Nữ giám đốc tài chính hé lộ cách trả nợ gần 6 tỷ trong 10 năm
Cori Arnold là giám đốc tài chính, tác giả nhiều cuốn sách về tư duy và quản lý tài chính cá nhân. Cách đây 10 năm, cô rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, phải gánh khoản nợ 260.000 USD (gần 6 tỷ) gồm khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng và cả công việc. Cô tâm sự: ” Dù từng làm việc với tư cách là nhà phân tích và quản lý tài chính cho các công ty lớn, tôi vẫn cảm thấy mình đang bị tụt hậu về các về đề tài chính cá nhân”.
Mọi chuyện thay đổi khi cô tình cờ xem một chương trình của Suze Orman – người được mệnh danh là “phù thủy tài chính”. Trong chương trình đó, nữ chuyên gia này đã dẫn một phụ nữ lên sân khấu, cho cô ấy xem một giá treo đồ và một đống tiền mặt tương ứng giá trị của những món đồ kia. Orman liền hỏi người phụ nữ kia xem cô thích cái nào hơn, và cô ấy đã thẳng thắn nói là tiền mặt. Ví dụ ấy đã khiến Arnold suy nghĩ lại về cách chi tiêu của mình.
Nữ giám đốc tài chính cho biết: “Tôi luôn giao dịch bằng tiền mặt mỗi ngày, nhưng chưa bao giờ để ý rõ món đồ mình mua trị giá chính xác bao nhiêu. Tôi bắt đầu nhận ra, rành mạch mọi chi tiêu là cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất. Bản thân sẽ không thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào nếu không biết chính xác những gì mình mắc nợ”. Vì thế, cô đã dành thời gian thống kê các khoản nợ của mình, và choáng váng khi biết mình bỏ lỡ vô số khoản tiền và khiến bản thân chìm sâu vào nợ nần hơn.
Sau khi được “thức tỉnh”, cô đã thay đổi thói quen chi tiêu, cuối cùng đã có thể trả món nợ 260.000 USD sau 5 năm. Sau đó, cô tập trung vào việc làm giàu, và sau 5 năm nữa đã tiết kiệm được 1 triệu USD. Dưới đây là cách Cori Arnold đã làm điều đó:
Theo dõi các khoản nợ
Cori cố gắng theo dõi các khoản nợ của mình bằng bảng tính Excel, cập nhật 2 tuần/lần. Cô cố gắng duy trì điều này, ban đầu là để biết rõ tổng chi phí lãi vay. Sau này, dữ liệu từ bảng tính ấy đã giúp cô lên kế hoạch để giảm nợ một cách đúng đắn.
Từ việc theo dõi nợ, cô hình thành một thói quen tốt hơn là luôn ghi chép mọi chi tiêu của mình. Cori cho biết: “Điều này giúp tôi tập trung vào mục tiêu kiếm tiền tốt hơn”.
Tự cơ cấu nợ
Trước đó, cô sống trong một ngôi nhà đã mua vào năm 2012 với một khoản vay lãi suất cao. Sau khi biết rõ số tiền lãi phải trả, cô vay một khoản nợ mới với lãi suất thấp hơn và dùng tiền vay để trả nợ cũ. Chưa kể, cô còn chuyển một phần số dư nợ sang các thẻ tín dụng có lãi suất 0% trong những năm đầu, dù phải chịu một chút phí chuyển đổi.
Nhờ bảng theo dõi nợ, Arnold nhận ra mua nhà là gánh nặng tài chính lớn nhất mà tiền lãi phải trả rất nhiều. Do đó, cô đã bán nhà vào năm 2016, giúp tổng dự nợ giảm còn 177.000 USD và chi phí tãi vay giảm còn 6.500 USD/năm.
Tối ưu chi phí, thay đổi tư duy
Nữ giám đốc tài chính này nhấn mạnh việc theo dõi khoản chi tiêu là rất quan trọng. Cô xem xét mọi khoản chi tiêu, ngay cả khi trông nó rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn như máy pha cà phê mà cô được tặng, tuy Cori không mất tiền mua nó nhưng lại đang trả 10 USD/tuần cho các viên nén cà phê. Sau khi tính rằng điều đó tương tự 500 USD/năm, cô đã quyết định tặng máy pha cà phê này cho người bạn thân và hạn chế chi tiêu nó.
Ngoài ra, cô cũng kiểm tra lại tủ quần áo, tạm dừng việc mua sắm quần áo, giày dép trong vài năm, chưa kể còn hạn chế ăn nhà hàng. Đây là những thay đổi khó khăn, nhưng Cori không coi đó là kham khổ mà lại là những việc cần thiết. Cô hiểu rằng mình đang cố gắng giúp bản thân mình thoát nợ và có tiền để làm những điều khác.
Nữ tác giả chia sẻ: “Giai đoạn đó, tôi cũng bắt đầu sắp xếp lại cách tôi nghĩ về tiền và tiếp cận nó với một tư duy phong phú hơn. Năm ngoái, tôi bắt đầu thực hành viết ra 3-5 điều mà mình cần biết ơn mỗi sáng. Tôi nhận thấy rằng, việc tích cực thực hành lòng biết ơn đã giúp tôi xác định và theo đuổi những cơ hội mới”.
Tăng thu nhập
Sau khi trả hết nợ, Coir Arnold bắt đầu tập trung vào việc tăng thu nhập. Cô có nhiều nguồn thu khác nhau, sống bận rộn nhiều năm qua với các công việc như dạy thêm, làm nhân viên bán hàng part-time. Được biết, hiện cô đang viết sách và viết blog về tài chính, đồng thời sản xuất và bán các tạp chí về tài chính cá nhân. Trước đó vào năm 2018, cô lấy được giấy phép môi giới bất động sản và trở thành môi giới, thậm chí còn mua được một căn nhà và cho thuê trước đại dịch.
Cori Arnold cho biết: “Lời khuyên của tôi là hãy suy nghĩ về sở thích và kỹ năng của bản thân, từ đó có thể tìm ra cách để kiếm tiền từ những gì bạn yêu thích. Nếu có điều gì đó bạn luôn muốn tìm hiểu thêm, đừng ngại thử”.
Đầu tư
Mặc dù ưu tiên chính là trả nợ, cô vẫn đảm bảo rằng bản thân đang đầu tư cho tương lai. Vì thế, cô góp 10% tiền lương mỗi tháng vào tài khoản hưu trí, sau đó tăng lên thành 22% sau khi trả xong nợ. Tuy có những lúc Cori cảm thấy đầu tư rất nhiều rủi ro, nhưng cô nhận ra thành quả sau những ngày kiên nhẫn đổ vào quỹ tương hỗ, quỹ chỉ số và quỹ hoán đổi danh mục… rất xứng đáng.
Hiện tại, nhờ vào danh mục đầu tư bất động sản, quỹ chỉ số và cổ phiếu, nữ giám đốc này đã có khối tài sản khoảng 1 triệu USD và sẽ còn tăng trưởng trong tương lai. Cori khuyên: “Lời khuyên của tôi dành cho mọi người là hãy kiên nhẫn, bền bỉ và nhất quán trong mọi việc. Các từ khóa này đã giúp tôi rất nhiều trong hành trình trả nợ và tiết kiệm được một triệu USD”.
Theo CNBC
Xem thêm: 6 thói quen tiêu tiền không thông thái khiến ta luôn rỗng túi: Mua đồ chỉ vì nó đang giảm giá
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Nguồn : https://songdep.com.vn/348-nu-giam-doc-tai-chinh-he-lo-cach-tra-no-gan-6-ty-trong-10-nam-d8383.html
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin