Thăm vườn đầu năm
Cô giáo dạy Văn hồi trung học của tôi từng phân tích rằng, thế giới nội tâm của chúng ta giống như một “khu vườn” rộng lớn cần chăm sóc thường xuyên, nếu không được chăm sóc, cỏ dại sẽ mọc đầy trong vườn, lấn mất đất của các loài hoa. Muốn có hoa đẹp, chúng ta cần gieo trồng mầm tốt và chịu khó làm vườn, nhổ cỏ, tưới tắm chăm bón cho những cây hoa. Sau này, khi lựa chọn học và theo đuổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần, tôi vẫn thích hình ảnh so sánh ẩn dụ này của cô giáo. Đặc biệt, tôi cũng cảm thấy bất ngờ khi biết được rằng trung bình mỗi giờ thức giấc, chúng ta trải qua 27 cung bậc cảm xúc khác nhau, suy ra mỗi ngày với khoảng 17 giờ hoạt động, chúng ta trải qua gần 500 cung bậc cảm xúc (1). Nhiều cảm xúc trong số này là hoa, và nhiều không kém, thậm chí nhiều hơn bội phần, là cỏ dại.
Như một phản ứng bản năng bảo vệ chúng ta, vùng phụ trách cảm xúc của bộ não là Hạnh nhân (Amygdala) có khuynh hướng đưa ra những phản ứng cảm xúc lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, căng thẳng, tức giận như những tín hiệu nhắc nhở chúng ta phải biết tự bảo vệ để sinh tồn trước các tác động nguy hiểm từ bên ngoài. Đây là cơ chế phòng vệ tự nhiên từ trong bản năng, chức năng vốn có của chúng là giúp chúng ta cảnh giác từ trong vô thức. Tuy nhiên, nếu xuất hiện với tần suất dày đặc không kiểm soát, những cảm xúc này sẽ như cỏ dại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta trên nhiều mặt – sức khỏe thể chất, tinh thần, mối quan hệ. Ít hay nhiều, chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về những hệ quả tiêu cực mà những cảm xúc này đem lại trong một giai đoạn nào đó.
Nếu như cảm xúc tiêu cực có khuynh hướng dễ mọc như cỏ dại thì cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng, tự hào hay yêu thương được ví như hoa đẹp, lại không dễ mọc, chúng cần được ươm trồng, chăm sóc thường xuyên. Như vậy, nếu chúng ta muốn có nhiều cảm xúc tích cực thì cần bắt tay vào “làm vườn” trên mảnh đất khu vườn nội tâm của mình: dọn cỏ, tưới nước, chăm bón, tỉa cành, chữa cây bệnh. Từ chuyên môn y khoa gọi những công việc này là “vệ sinh tâm thần” để có được sức khỏe lành mạnh cho tâm trí. Với guồng quay cuộc sống vội vã, hối hả, đầy cạnh tranh như hiện nay, đời sống cảm xúc của chúng ta càng chịu nhiều sức ép thì việc chăm sóc “khu vườn tâm hồn” càng cần thiết.
Nói về chăm sóc vườn tược, tôi xin mượn “nguyên tắc 3Đ” sau đây từ một người có thú vui làm vườn là bác tôi, để chia sẻ cùng bạn đọc. Tôi tin nguyên tắc 3Đ này cũng hoàn toàn có thể áp dụng cho “khu vườn nội tâm”.
Đúng
Không có loại đất nào phù hợp với tất cả loài hoa. Và mỗi loài hoa cũng cần điều kiện riêng để triển nở đẹp nhất, như hoa hướng dương cần ánh sáng, hoa lan cần sương đêm, hoa hồng cần không khí dịu mát. Tùy theo vườn của mình mà chọn hoa, cũng tùy theo từng khu vực, từng góc trong vườn để chọn đúng loại hoa phù hợp.
Cảm xúc chúng ta cũng tương tự, cần sự phù hợp với hoàn cảnh. Trong phạm vi này, chúng ta không bàn tới sự phù hợp về hoàn cảnh văn hóa vốn rất rộng và có rất nhiều khác biệt. “Hoàn cảnh” ở đây được hiểu là tình huống thực tế mà một người đang ở trong đó. Có những triệu chứng rối loạn cảm xúc được cho là không phù hợp với ảnh hưởng của một sự việc trên thực tế. Chẳng hạn, chứng rối loạn lo âu là cảm xúc lo âu quá nhiều hoặc tâm trạng lo âu kéo dài khi diễn tiến đang xảy ra không đáng lo như thế, thậm chí không còn mối nguy đáng phải lo.
Một trong số biện pháp tâm lý phòng ngừa rối nhiễu cảm xúc là đánh giá tình huống phù hợp thực tế, phát hiện những mối nối chưa hợp lý trong suy nghĩ để điều chỉnh cảm xúc phù hợp hơn. Albert Ellis, nhà tâm lý đưa ra liệu pháp cảm xúc hợp lý (Rational Emotive Behavior Therapy) giúp chúng ta điều chỉnh hành vi dựa trên điều chỉnh cảm xúc của mình, và sâu hơn, là điều chỉnh cách nghĩ – hạt mầm của cảm xúc. Ellis chỉ ra những niềm tin không hợp lý (Irrational Beliefs) làm gia tăng cảm giác lo sợ, căng thẳng như “Tôi phải được mọi người chấp nhận”, “Tất cả sai lầm đều đáng bị trừng phạt”, “Có một giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề và tôi phải tìm ra giải pháp ấy”.
Đủ
Mảnh vườn trên đất có diện tích nhất định, “khu vườn nội tâm” tuy trừu tượng, vô hình nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có giới hạn. Bộ não, cơ quan vật chất, “phần cứng” của tâm trí cũng cần những điều kiện hóa lý ổn định để duy trì trạng thái khỏe mạnh. Việc dư thừa hoặc thiếu hụt chất nội tiết, chất dẫn truyền thần kinh sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động thể chất và tinh thần. Chăm sóc cho “phần cứng” này bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, giấc ngủ đủ giờ, hít thở đủ sâu cũng chính là góp phần “trồng hoa” cho tâm hồn.
Liên quan đến nguyên tắc Đủ, cảm xúc cũng có quy luật của nó, xin kể ra ở đây quy luật về ngưỡng chịu đựng và quy luật di chuyển. Ngưỡng cảm xúc đề cập đến hiện tượng khi một trạng thái diễn ra quá mạnh hoặc kéo dài sẽ biến đổi thành trạng thái khác. Chẳng hạn, nỗi sợ tột bậc làm cho con người tê liệt vì khiếp hãi, nỗi buồn kéo dài quá lâu có thể trở thành trầm cảm, tâm trạng ấm ức, dồn nén lâu ngày có thể bùng phát thành cơn phẫn nộ. Thay vì để cảm xúc tự trôi, chúng ta có thể chủ động gởi tín hiệu “Đủ” lên não và chuyển hóa cảm xúc thành những trạng thái mới có lợi hơn cho sức khỏe và hiệu quả làm việc.
Cảm xúc cũng không chỉ dừng lại ngay tình huống tạo ra nó, “giận cá chém thớt” là câu nói diễn tả đầy đủ quy luật này. Để tránh những ảnh hưởng không mong muốn do cảm xúc của chính mình, chúng ta có thể tự khoanh vùng cho nó nếu như chưa thể làm cho cảm xúc nguôi ngoai. Các câu hỏi “Ai? Ở đâu? Khi nào?” tuy đơn giản nhưng có thể trợ giúp chúng ta kiểm soát mức độ tác động từ hành vi của chính mình. Khi trong vườn xuất hiện dịch bệnh trên hoa lá, nếu chưa thể xử lý hoàn toàn được thì cách ly những cây bệnh ở một chỗ giới hạn cũng là một giải pháp tạm thời.
Đẹp
Hoa lá, cảnh vật trong vườn là để ngắm nhìn, do đó, vườn phải đẹp. Tiêu chuẩn cái đẹp khác nhau ở mỗi người những nhìn chúng, cái đẹp đầu tiên đến từ sự thu xếp ngăn nắp, sắp đặt hài hòa. Quá nhiều hoa nhưng sắp đặt không theo bố cục sẽ làm khung cảnh trở nên lộn xộn, thiếu điểm nhấn. Khu vườn tâm hồn chúng ta càng cần hơn nữa sự tươi đẹp. Phải chăng cái đẹp đầu tiên của tâm trí là sự trong trẻo, an lành? Những gì làm cho tâm trí ta u ám, bất an? Phải chăng có phần đóng góp của những kỷ niệm muộn phiền, thất vọng, đau đớn? Nếu có ai đó nói với bạn rằng đã đến lúc bước qua quá khứ thì cũng thử động viên chính mình. Nếu chưa thể quên, thì hãy gói chúng lại trong những chiếc hộp đẹp, cho chúng những dòng ghi chú ý nghĩa và cất chúng nằm yên. Ký ức của chúng ta cũng cần sự lưu trữ có trật tự, nếu không, mọi thứ trong đó va chạm nhau có thể làm rơi vỡ, hoặc gây ra sự chèn ép, bóp méo vẻ đẹp của những cái mới được lưu vào.
Cái đẹp có được khi chúng ta ngắm nhìn một bông hoa rực rỡ khác với cái đẹp khi được ngắm nhìn một chiếc nụ còn xanh chín dần và hé nở thành hoa. Ở trường hợp chiếc nụ, chúng ta tìm thấy cái đẹp của sức sống, của sự biến chuyển theo thời gian. Tương tự như ai đó đã nói, hạnh phúc không phải là đích đến mà là con đường ta tìm đến. Mỗi sự kiện, mỗi biến cố xuất hiện đều có lý do của nó và góp phần tạo nên cái đẹp của chúng ta ngày hôm nay. Một cách tích cực để xoa dịu nỗi đau buồn là trao cho ký ức ấy một ý nghĩa về lý do tồn tại và trân trọng giá trị những gì đã xảy ra.
Hy vọng “nguyên tắc 3Đ” trên đây sẽ nhắc bạn chăm sóc “khu vườn nội tâm” của chính mình, gieo trồng những ý nghĩ và cảm xúc lành mạnh để sống hạnh phúc và viên mãn hơn. Nào, hãy tạm gác những lo toan bộn bề đầy thách thức để cho mình những phút giây thong thả bước vào thăm khu vườn ấy thôi, thời khắc giao mùa cuối năm đang đến gần, những nụ hoa xinh trong vườn đang đón chờ nắng ấm và gió xuân …
Thegioibantin.com
Đoàn Bắc Việt Trân – Chuyên gia Tham vấn/Huấn luyện/Đào tạo, Human Dynamic
(1). Travis Bradberry và Jean Greaves, Thông minh cảm xúc để hạnh phúc và thành công, Uông Xuân Vy và Trần Đăng Khoa dịch, NXB Phụ Nữ 2012