Nói chuyện kỷ luật nhân ngày nhập ngũ: Gia đình ở nhà đừng lo, mỗi chàng trai khi trở về sẽ được rèn luyện thành những phiên bản tuyệt vời hơn bao giờ hết
Mọi thứ thường khó ở giai đoạn đầu, rối rắm giai đoạn giữa và tuyệt vời ở giai đoạn cuối cùng.
Ngập tràn Facebook ngày hôm nay là hình ảnh những chàng trai tuổi đôi mươi khoác trên mình bộ quân phục, đeo balo con cóc chia tay gia đình, bạn bè, người yêu để đi nhập ngũ. Nhìn ảnh người nhà bịn rịn dặn dò con cái, rơi nước mắt vì trong 2 năm tới không được gặp con thường xuyên nữa, mà thấy chạnh lòng.
Chắc hẳn trong suy nghĩ của những người ở lại sẽ chỉ toàn là lo lắng, bứt rứt không yên, không biết con em mình liệu có chịu được vất vả trong doanh trại hay không, liệu có ăn uống đầy đủ, chăm sóc cho bản thân tốt hay không…
Còn suy nghĩ của những người ra quân ngày hôm nay ngoài những cảm xúc buồn bã phải rời xa gia đình một thời gian thì chắc chắn xen kẽ là những bồi hồi, lo lắng không biết môi trường quân đội sẽ như thế nào, có khắc nghiệt như mọi người hay kể không, kỷ luật sẽ khiến bản thân thay đổi ra sao, đây có thực sự là một trải nghiệm sống nên thử hay không…
Tôi thì chưa có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống quân ngũ, nhưng bố và bác tôi đã từng đi lính, vì thế tôi vẫn hay được nghe những câu chuyện của họ.
Có thể, ở thời điểm hiện tại, bối cảnh thời gian và không gian đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi vẫn luôn giữ một niềm tin rằng môi trường quân ngũ chính là môi trường tốt nhất khiến con người ta thay đổi mạnh mẽ vì hai chữ: Kỷ luật!
Và tôi nghĩ rằng, không chỉ trong môi trường quân ngũ, mà trong bất kì một môi trường nào, kỷ luật luôn tạo ra những con người tốt hơn, tự giác hơn, suy nghĩ tích cực hơn. Phát âm hai chữ “kỷ luật” sao mà dễ dàng đến thế, ấy vậy mà lại có rất ít người làm được điều này. Bởi lẽ, kỷ luật là việc vượt qua lòng ham thích và và nỗi sợ trong hiện tại vì mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống.
Kỷ luật chính là một trong những chìa khóa đầu tiên cần luyện tập hằng ngày để đạt được mục tiêu ở ở bất cứ độ tuổi nào, bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào. Kỷ luật chắc chắn là cả một quá trình dài đầy khó khăn nhưng hãy yên tâm rằng: “Mọi thứ thường khó ở giai đoạn đầu, rối rắm giai đoạn giữa và tuyệt vời ở giai đoạn cuối cùng”.
Dù có yếu tố bên ngoài thúc đẩy quá trình kỷ luật bản thân hay không thì suy cho cùng, thói quen tự giác của chính mình sẽ tạo nên một phiên bản thứ hai tốt hơn bao giờ hết. Bởi thế, hãy biến công việc khó khăn này thành nghĩa vụ và sau cùng là trách nhiệm của chính bản thân mình.
Ảnh cắt từ chương trình thực tế Sao nhập ngũ
Hãy bắt đầu bằng cách lập kế hoạch thực hiện một nhiệm vụ nhỏ với thời gian định trước:
– Cân nhắc từ bỏ thói trì hoãn: Cứ chần chừ suy nghĩ rằng có nên thử việc này không thì sẽ có lúc bạn sẽ nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thời gian vào một việc vô bổ, mà lẽ ra, trong từng ấy thời gian, bạn đã có thể mang về cho mình những trải nghiệm đáng quý. Thậm chí, muốn kỷ luật bản thân để trở thành một phiên bản chính mình tốt hơn thì việc lập kế hoạch cũng không được chần chừ vì trì hoãn nhiều lần sẽ khiến bản thân trở nên ì ạch, thụ động.
– Khai thác sức mạnh của sự cân bằng: Đặc biệt là trong việc cân bằng thời gian. Không quản lý được quỹ thời gian một ngày của bản thân chính là điểm yếu của rất nhiều người mà có khi cả đời cũng không thể làm được, chắc có lẽ quyết tâm của họ chưa đủ lớn. Giả dụ như thay vì làm việc liên tục nhiều giờ trong một ngày, để rồi lại rảnh rỗi không có việc vào một ngày khác. Vì thế, bạn hãy định rõ một quãng thời gian cụ thể mỗi ngày trong tuần để làm công việc đó.
– Theo dõi và ghi nhận quá trình rèn luyện bản thân: Khi chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc của mình, hoặc chuẩn bị làm việc, hãy dành ra vài phút để ghi ra giấy những công việc mà bạn cần phải hoàn thành trong ngày hôm ấy. Thói quen được hình thành theo thời gian, còn việc mất bao lâu là tùy thuộc vào bạn và thói quen của bạn.
– Đừng ngã lòng: Hầu như 80% dân số bị tê liệt vì nỗi sợ phạm phải lỗi lầm cho nên họ k dám làm thậm chí bước đầu tiên. Vậy nên, hãy bắt đầu với việc mình ghét nhất. Vật cản trở lớn nhất chính là sợ thất bại, sợ vấp ngã, sợ tốn thời gian…
Hãy nhớ: “Kỷ luật chính là tự do. Người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê.” – nhà giáo dục nổi tiếng Stephen Covey.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn