Khánh thành “kỳ quan” mới của Đồ Sơn
UBND quận Đồ Sơn vừa tổ chức lễ khánh thành Tháp Tường Long – Chùa Tháp, đây là công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo gắn với Vương triều Lý thế kỷ XI.
Di sản văn hóa không những là bằng chứng xác đáng về bề dày lịch sử, vị thế của một dân tộc, một địa phương mà còn là nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Tháp Tường Long – Chùa Tháp nằm trong chuỗi du lịch tâm linh kỳ bí đó của Đồ Sơn, công trình được khánh thành vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập quận. Tháp Tường Long nằm trên núi Ngọc – ngọn núi đầu tiên trong chín ngọn núi chạy dọc bán đảo Đồ Sơn. Vào năm 1058 dưới thời vua Lý Thánh Tông, lúc Phật giáo đang ở thời kì phát triển mạnh mẽ, trở thành Quốc giáo. Những di vật được tìm thấy ở Tháp Tường Long đã khẳng định tháp được xây dựng cùng thời với tháp Báo Thiên (ở kinh đô Thăng Long). Tháp Tường Long là một trong những địa chỉ tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thời Lý – Trần trên vùng đất Đồ Sơn – Hải Phòng.
Giá trị của Tháp không chỉ dừng lại ở chỗ, giúp cho người đời sau hiểu được việc thờ Phật và kiến trúc của tôn giáo đạo Phật thời Lý; mà còn là sự khẳng định: Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người Việt Nam với trí thông minh, tinh thần lao động, cần cù, sáng tạo, đã dựng lên công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chứa đựng một kho tàng phong phú về nghệ thuật tạo hình, mà Tháp Tường Long chính là một minh chứng , nổi lên như một điểm nhấn với tư cách là một đại danh thắng, tiêu biểu cho lịch sử nghệ thuật tạo hình của dân tộc thời Lý.
Nhận thức rõ những giá trị của tháp Tường Long, đồng thời để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng nói chung, Đồ Sơn nói riêng đã đề nghị Chính phủ cho phép khôi phục lại công trình Phật giáo tiêu biểu này.
Trên cơ sở tiếp thu sự chỉ đạo của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục di sản, ý kiến tham gia của các nhà khoa học, các Bộ, ban ngành Trung ương, sự nhất trí của bộ tư lệnh quân khu III, UNBD quận thống nhất nôi dung báo cáo của UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 452/QĐ – UBND ngày 26/3/2007. Ngày 06/6/2008 phê duyệt dự án tại Quyết định số 920/QĐ – UBND với suy mô đầu tư phỏng dựng quần thể Tháp Tường Long; Xây dựng chùa Tháp diện tích 1300 m2; Xây dựng các hạng mục kỹ thuật chung của quần thể di tích. Tổng mức đầu tư lên 179 tỷ đồng.
Với quy mô này khi hoàn thành quần thể di tích khảo cỏ học Tháp Tường Long sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo lớn, độc đáo vùng Duyên Hải Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn – Cát Bà – Vịnh Hạ Long.
Một trong những hạng mục hết sức quan trọng là “linh hồn” của “tòa Tháp” đó là tượng Phật A Di Đà đặt tại tầng 1 của tòa tháp. Đây là hạng mục không có trong nội dung đầu tư của dự án. Tuy nhiên, với những căn cứ khảo cổ, các tư liệu, sử sách để lại, tại tầng 1 của Tháp Tường Long đã chứng tỏ xưa đã từng có tượng Phật A Di Đà. Với mong muốn khôi phục lại những giá trị do tiền nhân để lại, Quận Đồ Sơn đã chủ trương xây dựng tượng Phật A Di Đà đặt tại tầng 1 của Tháp Tường Long. Tượng được mô phỏng theo đúng kích thước, hình dáng và các hoa văn họa tiết của tượng Phật A Di Đà thời Lý tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Tượng được chế tác bằng đá ngọc xanh nguyên khối với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đêm 18/11 (mùng 1/10 âm lịch), đại đức Thích Quảng Tùng – Chủ tịch Hội Phật giáo Hải Phòng cùng hàng nghìn các chư tăng Phật tử và lãnh đạo quận đã làm lễ hô thần nhập tượng cho tượng Phật trong bảo tháp.
Tháp Tường Long hoàn thành là biểu tượng kết tinh của sự tài hoa, sáng tạo và trí tuệ, của tinh thần đoàn kết, hướng thiện, niềm tự hào và tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đồ Sơn hôm nay và mãi mãi mai sau về một di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của cha ông để lại. Đây là một công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân quận Đồ Sơn – TP. Hải Phòng nói riêng, vùng Duyên hải Bắc Bộ nói chung.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Tháp Tường Long đến nay đã hoàn thành với chất lượng cao về kỹ thuật, mĩ thuật, như một biểu tượng minh chứng cho sự phát triển về nghệ thuật quân sự thời Lý – Trần. Đồng thời cho thấy vị trí, ý nghĩa vể mặt quốc phòng của khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP cho biết “ UBND quận Đồ Sơn chủ động phối hợp Sở văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Thành hội Phật giáo Hải Phòng và các sở , ban ngành thành phố đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu quần thể di tích đến nhân dân thành phố, cả nước và khách du lịch quốc tế. Xây dựng kết nối quần thể di tích Tháp Tường Long – Chùa Tháp trong tour “Du khảo đồng quê” của thành phố. Xây dựng thành điểm, tuyến du lịch văn hoá tâm linh của thành phố và cả nước, tổ chức các hoạt động giới thiệu giá trị văn hóa lịch sử Tháp Tường Long, tổ chức các sự kiện gắn kết với các hoạt động lớn của thành phố và đất nước nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn”.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: Enternews