Người hướng nội không ngại thuyết trình: Muốn thành công, trước hết hãy trả lời câu hỏi “Tại sao?”

0

“Tại sao?” là câu hỏi hữu ích nhất mà bạn có thể tự hỏi chính mình trong khi đang chuẩn bị bài thuyết trình hoặc phát biểu.

Hãy tìm câu trả lời từ lâu đã bị… nhấn chìm

“Tại sao?” là câu hỏi hữu ích nhất mà bạn có thể tự hỏi chính mình trong khi đang chuẩn bị bài thuyết trình hoặc phát biểu.

Dĩ nhiên, câu trả lời đáng mong đợi không phải là: “Vì tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn”, “Nhờ vậy tôi mới có cơ hội thăng tiến” hay là “Tôi muốn xây dựng một hình ảnh tốt, ấn tượng nổi bật trong mắt sếp” vì chúng chỉ là những câu trả lời trên bề nổi. Đôi khi, để có được bề chìm của câu trả lời, bạn cần phải lặp đi lặp lại câu hỏi này nhiều lần.

Cùng thực hiện chương trình đào tạo năng lực truyền thông cho lãnh đạo, tôi và đồng nghiệp của mình đã đảm nhận vai trò khai vấn cho Giám đốc Kinh doanh của một Học viện tài chính. Tôi nhớ mình đã hỏi chị rằng: “Tại sao chị làm công việc này?”

Chị trả lời tôi rằng: “Tôi thích chăm sóc người khác.”

“Tại sao?”

“Vì tôi tin tưởng vào ngành dịch vụ.”

“Tại sao?”

“Việc chăm sóc, giúp đỡ, phục vụ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của tôi.”

“Tại sao?”

“Vì ba mẹ đã giáo dục tôi như thế.”

“Chị có thể chia sẻ rõ hơn được không?”

“Ba mẹ tôi là tiểu thương. Mỗi ngày, họ đều thức khuya dậy sớm để phục vụ các khách hàng của mình. Với họ, khách hàng là thượng đế. Tôi đã quá quen với việc này từ thuở tấm bé cho đến lúc trưởng thành. Đến một ngày tôi chợt nhận ra rằng, đây cũng chính là điều mà tôi muốn dạy cho những đứa con của mình. Đó là lý do tôi theo đuổi công việc này.”

Bạn có thấy rằng chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi với cô ấy không? Trước khi “đào sâu” được nguyên nhân sâu xa khiến cô theo đuổi công việc hiện tại, chúng tôi đã tiếp nhận những câu trả lời rất chung chung.

 

Các câu trả lời hầu hết đều có nguồn gốc chung

Trong khoá đào tạo khác, một người phụ nữ khác đã trả lời thẳng vấn đề, “Ba của tôi bán bảo hiểm. Sau một ngày làm việc, ông luôn trở về với gương mặt hạnh phúc. Đó là nguồn động lực lớn để tôi quyết định nối nghiệp ông. Và đó cũng là lý do tôi yêu quý công việc mà mình đang làm.”

Nhìn chung, bạn sẽ nhận ra rằng câu trả lời “Tại sao?” thường bắt nguồn từ chính gia đình hoặc những gì gắn liền với thơ ấu của mình. Và có thể, bạn sẽ có chút ngần ngại để chia sẻ những câu chuyện cá nhân như thế này tại môi trường công sở.

Bí mật tạo dựng sự kết nối và lòng tin

Chúng ta không phải là robot, chúng ta là con người đang-làm-việc cùng với con người. Chúng ta được dẫn dắt bởi những nguồn cảm hứng riêng và theo đuổi những giá trị riêng. Khi bạn chia sẻ nguồn động lực này với người khác, dù là tại môi trường công sở chăng nữa, thì ít nhiều gì, bạn cũng sẽ tạo dựng được sự kết nối và lòng tin với người khác.

Đâu sẽ là thời điểm lý tưởng để bạn chia sẻ câu trả lời “Tại sao?” này? Đó chính là phần mở đầu của buổi thuyết trình hoặc diễn thuyết. Sử dụng câu chuyện mình đã lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh trong lúc “pitching” một dự án. Khả năng cao, khách hàng tiềm năng của bạn sẽ nghĩ rằng: “À, anh chàng/cô nàng này cũng hiểu mình đó chứ. Mình có thể tin tưởng người này.”

Mối liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ cơ thể và câu trả lời “Tại sao?”

Khi bạn tìm được cho mình câu trả lời “Tại sao?”, bạn sẽ biết rằng mình nên chọn cách diễn đạt như thế nào là tự nhiên nhất thay vì trình bày logo, khẩu hiệu hay taglines của công ty. Điều này cũng tác động đến cơ thể và giọng nói của bạn. Bởi một khi bạn thực sự tin tưởng thông điệp mà mình đang truyền tải, bạn sẽ trình bày một cách tự tin.

Các chuyên gia, giám đốc điều hành trẻ tuổi đều thú nhận rằng họ khá thiếu tự tin khi thuyết trình. Họ lo sợ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu những người còn lại trong phòng biết nhiều hơn tôi?”, hoặc là: “Điều gì sẽ xảy ra nếu như họ lại bẻ-miệng tôi khi tôi đang phát biểu?”. Quay trở lại với lời gợi ý trên, hãy bắt đầu từ câu hỏi rằng: “Tại sao? Tại sao lại là bạn?”, điều này sẽ sớm giúp bạn củng cố phong độ của mình.

Tôi vẫn còn nhớ đến một cô gái Ai Cập trẻ trong buổi hội thảo trước đó của tôi tại Harvard. Cô ta đã trình bày một bài phát biểu rất chung chung về “Nguy hiểm từ những cuộc cách mạng”. Cô rất căng thẳng trong suốt quá trình trình bày, và cuối cùng thì, cô đã hỏi tôi trước lớp: “Tại sao mọi người lại muốn nghe em trình bày? Em chỉ mới có 19 tuổi thôi”. Tôi trả lời cô rằng: “Vì em sinh ra và lớn lên trong cuộc cách mạng. Em có nhiều trải nghiệm thực tế hơn những người có bằng tiến sĩ về đề tài này”. Cô im lặng trong giây lát, sau đó đứng dậy và bắt đầu chia sẻ cho cả lớp nghe bằng tất cả sự say mê và tâm huyết của mình. Cuối cùng thì, cô gái ấy đã cho bản thân mình cơ hội để được lên tiếng.

Có những câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ

Thỉnh thoảng, câu hỏi “Tại sao?” rất khó có được câu trả lời thoả đáng. Có khoảng thời gian tôi từng đảm nhận tham vấn cho một anh chàng làm việc trong lĩnh vực bất động sản. Anh là một người hài hước, có nhiều năm kinh nghiệm và yêu công việc hiện tại. Chí ít, đó là những gì anh đã chia sẻ với tôi lúc bấy giờ.

Thế nhưng, cứ mỗi lần anh đứng trước đám đông để trình bày ý tưởng của mình, anh như trở thành một con người khác. Đôi vai nặng trĩu, gương mặt căng thẳng và mất đi nụ cười. Suốt buổi trình bày, anh cứ thở dài và thậm chí đứng còn không vững. Anh sợ rằng mình là một diễn giả nhàm chán, và đúng là, anh ta đã như vậy.

Tôi bắt đầu bằng những câu hỏi “Tại sao”, và rồi anh ấy đã giật mình. Tôi hỏi rằng tại sao anh lại đam mê công việc mà mình đang làm, và, hoá ra, anh ta không hề yêu công việc như anh ta đã nói. Thậm chí, anh còn chán ghét công việc ấy. Anh mất niềm tin với sếp của mình. Anh không phải là một diễn giả nhàm chán mà là vì anh đang trong trạng thái nhàm chán.

Nếu bạn cảm thấy nhàm chán với chủ đề mà mình trình bày, hoặc nếu bạn đang cảm thấy không hạnh phúc gì mấy với công việc hiện tại, đó sẽ là rào cản lớn để bạn có thể đưa ra những lời phát biểu có giá trị. Trong trường hợp này, bạn cần cân nhắc bằng những cách giải quyết khác nhau.

Chẳng hạn như anh chàng mà tôi vừa kể cho bạn, anh ta đã từ bỏ công việc bấy lâu và theo đuổi ước mơ của mình: hồi sinh một toà nhà bị bỏ hoang trong thành phố nơi anh đang sinh sống. Nhưng, nếu bạn vẫn còn phải “vật lộn” với “cơm áo gạo tiền”, bạn nên chọn cho mình một phương án khác. Thay vì tìm kiếm những gì mà bạn đam mê, trước hết, hãy nghĩ đến những yếu tố khiến cho bạn yêu thích công việc hiện tại của bạn.

Quá trình làm việc với các giám đốc ngân hàng đã đem lại cho tôi một góc nhìn mới về khái niệm “đam mê”. Họ chia sẻ rằng: “Tôi làm việc 100 giờ một tuần trong môi trường áp lực cao. Nhưng tôi không chỉ làm điều này vì tiền mà hơn hết còn vì đam mê. Tôi yêu thích việc giải quyết các vấn đề của các khách hàng như việc tôi yêu thích chơi puzzle”.

Bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản

Quay trở lại với buổi thuyết trình mà bạn sẽ có trong tương lai gần/xa. Giờ chính là lúc để bạn “test” chính bản thân mình. Bạn có thể bắt đầu trả lời câu hỏi: “Tại sao?” bằng những câu hỏi đơn giản:

Tại sao bạn quan tâm đến khán thính giả hoặc sự kiện mà bạn chuẩn bị phát biểu? Tại sao bạn quan tâm đến chủ đề phát biểu hoặc tổ chức mà bạn đang phục vụ? Điều gì trong công việc khiến bạn tự hào nhất?

Nhưng làm thế nào để bạn biết được khi nào là câu trả lời “cuối cùng” của mình? Chỉ có bạn mới biết. Đó chính là khi bạn vỡ oà và thốt lên rằng: “Chính xác! Đây chính xác là những gì mà tôi đang tìm kiếm.”

Bài viết được trích dẫn từ chuỗi seri “Làm thế nào để trở thành phiên bản tốt hơn” trên TED.

(TED, Barcode) 

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: cafebiz.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ