọng cần thiết trong suốt thai kỳ.
Những thay đổi về mặt cảm xúc
- Quý hai của thai kỳ là giai đoạn mà cơ thể bạn tràn ngập các hoóc môn và cảm giác dễ chịu với mọi thứ xung quanh. Hãy tận hưởng quãng thời gian đặc biệt này. Thư giãn với các bài tập yoga, massage, thể dục dưới nước, hoặc Thái Cực quyền. Việc kết nối với các luân xa (Chakra trong yoga thiền) bên trong bạn sẽ mang lại bao điều thú vị, ngay cả khi bạn không biết nó trông như thế nào.
- Có thể cả ngày bạn cứ chăm chăm vào bụng mình, xem nó đã to lên bao nhiêu. Có những lúc bạn còn chắc chắn rằng nhìn mình đã to hơn, mặc dù sau đó không lâu thì lại không còn thấy vậy nữa. Tuy nhiên, thực sự thì điều đó là do những thứ đang diễn ra phía sau tử cung của bạn, chứ không phảitừ bên trong. Nếu ruột của bạn bị phình ra do phân hoặc khí thải, nó sẽ làm cho bụng bạn bị nhô ra trước.
- Bạn thường cảm thấy giai đoạn này trôi qua chậm chạp vì nghĩ rằng ngày sinh nở vẫn còn quá xa. Dù biết rằng mọi hoạt động vẫn đang diễn ra bên trong bụng của mình, nhưng thực tế bạn vẫn chưa nhìn thấy được gì nhiều. Cố gắng làm gì đó không liên quan đến công việc hoặc em bé mà có thể mang lại niềm vui cho bạn mỗi ngày. Những sở thích và cá tính của chính bạn cũng cần được thể hiện và hâm nóng chứ không nên bị xếp cất vào chỉ vì bạn đang mang thai.
Những thay đổi của em bé
- Tuần này, bé sẽ có cử động tay chân nhiều hơn mặc dù chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng, và vẫn cần thời gian nghỉ ngơi lâu. Bạn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của những chuyển động này trong một hoặc hai tuần nữa.
- Ba xương nhỏ ở tai trong của em bé bắt đầu hình thành trong tuần này, và bé bắt đầu có thể nghe bạn. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian trò chuyện, hát cho bé nghe; hãy tạo sợi dây kết nối tình cảm giữa mẹ và bé ngay từ bây giờ, chúng sẽ phát triển bền chặt cho đến suốt đời.
- Chân của bé bây giờ đã phát triển dài hơn cánh tay, và cái đầu bé xíu đã không còn là bộ phận to nhất trong cơ thể nữa. Cơ thể của bé cũng dài hơn và không còn uốn cong nhiều như trước.
Lời khuyên cho tuần này
Cố gắng tránh để bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là một tình trạng phổ biến trong thai kỳ, và mặc dù không phải là một vấn đề lớn, nó vẫn có thể gây nhiều phiền toái hơn là chỉ khó chịu chút chút. Hãy uống nhiều nước, và sau khi đi tiểu thì nên lau sạch từ từ trước ra sau. Nên làm trống bàng quang trước và sau khi quan hệ tình dục. Trường hợp bạn bị tiểu rát hay có mùi, hãy đi bác sĩ để được kiểm tra sớm.
Nguồn: huggies.com.vn