Cấp dưới không phục, sếp phải làm sao?
Để trở thành sếp đã khó, việc giao tiếp và đối xử với cấp dưới còn là một thử thách không hề nhỏ đối với bất kì ai. Rất nhiều người luôn tự hỏi tại sao mình không được nhân viên nể phục, tại sao các công việc chung không nhận được sự đồng tình của cấp dưới. Trong bài ngày hôm nay, sẽ chỉ ra những bí quyết khiến bạn thấu hiểu và cảm hóa cấp dưới của mình.
Nhận ra nguyên nhân gây nên bất đồng
Không phải bỗng dưng mà cấp dưới không phục bạn. Điều đó có thể bắt nguồn từ quá trình thăng tiến của bạn, sự hiểu lầm trong quá trình giao tiếp, làm việc hay từ chính bản thân người đó. Điều bạn phải làm trước tiên là tìm hiểu nguyên nhân khiến mọi người không làm việc hiệu quả, ăn ý với nhau. Một cuộc nói chuyện thân mật và đơn giản với nhân viên sẽ giúp bạn hoá giải các vấn đề phát sinh này.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa
Còn gì khiến mọi người xích lại gần nhau hơn là những buổi dã ngoại, đi chơi tập thể hoặc liên hoan sau giờ làm việc. Những giây phút chia sẻ và thư giãn với mọi người sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách giữa sếp và nhân viên, ngoài ra, đây cũng là lúc bạn hiểu rõ thêm về cấp dưới của mình. Tình cảm giữa các thành viên trong một đội là một trong những đóng góp quan trọng vào thành công của công việc chung và giúp giảm thiểu các xung đột khi làm việc.
Lắng nghe ý kiến của nhân viên
Một ý kiến, một phương án dù có hay tới đâu đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Nếu là một vị sếp tốt, bạn hãy lắng nghe đóng góp của nhân viên và đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân. Như vậy, bạn không chỉ thu được những thông tin cần thiết, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới mà còn có những chính sách, giải pháp phù hợp trong quá trình quản lý. Từ đó, tận dụng thế mạnh của từng nhân viên để giao việc phù hợp. Nếu bạn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới, đúc rút những điểm hay, sáng tạo thì sẽ giúp công việc của cả phòng đạt hiểu quả tốt hơn. Hơn nữa, điều này khiến nhân viên cảm thấy được tôn trọng và có thêm động lực làm việc.
Chấp nhận tính cách riêng của từng nhân viên
Mỗi người có một tính cách, một phong cách giao tiếp và làm việc khác nhau. Đừng cố gắng thay đổi nhân viên theo quan điểm và suy nghĩ của mình. Bạn nên chấp nhận và thích nghi với những sự khác biệt. Một khi bạn thật sự hiểu được những điều nhân viên bạn đang cảm nhận, bạn sẽ có cách thay đổi hành vi thích hợp. Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử. Điều này tường chừng như đơn giản nhưng lại chính là chìa khóa giúp việc công việc chung đạt hiệu quả và hiệu suất cao.
Học cách chế ngự cảm xúc cá nhân
Một người lãnh đạo giỏi phải là người biết kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Kể cả trong lúc bực tức, bạn cũng nên giữ bình tĩnh, tìm ra cách giải quyết chứ không nên la lối, trút giận vào người khác, điều đó chỉ khiến nhân viên của bạn ức chế thêm và mất hứng thú làm việc mà thôi.
Tôn trọng lẫn nhau
Tôn trọng lẫn nhau trong quá trình làm việc là chìa khóa giúp xóa bỏ bất đồng và mâu thuẫn không đáng có. Là một vị sếp tốt, bạn hãy luôn tôn trọng nhân viên từ vị trí thấp đến cao và đối xử với họ thật công bằng. Dùng sự tôn trọng của lãnh đạo đối với thuộc cấp để đổi lấy sự tôn trọng của cấp dưới đối với cấp trên, đây là bí quyết để điều tiết mối quan hệ trong môi trường công sở.
Linh hoạt trong công việc
Cho một vị lãnh đạo tài giỏi đến mấy thì cũng không thể đảm đương hết mọi công việc. Lãnh đạo nên biết trao quyền một cách hợp lý cho cấp dưới. Để nhận được sự tôn trọng từ nhân viên, lãnh đạo cần có sự phân công công việc phù hợp với khả năng chuyên môn của từng người. Đồng thời sát sao theo dõi tiến trình của công việc để nắm được tình hình. Như vậy, lãnh đạo sẽ nhận được sự ghi nhận và tôn trọng từ cấp dưới của mình.
Khen ngợi nhân viên đúng lúc
Một nhà lãnh đạo thành công thường biết những việc gì mà nhân viên mình làm tốt và có sự ghi nhận kết quả một cách xứng đáng. Những lúc như vậy, một lời khen chân thành của người lãnh đạo sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích những người dưới quyền làm việc chủ động, sáng tạo, say mê với công việc hơn. Điều này đặc biệt phát huy tác dụng nếu lãnh đạo khen ngợi trước tập thể để khuyến khích tinh thần làm việc chung. Việc lựa chọn thời điểm, từ ngữ thích hợp sẽ giúp việc truyền tải “những lời có cánh” tới cấp dưới một cách nghệ thuật, tế nhị, từ đó mang lại kết quả như bạn mong muốn.
Để trở thành một vị sếp được nhân viên yêu quý và nể phục không hề khó. Chỉ cần bạn luôn giữ một thái độ tích cực, sự thấu hiểu và tôn trọng cấp dưới thì chắc chắn mọi người sẽ không còn giữ thái độ thù địch với bạn đâu. Chúc bạn may mắn và thành công.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Theo VungtauHR.com | Phương Thảo, careerlink